Thơ Nguyễn Bảo Chân

IMG_20220628_102519

 

Văn Việt: Sau các tập thơ Dòng sông cháy (NXB Hội Nhà văn/1994), Chân trần qua vệt rét (NXB Thanh Niên/1999), Những chiếc gai trong mơ (NXB Thế giới/2010), nhà thơ Nguyễn Bảo Chân vừa cho ra mắt tập thơ thứ tư: Bóng của ý nghĩ (NXB Thế giới/2022).

Thay lời chúc mừng, Văn Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Lời tựa cho tập thơ của Giáo sư Harry Aveling (Australia) và một số bài thơ được lấy từ Bóng của ý nghĩ.

*

Và như thế, cô gái dần nên một phụ nữ trưởng thành. Sinh ra trong khốc liệt của chiến tranh. Lớn lên trong tình yêu, nhưng thường vắng mẹ cha. Làm thơ, một định mệnh không tránh khỏi. Yêu. Được yêu. Cô đơn. Những cuộc viễn du nhân danh thơ ca. Những người bạn thuỷ chung. Âm nhạc. Hình ảnh những dòng sông hùng vĩ đắp bồi cho cỗi cằn khô hạn và rồi bao mầm xanh bé nhỏ vươn lên. Hy vọng. Luôn hy vọng.

Đây là thơ của một Nguyễn Bảo Chân đằm chín. Nó đẹp và mạnh mẽ. Đọc để hiểu vì sao thơ Nguyễn Bảo Chân chạm tới những cảm xúc sâu sắc nhất. Marguerite Duras đã viết về những “bóng ý nghĩ” này trong một bài phỏng vấn năm 1980, rằng: “văn chương nữ giới là sự diễn dịch có hệ thống… được chuyển ngữ từ đêm đen và bóng tối. Phụ nữ đã ở trong bóng tối hàng thế kỷ… Và khi phụ nữ cầm bút, họ chuyển ngữ bóng tối đó … Đó là một cách giao tiếp mới.”

Đó là thơ của sự trở về: “Những câu thơ kiêu hãnh/ trở về căn phòng nhớ/ Bước khua vang/ từng góc quên/ Những câu thơ đối thoại/ với tiếng vọng của mình”. Nhưng trong một ý nghĩa khác, không có sự trở về nào cả. Quá trình phát triển là con đường không đoán định phía trước. Hy vọng ở đó. Luôn luôn ở đó.

                                                                                                                   GS – TS Harry Aveling (Australia)

 

                

 

Hà Nội, một ngày…

 

Hà Nội sương

sớm trễ nải buông

áo chưa xong

người đan áo mỏi

rét tháng Ba lén qua

vội vội

 

Hà Nội nắng

trưa mê man xanh

lá thanh tân chợp mắt

lánh bụi

phố phường chật âu lo

chộn rộn

 

Hà Nội mây

chiều mọng không son

mắt dâng đầy trời

giọt hồ buồn

loa kèn cuối vụ thơm

luống cuống

 

Hà Nội trăng

đêm khuyết nỗi nhớ

bậc cầu thang cũ cọt kẹt thở

bước chân xa

hơi ấm còn vương

áo ai vừa đan xong

đã sờn…

 

3/2019

 

 

Vào Berlin

 

Mùa hạ co ro

mười bốn độ C

mây bạc ủ kín trời

tôi phong phanh ký ức

tìm dấu ai

in đại lộ Karl Marx

loang loáng

những tia chớp BMW* vun vút 

những triết gia ở lại

cùng thời gian  

bên kia mảnh tường cũ

quá khứ ùa ra

không thể khước từ

 

Tôi bước vào Berlin

ngắm thật gần

những chiếc lá không quen

thảng thốt lìa cây

những trái tim xanh

nhựa tươi cuống gầy

khe khẽ thở

 

Tôi bước vào Berlin

qua gạch vỡ

đến bên tiếng dương cầm

ai vừa chơi bản Giao hưởng số Năm

Ludwig* không nghe thấy nữa

nước mắt đàn ông mềm đá

cỏ bật ngàn phím

định mệnh xanh

 

Tôi bước vào Berlin

trên nhịp cỏ dâng

lắng bao phiến đá lát đường

vẳng tiếng

những bước chân

vội vã

lẫn tiếng bom gầm

chuông nhà thờ* tắt lặng

đêm Hai Mươi Ba tháng Mười Một

năm Một Ngàn Chín Trăm Bốn Ba

niềm tin gẫy ngọn

hai mươi sáu năm trước ngày tôi ra đời…

 

