TRƯỜNG CA BIỂN MẶN

NGUYỄN TRỌNG TẠO

clip_image002

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

I. Mặn hơn muối
II. Những cột mốc sống
III. Lính biển
IV. Hải chiến
V. Đảo bão
VI. Vĩ thanh

1. MẶN HƠN MUỐI

Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh

Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn

Tôi ăn gió thổi về từ biển

Tôi ăn rì rầm sóng

Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng

Chan nước mắt biển Đông

Đôi vai cha lấp lánh lân tinh

Mồ hôi muối

Áo quầng quầng vết trắng

Bà nội nhai trầu đung đưa võng

Kể chuyện xửa chuyện xưa

Có ông tướng cụt đầu hóa núi đá cụt đầu cắm ngoài biển cả

Nước mắt vợ thành sông chảy ra biển tìm chồng

Nước mắt mặn từ lòng

Nước biển mặn từ yêu…

Những đứa con theo mẹđi tìm cha

Tràn về phía biển

Những đứa con như cây lim cây sến

Từ rừng đổ xuống

Từ châu thổ trồi lên

Những đứa con xẻ gỗđóng thuyền

Rút dây rừng đan lưới

Tiếng hò dô hòa tiếng sóng dong khơi

Cá quẫy trắng trời

Cánh tay trần cuộn sóng

Cá ngừđại dương ăn sống

Cá thu cá bóp nướng than hồng

Cá trích cá chim cá thèn cá mực

Cá mú đỏ cá tắc kè cá bò hòm cá nục

Cá kho tương cá muối mắm thơm lừng

Cá phơi khô mùa nắng trải đầy thuyền

Cá mũđỏ bên tôm hùm thắp lửa

Những con thuyền băng lướt qua bầy sứa

Những cánh buồm bay theo cánh hải âu…

Đi tìm cha trên sóng nước đục ngầu

Đi tìm cha đêm trăng xanh biển lặng

Gặp đảo đá cụt đầu bước đi trên sóng trắng

Vung cánh tay khổng lồ ném đá xuống biển sâu

Đá ném xa thành đảo chìm đảo nổi

Những đảo đá san hô những đảo đá cát vàng

Những đảo đá mọc cây xanh miên man

Những đảo đá xếp thành hòn trống mái

Những đảo đá chuyền nhau tiếng gọi

Những đứa con lớp lớp tụ về

Thành dân đảo bao đời không nhớ nữa…

*

Tôi đi dọc bãi bờ chữ S

Đất bên tây và nước bên đông

Những dòng sông tuôn mạch máu không ngừng

Những mạch đá xòe xương sườn ôm ấp

Đất Nước tôi nắng mưa hay bão táp

Hạnh phúc khổđau tôi gọi Đất Nước ơi!…

Đất và biển và trời xanh đắm đuối

Giữa mênh mông hiển hiện những Con Người

Có tiếng khóc tiếng cười

Có nước mắt mồ hôi

Mặn hơn muối mặn

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

1. NHỮNG CỘT MỐC SỐNG

1. Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc

Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi

Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn

Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người.

Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ

Nói râm ran trên đảo đá chơi vơi.

Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo

Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường

Những người lính chụm vai làm cột mốc

Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương

Bốn thế kỷđi qua cột mốc giữa trùng dương

Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước

Nhập vào đá san hô

Nhập vào Tổ quốc

Vẫn còn đến hôm nay tục tế lễ sân đình

Tế lễ khao quân

Tế sống lính lên đường

Những hình nộm chết thay cho người lính

Cầu an bình cho mọi chuyến hành hương.

Và sản vật được thu về dâng Chúa

Ốc tai voi cùng với ốc xà cừ

Những hải sâm, hải ba, đồi mồi, san hô đỏ

Những bạc vàng trôi dạt tráp thương gia.

Không biết bao nhiêu máu mồ hôi đã đổ

Chỉ biết những “cân”, “thoi”… sách sử vẫn còn ghi:

Lê Quý Đôn, hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hóa, đã viết: “tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy Đội Hoàng Sa, trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau:

– Năm Nhâm Ngọ (1702), Đội Hoàng Sa lượm được 30 thoi bạc.

– Năm Giáp Tuất (1704), lượm được thiếc 5100 cân.

– Năm Ất Dậu (1705), lượm được 126 thoi bạc.

Từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúi Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.

Không biết bao nhiêu việc công, Đội Hoàng Sa đảm nhiệm
Chỉ thấy còn đây lời Vua Nguyễn đã ban:

“Không cứđảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽđo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bểđối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạđồđể về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệấy mà làm”.

Việc đo đạc thủy trình, hải trình đã trở thành thông lệ

Những hòn đảo vô danh đã thành danh trong những tấm bản đồ

Đời trước truyền đời sau
Đời sau truyền đời sau nữa

Đời đời ghi tạc

Xương thịt vùi sâu trong ngôi mộ san hô…

2. Tôi trên con thuyền ra khơi vào lộng

Từ Móng Cái đến Hà Tiên

Bạch Long Vỹ, Vịnh Hạ Long

Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc

Biển lắng máu cha ông biển xanh biêng biếc

Biển nghĩ suy sóng biển trắng mái đầu

Sóng đi đâu, sóng vềđâu

Những ngọn đèn thao thức

Những trái tim thắp lửa phía đất liền

Những trái tim của Mẹ của Em

Sau bờ bãi phi lao phập phồng gió hú

Tôi trên con thuyền bình minh nắng đỏ

Nắng trên trời nắng dưới nước lung linh

Nắng ngàn sao trong mẻ lưới tung lên

Nắng lấp lóa oằn mình con cá quẫy

Nắng từ cát hắt vàng hươm chân đảo

Nắng từ lòng người cất tiếng hát bay cao

Tôi trên con thuyền hoàng hôn buông neo

Ánh ngày chưa chịu tắt

Ngày ở biển dài hơn ngày mặt đất

Những cuộc đời dài ngắn bá vai nhau

Đêm mông lung trong chén rượu quê nghèo

Ly bồng bềnh cùng thuyền

Người bồng bềnh cùng sóng

Ngàn sao sa trong đêm biển bồng bềnh…

3. Tôi trên con thuyền ngày sóng dữ

Hải tặc ráp vây thuyền

Súng ống

Dùi cui

Choang

Xoèng

Ực

Huỵch

Những con cá ngáp khan trong lưới

Mắt không mởđược

Tiếng la

Tiếng thét

Tiếng bồm bộp dùi cui

Tiếng lạnh tanh qui-lát

Tiếng chân bước nặng nề

Từ thuyền này sang tàu kia

Từ tàu kia sang thuyền này

Từ thuyền này sang tàu kia

Oằn lưng răng rắc…

Không thể nào mở mắt

Loang loáng dao găm, lưỡi lê

Tôi nghe mình nói mê

Trên hoang đảo một miền nào xa lắm

Những con cá bị cướp

Hội họp căm thù

Những con tôm bị cướp

Duỗi thẳng lưng đứng lên

Rồi tất cả bị mũi dày đè bẹp

Tanh tởm ngoại ngữ quen nghìn năm

Nhai xác…

Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức

Gầm vang

Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở

Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát

Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn

Có người chết mà tôi không khóc được

Không nói được

Không làm gì được

Tôi chìm vào những bàn tay

Ngày ngày cầm nắm

Những bàn tay xoa dịu

Những bàn tay vuốt ve Sói Biển

Những bàn tay bảo tôi: Nhớ lấy!

4. Tôi con thuyền bịđâm trên biển của mình

Những xương sườn gãy nát

Ứa máu ngư dân

Ứa máu ngư trường

Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt

Chúng lén lút

Chúng ngang nhiên

Chúng hằm hằm

Chúng sằng sặc

Chúng ngụy trang áo mặc

Chúng trá hình dân đen

Chúng giả bạn giả anh em

Giả tình giả nghĩa

Chúng phản bội cảđàn cừu lột lông và xẻo thịt

Phản bội những con thuyền đánh đắm cả yêu thương

Tôi con thuyền gãy nát cột buồm

Tâm hồn làm phao biển

“Không thể dìm được phao”

Bọn cướp biển hiểu chăng điều đơn giản

Những chiếc phao tâm hồn trong bão tố lớn lên

Mang những chiếc thuyền về bến

Dù vỡ nát

Không thể nào chìm xuống….

5. Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây

Thành rừng xanh

Thành cổ thụ

Lại xẻ ván đóng thuyền

Lại đợi ngày hạ thủy

Lại tế lễ sân đình

Lại đánh trống khao quân

Lại tuyên thệ sống còn vì biển đảo

Những con thuyền tung bay cờđỏ

Lại rẽ sóng ra khơi…

Sừng sững giữa biển trời.

Những ngư dân trên đất nước tôi

Nguyện làm “cột mốc sống”

Ngàn vạn “cột mốc sống”

Cả triệu “cột mốc sống”

Trên biển sóng

Trên đá ngầm

Trên đảo chìm đảo nổi

Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi!

clip_image004ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

III. LÍNH BIỂN

1. Mặc bộ quân phục hải quân hai màu xanh và trắng

Như sóng biển hai màu

Tôi thành lính biển

Mẹ lại tiễn con đi

Những người mẹ nhưđất liền như núi non ngước nhìn ra biển cả

Tôi chép lại bài thơ của cha

Viết ngày giặc dã:

“Những người lính đi qua thành phố
Màu áo xanh dễ nhận giữa bao người
Màu áo xanh gần gũi chợt xa vời
Lại chợt hiện vội vàng qua năm tháng

Những người lính dễ làm ta xúc động
Mắt long lanh đứng ngắm dãy nhà cao
Ba lô sau lưng như cùng ngước nhìn theo
Ngỡ thành phố nghiêng mình giây phút ấy

Cổng vườn hoa nhiều lần ta bỗng thấy
Màu áo xanh người lính lẫn bóng màu
Lẫn lứa đôi cười nói dắt tay nhau
Anh háo hức bước lên xe điện cũ

Những người lính đi qua thành phố
Người trẻ măng, người tóc bạc phơ
Chân dép lốp hay chân giày cao cổ
Chẳng nhiều đâu nhưng chưa vắng bao giờ…

*

Người lính đi qua kỷ niệm tuổi thơ
Qua bao tết xa nhà, qua bao mùa rụng lá
Qua bom đạn, chia tay gặp gỡ
Bao cát vàng, đất đỏ, đá mòn trơn

Người lính đi, bước nhớ lại bước thương
Tiếng chim hót ngỡ ngàng khu rừng cháy
Khát se môi, thèm suối oà nước chảy
Bỗng biển đề: “Suối độc” – lội qua nhanh

Người lính đi qua mấy cuộc chiến tranh
Nói về súng dẫu nhiều – chưa nhàm cũ
Nói mất mát, hy sinh dẫu cạn lời – chưa đủ
Núi lặng thầm khóc bạn dưới sao khuya

Người lính đi, kiên nhẫn tự bao giờ
Qua trận thắng lại đến cùng trận đánh
Qua cái chết lại đến cùng bom đạn
Bao lá cờ cắm mốc dọc đường qua…

Người lính đi xáp mặt bao kẻ thù
Bao loài hoa đã nở và đã rụng
Núi rừng đỏ mẫu đơn, bưng biền bông súng trắng
Vai đậu đầy Thốt Nốt, nhớ Chăm Pa …

*

Em ơi em, em trong trắng vô tư
Nếu em đã đem lòng yêu người lính
Giờ tan ca đừng mong người yêu đón
Ngước sao trời hãy tin đấy là anh!

Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình
Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học
Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc
Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều

Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào
Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã
Lối con đi – nào lối mòn thuở nhỏ
Và mẹ là Mẹ Lính – dễ dàng đâu !…

*

Người lính đi qua lòng mình thẳm sâu
Qua cắn rứt đời thường những ngày gian khó nhất
Ấm áp kề bên, kề bên rét buốt
Cái sống và cái chết – giữa là anh

Giữa cái còn, cái mất quá mong manh
Như sợi tóc, mảnh mai hơn sợi tóc
Với kẻ thù vô hình, không thể dùng súng được
Chút yếu mềm – cây cứng gió thổi bay

Người lính đi nhẹ nhõm bất ngờ thay
Khiến bên đường bao mắt nhìn ngơ ngác
Khiến vòm cao gió ngân lên âm nhạc
Tiếng ve dâng trong vắt thuở ban đầu…..

