Thơ Louise Glück

Linh Văn dịch và giới thiệu

Louise Glück sinh ngày 22 tháng 04 năm 1943, là chủ nhân của giải Nobel văn chương năm 2020. Bà là nhà thơ người Mỹ từng đoạt nhiều giải thưởng như Pulitzer, Bollingen hay National Book Award. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã xuất bản nhiều tập thơ với các chủ đề đa dạng về con người, tự nhiên và đời sống. Việc chọn dịch và giới thiệu những bài thơ tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của bà nằm ngoài mục đích và khả năng của người dịch. Chùm thơ này, gồm những bài thơ rải rác trong các tập thơ bà từng xuất bản, được chọn dịch từ tình cảm (dĩ nhiên, có tính riêng tư và chủ quan) của người dịch đối với chúng.

A black-and-white photo of Louise Glück in sunlight

Ảnh: The Atlantic

Hóa thân

1. Đêm

 

Thiên thần cõi chết bay

la đà trên giường của cha tôi.

Chỉ mẹ tôi nhìn thấy. Mẹ và cha

đang ở riêng cùng nhau trong phòng.

 

Bà cúi xuống để chạm vào

tay ông, trán ông. Bà đã

quá quen với việc làm mẹ

đến nỗi giờ đây bà vuốt ve xác thân ông

như bà vuốt ve những đứa con khác,

đầu tiên thật nhẹ nhàng, rồi

dần quen với đớn đau.

 

Chẳng có chi khác biệt.

Ngay cả cái đốm đen trên phổi

đã luôn luôn ở đó.

2. Hoá thân

Cha đã quên tôi

trong cơn phấn khích về nỗi chết.

Giống như một đứa trẻ bỏ ăn,

ông không còn nhận biết bất cứ điều gì nữa.

 

Tôi ngồi bên mép giường của ông

trong lúc sự sống xoay vòng quanh chúng tôi

như vô vàn gốc cây bị đốn hạ.

 

Một lần, trong một sát-na

nhỏ nhất, tôi ngỡ

ông đã hồi sinh;

rồi ông nhìn tôi

như một người mù nhìn chòng chọc

vào vầng dương kia, bởi

bất cứ điều gì nó có thể làm cho ông

đã an bài tất thảy.

Rồi khuôn mặt bừng đỏ của ông

quay lưng lại với giao ước.

 

3. Cho cha

 

Con sẽ sống mà không có cha

như con đã một lần

sống mà không có mẹ.

Cha nghĩ con không nhớ điều đó ư?

Con dành cả đời này để khắc cốt ghi tâm.

 

Giờ đây, sau quá nhiều đơn độc,

cái chết không còn làm con sợ hãi,

chẳng phải cái chết của cha, cũng chẳng phải của con.

Và mấy từ đó, lần cuối cùng,

chẳng còn sức nặng gì với con. Con biết

yêu thương mãnh liệt luôn dẫn về đớn thống.

 

Xin hãy một lần, xác thân cha đừng làm con khiếp sợ.

Thảng hoặc, tay con khẽ lướt trên mặt cha,

như một chiếc khăn lau bụi.

Giờ đây điều gì còn có thể khiến con bàng hoàng? Con cảm thấy

không lạnh lẽo nào là không thể cắt nghĩa.

Áp vào má cha, bàn tay con ấm áp

và tràn nỗi dịu dàng.

 

“Metamorphosis” – Từ tập thơ “The Triumph of Achilles” (1985)

 

Cái ao

 

Đêm phủ lên cái ao bằng đôi cánh tối.

Dưới quầng trăng tán, em có thể nhìn thấy

gương mặt anh đang bơi giữa đàn cá tuế và

những vì sao nhỏ vọng về. Giữa trời đêm

mặt ao dát ánh kim.