Trút bỏ ký ức,

nhẹ bẫng tôi

sơ sinh cùng lá đâm chồi

lá che tôi khỏi những ánh mắt vướng víu

ken dày đại lộ nặng trĩu

những Adam rám nắng

quần bò bạc gối

những Eva tươi rói

xênh xang váy áo

liệu họ có nhận ra nhau sau lớp vỏ kia?

liệu có ai thấy tôi non nõn lá?

thành phố như quen thân, như xa lạ

những tòa tháp vươn lên

những tượng đài sụp đổ

triết gia cười

nhạc sĩ rưng rưng

Brandenburg* mở tung cổng

gió và tôi

bước vào Berlin.

 

7/2008

 

* BMW: Bayerische Motoren Werke AG, công ty đa quốc gia nổi tiếng thế giới của Đức, chuyên sản xuất xe hơi và xe gắn máy.

* Ludwig van Beethoven: Nhạc sĩ thiên tài người Đức (1770-1827). Ở vào khoảng giữa sự nghiệp của mình, ông bị điếc, nhưng vẫn tiếp tục sáng tác những bản nhạc bất hủ. Bản Giao hưởng số 5 là một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của ông.

* Kaiser Wilhelm Memorial: Một nhà thờ Tin Lành ở Berlin, bị phá hủy nặng trong chiến tranh thế giới thứ II, sau trận bom oanh tạc đêm ngày 23/11/1943.

* Cổng Brandenburg (Brandenburger Tor): Công trình kiến trúc tân cổ điển, được xây dựng từ thế kỉ XVIII, một trong những biểu tượng chính của Berlin và nước Đức.

 

 

Nàng Tiên Cá

 

Những dãy nhà sặc sỡ

soi bóng dòng Nyhavn*

ngợp chiều nắng loang

lang thang phố lạ

gặp nụ cười quen

lấp loáng ô cửa ướt

lòng kênh xiêu xiêu

thắp sáng góc sâu kí ức

ai âu yếm gọi tên tôi

trong tiếng sóng

hát ru những con tàu

neo lời ca dìu dặt

níu chân

 

Tôi dứt áo bước lên

chuyến xe buýt cuối ngày

tần ngần ngoái lại

bến đã cũ

người đã xưa

vụt loé vệt sao

bay ngang trời

băng qua đời tôi

khoảnh khắc này

rọi vào tôi thẳm

tôi khép mi, ước thầm

một điều bí mật

nhưng ánh sáng của vệt sao kia đã tắt

nhanh hơn chớp mắt

điều ước chẳng thành

 

Tôi ngã vào bóng tối

chạm tới những mảnh sao vỡ

nhoi nhói vết chân Nàng Tiên Cá* nhỏ

đi qua kiếp Người rớm máu

tìm Tình Yêu, tìm lại Chính Mình

Tôi đã khóc cho nàng và cho tôi,

dù biết cái giá của yêu tin

không thể tính bằng nước mắt

Andresen* đã mất

chỉ còn bức tượng đồng im lặng

chứng kiến nhân gian

 

Khi ánh bình minh đầu tiên

và gió từ Langelinie* ào tới

cuống cuồng đánh thức tôi

Tôi muốn chạy thật nhanh ra biển

Nhưng đôi chân tôi đâu?

Đôi chân tôi đây,

sao tôi không thể bước đi?

Chúng biến mất từ bao giờ?

Chỉ có những chiếc vảy biếc xanh lấp lánh run rầy

chiếc đuôi khát nước

Tôi quẫy cựa vẫy vùng thoi thóp

giữa rầm rập ngược xuôi lối người

Tôi oà khóc tức tưởi

Nước mắt thành sông

Tôi ngụp lặn trong nước mắt

bơi về phía đại đương…

 

Copenhagen, 22/ 9/2019 – Hà Nội, 14/2/2022

 

* Kênh đào Nyhavn: bến tàu, trung tâm vui chơi giải trí nổi tiếng từ thế kỉ 17, 18 với những dãy nhà sặc sỡ đặc trưng, những nhà hàng, quán bar, quán cafe ở Copenhagen, Đan Mạch.

* Nàng Tiên cá: nhân vật chính trong truyện cổ tích cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, vì tình yêu đã sẵn lòng đánh đổi cuộc sống bình yên quen thuộc của mình nơi đại dương để sống cuộc đời một con người dẫu phải trải qua đau đớn.