*

Phía sân ga những người lính lên tàu
Những người lính đi qua thành phố
Tiếng bánh sắt rung kính bao cửa sổ
Tiếng còi chào xoáy ốc cuối trời xa

Con tàu mang người lính chúng ta đi
(Chưa hết giặc chưa thể nào khác được)
Rồi con tàu lại về ga xuất phát
Người lính đi – áo xanh rợp chiến hào

Thành phố ngước nhìn theo những ngọn núi thật cao!”

Cha đã lính. Bây giờ con lại lính

Những thế hệ nối theo nhau đi giữ nước non nhà

Xưa cha Trường Sơn Rừng

Nay con Trường Sơn Biển

Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến

Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên.

2. Tự bao giờđã biển xanh

đã đảo khơi đứng soi mình – và chim

để nghe huyền thoại, tôi tin

đảo là con của Đất liền, đẹp trai

biển là tiên nữ nhà Trời

yêu nhau vềở trọn đời bên nhau

(và loài chim biển từ lâu

từng mang những lá thư màu tình yêu)

Để khi tôi khóc chào đời

lắng trong tiếng biển ru hời dịu êm

tuổi thơ cùng sóng trốn tìm

tiếng cười tôi – sóng giữ gìn âm vang

một mai tôi bỗng ngỡ ngàng

ngụp trong biển, sóng mơn man thân hình

và khi biết tỏ lời tình

biển xanh trong mắt em nhìn ngất ngây

Để khi tôi đã ngủ say

thềm nhà biển đợi – sóng lay cát vàng

để khi tôi chợt mơ màng

biển tràn song cửa chín vàng ánh trăng

và khi thức giấc, chân trần

tôi lao ra biển – sóng gầm xa xôi…

(Sao mình không là đảo khơi

để tôi nghe hết những lời biển xa?)

Bây giờ trên đảo tuần tra

sau mưa, tôi lẫn chan hòa nắng lên

nắng như nắng nhớđất liền

tôi như tôi chẳng xa em bao giờ

bởi tôi tin tự trong mơ

em là biển biếc, bãi bờ là tôi…

3. Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi

nắng cháy da và rét buốt xương

gió xé rách áo quần

mưa ném nghiêng mũ cối

chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội

át cả tiếng em từ phía đất liền?

Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm

đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)

những cánh tay kéo pháo hai ba tấn

lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh

chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân

dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?

Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá

luống rau trồng trong lưới ngăn chim

nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm

(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)

chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ

có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?

Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo

báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là “báo mới”

lá thư tình đọc chung cùng đồng đội

lúc nghe đài là lúc gặp quê hương

chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng

đêm bật dậy mấy lần báo động?

Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng

anh đã yêu như vậy ngày ngày

như yêu em đắm say

yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát

bởi anh biết:

nếu lòng mình đổi khác

giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!…

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

1. HẢI CHIẾN

Họđã ghé Hoàng Sa xin nước uống

Những người lính Việt Nam đã san sẻ nghĩa tình

Họđã dạt vào đây trong bão lớn

Nhường áo sẻ cơm cho họđỡđói lòng

Họđã bị thương cần cứu giúp

Lính quân y lên tàu cấp cứu những nạn nhân…

Họđâu phải dân mình

Họ là dân Trung Quốc

Nhưng tình người, hoạn nạn biết sẻ chia

Rồi bắt tay

Rồi lưu luyến tiễn đưa

Rồi hò hẹn

Rồi “cám ơn” rối rít…

… Rồi một ngày họ thành “quân xâm lược”…

HOÀNG SA 1974

Ngày 16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) phát hiện hai ngư thuyền ngụy trang số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật đồng thời phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Quang Hòa và cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh.

Ngày 17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam.

Và Trung Quốc đã quyết dùng vũ lực

Mao đã phê “Đồng ý đánh trận này!”

Đặng Tiểu Bình sau 7 năm “bóc lịch”

Quyết lấy Hoàng Sa xá tội với quan thầy.

Những tàu chống ngầm

Những chiến hạm nổi

Những thuyền ngụy trang lính giả ngư dân

Những trung đoàn hải quân lục chiến

Những tàu nhỏ tàu to, phản lực cơ tăng viện

Ngang nhiên tiến vào hải phận Việt nam

*

Tin dội về: Biển đảo bị xâm lăng

Thề giữđảo, giữ yên từng tấc sóng

Những người lính hiên ngang cùng chiến hạm

Những con tàu thẳng hướng Hoàng Sa

Những con tàu mang lịch sử xông pha

Lý Thường Kiệt

Trần Bình Trọng

Trần Khánh Dư

Nhật Tảo…

Tín hiệu hòa bình phát đi không thể nào xua đuổi

Những chiến hạm xâm lăng.

