Công trình Cấu trúc thơ của Thụy Khuê được tái bản, có sửa chữa, bổ sung

Thụy Khuê

Thay lời tựa

Một câu hỏi thường đến với người đọc: Thơ hay, thế nào là hay? Và dở, thế nào là dở? Dường như phần đông khách yêu thơ đều tiếp nhận thi ca bằng trực giác mẫn cảm của mình và ít nhiều đồng ý với nhau là có những câu, ví dụ như Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng (Kiều) đọc lên thấy hay, nhưng không hiểu tại sao hay mà vẫn thích.

Cuốn Cấu trúc thơ đến với bạn đọc không ngoài mục đích giúp bạn tìm hiểu thơ, nếu thấy hay thì tại sao hay? Tới được mục đích đó không dễ, đôi khi không chắc sẽ đạt được. Tuy nhiên sự tìm hiểu sâu xa về cấu trúc thơ là điều kiện cần (tuy chưa đủ) để giúp chúng ta hiểu và cảm nhận thơ một cách sâu lắng hơn.

Tập chuyên luận này gom góp một số bài đã in rải rác trên tạp chí Văn học (California) từ số 64 (tháng 6 năm 1991) đến số 84 (tháng 4 năm 1993). Cuối năm 1994 đầu năm 1995, chúng tôi sửa lại và viết thêm từ chương Cấu trúc hình thức thi ca trở đi.

Sách chia làm 16 chương. Chương 1, Nguồn gốc thi ca: sơ lược những tác phẩm xưa nhất của nhân loại: Kinh Thi ở phương Ðông; Odyssée Iliade ở phương Tây; đồng thời tìm lại dấu tích những tác phẩm thi ca xa nhất còn giữ lại ở nước ta. Chương 2, Những quan niệm thi ca, giới thiệu những quan điểm chính về thơ xuất hiện trên văn đàn quốc ngữ nửa đầu thế kỷ XX, mà chúng tôi tiếp cận được. Hai chương này giúp độc giả có một cái nhìn tổng quát, trước khi đi sâu vào việc phân tích hình thức và nội dung thi ca, có tính cách “kỹ thuật” hơn, bắt đầu từ chương 3, Nhận diện thơ.

Như trên đã nói: Cảm nhận nghệ thuật luôn luôn bắt nguồn từ trực giác và sự tìm hiểu đến sau. Mục đích đầu tiên của chúng tôi là giúp độc giả tìm hiểu, để có thể phân biệt đâu là thơ, đâu chỉ là những câu văn vần. Bởi, thơ có một cấu trúc riêng, không phải chỉ là câu văn có vần, mà cũng không phải cứ viết dăm ba câu dài ngắn khác nhau, xuống hàng tùy hứng là có thơ tự do.

Chúng tôi dựa vào lý thuyết của Roman Jakobson để phân tích, lý giải một số vấn đề mấu chốt trong cấu trúc thi ca nói chung, từ quan niệm cổ điểnlãng mạn dựa trên nhịp điệu của vầnnguyên lý song song, sang quan niệm hiện đại, vần và nguyên lý song song đã mất hẳn địa vị độc tôn trong thơ, chỉ còn lại đặc trưng muôn thuở: chất thơ trong thơ không nhất thiết tùy thuộc vào vần, vào sự luyến láy mà còn tùy thuộc vào nhạc thầm, vào hìnhnh, vào khả năng biểu cảm của chữ và nhiều yếu tố khác nữa.

Cấu trúc thơ, do Nhà xuất bản Văn Nghệ ở Hoa Kỳ in lần đầu năm 1995. Cuốn sách bạn cầm trên tay, là lần tái bản đầu tiên ở trong nước, do Công ty Domino Books trách nhiệm. Trong lần in này, chúng tôi đã sửa chữa, bổ sung cẩn thận; tuy nhiên, chắc chắn vẫn còn những thiếu sót, sai lầm, mong được quý độc giả chỉ giáo.

Đặc biệt trong lần in này, sẽ thêm phần tìm lại những bước tiến của thơ, từ thời kỳ lãng mạn đến siêu thực ở Pháp, cũng là đường đi từ thơ mới đến thơ hiện đại ở nước ta, để độc giả thấy mối liên hệ khá chặt chẽ của những nhà thơ Việt thế kỷ XX với những phong trào thi ca Pháp.

Trong phần cuối dành cho thơ hiện đại, chúng tôi giới thiệu những nhà thơ Việt khai phá nửa sau thế kỷ XX, đã tìm cách đoạn tuyệt với thơ mới.

Bắt đầu với nhóm Xuân Thu thập niên 1940: Nguyễn Xuân Sanh đem những hình ảnh siêu thực vào thơ, Phạm Văn Hạnh viết những bài thơ tự do thơ văn xuôi đầu tiên. Họ là những người tiên phong trong thơ hiện đại.

Mấy năm sau, Nguyễn Đình Thi xây dựng một phong cách thơ tự do độc đáo trên nền lời nói thông thường, thơ ở đây là lời nói trực tiếp của con tim truyền đến một trái tim khác: tâm truyền tâm, không qua biện pháp tu từ. Thanh Tâm Tuyền đưa thơ tự do vào vũ trụ hiện sinh, cực thực của một nội tâm nhàu nát, tan vỡ như trái phá chiến tranh. Ðặng Ðình Hưng làm thơ văn xuôi để tái tạo sinh mệnh đói khát giam hãm tù đầy của kiếp người Giai Phẩm. Lê Ðạt dâng thơ tạo sinh cho tình yêu như một lối thoát, một cách lũy thừa đời sống. Chúng tôi nghĩ rằng đó là những khuynh hướng tiêu biểu của thi ca Việt Nam trong nửa sau thế kỷ XX.

Yên Cơ, tháng 5/1995

Paris tháng 2/2019

Thụy Khuê

Comments are closed.