* Bức tượng đồng tạo dáng Andresen ngồi, tay cầm một cuốn sách, của nhà điêu khắc Đan Mạch Henry Luckow, dựng từ năm 1965 tại Quảng trường Toà Thị chính Copenhagen.

* Langelinie: cầu tàu, chỗ dạo chơi, công viên ở trung tâm Copenhagen, Đan Mạch, nơi có bức tượng Nàng Tiên cá bằng đồng của nhà điêu khắc Đan Mạch Edvard Eriksen, dựng từ năm 1913.

 

 

Đạp xe một mình ở Paris

 

Đạp xe một mình

qua thành phố Tình Yêu

gặp quá khứ trôi

mòn đá lát

vượt một cây cầu tít tắp

đường về

tôi để hôm qua vuột mất

giấc mộng bay rồi

Paris còn mê…

cơn mưa gõ cửa mùa hè

oải hương mất ngủ

màu hoa ngằn ngặt

tím đầy Seine

 

Đạp xe một mình

hun hút ban mai

góc phố tinh khôi

vỉa hè xiên nắng

sao nhói đau

sao thân thuộc

như gặp tuổi thơ

cây bừng lá thắp,

đắm cõi buồn

hăn hắt bóng sông

soi nỗi xanh

trời sâu đáy nước

giấu mùa vàng

đất đẫm miền quả ngọt

sân ga vắng

những toa tàu trống

cây vĩ cầm dậy sớm

đồng xu lẻ rưng rưng hộp đàn

bánh mới thơm sốt ruột

cà phê ướt môi Paris tỉnh giấc

 

Đạp xe một mình

bao dặm đường xa

mặt trời cau có

mặt trăng dịu dàng

bỏ lại sau lưng

buồn vui đã mỏi

mong được dừng lại

khuôn cửa tần ngần

lách cách ổ khoá

gọi một tên người…

 

Paris, 8/2012

 

 

Vắng

 

Lá vắng

trời trông mây

nắng ngóng bóng xuân về

loang xanh cây

người vắng

mùa đi

theo dấu chân chim dạo trên ngói xám

dạo qua ngấn mắt cay

 

Có tiếng đập cánh cuống quýt trong lồng ngực

trái tim ta muốn thoát ra

cùng bầy chim kia

bay về nơi những chiếc lá tươi non

nơi ngôi nhà mở tung cánh cửa

đón chờ

tách trà nóng

khói quẩn vệt son mờ

đồ đạc cũ bện hơi người bịn rịn

khi hai chiếc kim đồng hồ chạm khít nhau tình tự

nghẹt thở

thời gian ngưng lúc Không Giờ

 

Anh có nghe tiếng đập cánh của trái tim em?

anh trở lại

có thể em đã vắng

cây mong lá

trời không mây

lồng ngực rỗng

những vết chân chim bỏ quên trên ngói xám

trong ngậm ngùi khoé mắt

anh nhớ lên giây cót cho chiếc đồng hồ

và, anh hãy châm một điếu thuốc

từ vệt môi em…

 

11/4/2014

 

 

Chân dung một giấc mơ cũ

 

Oải hương đã ngủ yên

trên chiếc giường kí ức

trễ nải mùi yêu

hơi thở mờ rêu

giấc mơ trượt ngã nơi nào chẳng rõ

 

Ta nhớ cánh đồng hoa mộng mị

trải tấm toan mê man tím

cho ta vẽ một vầng trán rộng,

một ánh mắt đắm

một nụ cười ngời

một bờ ngực ấm

ta vẽ tiếng thầm

ngọn gió ve vuốt mùi hương

ta vẽ sự run rẩy li ti chạy từ cánh hoa

qua cuống hoa xuống tận tầng rễ ẩm

 

Oải hương đã ngủ yên

ý nghĩ ta thức

xuyên qua những bức tường nín bặt

qua bóng đêm dằn vặt

trở mình

tìm cánh đồng hoa biền biệt

 

Khi ý nghĩ kiệt sức

rỗng không

chân dung giấc mơ cũ bất ngờ vụt sáng

trong giọt mắt rưng rưng

ta không dám chớp mi

sợ hình bóng thân yêu kia nhoè quên

trong sắc tím hoang mang…

 

7/7/2017

 

 

Những bản Cantatas của Bach

 

Chỉ với tay

chạm vào phím mở

trên chiếc máy nghe cũ kĩ

chạm vào một đĩa nhạc ngủ quên suốt mùa hè

là những bản cantatas của Bach* bừng thức

giấc mơ thanh âm

từ trời xanh trào xuống

 