Lệnh “khai hỏa” vang lên – lời tuyên bố chủ quyền

“Biển đảo Việt Nam người Việt Nam là chủ”

Và súng nổ

Súng gầm lên giận dữ

Trút hờn căm vào chiến hạm quân thù…

*

Lửa đã cháy

Và biển xanh dâng sóng

Tàu địch ngả nghiêng đáp trảđiên cuồng

Đạn phóng đi những cột nước dựng lên

Đạn vây bủa những con tàu giữa biển

Những chiến hạm hai bên đều dính đạn

Lính bị thương

Lính tử trận

Lính can trường…

Nhưng cuộc chiến đã không hề cân sức

Tàu địch đông, áp đảo những gọng kìm

Trung Nam Hải chủ trương thành chiến dịch

“Đánh trận này chiếm quần đảo Hoàng Sa”.

Những con tàu HQ không tiến được

Phải rút lui dưới hỏa lực quân thù

Tàu Nhật Tảo chìm dần trong lửa khói

Biển ôm vào lòng nức nở tiếng sóng ru…

Chiều 19 tháng 1.1974 hải chiến Hoàng Sa kết thúc, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh. Ngày 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vịđồn trú của Việt Nam trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của Việt Nam Cộng hòa trên các đảo bị mất liên lạc.

Hoàng Sa mất vào tay quân bành trướng

Biển gầm vang tiếng gọi phục thù!…

GẠC MA 1988

Sáng ngày 14 tháng 3, tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. 6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và 50 quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hai bên giằng co với nhau bằng tay không, sau đó sĩ quan Trung Quốc cầm súng lục bắn chỉ thiên. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn, trước khi chết anh đã hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”.

Cờ Việt Nam bay trên đảo Gạc Ma

Như ngọn lửa đỏ tươi giữa gió mùa rét mướt

Những chiến sĩ công binh tôn cao cờ Tổ quốc

Có biết chăng lũ giặc đã tràn lên?

Chúng tràn lên từ những chiếc thuyền nhôm

Lăm le súng và mắt trừng quỉ dữ

Chúng bắt ta hạ xuống cây cờđỏ

Cờ chủ quyền trên đảo Việt Nam ta.

Một vòng tròn lính biển kết thành hoa

Bao bọc cờ Tổ quốc

Không nổ súng! Phải giữ cho bằng được

Lá cờ mang xương máu biết bao đời

Giặc tràn lên cướp giật Tổ quốc tôi

Nguyễn Văn Phương ôm cột cờ giữ chặt

Một cuộc chiến tay không giành giật

Và lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay

Không thể nào cướp nổi lá cờ này

Bọn quỉ dữđã đơn phương nổ súng

Đạn bắn vào đầu Phương, anh ngã xuống

Trong tiếng hô: Hãy để máu tô cờ…

Nguyễn Văn Lanh thay Phương làm nhiệm vụ

Giữ lá cờ giữa “vòng tròn bất tử”

Và lưỡi lê quỉ dữđã đâm anh

Thủy triều dâng, máu loang khắp biển xanh

Và đạn B40 đã nổ

Nhắm vào bầy quỉ dữ

Đẩy chúng xuống biển sâu

Đẩy chúng rút lui trở lại những con tàu

Đen đúa ngoài xa biển…

Những người lính sát vào nhau một vòng tròn khép kín

Mặc pháo 100 li từ biển bắn vào

Các anh hóa thành sao

Các anh hóa thành cờ

Mỗi người lính – một lá cờ Tổ quốc.

7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng và cho xuồng đổ bộ về phía tàu Việt Nam. Tàu trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt khiến nhiều lính Trung Quốc thương vong, buộc đối phương phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị chìm dần xuống biển.

Khi con tàu đang chìm dần xuống biển

Trung tá Trần Đức Thông vẫn đứng trên boong

Anh đã chết nhưng anh không gục xuống

Như Từ Hải ngày xưa uất nghẹn trước quân thù.

