THƠ PATRICK LODGE

Hoàng Hưng dịch

 

Patrick Lodge là một nhà thơ Ireland hiện sống ở Vương quốc Anh, nghề chính là giảng viên lịch sử bậc đại học chuyên về lịch sử Hoa Kỳ. Thơ ông đã xuất bản trên nhiều tạp chí ở Anh, xứ Wales, Ireland, Australia, New Zealand và Mỹ. Tập thơ mới nhất của ông An Anniversary Of Flight (Ngày Kỷ niệm Bay)Valley Press xuất bản năm 2013. Ông là một người đam mê du lịch, thơ ông cũng hay viết về sự du hành qua không gian và thời gian.

Tháng 12 năm 2014, Patrick đi từ Hà Nội vào TPHCM trên Tàu Thống nhất và ngược sông Mekong đến Phnom Penh. Trước khi tới, Patrick tìm đọc các sách thơ VN và qua tuyển thơ VN đương đại Black Dog, Black Night, ông liên lạc, hẹn gặp HH ở SG. Rủi thay, ngày ông hẹn lại đúng sau ngày Bọ Lập bị bắt, khiến lần đầu tiên HH mắc lỗi bất nhã “quên hẹn” với một bạn văn nước ngoài. Mấy hôm sau mới nhớ ra, HH viết thư xin lỗi, ông rất thông cảm và gửi cho HH mấy bài thơ vừa làm. Ông vui vẻ đồng ý cho dịch và đăng trên Văn Việt.

 

PatrickTàu tốc hành Thống Nhất

 

Bên ngoài con tàu Sài Gòn

tất cả là đất hay nước.

Qua song cửa sổ

một dải hẹp màu mỡ

sáng lên giữa biển xanh

và núi rừng nhiệt đới;

những đồng lúa đùa chơi với mồ mả gia đình,

bên kia ô bàn cờ

của nước và những gờ đất.

Giờ đây lúa chết

đã thành tổ tiên,

là mầm trong vòng quay

hạt giống mọc thành hạt giống.

 

Bên kia đường ray

ánh sáng cắt dưới thấp

hàng cây.

Một con rắn hổ mang lóe sáng, cuộn mình

từ tòa tháp có ngôi sao đỏ

một nghĩa trang

đồng dạng, một cơn điên

những bệ tượng và bảng tên.

                

Trong cái hồ trù phú

từng có lần tắt lửa

giữa lòng hồ,

từng có lần ngăn cơn lũ

đạn bom,

Bác Hồ hồi tưởng.

Gia đình giải phóng của ông không còn;

mỗi người một hạt vàng

không bao giờ chín. Những mùa lúa qua đi;

không ai đến

đốt nhang tiền hay gọi tên.

 

Một chú bé trên đê bắt chước

nội của chú, tốt nhất là trở thành ông

khi ông dạy

cháu mình

theo sau lưng trâu.

Chú ăn quả

nhớ kẻ trồng cây.

Tay chú bưng một bát cơm

vàng như vách chùa.

 

REUNIFICATION EXPRESS

 

From the Saigon train,

all is earth or water.            

Through window grills,

a thin strip of sustenance

shines between sea

and mountain jungle;

rice fields wanton with family tombs,

studded across the draughtboard

of water and berm.               

Now the paddy dead

are become ancestors,

germ in the cycle

of seed to spike to seed.

                

Across the tracks,

light cuts in low

from the tree line.

A cobra flaring, it recoils

from a red-starred obelisk

mooring a uniform

cemetery, a muffled hysteria

of plinths and plaques.

In this lake of abundance

which once snuffed

out the fire at its heart,

which dammed the flood

of bullets and bombs,

Uncle Ho remembers.

His lost family of liberation;

each a grain of gold,

never to ripen. Harvests pass;

nobody comes

to burn joss and paper, to call their name.

 

A child on a dyke imitates

his grandfather, the better to become him

when he teaches

his own grandchildren

to follow the buffalo.

He eats fruit,

remembers the planting of trees.

In his palm is a bowl of rice,

yellow as a pagoda wall.

 

NHỮNG BỨC ẢNH TUOL SLENG

 

Bạn phải quay lại nhìn chăm chắm

đừng xấu hổ, hãy quay lại nhìn.

Hãy mở to mắt

sáu nghìn lần:

nhìn là tin tưởng.

 

Nhìn đó, một bé con

bảy hay tám tuổi,

với chiếc xiềng

quanh cổ

như thể chúng sợ

bé sẽ bay đi. 

 

Nhìn đó, cái hố chết

đào giữa một sân chơi;

những xương bàn tay vẫn còn bị trói,

những cái sọ bị bịt mắt

như thể người chết

có thể nhìn thấy bọn giết người,

trỏ mặt chúng buộc tội.

 

Hãy nhìn vào mắt mỗi người;

họ sẽ không quay mặt.

 

Hãy nhìn,

một số giận dữ,

một số đề phòng,

một số sợ hãi,

một số vẫn mỉm cười

như thể đây là trò chơi

mơ hồ luật lệ;

dù sao họ sẽ

chơi hết mình.

 

Chẳng có gì quan trọng.

Không ai trở về

từ ngọn đồi độc địa.

Tất cả bị nhai nát,

 và nhổ đi.

 

Họ sống chẳng lợi gì;

họ chết chẳng mất gì. 

 

Chỉ cái chết là phương thuốc chữa.

 

TUOL SLENG PHOTOGRAPHS

 

You must stare back,

unashamedly, stare back.

Widen your eyes

six thousand times:

seeing is believing.

 

Look, a child,

seven or eight,

snapped with heavy chains

around his neck

as if they feared

he would fly away.

 

Look, a death pit

dug in a playground;

bone hands still tied,

skulls blindfolded

as if the dead

might see their killers,

point accusingly.

 

Look each person in the eye;

they will not look away.

 

Look,

some scowl,

some are wary,

some scared,

some still smile

as if this is a game

whose rules are unclear;

they will give their all

anyway.

 

It doesn’t matter.

None will walk back down

this hill of poison.

All will be chewed up,

spat out.

 

No profit in their living;

no loss in their murder.

 

The only healing was death.

 

Comments are closed.