“Alleluia, alleluia…”

giản đơn sao, lời cầu nguyện của ta!

ta mong ngày bình yên

ngày hoa nở ấm cây bậu cửa

ngày ra phố gặp nụ cười

ngày ăm ắp tiếng trẻ đùa chơi nắng vàng

ngày lại có anh

anh ngồi đó, lặng lẽ đọc sách

ta nấu nướng xôn xao

nho nhỏ căn bếp

ly tách bát đĩa lách cách

khua vang những con chữ im,

những ý nghĩ thầm…

 

Chỉ với tay

là chạm vào ước nguyện của chính mình

lời thánh ca dội về ta

vọng lại lá non

ngân nga ngói cũ

che hạnh phúc khỏi mưa

giấu nỗi buồn bớt nắng

 

Chỉ với tay

là chạm vào phím tắt

nhưng vẫn còn tiếng ta thở

theo những bản cantatas

dìu dặt suốt mùa đông

chiếc máy vô tri

bỗng mở cánh

những thiên thần.

 

24/12/2010

 

* Cantata (can-tat) là  bản nhạc có lời, cho một hoặc nhiều giọng trình tấu cùng khí nhạc, đặc trưng ở một vài phần có kết hợp với dàn hợp xướng. Tôi đặc biệt yêu những bản cantatas viết cho nhà thờ của nhạc sĩ thiên tài người  Đức Johann Sebastian Bach và thường nghe đi nghe lại vào mỗi mùa Giáng Sinh.

 

 

Phục Sinh

 

Hoa gạo tháng Tư nhuộm ngày cả gió

Những vệt môi nhức đỏ

rối lòng xuân

Gió đắm đuối chẳng thề nào níu buộc

người đàn ông tháng Tư sầu muộn

Chàng khuất phía nỗi đau

 

Tháng Tư mắt nâu

thương màu xứ sở

xót phận người bể dâu

Mây trắng đâu?

Nắng âm âm mịt mờ

Giếng xưa cạn

Gương soi trời đã vỡ

Muôn mạch ngầm giấu lòng đất cổ

Ngàn năm nước mắt mồ hôi máu đỏ

ngấm rễ vươn cành

ràn rụa đắng cay

trổ mùa hoa trái

 

Khi Chàng gục xuống

xiết vòng gai đau đớn

Mây hoá thành mưa

ân ái đất đai

Và Tình Yêu sống lại

mỗi ban mai.

 

17/ 4/ 2019

 

 

Một ban mai thong thả

 

Tặng Hoa và con gái May

 

Đá mềm

Gió mệt sau lưng

Đất ấm

Bàn chân không mỏi

Xòe tay đếm cạn sao trời

Đi mãi

Đường mây thăm thẳm

 

Qua sa mạc

Nhận ra cơn khát

Qua mùa đông

Thấu lòng giá rét

Qua đêm dài

Bầu bạn cùng bóng tối

Qua cánh rừng cằn cỗi

Lắng nghe rễ thương cành

 

Nước mắt tưới bao đọt lá

Hy vọng tứa xanh

Giấc mơ đầy

Rồi một ban mai thong thả

Hạnh phúc

Cựa mầm cây.

 

13/11/2011

 

 

Những bông hoa không màu

 

Trống rỗng đầy những bông hoa không màu

yên tĩnh vỡ mùi hương lặng

gió chìm mắt đắm

cơn bão ngủ quên tóc rối

sợi sáng náu sợi tối

bóng đêm biết giấu chính mình đi đâu

 

Trống rỗng đầy hôm qua

kỉ niệm bặt tiếng

Tháng Tư ngân nga

hương loa kèn

Tháng Năm sen buông nốt lặng

phăng phắc trưa

chong chong nắng

mùi nhớ quen hơi

ấp môi áo người

 

Trống rỗng đầy trời xanh

phố nâu

những mặt khóc

nấp dưới nụ cười

những độc địa lẩn sau lòng tốt

những giả trá lẫn sự thật

những bàn chân đau

trốn vào giày chật

những hình hài ngột ngạt

tránh nắng

tìm bóng râm ảnh ảo

của bông hoa không màu

 

Trỗng rỗng đầy cơn bão bật thức

tóc phần phật trên đầu

sợi sáng chen sợi tối

dựng ngược thời gian

lộ mặt cũ nhàu

 

Trỗng rỗng đầy những bông hoa không màu

đã héo

ta nhặt mùi hương cũ

cất tận lòng ta

sâu.

 

25/5/2016

 

N.B.C

Comments are closed.