Trường xưa
Khi bà lão qua đời
Con cháu không đem vất cái bình vôi,
Mà đặt ở gốc cây, phong thần cho nó.
Vì cảm tình hoặc vì sợ hãi.
Hoặc vì cả hai,
Đố ai muốn đem lòng mình phân chất.
Tôi không nghĩ trường xưa của tôi
Rơi vào cảnh đó.
Nhưng nếu có một linh hồn,
Này ngôi trường mang tên Quốc Học,
Người đang cười hay người đang khóc?
Hay người chỉ làm bộ dửng dưng
Như những cựu học sinh từ nửa vòng trái đất
Đi ngang qua trường mà không ghé lại,
Tự coi mình như con đứt tao nôi.
Này ngôi trường yêu dấu của tôi ơi,
Tôi cũng có những dòng nước mắt
Xin dấu kỹ cho đến ngày vĩnh biệt.
Thoạt đầu Tây mở ra ngôi trường ấy
Trong cái gọi là sứ mệnh
Khai hóa văn minh
Đào tạo một số dân thầy dân cô
Trong đó có thầy thông thầy phán
Những người về sau bị chụp mũ tay sai,
Có kẻ phải trả đến hình hài
Vì cái tội có được ngày ba bữa
Giữa một biển đói nghèo.
Khi người ta biết chữ
Người ta đọc được trời đất bao la
Và muốn giành lại sơn hà từ tay mẫu quốc.
Trường cũng hun đúc những người phản kháng
Rải truyền đơn, hô khẩu hiệu, vào tù.
Có kẻ sau này làm nên nghiệp lớn
Ở phía bên này hoặc phía bên kia
Trong thời kỳ cứ gọi là Độc lập
(Giữa những vòng ý hệ kim cô).
Họ là ai, các đồng môn đều biết,
Có kẻ tự hào về họ
Và có kẻ muốn lãng quên.
Nhưng có một điều chắc như gỗ lim
Là tôi không gột hết trong lòng mình
Chút đạo lý tàn dư từ Khổng giáo,
Đã trở thành một góc lương tâm,
Thứ tình nghĩa không nơi nào có được:
Lòng kính yêu thầy, bạn
Đâm rễ từ quê hương.
Tôi ghé lại thăm một vị thầy già,
Người ngồi xe lăn, chẳng nhận ra tôi học trò cũ.
“Hỏi đá xanh rêu, bao nhiêu tuổi rồi…”
Thầy cất tiếng hát khiến lòng tôi òa vỡ.
Xin chuyển đến trường yêu câu hát ấy
Để vang vọng giữa những bức tường câm,
Dù trên tường không có vết rêu xanh,
Mà sơn lại màu hồng tươi thắm cũ.
Tôi thường gặp trên Facebook
Những bạn già niên khóa 61-64
Mặt mày ông nào cũng chảu lảy như nhau
Trước tách cà phê giữa Sài Gòn “đổi mới”
Mà y chang như ngồi trong lớp cũ.
Họ nói gì tôi đều nghe rõ,
Thôi thúc trong tôi một nỗi khát thèm,
Xin thú nhận ra đây:
Cái cảm thức thuộc về, the sense of belonging.
Trường xưa tôi không trở thành chiếc bình vôi đâu nhé,
Ít nhất cũng là đôi mắt chứng nhân
Nhìn những cuộc tình và bao trò dâu biển
Một trăm mấy chục năm trời.
Trường cũng là mẫu số chung gọn nhất
Cho những ai từng có một thanh xuân.
(Viết cho Ngày Kỷ niệm 120 năm Thành lập Trường Quốc Học Huế, nhưng Lưới kiểm duyệt không cho phép đăng trên Đặc san Quốc Học 2016 tại Sài Gòn)
Một cái nhìn khác
Tưởng là thiên anh hùng ca,
Hóa ra chỉ là nồi da xáo thịt.
Những titan thời đại
Gửi nhiên liệu đốt lò.
Hồ hởi nhúng tay, có ngài bị bỏng, thỏa hiệp rút lui.
Thổi ngọn lửa bạo tàn, có đấng hụt hơi, chờ ngày sụp đổ.
Ném thận trọng vào cơn lốc
Nhiều triết gia cất giọng ngợi ca
“Cuộc kháng chiến thần thánh” ấy:
Từ Jean Paul Sartre đến Bertrand Russell,
Đến Noam Chomsky, đến Susan Sontag —
Những ngôi sao văn giới,
Xin kể lấy một vài.
