Bài thơ đọc gần suốt một năm như bị gai đâm dù mùi hoa chanh rất thanh cao.
Bài thơ dài chưa được một trang,
đọc từ tháng Giêng đến tháng Mười Hai,
đến đêm hôm qua vẫn còn đọc.
Cây chanh trồng trước sân, mùa xuân năm nay hoa trắng thơm, thanh cao. Đầu tuần rụng chiếc lá cuối cùng. Chiều nay cành gầy guộc chĩa gai nhọn chống lạnh mùa đông, hay chống nỗi cô đơn, không còn lá?
Bài thơ đọc rất nhiều lần,
lần nào cũng cảm thấy lạ,
có lắm điều ngẫm nghĩ chưa ra.
Có hôm đọc, thấy chữ mở bầu trời mênh mông, không mây, không gió, chỉ có nắng ngẩn ngơ, nhắc thân phận mong manh, sao vẫn phải làm điều gì, chẳng lẽ không làm gì, nhưng không biết nên làm gì, và ngày tháng trôi qua, chỉ cần nhìn cây chanh, ai cũng biết gần hết một năm.
Có hôm đọc, thấy chữ đào xuống hố sâu, đen tối không thấy đáy, càng đọc hố càng rộng, tâm tình bay như bầy dơi sắc sảo trong bóng tối, ý tưởng hòa tan trong âm u, nghe được tiếng dội của những câu hỏi vô hình giữa tứ thơ.
Có hôm đọc, thấy chữ nở ra những cánh đồng đầy hoa, bát ngát hoa ngút ngàn tận chân trời, mùi hương vọng trong tâm tư như tiếng chuông lúc mờ sáng, khiến linh hồn tội lỗi nghe chạnh lòng thánh thiện.
Có hôm đọc, thấy chữ chớp nháy như ngàn sao xa thật xa, mà vận tốc ánh sáng vô cùng kỳ thú, đi mấy trăm năm mới gặp con ngươi. Rồi có những đêm, chớp nháy như ánh lân tinh bởi đàn đom đóm lập lòe huyền ảo, nhất là những khi đêm tối mịt mờ.
Có hôm đọc, thấy chữ dính lại thành một khối, mới đầu còn dơ bẩn, dần dần trong suốt, sau sáu bảy tháng thu nhỏ lại, lóng lánh như viên ngọc trai. Nếu để nắng trời chiếu, sẽ phát quang chói lòa như ngọc rắn, mà Dã Tràng ngậm miệng, nghe tiếng nói muôn loài.
Có hôm đọc, thấy chữ tạc thành những pho tượng, không phải những tượng trồng trong công viên cho nắng mưa giày xéo, tượng chữ có màu thiên thu buồn bã, u uẩn trong thư viện, chỉ tiếp đón những ai thành tâm tìm đến.
Bài thơ dài chưa được một trang,
đọc hơn mười một tháng vẫn còn đọc,
bài thơ đã thuộc lòng,
khi muốn đọc, từng hàng hiện ra,
chữ chớp nhanh trong khi câu từ tốn,
trí hiểu rõ trong khi lòng mơ hồ,
hình như đang rờ rẫm khói sương.
Đêm trước đọc, thấy những câu thơ nối nhau, như đoàn tàu chạy rất nhanh trên con đường sắt dài vô tận, điều tác giả nói không cùng như đường sắt, độc giả ngồi trên tàu, nhìn phong cảnh thay đổi liên miên, sinh tình cảm khái.
Đêm trước đọc, thấy chữ chồng chất lên nhau, càng lúc càng cao, đến một lúc nào, đọc không thấy nữa. Tượng Nữ Thần Tự Do, tháp Eiffel, núi Everest, lầu Burj Khalifa cao ăn thua gì, chữ cao hơn.
Đêm trước đọc nửa chừng, chữ biến mất. Hiểu biết theo trí nhớ xóa sạch. Câu thơ không còn hiện ra.
Bài thơ dài chưa được một trang,
đọc gần một năm,
đêm nay không còn đọc, chỉ thấy cây chanh trồng trước sân, cành gầy guộc chĩa gai nhọn chống lạnh mùa đông, hay chống nỗi cô đơn, không còn lá?
Nơi tôi sinh ra trưởng thành rồi già dần với con chó câm
Nơi tôi sinh ra,
người chung quanh mắc bệnh nan y,
bệnh mắt, bệnh tai, bệnh cha truyền con nối.
1.
Nhà tôi nuôi con chó, bẩm sinh bị câm, vì chưa sủa bao giờ. Người này gọi con bê, người kia hỏi: Con gì thế? Cuối cùng mọi người gọi “Bê Câm”.
Phố tôi có ít thầy bói, nhiều thầy tu, ít thầy giáo, nhiều bia ôm, đủ hạng trộm cướp, vô số đàn ông đàn bà vô công rỗi nghề, ngồi lê nói mách.
Phố tôi có cô giáo Thảo, cậu Chó, chú Tư Cầu, trước khi họ nổi tiếng, trông cũng bình thường.
Phố tôi có ngổn ngang tượng anh hùng hảo hán, xây bằng xi-măng, nhưng bị rút ruột, nhìn thấy u uẩn.
Phố tôi có nhiều vỉa hè, thấy trẻ em hút thuốc uống bia. Những con hẻm vẳng tiếng kêu la khoái lạc của người và mèo hoang.
Phố tôi có nhiều phong bì không gửi bưu điện, trao tay thầm thì, người nhận vòng bụng càng ngày càng gia tăng, càng gia tốc, càng muốn phong bì nặng.
Phố tôi có nhiều ông nội, ông ngoại, không bận tâm chỉnh trang phố chợ. Chỉ muốn ứng cử tranh phiếu; xé rách cờ, mướn người ngồi vá, chụp hình đăng báo: Vá Lại Cơ Đồ.
Ông nội ông ngoại tranh nhau con cháu, không vì yêu thương, vì cần người trẻ phục vụ. Ôi tháng tư, tháng tám tháng mười tháng mười một, tháng nào chẳng có chuyện đấu tranh. Vì sao người già kêu gọi người trẻ nhiều hơn người trẻ kêu gọi người già?
Đôi khi mẹ dặn dò con cái, mẹ già không phải chuối ba hương, không phải xôi nếp một, không phải đường mía lau. Vì sao mẹ chỉ là món ăn? Ba nói:- Dân ta tham ăn, “Ăn cỗ đi trước…”
Đôi khi thấy người thợ sơn viết chữ quảng cáo, ngừng lại, hỏi kẻ qua đường: Chữ này đánh vần ra sao?
Đôi khi thấy ông Alexander de Rhodes lang thang tra hỏi dấu “nặng” tiếng Huế, vần “ầu” Bình Định, âm “òa” tiếng Quảng, rồi lẩm bẩm ghi chép.
– Nghe nói, chính ông sáng chế chữ quốc ngữ?
– Không, tôi nghiên cứu làm chữ giảng đạo.
– Sao mấy thần tăng không làm chữ truyền kinh?
– Vì tiếng Hán dễ hơn tiếng Nôm.
Đôi khi gặp các thầy đồ hiện đại, ra chợ hỏi người bán cá:
– “Ngư” là Việt Hán hay “Ngán” là Việt hư?
Đám cá chết dở, khiếp đảm, hóa ươn, mắt đục ngầu.
Đôi khi nghe người nghi ngờ phê phán bà Triệu Ẩu quấn vú ra trận. Lịch sử trả lời: Phúc cho kẻ nào không thấy mà tin. Về sau khảo cổ đào mồ, thấy toàn Âu Cơ, Lạc Long Quân, Phù Đổng Thiên Vương, Bố Cái… Đặc biệt là trống đồng.
Đôi khi thấy dòng họ Kim vất vả đánh trống chiêu hồn dân tộc. Nghi ngờ quá lớn, bịt cả hai tai, bịt luôn miệng. Chưa nghe hết trống, làm sao biết lòng?
Đôi khi thấy Alexis Zorba dạo phố Sài Gòn. Chuyện này thú vị. Không biết tiếng Việt, ông nhảy ra giữa đường, nằm lăn vỉa hè, trồng chuối, dùng nhảy múa bày tỏ tâm tình. Tự nhiên tự do tự động như lá bay trong gió, như mây nổi trên trời, như đứa bé chưa biết nói, như con Bê câm. Cuối cùng ông biến mất trong hẻm mèo kêu hoan hỉ, khiến nhiều người ganh tị.