Ở bên trong, đôi mắt anh đang mở. Em nhận ra

chúng chứa một hồi ức, như thể

ta đã ở cạnh nhau ngày thơ dại. Bầy ngựa non của hai ta

được chăn thả trên đồi, chúng màu xám

lẫn các mảng màu trắng. Giờ đây chúng gặm cỏ

cùng với người đã khuất, kẻ ngóng chờ

như trẻ nhỏ dưới tấm bia lát bằng đá hoa cương,

sáng suốt và vô vọng:

 

Những ngọn đồi ở phía xa xa. Chúng mọc lên

đen hơn cả tuổi thơ.

Anh nghĩ gì mà nằm im đến thế

cạnh mặt nước ao kia? Khi anh trông như vậy em muốn

chạm vào anh, nhưng không, em thấy

như thể hai ta đã cùng chung huyết thống ở một thuở kiếp nào.

 

“The Pond”Từ tập thơ “The house on Marshland” (1975)

 

Nostos(*)

 

Từng có một cây táo trong sân—

đây là những gì của

bốn mươi năm trước—phía đằng sau,

chỉ là đồng cỏ. Những bông nghệ tây

dạt trôi trên cỏ ướt.

Tôi đứng bên ô cửa sổ ấy:

vào cuối tháng Tư. Hoa xuân nở

trong sân nhà hàng xóm.

Biết bao lần, thực sự, cây đã

nở hoa vào sinh nhật của tôi,

đúng hôm ấy, không sớm,

không muộn? Bất biến

thế chỗ cho đổi dời, tiến hoá.

Dư ảnh thế chỗ

cho luân vũ trần gian. Tôi biết gì

về chốn này nhỉ,

vai trò của cái cây trong nhiều thập kỷ

đã bị chậu bonsai chiếm mất, giọng nói

vọng lên từ sân quần vợt—

Những cánh đồng. Mùi cỏ cao, mới cắt.

Như người ta mong đợi ở một nhà thơ trữ tình.

Chúng ta chiêm ngắm thế gian này chỉ một lần, vào ngày thơ dại.

Phần còn lại là hồi ức.

 

(*): Tựa đề là một chủ đề trong văn hoá/ văn chương Hy Lạp cổ đại, nghĩa là trở về nhà bằng một chuyến hải trình.

 

“Nostos” – Từ tập thơ “Meadowlands” (1996)

 

Presque Isle (*)

 

Trong mỗi cuộc đời, có một đôi khoảnh khắc.

Trong mỗi cuộc đời, có một căn phòng ở đâu đó, cạnh biển hay trên những ngọn núi.

 

Trên bàn, một đĩa những trái mơ. Hạt mơ nằm trong chiếc gạt tàn trắng.

 

Giống như mọi ảnh hình, đây là các điều kiện của một thoả ước:

trên má người, ánh mặt trời run rẩy,

ngón tay tôi ấn vào đôi môi người.

Những bức tường trắng xanh; sơn bong nhẹ từ chiếc bàn giấy thấp.

 

Căn phòng đó vẫn phải hiện hữu, trên tầng bốn,

với ban công nhỏ trông ra đại dương.

Một căn phòng vuông màu trắng, tấm ra trên cùng bị kéo ngược lại quá mép giường.

Mọi thứ đã chẳng tan rã trở lại vào hư không, vào hiện thực.

Qua ô cửa mở, gió biển, mùi muối.

 

Tờ mờ sáng: một người đàn ông gọi một cậu bé từ dưới nước trở về.

Cậu bé ấy – bây giờ độ đôi mươi.

 

Phủ quanh khuôn mặt người, mái tóc ướt duềnh lên, màu nâu vàng vằn vện.

Vải muxơlin, lấp lánh bạc. Chiếc bình trĩu đầy những đoá mẫu đơn trắng.

 

(*): “presque isle” là một từ tiếng Anh gốc Pháp, được dùng để chỉ một vùng đất gần như một hòn đảo.

