Thơ Phạm Phú Hải

PhamPhuHai2007B 

 

Văn Việt: Phạm Phú Hải (1950-2009), làm thơ từ thuở niên thiếu. Cho đến lúc ra đi, ông có hàng ngàn bài thơ. Tuy nhiên, thơ ông chỉ được lưu giữ bởi những người thân trong gia đình và bạn bè.

Có thể nói, cho đến khi tập thơ Một hôm núi khóc (NXB Hội Nhà văn 2008) xuất hiện và nhận giải thưởng của cuộc thi thơ do Bách Việt tổ chức, Phạm Phú Hải mới được độc giả cả nước biết đến và đón nhận.

Phạm Phú Hải là một tài năng thiên bẩm kỳ lạ. Ông sống trong một mùa và một phương không tên:

Một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm

Không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm

Tôi đang sống

Trong mùa và phương không tên đó.

Trong cái cõi riêng ấy, Phạm Phú Hải đã vượt thoát khỏi những giới hạn của thời gian, của không gian. Ông có thể “Bước nhịp nhàng theo mây trắng sum suê/Hái nửa trời cao lạc bước về”; có thể: “Thử buông tay thả người lơ lửng/Ở giữa thinh không lại ngủ quên”; có thể: “Lay tỉnh thời gian bằng thuốc độc/ Hú hồn cho sống dậy giấc mơ xưa”…

Trong cái cõi riêng ấy, Phạm Phú Hải hòa vào tự nhiên, như thể ông là một trong những núi non, sông suối, cỏ cây, chim muông, cầm thú. Ông gọi nắng và nghe nắng gọi, ông nghe núi khóc: “tiếng lệ chứa chan”, ông nhìn thấy mây: “tươi mươi cúi tạ người”, ông nhận ra mình: “trong lớp vỏ cây, trong vệt phân chim/Trong cánh hoa rơi trong phiến mây bay… Ông chấn động vì cái chết của con bướm nhỏ:

Những con bướm đã chết đang sợ hãi

Đã chết vào mùa thu

Đang sợ hãi trong trí tưởng tượng tôi

Như thể tôi là con bướm

Đã chết vào mùa thu

Tưởng nhớ một nhà thơ tài hoa, bạc mệnh, Văn Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ của ông, rút từ tập Một hôm núi khóc.

 

 

Mộng mị

 

Đặt tên cho bò

Thả bò cho núi

Đặt tên cho núi

Thả núi cho bò

 

Một hôm bò ho

Tiếng ho cổ quái

Một hôm bò ho

Ta buồn biết mấy

 

Bò ơi, núi ơi

Suốt đời ngây dại

Ta ơi, ta ơi

Suốt đời ngây dại

 

Một hôm núi khóc

Tiếng lệ chứa chan

Một hôm núi khóc

Ta bỏ đi ngang

 

Đi ngang đi ngang, mà

Tênh tang tênh tang, hà

Hỏi mây in thạch ảnh

Vun vút tiếng sao sa

 

Ta có một bầy bò

Ta có một bầy núi

Ta để ngàn năm qua

Nửa khuya chụp bắt khói

 

Khói vụt khỏi tay ta

Chỉ còn một dấu lạnh

4/1973.

 

 

Xương thơm

 

Gió đi trên những nóc nhà

Hồn đi trên những tiếng gà đầu đêm

Chợt nghe xương cứng trở mềm

Từng hồi chuông mộ đổ rền dưới da

Gió về xa gió về xa

Thanh âm lẻ biệt tiếng gà vút cao

Lá tranh mái thấp xạc xào

Hồn dào dạt mộng đêm ngào ngạt hương

Xương nằm máy động bên xương

Hỏi thầm nhau một cõi thường ở đâu

 

 

Thi sĩ

 

Có bàn chân dài hơn con đường

Nên chân trời là những đốt xương

Của ai bỏ lại ngàn năm trước

Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường

 