2.
Nơi tôi sinh ra rồi trưởng thành, người chung quanh mắc bệnh nan y, bệnh mắt thấy sai, bệnh tai nghe lầm, bệnh cha truyền con nối
Mắt họ sáng như sao, sắc như kiếm, lanh như chớp, nhưng chỉ thấy vật thể bên ngoài, những thứ trừu tượng, đều thấy sai hoặc không thấy.
Tai họ thính, nghe rất xa, nghe cả trong lúc ngủ, nhưng thường nghe lầm. Những lời tốt, thiếu tự tin, đàm tiếu thành xấu. Những lời hay, cảm thấy xúc phạm, để tâm thù vặt.
Đối với họ “bác ái” và “từ bi” giống nhau. Là hành vi mua cứu rỗi, tích lũy tín dụng về trời.
Còn những danh từ: “Tự do, độc lập, dân chủ, nhân quyền” và nhiều chữ đồng dạng đồng tính… đều đúng nghĩa từ điển. Không thật sự sống.
Họ gắn bó “tình yêu” với “lãng mạn”. Tuổi nào cũng yêu vội sống cuồng. Lãng mạn là tình nhân của đam mê nhưng là kẻ thù của chung thủy.
Căn bệnh nan y di truyền từ lúc nào, không ai biết. Chỉ biết càng về sau, tai càng xa nhĩ, mắt càng lạc tròng.
Lang y mấy đời đồng ý, bệnh nhập tâm, khó chữa. Phải gặp cơ duyên.
Bác sĩ tây khám thử cho rằng, não bộ quá lớn nhưng lỏng. Như bao tử bò, bốn mùa không đủ cỏ. Đói lâu ngày, tưởng đã no.
Thầy cúng quả quyết do lời trù Mã Viện.
Con chó nuôi trong nhà tôi, cho ăn no mỗi ngày, nhưng não chó cần gì phải lớn!
Những khi trăng sáng, chó nằm ngoài sân rên ư ử, không chừng bị đau bụng. Tôi thử tưởng tượng, bị câm bực bội biết bao. Buồn phiền biết bao.
May mắn, bệnh người không truyền nhiễm chó.
3.
Nơi tôi sinh ra, trưởng thành rồi già dần.
người chung quanh mắc bệnh nan y, thấy những thứ vô ích, nghe những lời không cần, bệnh cha truyền con nối.
Một ít người không bệnh, họ bị cách ly, sống câm lặng như Bê; nhẹ nhàng đừng gây chú ý, lũi trong bóng tối; khi ra ánh sáng, tập cúi đầu.
Dân phố tôi không ưa họ.
Dân phố tôi làm thơ rất nhiều, đọc thơ rất ít; toàn dân yêu thơ, toàn dân không mua thơ.
Dân phố tôi giỏi nghề đục đẽo. Đục chữ lên đá, lên hoa cương. Lưng còng vì nhìn xuống.
Dân phố tôi rành nghề sửa chữa. Tỉ mỉ tủn mủn qua kính lúp, sửa chỗ hư. Lập nên tên tuổi cơ nghiệp như công ty sửa xe đạp, như tài hoa chữa nóc nhà dột, tráng lại nền đất, vá vách tường mục. Xem kính lúp không thể thấy ngọn cây, nói chi đến đỉnh lầu.
Vì bệnh mắt thấy sai, dân phố tôi thường xuyên bàn tán nhiều hơn làm. Mỗi người thấy mỗi khác, làm sao đoàn kết. Có thể khẳng định, Hội Nghị Diên Hồng xảy ra thuở chưa vướng bệnh nan y.
Vì bệnh tai nghe lầm, dân phố tôi thường xuyên nghe ngóng hơn tự mình tìm hiểu. Nghe đường một chiều, nói thành ngã sáu bùng binh. Nghe quốc gia thành cộng sản. Nghe cộng sản tưởng quốc gia. Nghe đạo đức giả, tin thật. Nghe lầm nhiều lần, về sau sợ sai, phải nghe người khác.
Vì thấy sai, nghe lầm, dân phố tôi trở thành đặc biệt:
Thấy ông Bùi Giáng dẫn bầy chó đi chơi, dân phố tôi ca ngợi hành vi yêu súc vật. Rồi bắt chó làm thịt ăn. Treo bán đầy ngã bảy ngã năm.
Nghe Thúy Kiều bán thân trả nợ cho cha, dân phố tôi bán thân xuất ngoại, trả nợ cho ai?
Thấy anh hùng trong sử sách ngợi ca, dân phố tôi đi làm cách mạnh. Khi trở về sợ hãi các cách mạng anh hùng.
Nghe thế giới chê bai người Trung Quốc khạc nhổ dơ dáy, rồi dân phố tôi xả rác khắp nơi, từ bên ngoài dơ tận bên trong.
Dân phố tôi sống bằng tâm tình thay trí tuệ, cảm xúc thay lý lẽ. Suy đón bằng nhạy cảm. Kết luận bằng tâm linh.
Bệnh nan y không biết bao giờ mới hết.
Có lẽ sau khi con Bê chết.
Có lẽ sau khi tôi chết.
Có lẽ sau nhiều thế hệ chết.
4.
Khi già dần, thấy dân phố tôi có những người mẹ yêu con vô tận. Có những người cha hy sinh suốt đời, lót đường cho con lớn khôn. Như cây Đa giăng tàn lá rộng, ngăn cỏ mọc cho hạt nẩy mầm. Như cá lội ngược dòng gian khổ, sinh cá con dẫn lại trùng khơi.
Khi già dần, thấy dân phố tôi có những người chị sớm tối nhọc nhằn thay mẹ nuôi em. Có những người anh chết ngoài sa trường, tự nhiên như lá rụng về cội, mục bón rễ sâu.
Khi già dần, thấy dân phố tôi có những người vợ vô cùng xuất sắc. Họ bẩm sinh đã biết rõ “nghĩa yêu”. Nếu thế gian có điều gì đáng kể, đó là điều ý thức nghĩa tình.
Tôi già dần, con Bê cũng già theo,
càng ngày càng lặng lẽ, dửng dưng nhìn người qua lại. Đuôi xụi lơ. Không còn vẻ đợi chờ. Gọi “Bê ơi”, không thèm tới, như không còn biết nó là ai.
Người hàng xóm vẫn hỏi: Con gì thế?
Có lẽ như vậy. cả phố chẳng ai gọi đúng tên tôi. “Ông Chó”, đâu phải là tên thật.
Con Bê chưa già đến độ bỏ ăn.
Gần đây, thấy nó như Tô Đông Pha, bị đày ra Hải Nam, ngồi chồm hỗm hút nắng.
Lâu quá, tôi quên mất tên thật của Bê.
– Chị, con Bê tên gì?
– Để coi. Không nhớ. Gọi Bê đi.
– Nó có tên mà.
– Gọi Chó đi. Nó là chó.
– Chó, Chó, Chó, lại đây.
Con bê chồm dậy
vẫy đuôi
chạy nhảy
sinh động
mừng rỡ
sủa vang suốt ngày.
Dã Tràng ở đâu?
Có ai thấy ngọc Vạn Ngôn?
Truyền thuyết tìm được tấm da dê thất lạc từ kinh Sáng Thế, kể rằng:
Trước khi có Babel, mọi người đều mang ngọc vạn ngôn. Ngậm ngọc, nghe hiểu tất cả tiếng nói vạn vật.
Babel sụp đổ, ngọc tan nát.
Một viên còn sót cho Dã Tràng.
Chưa biết rủi hoặc may?
Chuyện kể trước trong đêm:
Ở Sơn Tây có thợ săn Dã Tràng ngày ngày bắn thú nuôi vợ. Đời tưởng êm đềm, họa phúc chẳng quan tâm. (Thế gian có bao nhiêu người tưởng đời may mắn? Bể dâu, vân cẩu, tái ông thất mã, … khiến bình an là ao ước khôi hài. Tin vào bình an trở thành tấn tuồng bi phẫn.)
Ngày ngày theo dõi những mũi tên rượt bắn linh cảm của thú, sợ hãi chạy trốn, không thoát khỏi tài thiện xạ. (Người bắn giỏi nhất trong đời như Hậu Nghệ, Dương Tiễn… cũng bị trời bắn chết. Sợ hãi chạy trốn, chạy đi đâu? Có hay không, một nơi núp bóng muôn đời an lạc?)