 

“Presque Isle” – Từ tập thơ “The Wild Iris” (1992)

 

Buổi tối tĩnh lặng

 

Anh nắm lấy tay em, rồi chúng ta trơ trọi

giữa cánh rừng hiểm dữ, gần như ngay tức khắc

 

ta ở trong một ngôi nhà; Noah đã

lớn lên và đi xa; cây hoa tiên lão sau mười năm

thất thần nở những đoá hoa màu trắng.

 

Hơn mọi thứ trên đời

em yêu những buổi tối khi chúng ta bên nhau,

những buổi tối mùa hè tĩnh lặng, bầu trời vào giờ này còn sáng.

 

Thế nên Penelope đã nắm lấy tay Odysseus,

không phải để níu chàng lại mà để khắc sâu

nỗi yên hàn này vào trí nhớ của chàng:

 

từ lúc ấy trở đi, mỗi khoảng lặng anh qua

là giọng em đuổi theo và bám lấy.

 

“Quiet Evening” – Từ tập thơ “Meadowlands” (1996)

 

Eurydice

 

Eurydice đã trở lại âm ty.

Những gì nguy nan

ấy là cuộc hành trình,

khi đến nơi, bị rơi vào quên lãng.

 

Sự chuyển tiếp

thời khó khăn.

Và dịch chuyển giữa hai cõi giới

cũng đặc biệt như thế;

thật căng thẳng xiết bao.

 

Một lối rẽ

chất đầy khát khao và nuối tiếc,

đến nơi mà chúng ta, trên dương gian,

chỉ mới dạo bước vào

hoặc còn nhớ thoảng qua.

 

Chỉ trong chớp mắt

khi bóng tối địa phủ

vây quanh nàng lần nữa

(nhẹ nhàng, tôn kính),

chỉ trong chớp mắt

dư ảnh của vẻ đẹp thế trần

chạm vào nàng lần nữa, vẻ đẹp mà bởi nó

nàng đã từng buồn đau.

Nhưng để sống với xảo trá nhân gian

lại là một chuyện khác.

 

“Eurydice” – Từ tập thơ “Viva Nota” (1999)

 

Những lá thư

 

Là đêm trong lần cuối cùng.

Lần cuối cùng đôi tay anh

tụ hội trên thân thể em.

 

Ngày mai trời sẽ sang thu.

Ta sẽ ngồi cùng nhau trên ban công

ngắm đám lá khô trôi dạt qua làng

chúng giống những lá thư mà ta sẽ đốt,

từng lá từng lá một, trong những căn nhà riêng biệt của hai ta.

 

Một đêm yên tĩnh làm sao.

Chỉ giọng anh thầm thì

kìa em ướt, em muốn

và đứa trẻ

ngủ như thể chưa từng được sinh ra.

 

Sớm mai trời sẽ sang thu.

Ta sẽ cùng tản bộ trong khu vườn nhỏ

giữa những chiếc ghế đá và những bụi cây

còn chìm khuất trong sương

như mớ đồ đạc bị bỏ phế lâu ngày.

Hãy nhìn đám lá dạt trôi trong bóng tối như thế nào.

Ta đã thiêu trụi

tất cả những gì được viết ra trên chúng.

 

“The Letters” – Từ tập thơ “The house on Marshland” (1975)

 

Ngọn lửa

 

Người đã chết khi ta còn bên nhau

tôi sẽ chẳng cần gì ở người.

Giờ đây tôi nghĩ về người như người chết, thế thì tốt hơn.

Thường, vào những tối lập xuân mát lành

khi, với những ly biệt đầu tiên,

mọi thứ chết chóc bước vào thế giới này,

tôi đốt lửa cho hai ta bằng gỗ thông và gỗ táo;

ngọn lửa

cứ liên hồi bùng lên rồi lịm tắt

bởi trong màn đêm đang đến kia

ta thấy nhau thật tỏ—

 

Và vào ban ngày hai ta được thoả nguyện

như trước đây

trên trảng cỏ dài,

trong những cánh cửa diệp lục và bóng rừng xanh mát.

