Thơ Nguyễn Phương Đình

Dấu chấm trắng

 

viết tặng Ngọc Quang

 

 

Tất cả những gì trong

thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường.

 

Lời đức Phật dạy

 

 

vài trăm năm trước

con người đi trên mặt bằng trái đất

ai nói quả đất này tròn

dễ mấy có ai tin

 

hôm nay, anh nói với em yêu

đường thẳng chưa bao giờ hiện hữu

em cười, anh biết nói giỡn chơi

đố ai tin là sự thật

 

em tin trên trần gian

có đường thẳng tuyệt đối

như đường thẳng anh vẽ trên tấm bảng đen

như tình yêu em cho anh vậy

 

em con nhà gia giáo

tâm địa em thật thà

mà đời con người ngắn quá

cái vô thường trong em, có lẽ chưa vẽ rõ nét cong

 

anh tin tình em yêu anh là rất thật

như cái tương đối đời này, đường thẳng là có thật

như con ốc trong lòng đại dương đầy dông bão

vẫn tuyệt đối bình yên

 

mặt trời hãy còn quay

mặt trăng hãy còn quay

trái đất hãy còn quay

chiếc đồng hồ còn tích tắc

 

thời gian còn đếm được

còn quá khứ và tương lai

con người còn làm và viết nên lịch sử

anh và em còn thời gian để sống và để yêu

 

anh không muốn nghĩ đường thẳng tuyệt đối là có thật

vì khi đó vũ trụ chẳng còn quay

thời gian chưa bao giờ có thật

không lịch sử, không con người, tất cả là hư không

 

vô hình và trống không  của ban đầu

dấu chấm trắng.

 

 

 

 

con chó ngồi trên Tuckerbox

 

minh hoa tho Ng Ph ĐìnhTượng đài con chó trên tuckerbox (hộp đựng thực phẩm), dựng lên vào năm 1832, nằm khoảng năm dặm về phía bắc của thị trấn Gundagai, New South Wales, Úc.  Là một biểu tượng của quá khứ nước Úc, được huyền thoại qua câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1820.

 Một trong những vai trò của con chó trong thời gian tiên phong là con chó  bảo vệ tuckerbox của chủ nó và các tài sản khác. Câu chuyện về con chó ở lại để bảo vệ tuckerbox trong khi người chủ đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đoàn người khác, về sự sa lầy của một con bò đực khi vượt sông. Buồn thay, người chủ không bao giờ trở lại. Nhưng con chó vẫn tiếp tục bảo vệ tuckerbox cho đến khi chết tại đó.

 

 

 

 

 

con chó ngồi trên Tuckerbox

chín dặm từ Gundagai.

 

từ ngày đầu lập nước Úc

một bài hát dân gian, về

chủ mày lười biếng

là kẻ xén lông cừu

tiền bạc tất cả – dành cho cờ bạc, rượu và gái điếm

chỉ một chút tốt lành hơn gã ăn mày

hết tiền lại lang thang, trên đường đến Gundagai.

 

chín dặm từ Gundagai

con chó ngồi trên tuckerbox

cơn mưa đá dữ tợn

dòng sông tàn bạo mùa nước lũ

con bò đực sa lầy

người chăn bò ngồi khóc

lòng đầy căng thẳng, buồn phiền

vượt đồi, đồng bằng tìm sự giúp đỡ.

 

chiều nay dừng xe ghé vào đây

uống ly café

nghe kể chuyện về…mày

con chó ngồi trên tuckerbox

chín dặm từ Gundagai

chụp một tấm hình với mày kỷ niệm

phục mày về lòng trung thành với con người

chê mày không đủ thông minh,

để hiểu, sự bội bạc của con người

họ hổ thẹn, dựng tượng vinh danh mày

con chó ngồi trên tuckerbox

chín dặm từ Gundagai

gần hai trăm năm – vẫn còn ngồi đây

mày ngồi đây bao lâu nữa?

mày nào đâu có biết

chủ mày thua bạc, treo cổ chết lâu rồi.

 

 

Tiếng thì thầm

 

biên giới hạ lào, đồi cỏ lau

trưa nay

có đoàn người đến hì hục đào bới

theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm

 

đêm nay sương lạnh

đồi khuya trăng mờ hư ảo

cỏ bông lau lao xao

trong gió nhẹ

có tiếng thầm thì…

 

“đêm nay cháu trọ lại ở Tchepone

bác về báo mộng, để cháu đem bác về

cháu từ Tiệp khắc về, đâu có nhiều thì giờ tìm kiếm.”

tiếng thầm thì…đáp lại

“năm ngoái, chiến hữu và con gái bác từ Mỹ về

muốn đem bác về, sao bác…”

như tiếng thở dài, thầm thì…

 “bác nhìn xem, mỗi đêm

trên nền trời ánh hỏa châu vẫn sáng

cánh dù thiên thần mũ đỏ

vẫn còn bay trên nền trời, như ngày nào đó

nhiều bạn bè không một người thân thuộc

còn nằm lại đồi này, về thế nào…”

thầm thì…

“về quê, chỉ bận lòng cho con cháu

lại tranh nhau xây lăng xây tẩm

mỗi năm thăm mộ, giỗ quảy phiền hà

đất quê hiền hòa, hồn ma vất vưởng

tội ngiệp con cháu đêm thấy ma trơi.”

 

tiếng côn trùng rả rích

âm hồn bay lửng lờ trong gió

có tiếng khóc than đâu đó

tiếng thầm thì…

 

“tôi với bác nằm chung hố bom nầy

bốn mươi lăm năm rồi đó bác!

trận hạ lào, anh em hai bên

nhiều người nằm lại đồi nầy

thôi tôi ở lại với bác.

 

mà buồn bác nhỉ!

gần nửa thế kỷ rồi, con cháu mình

vẫn cư xử với nhau như bên thắng bên thua.”

 

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.