Thơ Nguyễn Hàn Chung

NHChungĐi xe ngựa ở phố

 

Lão  xà ích quất thanh roi

Thời gian rớt xuống đôi vai người già

Từng đoàn bóng lộn vù qua

Cỗ xe ì ạch ì à ngàn năm

 

Xì xồ tiếng lạ tiếng quen

Mấy ông bạn ngoại lóe đèn liên miên

Ngựa và người cứ lặng yên

Chỉ nghe tiếng vó gõ tìm tàu xưa

 

Lão xà ích lại vung roi

Cỗ xe nhúc nhích mệt nhoài lắc lê

 

Mai này hiện đại phố quê

Ngựa xe thổ mộ đi về nơi đâu ?

1997

 

 

Cúng cơm cho Cún

 

Bất ngờ nỗi nhớ Cún duềnh
như con sóng táp vào bên ngực rồi

Lá bàng xưa lót trong nôi
Mẹ ru ta, Cún ngóng trời mé hiên
Chút vàng Cún đã an nhiên
Thủy chung chẳng để ưu phiền cho ai

Cơm rơi cá cặn hình hài
Cún ơi nỗi nhớ chẳng phai chút nào

Phập phù chờ cuộc thớt dao
Tiếng nhai rau ráu ầm ào máu me

Nửa vòng trái đất ơi quê!
Cún người xơi chán ê hề thức ngon
Cún vào khách sạn chon von
Cún ra mỹ viện đổi hòn tinh khôi

Buồn tôi tôi tưởng Cún tôi
Lạc linh khuất núi bao rồi còn đau

Vá vàng mực đớm theo nhau
Nỗi buồn nhược đến ngàn sau vẫn òa

Cún nào là trứng là hoa.
Cún nào đến mảnh xương già tiêu diêu

 

 

Kính tạ

 

Một bên tháp một bên sông

Làng nom như gái chưa chồng ngủ quên

Giếng làng y chấm phạt đền

Tôi, cầu thủ bị truất quyền vào sân

 

Đầu thôn mặt cứ bần thần

Sau lưng cái ả phù vân xa vời

Trái tim ngọ nguậy ngỏ lời

Rót đau xuống chén rượu mời cỏ xanh

 

Bỏ quê đi biệt không đành

Giấu trong nhúm chữ giọng tình khan khan

Không làm nên chuyện xênh xang

Cũng không góp chút rỡ ràng cho quê

 

Biết sông độ lượng tôi về

Giọt lưu linh đã tái tê đủ đầy

Cúi đầu tạ cỏ tạ cây

Tạ con đường bụi luống cày cong queo

 

Thưa quê con biết lỗi nhiều

Cúi xin mẹ một lời yêu muộn màng

 

 

Nhớ Pleiku

 

Chưa bao giờ tới Pleiku

Mà sao nhớ quắt quay như nhớ nhà

Nhớ làn môi bỏ bùa ta

Nhớ con mắt hạt dẻ già đắm sông

 

Tai nghe ngồn ngộn tiếng cồng

Váy hoa rộn những đường cong dẻo người

Anh nhìn muốn nổ con ngươi

Vô tư em thả mây trời qua biên

 

Nói liều một tiếng (vô duyên)

Véo von em vẫn hồn nhiên xuân thì

 

Thình lình bị tắt ti vi

Anh như rớt cái lỗi nghì xuống sâu

Em cùng núi trốn đi đâu

Bỏ anh trơ mặt với bầu dấm chua

 

Dưới này đất Quảng đang mưa

Chắc trên ấy nắng cũng vừa nhú lên

1998

 

 

Tìm vong

 

trèo cao tìm
chẳng thấu vong
rớt sâu
đụng
giấc mơ cong
đàn bà

tìm vong
vong
đi tìm ta
buồn con cu
gáy
qua loa đã nhàu

tìm vong
ôm cứng lưng trâu
biết bao sợi tóc
nhuộm
màu tang thương

tìm vong
cho đến xanh xương
ba hồn bảy vía
hết đường hỡi ôi!

tìm vong
đến cuối vong rồi
bến ghe con nước bãi bồi
trơ trơ

14/8/2015

 

 

Về Hội An

 

Khoắng vào sông

            hỏi nhánh rong

Dạt bao rồi

           mới chịu ròng đáy sâu

Xa xăm nhớ quá ngõ Cầu

Bước về phố hẹp

xô nhau giữa đường

Cầm tay em

                         khẽ

 rồi buông

Trái tim chai

                         đổ

hồi chuông vụng về

 

Khách bên trời cứ như mê

Săm soi

               tìm chút hồn quê cũng vì…

Sông Hoài chảy đến tràn ly

Và em

              mới rựng… xuân thì tối nay

 

Anh lêu bêu riết cả ngày

Chỉ ưng

                          hun

 nụ thơm ngay bữa đầu

 

Em con gái đến bao lâu

Anh

        con trai

đến bạc đầu con trai

 

Say rồi biết tỉnh là sai

Lặng thinh nghe gái sông Hoài

                                  tắm khuya

 

 

Đếm

Một mình đếm lạnh căm căm
Tức cay cái tuổi chết bằm liu hiu

Đếm dai đếm vội đếm liều
Bao nhiêu lần đếm bấy nhiêu lần rầu

Em còn con nít chi đâu
Làm sao anh đếm được màu cố hương

Anh xin đếm chiếu đếm gường
Đếm rêu Ghềnh Ráng đếm nường Câu Lâu

Đếm từ cái tuổi trẻ trâu
Đếm từ em khóc bên cầu làm nư

Đếm Vĩnh Điện đếm Đò Xu
Một mình đếm đến lu bu. Một mình.


26/2/16

 

 

Tôi ơi đừng khát

 

Tôi ơi  đừng khát sông xa!
Sông quê biết mấy  phù sa lở bồi
Sóng sông đâu cũng ít lời
Cũng rơm rạ quấn bèo trôi giạt chiều

Sông nào không sóng vì yêu
Không dan díu với ít nhiều bến sông
Bao giờ nắng đục mưa trong
Mà tôi hăm hở đèo bòng sớm trưa

Bấy lâu yên phận cày bừa
Mặc cho sông rộng người chưa bắc cầu
Tre già măng mọc nương nhau
Khát chi cho rạc mái đầu, tôi ơi?

Sông đâu cũng có thề  bồi
Chẳng sông nào khứng chịu lời điêu ngoa

 

 

 

 

Comments are closed.