Ngủ cũng có đôi khi mở mắt

Chiêm bao thấy được vạn màu xanh

Giận quá giận đất trời vô loại

Nhẫn tâm xô chết những bình minh

 

Đi một mình đứng lại một mình

Dài hai bên thạch đỉnh chênh vênh

Thử buông tay thả người lơ lửng

Ở giữa thinh không lại ngủ quên

 

Trăng cho thi sĩ màu du tử

Đứng lại để nhìn vũ trụ đi

Cất bước mà xem khôn kiền chật

Bỏ bước về thanh khí tương tri

 

Nhạn gọi én xa mùa bước biệt

Có mây già lụm cụm đi theo

Du tử cuối đời về góc núi

Bỏ lại trên sông một tiếng chèo.

 

 

Vạn huyền

 

Trăng là sự lưỡng lự của ánh sáng

Cho nên rất dễ yêu

 

Có một dây đàn dài

Từ cung lòng ta đến cung trăng kia

 

Cây độc huyền của riêng ta

Cây độc huyền của riêng ta.

 

 

Chiều

 

chiều đi tím núi tím đường

gió ôm chân nắng ngập ngừng ngọn cây

về đây đêm ơi về đây

đàn ai lành lạnh sáu dây rãi buồn

chiều buồn, ôi. chiều thật buồn

sáu dây chẻ sáu phiến hồn lạnh tanh

máu lên nghe vỡ tan tành

hồn chiều tím nhạt hương trầm thoảng bay

về đây đêm ơi về đây

thần kinh buốt óc ngàn dây khật khờ

gió chiều đấy gió vu vơ

ngàn dây quấn chặt ngàn tờ khổ kinh

 

 

Ông cụ mù

 

Ông cụ mù có đôi chân rùa

đi về đâu? – đi về hôm xưa

ông cụ mù – ông cụ mù

dò dẫm từng giọt mịn nước mưa

 

Sờ soạng thời gian mịn màng

ông cụ mù ra vào tâm can

phơi nắng cho bầy kiến rỉa

ông cụ mù ông cụ to gan

 

Hai chân nặng trên thời gian sột soạt

hồn treo một mảnh đen thui

cụ mù nửa đêm mồi đèn khẽ hát

chín chín tuổi đời ô luôn vui

 

Có chi đâu có hề chi đâu

lửa bốc lên cao cháy rạt đầu

đâu phải mới hôm nay lửa dậy

ông cụ mù ông cụ chơi lâu

 

 

Soi

 

Lỡ cầm địa ngục trên tay

Đốt lên làm đuốc soi ngày soi đêm

Soi vô trái đất rất mềm

Soi ra thăm thẳm rất đen rất dày

Soi chỉ tay, thấy ăn mày

Soi chỉ chân, thấy đống ngai vàng vàng

Soi đầu làng, thấy dân làng

Soi giữa làng, thấy con đàng máu tươi

Soi phố thị, thấy ngậm ngùi

Lấn nhau chạy đến hết đời biệt tăm

Soi quanh qua chỗ sẽ nằm

Thấy côn trùng đã tri âm bao giờ

Soi lui thiên cổ bơ vơ

Soi tương lai thấy mờ mờ hư vô

Tắt đuốc, nhắm mắt, ngây ngô

Chân này bước lộn vào mồ chân kia.