Đêm đêm ôm ấp người tình, da thơm mồ hôi thịt rừng, vừa man dại vừa thần tiên dưới ánh sáng chập chờn lửa nướng thịt tươi. (Xưa đến nay, chuyện tình luôn được nhắc nhở. Cho dù mong manh, cho dù ngắn ngủi, cho dù tôn giáo cản trở, cho dù luật pháp cấm ngăn, cụ thể, tình yêu có sung sướng thật.)
Dã Tràng bắn chết con rắn cái ngoại tình.
Rắn đực đền ơn: Cho viên ngọc Vạn Ngôn. Ngậm vào miệng, ngọc sáng lên khi sinh vật truyền giao tâm tưởng. Không cần biết, vẫn hiểu. Không cần nghe ngôn từ, vẫn cảm thông. (Ngọc sáng tạo vạn ngôn bằng ánh sáng soi bừng cảm thức; những hình ảnh hiện lên không âm thanh; tất cả chỉ nhìn, thấy là hiểu.)
Quạ đen báo thù. Dã Tràng sa ngục. Nghe kiến báo tin, cứu dân thoát lụt. (Mô hình ở hiền gặp lành, mô hình ước ao, mô hình trấn an tâm linh nhân thế. Lập lại, nhắc nhở, dường như chỉ xảy ra trong truyện tích học làm người.) Dã Tràng cho vua mượn ngọc, trở thành vinh hiển cung đình.
(Tinh nhị nguyên hòa hợp thành đá ngọc. Không phải ngọc ngàn năm, chỉ ngọc một đời.)
(Được tay mài như sóng vỗ bờ kinh nghiệm. Thủy triều xuống lên gánh kiến thức hai vai. Đôi mắt riêng tư chăm chú tìm cạnh nhọn, vết thâm. Mài thời gian cho tâm thức viên hành.
Ngọc từ từ phát tiết tinh anh.
Ngọc là trí tuệ sò trai. Là tâm tư của nhủ đá. Hoàng hậu của nghìn năm. Hậu duệ truyền kiếp của văn hóa dân tộc. Tinh túy văn chương. Ánh sáng thi ca. Ngọc vạn ngôn dễ thấy, khó tìm.)
Vua ngậm ngọc ra biển nghe tôm cá kể chuyện trùng khơi. Nghe sứa kể phải phân thân sinh tồn. Nghe san hô với chiến công giữ gìn lòng biển. Nghe sóng dặn dò đừng yêu ngư nhân.
Vua nghe ba con mực, vừa múa vừa kể chuyện khôi hài
Bật cười thú vị
Ngọc rơi xuống đại dương
Tìm ngọc
Dã Tràng chìm xuống nước
Tiếc ngọc
Dã Tràng hóa còng xe cát biển đông.
(Vì sao người Việt cổ truyền lại chuyện Dã Tràng?
Họ đi tìm thứ gì mà hoài công ngàn thế kỷ?
Chuyện kể lại khi trời sáng:
Ở Sơn Tây có thợ săn Dã Tràng, nhờ ngọc rắn ngày ngày săn mồi nuôi vợ ba con. Dù thăng trầm nắng mưa dông bão, gia cư vẫn bình thường.
Biết ngọc vạn ngôn, vua muốn mượn.
Ông cương quyết không cho.
Ngậm chặt khứ trong miệng.
Lính dùng đao cạy lưỡi lấy ra.
Ông nuốt vào bụng.
Vua cho lính mổ bụng cướp ngọc mang về triều.
Bạn quạ đen ăn ruột rồi bỏ xác cho lang sói.
Gia đình ông từ đó nát tan.
(Ông thà chết không làm dã tràng.)
(Còng xe cát trên biển, mỗi đêm được bao nhiêu? Mỗi cơn sóng phá tan nhiều viên cát. Sóng rút đi, còng tiếp tục xe.
Hoài công ư? Còn có gì khác để làm?
Xe cát như làm thơ, mỗi đời được bao nhiêu? Mỗi phù du giấu thơ vào dĩ vãng. Rồi mỗi ngày, lại tiếp tục làm thơ.
Hoài công ư?
Khi đi tìm thứ gì sáng và quí, không biết. Gọi là ngọc. Biết, gọi là vạn ngôn.
Tìm đến chết, không thấy. Đừng gọi dã tràng. Thơ tan vào cát. Còng xe thơ mỗi đêm, mỗi đời, mỗi sinh mệnh.
Khi còng chết, còng trở về đại dương.
Khi thơ chết, xác trở về ngôn ngữ, hồn tan vào ký ức loài người. Một hôm, sẽ quay lại tâm tư thi sĩ. Nuôi những người sống tận thiên thu.
Tự dặn lòng, không nhìn lui, e không dám bước tới.
Tự dặn lòng, kềm chế thời gian, vì định mệnh là dây cương không ngựa.
Tự dặn lòng, chết chỉ một lần.
Khi chưa chết, tôi cần phải đi
và đến
nơi muốn đến
dù rất tối tăm
dù rất bí ẩn
với linh cảm, không bao giờ gặp được Dã Tràng để mượn ngọc vạn ngôn.)
Cuội và trăng
Dối về sự thật đã dối
Ngửa mặt nhìn trời, nước mắt chảy không ướt môi.
Tài hoa như Lý Bạch, không tả nổi trăng đẹp.
Ai chưa từng thấy trăng!
Ai chưa từng khóc một lần!
nhưng nhìn trăng rồi khóc, có mấy ai?
Đó là chuyện Chú Cuội với Mặt Trăng:
1.
Ngày xưa, có gã tiều phu, tên Cuội.
Những đêm mây phủ, sương mù, không trăng, dưới ánh đèn dầu, Cuội dùng rìu đấu với bóng mình, nghênh ngang bất tử trên vách lá. Mãi về sau, có kẻ xác nhận: Thắng người rất dễ. Thắng mình mới khó.
Những đêm mưa, trời không có trăng, Cuội dùng dao nhọn vạch lên nền đất, những tâm sự cô đơn theo điệu mưa lúc lớn lúc nhỏ dội lên mái nhà. Mãi về sau, có kẻ gọi là thơ. Cuội không mơ làm thi sĩ.
Những đêm mùa dông bão, không trăng, Cuội đắp chiếu nằm đối đầu hiu quạnh. Bắp thịt đốn ngã cổ thụ cao lớn giữa rừng nhưng co rút trước nỗi buồn lặng lẽ. Trí tuệ am tường qui luật rừng rú nhưng bất lực không thể làm gì khi hồn trống rỗng. Mãi về sau có kẻ cho biết: Thượng Đế tuyệt đối cô đơn. Hình ảnh giống Thượng Đế, con người cô đơn tương đối. Có nghĩa, đôi khi không cô đơn, gọi là hạnh phúc. Thật ra “mong manh” có ngụ ý.
Cuội chưa biết Cô Đơn. Tự hỏi, cái gì ghê gớm đang chắn ngang ngực? Khó chịu như muôn vạn côn trùng kêu than trong tai. Bức xúc như trăm viên đá chận nghẹt dòng suối đang chảy rấm rức. Xụi lơ như con thú trúng tên chảy gần hết máu. Cảm giác chán chường. Cái gì đang lạc lõng trong tim như con cú mắt mù bay giữa nắng trưa.
Ngày xưa, có gã tiều phu, tên Cuội.
Vào hang cọp, bẻ chân cọp con, học cọp mẹ trồng cây “Chửa Lành Bá Bệnh”. Tiều phu đổi mệnh, thành lương y. Trước đốn cây, sau chặt thần chết.
Cuội nói dối đứng đầu huyền thoại, nói dối thần kỳ. Biết nói bậy, người nghe vẫn tin. Dân lũ lượt đến xin chửa bệnh. Về sau, lưu truyền đông y quảng bá một viên thuốc chửa hết mọi bệnh, từ đau nhức đến ung thư. Sữa ong chúa hóa yếu thành mạnh, hóa xấu thành đẹp. Cuội là tổ phụ môn phái thần dược, đã bị lãng quên.
May mắn hóa Cuội nên anh hùng, hóa thành từ mẫu. Chiếc lá rơi xuống gặp gió, bay lên; lộng gió, bay cao. Người đời bắt chước thả diều nhưng cột dây điều khiển. Ý lá rơi từ đó mất tự do.