Lại có anh nằm ngáy ở Cuba
Mơ sáng tinh sương nở hoa thành người Giao Chỉ.
Có thật vậy không hay phe ta nói sảng?
Quì gối xin lỗi giữa Hà Nội là một siêu sao
Tôi muốn nhắc đến Jane Fonda.
Có phải thế chăng
Khiến tôi thích coi phim bà đóng?
Một nhạc sĩ trong gặp gỡ lần đầu,
Lên lớp với tôi:
“Đường quang vinh đâu có là đường sang Mỹ,
Mà là đường mòn chạy dọc Trường Sơn.”
Nhủ thầm, sao anh này khôn thế?
Tôi thích chí cười trừ, ngậm học bổng đi luôn.
Đã có một thời tôi tưởng mình có thể
Ôm bom lao vào xe bọc thép —
“Dù cho thịt nát xương rơi,
Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam,”
Như Hoàng Cầm viết ở “Đêm liên hoan.”
“Bầm ơi”1 một thời chiếm trái tim tôi
Chừ đọc lại bài thơ nghe mỉa mai muốn khóc:
Nếu Bầm còn sống đến hôm nay,
Liệu Bầm có làm dân oan khiếu kiện?
Tôi vẫn yêu những người yêu công lý
Dù ý thức về công lý không luôn được vẹn toàn,
Họ hành động dựa vào ước đoán,
Giữa dầu sôi lửa bỏng,
Mấy ai là người chín đắn mười đo:
Họ là đồng bào phản ứng trước ngoại xâm,
Được uốn nắn qua những trang sách sử,
Có thực và tưởng tượng,
Không chấp nhận đám quan quân tàn dư thuộc địa.
Họ là người đói, nhìn chiếc bánh trên trời,
Muốn lấy xuống chia đều cho đồng loại.
Họ đăng ký vào Tổ chức
Vì Tổ chức khoe có chiếc nỏ thần.
Họ là người chạy theo chuẩn mực phương Tây,
Nên dị ứng trước độc tài châu Á.
Và đại bộ phận Miền Nam phi-Ca tô,
Không muốn hát
“Xin Thượng đế ban phước lành cho Người.”2
Tôi nghiêng mình trước những Lục Vân Tiên
(Đang diệt chủng trên giải đất chữ S.)
Nếu thấy trước cái vực thẳm hôm nay,
Nếu những người có tấc lòng không làm chuyện đã làm,
Thì lịch sử có chảy theo giòng khác?
Câu trả lời lởn vởn trong tôi
Liên quan tới Kissinger chiến lược:
Dùng Trung Quốc chọi với Liên Xô,
Dùng Détente3 dọa anh Trung Quốc,
Dùng bọn rợ đánh bọn man di4,
Khoanh tay đứng nhìn người Hán hốt Cát Vàng5,
Nam Bắc Việt Nam trở thành đồ bỏ.
Giữa anh em một nhà,
Chúng ta vẫn dài dài chơi khó.
Phụ chú của tác giả:
1 Thơ Tố Hữu.
2 “Suy tôn Ngô Tổng Thống,” bài hát nằm trong truyền thống sùng bái lãnh tụ (một thuộc tính chung của các chế độ độc tài), được hát trong mỗi lễ chào cờ tại các trường trung tiểu học, trong rạp hát, trong các sự kiện dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa tại Miền Nam. Chính sách gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của họ Ngô cuối cùng đã dẫn đến Cuộc tranh đấu Phật giáo 1963 và việc Mỹ lật đổ chế độ này sau đó. Cụm từ Thiên chúa giáo “Xin Thượng Đế ban phép lành cho Người” gây dị ứng không ít cho những người theo đạo Phật, vốn không phải là một tôn giáo độc thần.
3Détente (một từ tiếng Pháp có nghĩa giảm bớt căng thẳng) được giới truyền thông dùng để gọi thời kỳ cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô, bắt đầu bằng những bước dò dẫm năm 1971 và được định hình dứt khoát vào thời điểm Tổng thống Richard M. Nixon viếng thăm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid I. Brezhnev, tại Mát-xcơ-va, tháng Năm 1972. Trong văn cảnh này, cũng nên nhắc đến cuộc thăm viếng Trung Quốc của Nixon vào tháng Hai 1972, một bước đột phá địa chính trị cực kỳ quan trọng, khi Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Chu Ân Lai ký bản Thông cáo chung Thượng Hải. Văn kiện này đưa ra nhiều hứa hẹn, trong đó có viễn ảnh Mỹ và Trung Quốc sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao, Mỹ sẽ chấm dứt nhìn nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, và cam kết cả hai bên hay bất cứ cường quốc nào khác sẽ không được phép “tìm kiếm địa vị bá quyền tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” một cảnh báo chủ yếu nhắm vào Liên Xô vào thời điểm đó. Thiết tưởng các sử gia cũng nên nghiên cứu Chiến dịch Xuân-Hè 1972 của Quân đội Miền Bắc dưới ảnh hưởng tương tác của những biến chuyển quốc tế này.