 

 

Hạt cát điếc

 

Trưa nay đã gặp lại rồi

Dấu chân giữa đám bụi rời hôm qua

Hôm qua là vạn hôm đã qua

Trưa nay là vạn vạn ngày hôm sau

 

Ngàn lần ngã, ngàn lần đau

Tôi ơi vết xước trên đầu còn chăng

Mặt trời tưởng ra mặt trăng

Nên chi gai góc hằng hằng mọc ra

Dẫu cười vang dẫu khóc òa

Ngửa môi nuốt hết âm ba mỏi mòn

 

Kể từ én mẹ bỏ con

Mùa xuân trăng trối bên cồn thiết tha

Kể từ giũ áo phôi pha

Bụi bay bốn phía tiếng gà mãi ôm

Khuya khuya phía nguyệt đỏ lòm

Thanh âm đợi mãi đầu hôm chửa về

Một đàn én rũ cánh rũ lê thê

Mùa xuân ơi, hấp hối mê sảng cuồng

 

Ngăn dòng sông lại từ nguồn

Giọt mưa đỉnh núi có buồn trùng khơi?

Ngồi mà nói nhảm mà chơi

Hạt cát điếc vẫn câm lời dưới chân.

 

Sáng 26/4/73

 

 

Mưa bão

 

Những đêm mưa bão tưng bừng

Đầy căn gác nhỏ cây rừng mọc ra

Từ đầu phút một giây ba

Bỗng không tôi lại không còn là tôi

Tôi bay lên tới cửa trời

Tôi về địa ngục tôi ngồi dương gian

Tôi đi cái chớp con đường

Tôi lui hồng hộc về phương hướng nào

Cây rừng mày có như tao

Mọc ra rồi lại lặn vào nữa đi

Ui hay lũ nó làm gì

Bọn kình-biển nọ lại bì bõm bơi

Tôi ngồi tôi chọc tôi chơi

Tức lên tôi giết một hơi ghế bàn

Này giày này mũ rộn ràng

Giết luôn để chết cùng làng với nhau

Cây rừng này tụi bây đâu

Sao không sắp sẵn đưa đầu ra đây

Hôm nay tôi nói cả ngày

Ngày mai tôi chửi cả ngày hôm qua

Các anh hãy cứ khề khà

Mưa dông bão núi sa đà mặc tôi

Tôi ngồi phun hết hai môi

Phun luôn cả lưỡi cho người ta vui

Tự mình móc họng mình chơi

Không ưng móc họng thì mời ra xa

Người ta là người với ta

Có bao nhiêu đó để mà trừng nhau

Này cô kia ở trên lầu

Áo thơm cô mặc có màu thịt tôi

Thịt tôi cô đã tường rồi

Bữa tôi cởi hết da ngồi cô xem

Đất trời cũng thứ lèm nhèm

Bão mưa như thể thằng điên lộn đầu.

 

 

Cho lênh đênh theo thời gian

 

đem cân vài lượng da trời

bỏ vô dầm rượu đặng mời tri âm

uống đi uống cạn trời xanh

say đi say đập tan tành xưa sau

ta ngồi bốn mắt trông nhau

mắt màu xanh để nhìn màu mắt xanh

đêm qua ta mộng trăng rằm

sáng nay thức giấc mười năm qua rồi

chuyện người dâu bể xa xôi

trông theo dưới đáy nguyệt ngời rạng đông

một đàn bươm bướm qua sông

giương buồm viễn mộng ngược nguồn thượng thiên

lênh đênh đành đoạn lênh đênh

say trời xanh nỡ bỏ quên ngày về

rót thêm đi rót thêm đi…

1972

 

 

Ôm phố

 

                Tặng MÙ MÓC DỌC SƯƠNG

 

Ôm phố đi giữa phố

Ôm phố đi lên rừng

Nín hơi hú cố tổ

Mau về mà rửa chưn

 

La to cho đỡ nhớ

La to cho chóng quên

La to cho hết nhớ

La to cho đừng quên

 

Có ai mà hiểu được

Những bàn chân trong đầu

Góc chân là lưỡi rắn

Nọc mọc lên từ lâu

 

Bước nhanh lên rừng rậm

Bước ngang vào rừng thưa

Bước bước bước rừng mưa

Bước bước bước rừng nắng

 

Gom hết cả ruồi nhặng

Gom hết cả bút hoa

 

Tung thả

Tung thả

Comments are closed.