Cuội chưa biết May Mắn. Tự hỏi, cái gì khoái trá đang đẩy dưới chân. Phải chăng, đôi hia bảy dặm? Tự dưng mọi chuyện suôn sẻ: Vợ đẹp tự hiến dâng. Công đức tự dựng cổng. Tiền bạc tự chạy đua vào nhà. Cảm giác bừng bừng chiến thắng. Thất bại dành cho kẻ thiếu đức kém tài. Mãi về sau, có kẻ thấu hiểu: Hết thịnh rồi suy, hết suy rồi thịnh. Không có mệnh tốt mệnh xấu, chỉ có mệnh thăng trầm. Tùy thăng cao hoặc trầm thấp mà định số mỗi người lúc có lúc không. Bậc trí giả giữ mình không suy không thịnh, không thăng không trầm. Gọi là đạo.
Rồi có lúc Cuội biết được: Hia bảy dặm cũng mòn rách. Vợ đẹp chưa chắc là điềm lành. Công đức khiến tâm can giả tạo. Tiền bạc quyến rũ tiểu nhân. Giữa nhiễu nhương bất tận, họa hãm bốn bề, Cuội tìm thấy trăng.
2.
Ngày xưa, có vị lương y, tên Cuội.
Chữa bệnh bằng lá cây. Ông nói hay. Có người tôn làm thần thánh. Ông nói dối. Có người tin làm sư phụ.
Có nhiều cách nói dối: Nói gian. Nói gạt. Nói xạo. Nói láo. Nói thiếu. Nói khéo. Nói giả. Nói mua lòng. Nguy hiểm nhất, nói sai mà tin rằng đúng. Lấy gì bảo đảm lời thánh nhân là thật?
Viết là một cách nói. Viết gian. Viết gạt. Viết xạo. Viết láo. Viết thiếu. Viết giả. Viết mua lòng. Viết sai mà tin rằng đúng. Lấy gì bảo đảm sách thánh nhân là đúng? Lảo Tử khuyên: Đừng nói. Nghĩa là đừng viết. Ông viết Đạo Đức Kinh.
Trăng dạy Cuội sự im lặng.
Trăng theo Cuội từ lúc sinh ra cho đến tuổi già. Xưa nay mấy ai để ý trăng. Đa số quên trăng tròn ngày nào, nói chi trăng đẹp hay xấu.
Trăng một mình trong đêm, thấm thấu cô đơn. Trăng một mình trên cao, kinh nghiệm hiu quạnh. Buồn bã như Cuội, nhìn trăng tức thì cảm thông. Phải chăng trăng chỉ có giá trị khi lòng sâu thẳm? Về sau có người hiểu ra: Khi hồn đen tối, là lúc cần trăng sáng.
Chỉ có ông Lý Bạch chơi với trăng rất hả hê: Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân… Ngã ca nguyệt bồi hồi, Ngã vũ ảnh linh loạn (1)…Trăng dành cho thi sĩ mọi thời đại: Homer, Hocrate, William Shakespeare, Edgar Allan Poe, Walt Whitman, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Rabindranath Tagore, George Byron, Nguyễn Du, Bùi Giáng, Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa… đều chơi với trăng.
Trước đó, lâu lắm, trăng chơi với Cuội.
Những đêm không mưa, không sương mù, trăng đến. Nheo mắt, mở mắt, mắt tròn xoe, trăng lục lọi những hồn lãng mạn. Trái tim cô đơn phản chiếu ánh trăng. Cuội dùng rìu múa với bóng mình. Dưới trăng bóng linh hoạt diệu thường, khiến Lý Bạch sau này bắt chước.
Những đêm trong sáng, trăng gọi tên từng cảnh vật, cây cỏ thức dậy bày tỏ sức huyền bí tuần hoàn. Luân hồi phát sinh từ tuần hoàn nhưng phải hẹn đời sau. Trăng gọi hồn mỗi côn trùng thưa thốt, giàn âm thanh được đất trời dùng làm nhạc đệm, cho hơi thở của người chiêm bao. Chỉ có kẻ thức đêm mới thán phục sự hòa âm tự phát. Cuội thức rất nhiều đêm, lắng nghe. Viết lại trên nền đất để khi mưa đến, xóa nhòa.
Không phải ai cũng hiểu trăng. Không phải ai cũng nghe trăng nói. Hàn mặc Tử lắng nghe trăng: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ. Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy nước hồ reo, Để nghe tơ liễu run trong gió, Và để xem trời giải nghĩa yêu (2).
Trước đó, lâu lắm, Cuội và trăng đã chuyện trò.
Cuội học trăng sự lắng đọng. Nhìn chăm chăm mặt trăng vài canh giờ, chợt như tan vào thinh không. Tìm những nơi ánh trăng đậu sâu thấp, cúi xuống càng nhiều càng nhẹ hẫng làm người. Hít thật đầy ánh trăng rằm, bật thở phào những ưu tư sáng chói. Về sau có người viết sách truyền bá Nguyệt Thiền.
Cuội cảm trăng.
Trăng cảm Cuội.
Trăng chân thành
Cuội muốn ngưng nói dối.
Như người cầm cây quạt: Quạt mạnh, sẽ mau mệt. Quạt chậm, sẽ nóng nực. Quạt vừa đủ, hiu hiu, sẽ quạt lâu dài. Cuội cầm đời mình như cầm quạt mo nhưng thiên hạ tưởng Cuội là Bờm. Đành thôi, nhận lấy hòn xôi, tránh phiền hà trao đổi.
Những kẻ nói dối về sự thật, không đứng chung với Cuội.
Những kẻ tự tin nói thật về sự thật đã dối, không tin Cuội.
Người nghe nói dối nói thật, không biết dối hay thật, chê cười Cuội.
Người nói dối chuyện thật. Người nói thật chuyện dối. Không ai tin ai.
Nhưng nhân loại cần xử tội “Nói Dối”, tội nhân thiên cổ là Cuội.
Chuyện trăng nói, người không nghe. Chuyện Cuội kể lời trăng, người cho là dối. Chuyện người dối với nhau, họ cho rằng thật. Cuội chán nản.
Như một người cầm quạt, dù quyết tâm, dù cây quạt lớn, không cản được gió thổi, nhất là gió mạnh.
Trăng trên trời, Cuội dưới đất, cách xa vời vợi, cả hai cùng cô đơn. Ngửa mặt nhìn trăng, nước mắt chảy không ướt môi. Cuội chán nản.
Người ta kể lại:
Cuội leo lên cây Chữa Lành Bá Bệnh
Ngồi rất lâu
Ngửa mặt nhìn trời
Chảy nước mắt
Bất chợt ướt cả quần
Cây rúng động, bật gốc, bay lên cung trăng
3.
Người muốn Cuội mãi mãi là Bờm, đổ tội cho vợ tiểu tiện gốc cây.
Người muốn Cuội muôn đời nói dối, cho lên trăng cao, không bao giờ trở lại.
Cuội là ai?
Ngày xưa, có người ngửa mặt nhìn trăng rồi khóc, tên Cuội.
GHI:
(1) Trích Nguyệt Hạ Độc Chước 1 của Lý Bạch:
Cất chén mời trăng sáng, Mình với bóng là ba… Ta hát, trăng bồi hồi, Ta múa bóng rối loạn…( Tương Như dịch )
(2) Đà Lạt Trăng Mờ. Thơ Hàn Mặc Tử
Đống Đa, Hát Bộ, Đá Gà,
Mùng Năm ăn tết, sơn hà băn khoăn
Mỗi năm Tết ở quê tôi, Phú Phong, Bình Định làm lễ tưởng niệm Vua Quang Trung chiến thắng Đống Đa, đại phá quân Thanh. Người người khắp nơi tràn ngập ngày hội.
Oán hồn chết Đống Đa ít hơn người dự lễ. Quân lính reo hò đánh trận giả. Nỗi buồn thật đã quên. Ở Trường Sa, Hoàng Sa, Cao Bằng, Lạng Sơn, không có nơi nào có Đống Đa.
1.
Mùng Năm, quê tôi tưng bừng đón Tết Tây Sơn.
Vua Quang Trung dẫn quân xuyên bộ. Gươm giáo bọc khăn khỏi chiếu ánh sáng. Lương thảo không mang, ăn toàn bánh tráng. Hai người võng một, thay nhau chạy suốt ngày đêm, từ Phú Xuân đến Tam Điệp, chớp nhoáng tiến vào Thăng Long. Sét đánh bưng tai. Xuất kỳ bất ý. Công kỳ vô bị. Quân Tàu thây chất đầy 12 hố lớn, đất lấp cao thành Gò.