4Henry Kissinger, Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia của Chính quyền Nixon và là Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Gerald Ford, là một trong những chính khách quan trọng nhất trong việc thiết kế chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Kissinger chịu ảnh hưởng sâu sắc của Otto von Bismarck, thủ tướng Phổ và là người xây dựng Đế quốc Đức rồi trở thành thủ tướng đầu tiên của nó. Theo Kissinger, Bismarck đã đặt cơ sở trật tự mới tại châu Âu trên khả năng “vận dụng những cam kết của các cường quốc khác trong một phương sách mà Phổ luôn luôn có thể gần gũi với bất cứ nước nào trong các nước đang xung đột nhau hơn là họ có thể gần gũi với nhau.”
5Ngày 15-1-1974, Trung Quốc đưa quân đổ bộ và cắm cờ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 1, các lực hượng Hải quân VNCH đã đơn độc và anh dũng chống trả cho đến khi bị quân xâm lược hoàn toàn khống chế, trong khi nhiều chiến hạm Mỹ tại Biển Đông được lệnh không can thiệp. Ngày 20-1, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc thông báo tình hình đảo Hoàng Sa với Đại sứ Mỹ Graham Martin tại Sài Gòn và thăm dò các khả năng trong đó Mỹ có thể can thiệp bênh vực cho Miền Nam với tư cách là một đồng minh và là một bên ký kết Hiệp định Paris 1973 nhưng không được Chính phủ Mỹ trả lời.
Giữa ồn ào
Tặng anh Hoàng Hưng
Trong văn cảnh của đỏ vàng náo nhiệt
Của phòng hội năm sao
Các VIP bàn đủ thứ trên đời,
Nói rất nhiều mà chẳng nói điều chi,
Chỉ để tránh những đề tài lòng ta cháy bỏng.
Hẳn nhiên, họ được hoan hô
Bởi hàng trăm người máy
Được lập trình để vỗ tay.
Ở một bìa rừng, trong khi đó,
Anh nhóm ngọn lửa trại hè
Để bạn bè xúm quanh
Trên trang sách đời anh
Chẳng hiểu vì sao họ cười ha hả
Cái hang đứng gần tình cờ vang vọng
Khiến cái loa phường mắc cỡ im luôn.
Amid the Cacophony
In the context of the loudest red and yellow,
our VIPs in a five-star conference room
talked at length to speak of nothing,
only to not mention
the themes we’re burning for.
And they’re applauded, of course,
by hundreds of robots
that’d been wired to clap their hands.
On the margin of a thicket, meanwhile,
you lit a camp fire
for friends to huddle over your life’s book,
and somehow
they felt tickled into laughters
a nearby cave by accident echoed so loudly
that the village’s speaker went silent
out of shame.
Tinh tú
Những linh hồn trong vũ trụ
Có lẽ vì cô ơn
Gửi tin nhắn cho nhau
Trên vô lượng hạt quang
Phải mất cả triệu năm mới tới.
Nếu không có sự kiên trì ấy,
Bầu trời sẽ là cái vòm đen kìn kịt,
Không đáng ngắm nhìn
Vì thiếu những vì sao lấp lánh
Nháy mắt hỏi thăm nhau.
Stars
Souls in the universe
Perhaps out of loneliness
Sent messages to each other
On countless photons
That travelled for millions of years
Before the exchanges were complete.
Without such perseverance,
The sky would be a pitch-dark vault
Not worth watching
In the absence of those twinkling stars
That wink at each other.
Nhớ tiền thân
Hằng năm
Gần đầu tháng Hai
Hắn thấy mình như một phế nhân
Quay quắt nhớ phần thân thể
Để lại bên kia biển Thái
Ngay cả khi hắn đếm các vòng bơi
Bằng danh hiệu Phật.
Nostalgia on the previous life
Every year
Toward early February
He feels like an invalid
Intensely missing the body part
Left behind across the Pacific Ocean
Even while he’s counting laps
By Buddha names
In a swimming pool.