Thơ Thận Nhiên

NĂM BÀI THƠ VỀ THỜI HẬU CHIẾN

1975

thời ấy ai cũng như ai
buổi sáng cô lựa ra chiếc áo dài
xếp lại
bỏ vào giỏ mang đi

trưa đến trường dạy
giờ ra chơi cô lấy ra gói kẹo
bán cho lũ trẻ nhà nghèo không tiền
ngày nào cũng lỗ
chiều tan trường
con đường ngày mưa ngày nắng
cô đi bộ về
tiếng guốc gõ cầu thang mệt nhọc
tối nay nấu món gì?
tối cúp điện
bữa cơm độn sắn khoai
đèn dầu leo lét soạn giáo án
thời tóp mỡ và cá sô*
giải phóng và cách mạng
những chiếc áo dài không về
cà vạt áo vét cũng không về
chúng ở lại chợ trời
có lẽ rồi ra Hà nội
có lẽ thành áo chú rể cô dâu ngày cưới
những đứa trẻ lớn lên, già đi
cô giáo qua đời
chuyện mới hôm qua mà đã lịch sử

* Cá sô: đủ loại cá biển được phân phối theo tiêu chuẩn hằng tháng, thường ươn nát.

***

kỷ vật

lá cờ cũng có phận mệnh như con người
mặt trận dân tộc giải phóng miền nam ra đời trong rừng
có lá cờ nửa xanh nửa đỏ và sao vàng ở giữa
cán bộ treo nó lên
dân gọi là cờ việt cộng
mỹ gọi là vi xi

ba tôi đi trận năm 67
mang về lá cờ rách bươm tiểu đoàn ông vừa thu được
tôi nhìn nó tò mò e sợ
tay cố vấn mỹ xin làm kỷ niệm mang về nước
những anh khác cũng muốn có lấy le
ba tôi nhờ ông hàng xóm may cho mỗi người một lá

buổi sáng hoà bình
tôi gặp lại lá cờ việt cộng
trên đoàn xe lính bắc việt chạy vào thành phố
buổi chiều thấy nó trên tay
vài gã hàng xóm đeo băng đỏ
những cách mạng ba mươi

hai năm sau những đứa ba mươi thành ông ba mươi
nhưng lá cờ thì lặng lẽ biến mất cùng mặt trận
người ta bảo vắt chanh bỏ vỏ
những vỏ chanh của lịch sử
tìm ở đâu bây giờ?

tôi tự hỏi anh lính mỹ còn giữ kỷ vật việt nam?

***

cái gì chết thì phải mang chôn

quê ngoại tôi nghèo xơ xác
cả làng không nhà nào có cầu tiêu
tôi cầm cái cuốc nhỏ
đi trăm bước qua độn cát là tới biển
nằm ngoài hiên gian nhà không cửa
khuya đói xới cơm, gió thổi cát bay vào chén
tôi nhai lạo xạo
Mệ ngoại lòa mắt
lần ra ngồi thủ thỉ với thằng cháu sài gòn
toàn những điều cơ cực ngoài vĩ tuyến
những chuyện đời chia cách từ 54
đêm lạnh, Mệ ôm tượng Chúa từng chôn giấu dưới ao
thì thầm lời khấn lẫn trong tiếng sóng tiếng gió
kể hết một lần
mai thằng cháu về sài gòn, rồi đi mỹ
nơi tôi ngụ cách quảng bình cả thái bình dương
người ta bảo rằng biển ở đó chết rồi
tôi hình dung một thi thể đàn bà nằm rũ rượi
ai đào giùm huyệt
về chôn

***

bài thơ về một nạn nhân của chiến tranh

đêm 30 tết mậu thân
lập loè hỏa châu trên bầu trời tháng chạp
ba tôi đồ trận nón sắt ứng chiến giữ nhà
trên thành mỗi cửa sổ ông đặt lựu đạn sẵn sàng giật chốt
thỉnh thoảng, ông bắn một phát vào bóng đêm
tiếng carbine lẻ loi chìm mất trong hàng ngàn tiếng nổ chát chúa
rạng sáng, một con chó trúng đạn đổ ruột nằm thoi thóp trong sân hàng xóm
không ai bắn cho nó chết hẳn
năm mươi năm sau, thức giấc đi đái ở nơi cách ngôi nhà cũ nửa vòng trái đất
tôi đứng ngắm những vì sao trên trời mà nhớ ánh hỏa châu
tôi muốn viết một bài thơ thơ mộng và giản dị
nhưng không dưng con chó ăng ẳng chạy ngược về khiến tôi tự hỏi
nó trúng đạn của ai?

***

yên nghỉ

họ sẽ tiếp tục làm cách mạng
xoá đi giai cấp này thiết lập giai cấp nọ
gọi và đếm cái còn lại của con người
với những danh từ khác nhau
di hài
thi hài
tử thi
xác chết
bất chấp mùi của chúng để lại

hãy đặt những vật họ dùng khi tại thế vào áo quan
ví dụ
tướng quân đội với súng chưa bắn phát nào về phía quân thù
nhà ngoại giao với cặp đựng hồ sơ hiệp ước
trưởng ban tuyên giáo với loa
tổng bí thư với dao chọc tiết
bộ trưởng công an với còng
thẩm phán với búa…
vì chúng chưa từng được hoá giá

ở thế giới bên kia

Comments are closed.