Chiến trận kéo qua dốc gò rùng rợn
đêm xuống âm u địa ngục trồi lên
khuya lạnh máu đong đất bùn cứng lại
xác người ngổn ngang kinh dị hình hài
trăng lưỡi hái ánh xanh mờ thê thiết
những oan hồn chưa tuyệt vọng quê hương
quay trở lại tìm xác mình chiến đấu.
Chợt ào ạt bầy chó hoang phóng tới
mùi máu tanh kêu gọi loài răng nanh
chó sói chó nhà cả gò khuya động đất
tiếng cắn tiếng la tiếng sủa tiếng gầm gừ
người chết hai lần, ba lần, bốn lần, chỉ còn xương lở dở
chó tranh giành cũng tàn khốc như người
máu chó đổ tươi máu người lần nữa
hấp hối rất lâu chó thở tới rạng đông
tiếng rên rĩ giống như người đau đớn
tiếng tru la chấn động nỗi kinh tâm.
Hồn chó tất tả về đâu không quê quán
không thiên đàng không địa ngục đón chờ.
Sau trận chó mối gò thêm rùng rợn.
Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long, Nhị hà
Quân Trung Tàu chết vì quân ta yếu
Xác Trung Tàu phân bón đất ta nghèo
Bây giờ Trường Sa Hoàng Sa, chỉ có thây quân ta.
Bây giờ lương thảo không màng, chỉ mang vàng ngọc.
Vua Quang Trung ở trên mây, mùng Năm mưa xuống ướt ngày vinh danh. Da vàng nhiễm đỏ thông manh, nhìn xa không rõ, thập thành nhìn lui. Bản đồ thiếu nắng, bùi ngùi, bóng đen xâm chiếm chôn vùi sinh linh. Trên cao nhìn xuống bất bình, hồ đồ con cháu vô tình thế sao!
2.
Mùng Năm Tết, làng tôi kỷ niệm Đống Đa, tổ chức hát bộ, đá gà.
Lúc trẻ tôi thích Quan Công, thuộc lòng: Như ta đây, quang minh, lỗi lạc….
Tuổi trung niên tôi thích Tào Tháo: Như ta đây gian hùng hiểm ác… Anh hùng thường giết chết anh hùng. Kẻ ác giết luôn tiểu nhân lẫn quân tử. Như ta đây giết tất cả chỉ vì nghi. Đạo Lưu Bị về vườn chơi cảnh. Chí Khổng Minh hưu trí đấu cờ. Hờn Trương Phi, sao thờ đến tam công?
Càng già càng chán Triệu Tử Long, đừng cứu ấu chúa, Hán đồ chưa hẳn mất.
Chán Khổng Minh, biết nghe Lưu Bị chém Ngụy Diên, đèn thất tinh chưa chắc đã tắt.
Lỗi sự đời gom vào bốn chữ: “Cố làm người tốt.” Ở hiền hên lắm mới gặp lành.
Mặt đỏ: Quang Công; mặt đen: Trương Phi; mặt trắng đen: Tào Tháo; mặt vàng, mặt xanh, mặt đủ màu chạy quanh sân khấu mỗi năm. Trống chầu, trống nhỏ, thanh la, xập xõa, sáo, kèn tưng bừng ủng hộ. Vừa vui chơi vừa dạy dỗ làm người.
Mấy ông Tàu này ở đất Việt quá lâu. Dân Việt đập đầu thờ lạy. Ông Mao Trạch Đông mang mặt đỏ thành Quan Công, Ông Tập Cận Bình mang mặt trắng thành Khổng Minh. Mặt nạ thiếu gì. Gửi tặng bộ chính trị Việt Nam. Ôi đông đảo anh hùng cái thế. Lần lược ra sân khấu hô to: Như ta đây….
Người đóng tuồng già chết, người trẻ lên thay. Người đi lính, người ở nhà thế chỗ. Ai mất mặc ai. Mặt đỏ, mặt đen, mặt vàng, mặt trắng, mặt đủ màu vẫn tồn tại.
Khán giả vỗ tay không cần hậu quả. Lâu ngày nhập tâm, lúc nào cũng hồ hỡi, dân ta cái gì cũng có: Như ta đây….
Thỉnh thoảng nghe ra vài tiếng chim còn tanh máu tươi. “Thương thay con quốc giữa trời, dẫu kêu ra máu có người nào nghe..”(1)
3.
Nhưng làng tôi nổi tiếng nhất, những trận đá gà chọi, còn gọi đá gà đòn. Xa xôi tận trong nam, lừng lẫy gà đá núi, kéo nhau về hội Tây Sơn đá gà.
Gà trống chọi giống ngựa thần thoại có cánh thâu nhỏ, trên hai chân.
Thân ốm lanh lẹ tránh né.
Chân cao, to và mạnh; cựa cứng; đứng vững, đá gãy cổ, dập mề..
Ít lông, không cho đối thủ níu kéo.
Cổ dài, gân guốc. Gà chọi đo cổ biết sức nhau. Cân cổ làm đối thủ mất thăng bằng. Xúc cổ dưới bụng, đối phương bật ngửa.
Gà chọi cắn bằng mõ. Kè bằng cổ, đá bằng chân.
Vào hội Tây Sơn Đá Gà, phải có tên, toàn tên lịch sử, ngoại trừ tên Quang Trung, phạm húy và sợ lỡ thua.
Gà kia Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh, Trường Triều Long, Thượng Duy Thăng… Gà này Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Đô Đốc Tuyết, Đô Đốc Lộc, Đô Đốc Long, Đô Đốc Bảo….
Gà chọi đá nhau dáng dấp như hai tướng, ra chiến trường, đấu tay đôi. Trong vòng càn khôn sân đá, lịch sử viết lại nhiều lần: Tôn Sĩ Nghị có khi thắng có khi chết. Đô đốc Long gãy cánh. Phan Văn Lân gãy cổ. Sầm Nghi Đống gục tại chỗ. Thượng Duy Thăng lần đầu thắng lần sau thua chạy khỏi sân.
Chiến trường nào cũng như nhau. Kẻ thua người thắng kẻ sầu người vui. Bảo rằng là chuyện hên xui, hay là tận sức dập vùi tranh đua?
Nếu xưa vua Quang Trung thua, Đống Đa lễ cống phải đưa sang Tàu.
4.
Mồng Năm Tết, quê tôi, làm lễ tưởng Niệm Vua Quang Trung.
Nhắc nhở chiến thắng nhờ trí tuệ và lòng quả cảm.
Nhắc nhở kẻ mạnh không phải luôn luôn là kẻ thắng.
Nhắc nhở muốn lập chiến công phải tự nhờ mình: Biết ăn bánh tráng, biết chia võng gian nan, biết âm mưu che khí giới, biết nghi binh thực hư và trên hết biết quyết tâm vượt qua sợ hãi.
Vua Quang Trung yêu quê hương không chỉ nói suông.
Vua Quang Trung yêu dân tộc không ngồi ở kinh đô thư giản.
(Theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, chỉ 10 ngày ở Nghệ An, đã hàng vạn trai tráng tòng quân hắm hở.) Mới hay, lòng dân như pháo nổ. Chỉ cần bàn tay đốt đuốc dẫn đường.
(Trong Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam 1771-1802, giáo sĩ Longer ghi lại. Quân Tây Sơn bắt lính “gay gắt đến nỗi người ta không biết trốn vào đâu. Các sai nha đem chó lùng người trong rừng. Lấy dao xỉa vào càc đống rơm dùng để đun nấu…” (2). Cố đạo bênh nhà Nguyễn, ghét Tây Sơn, viết sai. Lính hèn như vậy, làm sao đại thắng quân Tàu?) Mới hay lịch sử có nhiều bàn tay bóp trái tim rồi kéo lưỡi.
Đã có nhiều năm tôi thao thức
Làm sao phân biệt hồn Việt với hồn Tàu
Mãi về sau mới biết:
Hồn đi trước: hồn Tàu
Hồn đi sau: hồn Việt
Hồn phè phỡn: hồn Tàu
Hồn khúm núm: hồn Việt
Hồn ra lệnh: hồn Tàu
Hồn gật đầu: hồn Việt.
Sau 37 năm quay lại quê nhà, dự lễ Đống Đa
Chiều tan về, lòng buồn hay vui, chẳng rõ
Giữa đường, gặp hồn trung niên hiên ngang uy dũng, nhưng không phải hồn Tàu
Tôi hỏi hồn là ai?