Nhớ không anh

Trước chuyến đi ra đảo

Anh về phép thăm nhà hạnh phúc với vợ con

May cho con bộ quần áo mới

Gánh cho vợ một bể nước đầy

Anh thăm mẹ thăm thầy

Thăm bạn bè, hàng xóm

Thăm đồng đội xưa cấy cày đồng ruộng

Thăm vất vả nhọc nhằn những người lính thương binh…

Nhớ không anh

Những con ốc biển

Những cây san hô từđảo Trường Sa

Những con tôm càng tết bằng dây điện

Mang về cho con thương mến làm quà.

Anh đâu biết nơi quê nhà, con gái

Đang viết cho cha những dòng chữ nhớ nhung:

“Bố xa nhớ, hôm nay ngày chủ nhật

Con ngồi vào bàn mà không sao học được

Đài hôm nay toàn bài hát Trường Sa

Con nhớ nôn nao bốđang ở nơi xa…

“Ồ mới đó mà thời gian nhanh quá

Bố trả phép ra đi cũng đã được ba tuần

Nhà đã nhận ba lá thư bố gửi

Mẹ và em cứ nhắc bố nhiều hơn…

“Bố kính yêu, con học vẫn bình thường

Mẹ vẫn khỏe, em dạo này ngoan lắm

Lá thư tay bố gửi thầy chủ nhiệm

Thầy nhận rồi, thầy hứa viết thư thăm

“Con thương quá, đời lính nhiều vất vả

Vẫn lo cho con phấn đấu học hành…

“Đài lại nói về tình hình biển đảo

Nhạc lại vang những bài hát Trường Sa

Con thương bố càng thương bao người lính

Suốt đêm ngày bám biển giữđảo xa…

“Bố xa nhớ, thưđã dài rồi đó

Con gửi lời thăm các chú, các anh

Mong mạnh khỏe để giữ gìn biển đảo

Để nước non được toàn vẹn, yên lành…

“Bốơi bố, nếu bốđi ra đảo

Nhớ viết thư cho mẹ kẻo mẹ mong

Con dừng bút mong bố mình khỏe mãi

Lá thư sau con sẽ viết dài hơn”.

Anh không bao giờ nhận được lá thư con

Anh đang đứng bong tàu như tượng đá

Dần chìm xuống giữa bao la biển cả

Biển ôm anh ru giấc ngủ ngàn năm…

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

1. ĐẢO BÃO

1. Những đàn chim trên đảo đã bay đi

Chỉ còn lính chúng tôi với rập rình cơn bão

Cơn bão biển đang tiến dần tới đảo

Cơn bão điên cuồng gió giật cấp 12

Cơn bão chúng tôi biết được qua đài

Qua màu nước thủy triều bỗng dưng ngầu sóng đục

Chúng tôi biết qua cầu vồng bảy sắc

Bắc ngang trời không mây…

Và bây giờ – chính phút này đây

Cơn bão biển từ phương đông đang đến

Sóng đã chồm qua đầu hòn Đá Lớn

Biển ngả nghiêng chơi trò cập kênh

Trước mặt chúng tôi tối sầm ngọn gió đen

Trời như chiếc vung khổng lồ chụp xuống

Chỉ còn lính chúng tôi với súng

Với đất liền thương nhớ phía sau lưng!

Đã bắt đầu những trận mưa ngang

(Mưa không thể bình thường vì gió)

Đã bắt đầu tiếng rú như xé lụa

Trăm nghìn hốc đá thổi tù và

Gió giật mái tôn phần phật như cờ

Những cây dại gió nhổ lên ném xuống

Vườn rau chỉ còn trơ lại cuống

(Lưới ngăn chim gió thổi biến đâu rồi)