 

Và chẳng khi nào người nói

Để tôi yên

vì người chết không thích mình đơn lẻ.

 

“The Fire” – Từ tập thơ “The house on Marshland” (1975)

 

Đây là mớ quần áo màu đen của em

 

Em nghĩ bây giờ không yêu ai tốt hơn bằng

yêu anh. Đây là mớ quần áo màu đen của em,

áo ngủ mỏi mệt và áo choàng sờn

nhiều chỗ. Tại sao chúng phải treo lên vô dụng

như thể em đang trần truồng? Anh thích em trông đủ đẹp

trong màu đen; em tặng anh món quà làm từ mấy món đồ này.

Anh sẽ muốn chạm vào chúng bằng cái miệng của mình, lướt

ngón tay anh qua

mớ đồ lót mềm mỏng kia và em

sẽ không còn cần đến chúng trong trang mới của đời em.

 

“Here are my black clothes”Từ tập thơ “The house on Marshland” (1975)

 

Ngọn gió rút lại

 

Khi tạo ra các ngươi, ta đã yêu thương các ngươi.

Giờ đây ta chỉ thương hại mà thôi.

 

Ta đã ban cho các ngươi mọi thứ các ngươi cần:

đất là giường, trời xanh là chăn đệm—

 

Khi càng xa các ngươi

ta mới nhìn thấy rõ các ngươi hơn.

Tâm hồn của các ngươi lẽ ra phải lớn lao,

chứ không như chúng bây giờ,

toàn những chuyện nhỏ nhặt—

 

Ta đã ban cho các ngươi mọi tặng vật,

màu xanh của buổi sớm xuân,

thời gian mà các ngươi không biết cách sử dụng—

các ngươi muốn nhiều hơn, món quà

vốn để dành cho một tạo tác khác.

 

Bất kể thứ gì các ngươi từng vọng tưởng,

các ngươi sẽ không tìm thấy chính mình trong khu vườn này,

giữa đám cây cối toả lan.

Cuộc đời của các ngươi không tuần hoàn như của chúng:

 

cuộc đời các ngươi là đường bay của cánh chim

khởi đi và kết thúc trong tĩnh lặng—

khởi đikết thúc, dưới dạng tiếng vọng

đường vòng cung này dội từ cây bạch dương

sang cây táo.

 

“Retreating Wind” – Từ tập thơ “The Wild Iris” (1992)

 

Cánh cửa tróc sơn

 

Rốt cuộc, ở độ trung niên,

Tôi thèm trở về thời thơ dại.

 

Căn nhà vẫn vậy, nhưng

cánh cửa đã khác.

Không còn màu đỏ nữa—gỗ đã tróc sơn.

Những cái cây vẫn vẹn nguyên như trước: cây sồi, cây ngô đồng.

Nhưng con người—tất cả cư dân của thời quá vãng—

đã ra đi: thất lạc, qua đời, di tản.

Đám trẻ con từ phía bên kia đường

những ông già, bà lão.

 

Mặt trời vẫn thế, bãi cỏ

nâu khô mùa hè.

Nhưng hiện tại chất đầy người xa lạ.

 

Và theo cách nào đó mọi thứ đều hoàn toàn chính xác,

chính xác như tôi từng nhớ: căn nhà, ngõ phố,

ngôi làng phồn thịnh—

 

Không phải để được tái sinh hay để bước vào một lần nữa

mà để biện minh

cho sự thinh lặng và nỗi vời vợi,

nỗi vời vợi của nơi chốn, của thời gian

độ chính xác đến kinh ngạc của trí tưởng và chiêm bao—

 

Tôi nhớ về tuổi thơ của mình như một ước muốn đau đáu là được sống ở nơi nào đó khác.

Chốn đây là nhà; đây chắc hẳn là

thời thơ ấu tôi mang trong tâm tưởng.

 

“Unpainted Door” – Từ tập thơ “The Seven Ages” (2001)

 

 

Comments are closed.