Hồn chỉ tay, nói, đinh tai:
– Hồ đồ con cháu vô tình thế sao!
=========================
Ghi:
(1) Nhại ca dao.
(2) Sách của Tạ Chí Đại Trường, trích thư của giáo sĩ Longer.
Ruồi Saint Lutocia
Một mình xa chiêm bao
Tôi đến Saint Lutocia.
Cơn bệnh bất ngờ giữ em lại Houston.
Tình yêu: giấc chiêm bao thú vị; lo âu không biết lúc nào trời sáng; thỉnh thoảng thức dậy, cô đơn.
Tình yêu, phải chăng là đôi giày? Thiếu một chiếc, đường xa, tâm hồn sẽ rướm máu.
Giày cần thiết cho người vượt chông gai, tìm hạnh phúc, dù không biết nơi nào.
Tôi đến Saint Lutocia, một mình.
Phi trường nghèo.
Hương mùa thu nóng hực trong gió.
Ruồi!
Chưa bao giờ thấy ruồi nhiều như vậy, quái dị như trong mơ.
Ruồi đậu kín người bản xứ, khi du khách đến gần.
Rồi bay mất, khi du khách đi xa.
Lộ màu da bánh mật, nâu đậm, sắc điệu hoang dã.
Những thanh niên dong dỏng, bắp thịt tượng đồng. Những thiếu nữ eo thon, đôi mông chờ chồng. Những đàn bà tròn trịa, ngực dừa, ngực mướp, chứa đầy đậu dưới da. Những đàn ông bụng mỡ, thiếu răng. Ông bà già ốm yếu. Chó mèo gầy guộc.
Không thấy cảnh sát, không xe cứu thương, không xe chữa lửa. Không kỹ nghệ, không nhà máy, không lầu cao. Không gian thuộc vài thế kỷ trước.
Ruồi sống ba mươi ngày, không cần văn minh.
Dù sống ngắn hay dài, vẫn cần tình yêu và tình dục.
Đường về nhà trọ
Con rắn dài quanh co. Đầu rúc vào góc phố. Đuôi ngỏng lên chóp núi. Mình mẩy ghẻ lở, lột da. Lộ đá cục lởm chởm, nơi mặt đường lở loét. Những chỗ gãy xương, thòi ra cùi chõ. Cua gắt như tai nạn đang chờ. Rắn xương xẩu, đủ hai xe ngược chiều, từ tốn lấn qua.
Cây lá nhiệt đới, sống chung gió đảo, hiện thân khác thường. Có cây thân quen, Phượng đỏ; Có trái trẻ thơ, “này, Mùng Bát chưa gặp đã lâu.” Có cây lạ, chưa bao giờ thấy. Trái như phân khô. Tưởng tượng có người đi cầu, từ cao rớt xuống, dính lòng thòng.
Ruồi đậu kín bác tài.
Chỉ thấy đôi mắt.
Ông thản nhiên lái xe.
Bầy ruồi im lặng.
Xe lao đường xấu, ngã nghiêng.
Bầy ruồi bất động.
Mỗi năm ba dặm, bay qua hố sâu, sụp vì nước xoáy, có chỗ lút đầu.
Kinh hãi, hỏi bác tài:
– Làm sao xe bay qua?
– Không ai biết. Ruồi chở đấy.
Đuôi rắn cong giấu vào khe núi, nơi nhà trọ màu vàng.
Tôi mang hành lý vào phòng, một mình với một chiếc giày.
Xứ ruồi hoan lạc
Trưa xuống phố, thấy kỳ hoặc, không đường nào có tên. Làm sao họ gửi thư, không thể biết.
Chợ nửa ngoài trời nửa trong nhà. Thịt treo bên hiên, nửa con bò, vài con heo nguyên. Trái cây bày dưới đất. Bùn nước nghinh ngang.
Khung cảnh lạc hậu.
Nhưng cá nằm khô trên sạp, hân hoan.
Tôm cua sắp hàng vui tươi dâng hiến.
Gà cỡ bồ câu, đi đứng háo hức, chờ phiên mua.
Dê kêu thoải mái. Động cỡn khi đợi trả giá.
Cả chợ nhộn nhịp hát hò. Bài ca địa phương đơn sơ hoan lạc. Ngươi mua kẻ bán cười miên man, phảng phất nét nhìn thiên sứ.
Nghèo và giàu như cặp kinh thuốc: bên này cận thị, bên kia viễn thị. Tùy mắt bên nào nhìn rõ hơn. Khi nhắm lại, cùng thấy tối đen.
Dù viễn thị hay cận thị, vẫn cần tình yêu và tình dục.
Lang thang xuống biển
Bãi cát xám đậm, giữ truyền thống thạch nham.
Du khách mặc quần cụt, áo tắm, bikini sặc sỡ.
Dân bản xứ mặc ruồi. Khi họ xuống nước, ruồi bay bên trên. Khi họ trồi lên, ruồi đáp xuống, che kín. Họ đi trên bờ, trần trục, như những pho tượng xôi đậu đen.
Người bản xứ nói, ra biển tắm, làm tình theo nhịp sóng. Tự do giao tiếp đất trời. Khoái lạc gấp mười trong nhà tù túng.
Người bản xứ ca tụng, không gì hơn làm tình. Khi hai người nối nhau, núi nối biển, đất nối trời, tổ phụ nối con cháu, thần linh nối bình an và khoái lạc không có gì thay thế.
Tình yêu, bắt đầu rồi liên tục âu yếm. Một chiếc giày hư, đôi giày sẽ ly tan.
Phải chăng yêu và dục là một hàm số?
Đêm nóng rậm rực, hương mồ hôi ái tình. Đàn ông đàn bà đẹp hơn, khi bốc mùi xác thịt.
Phố cuối tuần, lạc thú lăm le.
Những cô gái nghề, lai vãng chờ. Đa số vạm vỡ, rắn chắc. Mặc váy ngắn, chân leo núi, bắp chuột cao, mông săn cứng. Du khách lái xe ngang, nhiều cô quay lưng, cúi xuống, chào hàng.
Qua góc tối, gã thanh niên chận lại, mồi chuyện bán tình:
– Ông thử cho biết.
Khắp thế gian, không nơi nào, làm tình huyền ảo.
Phụ nữ ở đây, có mắt dưới mông.
Tôi thề không nói dối.
Họ có mắt dưới mông.
Mắt nhìn ra từ háng. Đẹp hơn mắt mỹ nhân.
Đàn ông tuyệt sướng, không chỉ một lần.
Chúa ôi, mắt trào dâm lực, suốt đêm hưng phấn.
Xoay lại, theo hướng tay giới thiệu. Năm cô gái gập người, bày nửa mùa xuân, không quần lót. Chợt, đàn ruồi từ háng bay ra, che như tấm màn đen, ngăn giữa. Không cho nhìn.
– Ông thấy chưa, lạ lắm phải không?
Con ruồi khổng lồ.
Không giống đàn bà khác.
Ông thử cho biết.
Đảo này mang bí danh:
Đảo sướng.
Tôi rảo bước về hướng chiêm bao, có đôi mắt em chờ đợi.
Đàn ruồi rút nhanh vào háng, đám gái đứng lên bình thản. Gã thanh niên gạ gẫm du khách khác.
Tôi tự hỏi: Phải chăng hàm số yêu và dục không có giải đáp? Chỉ có trong thực hành?
Quay về nhà trọ
Tin báo trời mưa.
Cô quản lý cười:
– Đêm còn dài, chân khuya sao về sớm?
Tôi cười mệt:
– Mỏi. chân nhớ nhà.
– Internet hư theo gió.
– Không Internet, tôi thèm sữa như trẻ con.
– Ông nhìn tôi soi mói, có phải đã thấy ruồi?
– Đúng, làm sao nhìn mặt thật?
– Dễ thôi.
Cô chỉ vào gương soi. Lisa đẹp man dại.
Lisa trong gương không thấy ruồi.
Lisa bên ngoài đầy ruồi.
Ruồi không hiện trong gương.
Cảm giác chưa hiểu, tôi từ giã, mai về Hoa Kỳ:
– Cảm ơn. Chúc ngủ không cần sữa.
– Cô cũng vậy.
Đọc sách đến nửa đêm.