Gió gào lộn trên trời

Những vòng xoáy mắt thường nhìn thấy rõ

Từ chân đảo bất ngờ lồng lên gió

Cát đá bay như ai ném qua đầu

Hoa san hô, hoa san hô rực rỡ sắc màu

Không cưỡng nổi đã hóa thành tai họa

Bạt che pháo trong gió lùa tơi tả

Bạt che pháo rách rồi nòng pháo vẫn giữ khô

Đứng trên hầm trực chiến đảo trưởng hô

Cơn bão nuốt tiếng anh đầu ống nói

Dây điện thoại đứt tung như chỉ rối

Bão xoáy lòng bao người lính chúng tôi

2. Có biết chăng xa khuất đát liền ơi

Chúng tôi nhớđất liền da diết quá

Chúng tôi nhớđất liền mưa mùa hạ

Tuổi ấu thơ tắm mát giữa sân nhà

Nhớ mùa thu lá vàng rực như hoa

Bông cúc nở thẹn thùng bên lối ngõ

Nhớ ruộng đồng nón trắng chao sóng lúa

Cánh cò bay bịn rịn lũy tre làng

Đất liền ơi thương nhớ những dòng sông

Ai gánh nước mà sông trong đến thế

Nhớ lúc ra đi ta một lần thưa mẹ

Cái vẫy tay vời vợi đất liền…

Có thể là sau cơn bão này thôi

Quân thù đến sẽ xóa đi tất cả

Quân thù đến nấp sau màu đen gió

Lưng ngụy trang bằng sắc đỏ mặt trời

Không thể nào mất đảo, đất liền ơi

Trong bão gió chúng tôi nghe người gọi

Chúng tôi nghe lời đất liền vang dội

Lời đất liền từ ngực chúng tôi đây…

3. Bão rú gầm rách tã những tảng mây

Những người lính cởi áo ra che pháo

Những người lính ngã nhoài trong gió bão

Lại đứng lên. Gió lại giật ngã nhoài

Không thểđi thì bám đất trườn đi

Dây điện nối men theo triền đá xám

Bão qua đêm qua ngày

Bão quăng lên sóng mặn

Bão như là ôm đảo mà lay…

Ngẩng đầu lên bầu trời đã quang mây

Những ngọn gió điên cuồng sõng soài bên bờ vực

Bầy sóng dữ bỗng trở nên khép nép

Đàn chim đi sau bão đã bay về

Đảo vẫn đứng hiên ngang nhưđứng vậy từ xưa

Dáng người lính sáng lên cùng đá đảo

Những người lính đầu trần không áo

Lại đắp dày công sự của mình lên.

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…

VĨ THANH

Rồi một ngày em ra đảo cùng anh

Nghe tiếng gà gáy trưa trên ghềnh đá

Nghe tiếng bò gọi đêm thân thương quá

Tiếng chuông chùa rung động cả hoàng hôn

Tiếng lính hát ca, tiếng trẻđến trường

Ríu rít bài đồng dao mới:

Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Biển cả xa mờ
Có hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa
Tên gọi thiết tha
Trong lòng dân Việt
Bao nhiêu đời qua
Tàu ai đi qua
Thuyền ai đi lại
Nước Việt mãi gọi
Hoàng Sa, Trường Sa!
Nu na nu nống
Nu nống nu na
Nu na nu nống
Hoàng Sa, Trường Sa.

Những hạt rau ngày ấy em gửi ra

Đã lên xanh màu rau dền rau cải

Hoa muống biển từđất liền xa ngái

Nở tím hồng trên mỗi lối em qua

Cây bàng vuông tỏa bóng trước hiên nhà

Hoa nở như pháo hoa, trái vuông nhưđèn chũm

Em có biết cây đã thành biểu tượng

Người lính đảo kiên cường giữa bão táp phong ba

Trước mắt em những ghềnh đá san hô

Ươm cầu vồng bảy sắc

Những đảo đá nổi chìm theo con nước

Những nhà giàn và những dãy nhà chung

Cột mốc chủ quyền sừng sững vươn lên

Trong bão táp sáng màu cờ Tổ quốc

Những ổ súng hướng về nơi có giặc

Những nụ cười lấm cát mãi thanh xuân…

Suốt ngày đêm nghe tiếng biển ì ầm

Tiếng biển vui

tiếng biển buồn

tiếng biển khóc

tiếng biển gào căm uất…

Tiếng yêu thương quanh đảo mãi vỗ về.

Rồi một ngày em thấy đảo là quê

Là máu thịt của chúng mình gắn bó

Mỗi hạt cát nặng tình người muôn thuở

Viên sỏi màu ngũ sắc tuổi thơ ta…

Và em hiểu: biển nơi này mặn lắm

Những cuộc đời máu thắm nở thành hoa

Hà nội, 2015

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nguồn: https://hoingovanchuong.wordpress.com/2015/07/28/truong-ca-bien-man/

Comments are closed.