Trời gầm thét. Mưa đảo mênh mông, gió không giới hạn. Tiếng nước đập quanh nhà, tiếng phèn la, tiếng thùng thiết. Nếu em có ở đây, hẳn là kinh hãi. Anh bắt đầu nhớ em rồi.
Bỗng dưng trên mặt nệm, trồi lên một đống cao, cao dần, dưới tấm chăn, hình giống gò đất.
Trên đỉnh nóng đỏ. Cháy. Nghe tiếng ruồi vo ve.
Anh nghĩ đến môi em và bắt đầu tuột dốc.
Tôn giáo lầm lẫn, không ngợi ca thân xác. Giải quyết nhu cầu là tình ái thủy chung.
Trước khi giày hư, đều có triệu chứng. Yêu giày, sao để rách giày?
Trở về chiêm bao với ruồi
Sắp hàng qua kiểm soát.
Ruồi rời dân bản xứ, khi họ vào phi cơ.
Kiểm tra viên thân thiện, đầy ruồi, hỏi:
– Người đến vui như gió; người về buồn nhớ biển, ông thì sao?
– Thao thức. Ruồi khiến tôi mộng du.
– Ô, Ruồi là bạn thân. Đến đảo thời tổ phụ.
Giúp dân tôi thở nhịp thiên nhiên.
Sống tình ái không cần hạnh phúc.
Ông có thấy vườn cây Treo Phân?
– Cây có trái khô dài lòng thòng?
– Đúng. Mỗi ngày, phân tốt được tuyển chọn,
phơi khô, móc lên cây,
Ruồi đến dự dạ tiệc, khi chạng vạng.
Làm tình và sinh trứng trên hoa.
Ông nói thiếu khoa học, nhưng làm tôi băn khoăn. Hỏi ông bà Mỹ ngồi bên cạnh, nghĩ gì về ruồi. Họ trả lời, chẳng thấy ruồi gì cả.
Phi cơ lăn ra phi đạo.
Nhìn Saint Lutocia lần cuối qua cửa sổ.
Thấy con ruồi bám ngoài cửa gương.
Có cơ hội nhìn kỹ. Ruồi hình tam giác. Hai cánh khép dọc dài, có lông xù xì. Đầu nhỏ, nhô lên. Mình dài trũng xuống.
Quả thật, có mắt lộ, hồng, hấp dẫn.
Con ruồi trông giống một âm hộ.
( Saint Lucia 8 tháng 11 năm 2015.)
Pariseine
1.
Tim bay qua Đại Tây Dương
lượn trên thành phố lịch sử
đậu xuống vai Louis 14 trên lưng ngựa
đêm không biết tim tên gì
gọi Pariseine.
Tim có thể đi có thể bay có thể bơi
nhưng tạm thời
nó cưỡi ngựa trắng Napoléon
ngày không biết tim tên gì
gọi Pariseine.
Băng qua đền đài Versailles, điện Louvre, nhà thờ Notre Dame, vườn Tuilerie:
mấy trăm năm chết đứng trong tranh và tượng,
bao nhiêu người quá vãng chỉ còn vài hình hài vẽ khắc,
mới ngậm ngùi thời gian vô lý và vô lương,
kẻ bất tử chẳng nói được gì cho người chết.
Nó đậu xuống cổng Triomphe
nắng không biết tim tên gì
gọi Pariseine.
Băng qua tháp Eiffel, vườn Luxembourg, bảo tàng Armée, lâu đài Bourbon:
những kỳ công bằng mồ hôi long lanh rực rỡ,
sáng tạo lưu truyền phải chăng gồm máu nghệ sĩ trộn nước mắt dân nghèo?
thưởng ngoạn về sau phải chăng từ ngưỡng mộ đến tự nhiên quên lãng?
người nghèo làm nghệ thuật người giàu lưu truyền cho người nghèo hưởng thụ.
Những hạt mưa đến vội vàng đi vội vã không biết tim tên gì
gọi Pariseine.
2.
Chiếc lá lượm ven sông,
nhàu nát dưới chân du khách,
lá ngâm nước bầm giập.
Chiều 21 tháng 3 năm 2014 chưa hết mùa xuân,
có định mệnh nào cho bàn tay cứu lá?
hay chỉ tình cờ?
có ân sủng nào cho bàn tay cứu linh hồn?
hay chỉ ngẫu hứng?
Ngàn tượng thần thánh dựng khắp phố phường, mở mắt đời đời nhìn thấy tang thương,
sao muộn màng phép lạ?
dù sao năm nào lá vẫn rụng,
đời chỉ có người quét không ai đếm.
Lá rụng vào dòng sông,
lá chìm xuống thành bùn,
lá hóa ra nước nuôi đất từ làng mạc mọc lên thành phố xây cao đô thị.
Viên đá lượm ven sông,
hình thù dị dạng mòn nhẵn dưới chân du khách,
đá vỡ từ thế kỷ 13,
khi thành trì thất thủ,
vương triều tan hoang,
nhiều thứ trọng đại biến mất,
viên đá vẫn còn.
Đá rơi vào dòng sông,
đá chìm xuống đất bùn,
đá hóa thành sỏi,
giữ linh hồn cho lá.
Để có dòng sông Seine,
chim muông ca hót từ trăm thế kỷ, suối nguồn mây mưa dâng hiến vài ngàn năm.
Để có dòng sông Seine chia đôi thành phố.
biết bao thăng trầm thành bại theo sóng lô nhô, không bao giờ ngơi nghỉ.
Đố ai biết Paris có bao nhiêu tượng?
Đố ai biết sông Seine có bao kẻ chết chìm?
Để có một Paris,
biết bao lần Thượng Đế phải suy nghĩ?
Để có một sông Seine,
biết bao lần Thượng Đế phải sửa đổi số phần?
Để có một Paris lầu cao, hàng hàng lớp lớp dãy ngang dãy dọc, đồng hình đồng dạng, duy nhất
lòng sông Seine ghi lại biết bao thảm cảnh?
Để có một Paris lộng lẫy tượng thần,
lòng sông Seine ghi lại biết bao nghệ sĩ thảm thương cùng tro xương Jeane d’Arc.
Để có một Paris, phố xá hoa đèn rực rỡ, lòng sông Seine ghi lại biết bao đen tối.
Để có một Paris nổi tiếng trăm năm.
lòng sông Seine ghi lại biết bao bước chân qua lại ba mươi bảy chiếc cầu và oan hồn thảm sát thả trôi .
Để có một Paris xụp đổ,
lòng sông Seine ghi lại biết bao sự tích và đợi chờ.
Đố ai biết Paris bao giờ bị tàn phá?
Đố ai biết sông Seine bao giờ cạn?
Để có một Paris hôm nay, lòng sông Seine ghi lại biết bao hơi thở,
khốn cùng là hơi thở hấp hối, hài lòng của Paul Celan dưới đáy sông:
“Ông ấy sống cô đơn trong nhà chỉ chơi với rắn rồi viết…” (1)
Đêm Paris,
uống rượu dọc bờ sông,
trở về say mòng lúc 2 giờ sáng,
lạc quận 5 quận 4 quận 3,
đi mãi trong bóng đen và đèn đường,
không tìm ra khách sạn,
ngang qua điện Louvre,
thấy bóng người đội mũ rộng vành,
dạng đồ quân nhân thời cũ,
chìm trong âm u,
tới gần hỏi thăm đường:
– Thưa ông, tôi đi lạc.
– Westin khách sạn gần thôi.
– Làm sao ông biết tôi?
– Theo dõi chuyện trên đời, tôi là chiếc bóng.
– Nhìn ông rất giống một người, Napoléon?
– Chính tôi. Napoléon Bonaparte.
– Chào ông. Lạ lùng quá! Vì sao ông lạc đến đây?
– Mỗi đêm tôi vẫn đứng nơi này xem thử. Thiên hạ mấy ai nhận quen lịch sử. Họ ca tụng tôi vinh dự trong Louvre, nhưng thờ ơ ngoài thiên thu đời sống.
– Ông có công với Pháp nhưng có tội sâu rộng. Người chết vì ông, vì giấc mộng đế vương. Lịch sử chẳng qua là xấp giấy tầm thường, buồn vui mỗi ngày chẳng phải phi thường hay sao?
– Cậu nghĩ tôi đáng tội thế nào?
– Nếu tính bằng xác chết, làm sao ông có công lao thật? Nếu tính bằng xác chết, ông là một trong mười sát nhân bậc nhất trên đời.
(Tiếng hát văng vẳng từ sông Seine. Bài Fugue de Mort của Paul Celan.)
Sữa đen lúc rạng đông chúng ta uống buổi hoàng hôn
uống buổi trưa buổi sáng và buổi tối
chúng ta uống và tiếp tục uống
chúng ta đào mộ trên không trung cho người chẳng nằm tù túng.
Ông ấy sống trong nhà chỉ chơi với rắn và viết (1)
– Cậu giống như Paul Celan, rất tự hào việc làm thi sĩ?
– Tôi làm thơ nhưng không như thi sĩ tin thơ. Tôi làm thơ để thí nghiệm bất ngờ: Những suy nghĩ những kinh nghiệm về thơ thật sự. Tôi muốn viết những tình tự trí tuệ. Những bí mật giữa dòng lệ nụ cười. Những cảm xúc giữa đất và trời, giữa hư và thật, giữa men say rượu mạnh và trà Sen no Rikyu (2).
– A, thí nghiệm. Đúng như vậy. Ai đi tìm thiên thu mà không thí nghiệm? Không thực hành, không biết đúng sai. Mỗi trận chiến là mỗi bài khảo hạch tài binh pháp.Thử thách khả năng cao thấp làm người. Xác nhận tự do ý chí hay ý mệnh do trời. Anh hùng can đảm hay tình cờ phản ứng. Mỗi chiến tranh là mỗi sử chứng tài năng. Lãnh tụ bất tử hay hoang mang chết yểu. Tôi thí nghiệm nhiều kiểu chiến tranh, để trí tuệ minh oan cho vô lý mong manh một đời.
– Nói sao ông vẫn có tội giết người. Kết quả đúng hay sai có quá nhiều người chết và nhiều người tiếp tục khổ đau. Còn tôi, đúng hay sai, chỉ bài thơ vô cầu. Hay hoặc dở không mấy ai hơi đâu lưu ý.
– Chứng minh hiện hữu cậu làm thơ đi tìm thẩm mỹ. Chứng minh hiện hữu tôi đánh trận đi tìm chân lý tài năng. Cậu là nghệ sĩ, tôi là quân nhân. Trong ngắn ngủi dấn thân vào đêm tối. Không phải thành bại là niềm tự hối chung thân. Chính là không-dám-làm sẽ muôn thuở ăn năn.
– Nói sao đi nữa, ông vẫn là kẻ sát nhân. Dù thành hay bại vẫn ăn năn tự hối. Giết một sự sống là phạm tội thẩm mỹ. Mỗi con người là thẩm mỹ vẹn toàn một cách riêng.
(Tiếng hát lại vọng lên từ sông Seine)
Sữa đen lúc rạng đông chúng ta uống buổi hoàng hôn
uống buổi trưa buổi sáng và buổi tối
chúng ta uống và tiếp tục uống
chúng ta đào huyệt mộ trên không trung cho người chẳng nằm tù túng.
Ông ấy sống trong nhà chỉ chơi với rắn và viết (1)
– Này cậu thi sĩ, chẳng phải có duyên mới gặp nhau. Hãy tự đốt đời mình như ngọn đuốc soi đen tối mai sau. Bây giờ tôi phải về cõi sầu bí tích. Trời sắp sáng. Cậu đi đến cuối con đường u tịch, rẽ hướng này sẽ thấy khách sạn u minh.
– Còn ông đi về đâu?
– Nơi tôi ở cậu không tới được. Nơi đó là cõi sầu nhân danh bất khả tri.
– Rồi tôi cũng sẽ chết.
– Không giống đâu. Tôi chết với lịch sử. Còn cậu, chỉ chết với thời gian. Thôi giã từ...
(Tiếng hát từ sông Seine nhỏ dần rồi tan vào vắng lặng.)
Ông ấy viết rồi bước ra bên ngoài
sao trên trời lấp lánh
ông huýt sáo say mê (1)
3.
Sông Seine mặt nước xanh rêu,
xanh đặc không thấy đáy,
ngậm biết bao bí mật, biết bao huyền thoại,
biết bao điều không ai biết về sau.
Trôi trên dòng sông đêm,
qua những khúc in ánh đèn long lanh, như ánh mắt xúc động sắp khóc.
Qua những khúc tối đen,
cảm giác tiếng kêu thầm oán trong im lặng, khao khát.
Phải chăng tiếng ngư nhân từ đáy sông Seine bị Paris giăng lưới không về được biển?
Phải chăng tiếng Pariseine trầm uất giữa đời sống bất thường đồng hóa bình thường?
Il était une fois la Seine
il était une fois những nguồn nước trong mát đầu tiên hội ngộ rủ nhau về biển
il était une fois l’amour những tâm hồn lạ lẫm đầu tiên biết yêu đương
il était une fois le malheur từ đó những đau khổ hòa tan trong nước
et une autre fois l’oubli sông rời tháng ngày chôn giấu hư tình
Il était une fois la Seine bây giờ sông Seine mai mốt sông Seine
il était une fois la vie biết gì chăng đời sống? nhớ gì chăng đời sống? (3)
Pariseine!
Ngươi là linh hồn thành phố và dòng sông.
Pariseine!
Ngươi là xung đột giữa Paris đứng và nước Seine chảy.
Pariseine!
Ngươi là cặn bã thời gian lắng đọng lâu đời hóa ngọc trai.
Pariseine!
Ngươi là nguyên vẹn một chữ không thể tách rời.
Pariseine!
Ngươi sẽ được ghi nhớ từ đây.
================================
(1) Trích trong bài thơ Fugue de Mort của Paul Celan (1920-1970). Ông là một trong những thi sĩ được tuyển chọn vào hàng thi sĩ thế giới. (The Vintage Book of Contemporary World Poetry by J.D. Mc Clatchy. Và The Poetry of Our World by Jeffery Paine và một số tác giả khác.) Người Romania nhưng sang học ở Pháp năm 1938. Trở về quê hương sau thế chiến thứ hai. Trở lại Pháp năm 1948 và sống ở đây cho đến ngày ông trầm mình tự vận trong dòng sông Seine. Bài thơ Fugue de Mort được xem là một trong vài bài thơ nặng ký viết về sự thảm sát của Holocaust.
Trong phần chuyển thơ, câu:
nguyên tác: wir schaufeln ein Grab in den Lüften da liegt man nicht eng
Tôi không đọc được tiếng Đức nên dùng bản dịch của Michael Hamburger
we dig a grave in the breezes there one lies unconfined
chúng ta đào mồ trong gió mát cho một người nằm tự do.
Nhà thơ Đoàn Minh Đạo, anh đọc được Đức ngữ, đề nghị nên chuyển thành:
chúng ta đào mộ huyệt trên không trung người chẳng phải nằm bó chặt
Tôi tra cứu trở lại, tìm thêm những câu dịch khác nhau của các dịch giả:
we scoop out a grave in the sky where it’s roomy to lie (Jerome Rothenberg)
chúng ta đào mộ trên trời nơi nằm rộng rãi
we dig at a Grave in the Air there one lies unconfined ( A.S. Kline)
chúng ta đào Mộ trong (không trung/ gió/ không gian) cho người nằm (tự do / không tù túng)
we shovel a grave in the air where you won’t lie too cramped ( John Felstiner)
chúng ta đào mộ trong (không trung / gió / không gian ) cho anh nằm không quá chật hẹp
Theo như tự điển: Chữ Lüften: Thông khí, phơi gió, phô bày
Chữ nicht: Không
Chữ eng: Chật chội, đóng kín, ngột ngạt, bí hơi, giới hạn, nhỏ hẹp.
Bản dịch của John Felstiner gần gũi nhất với nguyên bản. Bản dịch của anh Đào Minh Đạo sát nghĩa. Những bản dịch còn lại thoát hơn.
Tôi xin được sửa lại:
chúng ta đào mộ trên không trung cho người chẳng nằm tù túng.
Cảm ơn anh Đào Minh Đạo.
(2) Sen no Rikyu: 1522-1591. Ông dẩn đầu một trường phái trà đạo ở Nhật bản. Cắt bỏ những phức tạp rườm rà, chuyên chú về đơn giản. Dùng những sáng tạo tầm thường biểu dương công phu và phẩm hạnh. Gọi là “Con Đường Trà Đạo”.
(3) Trích La Seine a rencontré Paris, bài thơ của Jacques Prévert được phổ nhạc. Hàng chữ nghiêng không phải là hàng dịch, chỉ là lời tiếp theo của bài thơ Pariseine.