Văn Việt: Nhóm “Thực tập Quốc hội” là nhóm bạn trẻ vừa lập ra ở Hà Nội, nội dung hoạt động là cùng đề xuất và thảo luận các vấn đề của xã hội. Văn Việt nhận được đề cương thảo luận sau đây của Nhóm, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Thủy Nguyên
I – VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG
Văn hóa đại chúng có thể hiểu rằng là các thể loại văn hóa phù hợp với thị hiếu của đại đa số người dân. Các thể loại văn hóa đại chúng như phim ảnh, âm nhạc, văn chương, trò chơi… được người dân tiếp nhận một cách tự nguyện, do đó các loại hình văn hóa này trực tiếp tác động đến tư tưởng và tư duy của người dân.
Ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Liên Xô cũ, văn hóa đại chúng trở thành công cụ cho chính quyền để truyền tải các ý tưởng mà chính phủ muốn thúc đẩy. Do vậy, văn hóa đại chúng tại các nước này rất phát triển. Bên cạnh đó, ở các quốc gia nhỏ hơn như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, văn hóa đại chúng lại trở thành công cụ cho các nhà kinh doanh, các tập đoàn… , và văn hóa đại chúng tại những nơi đó cũng rất phát triển.
Trước khi đưa ra định hướng phát triển văn hóa đại chúng ở Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ, văn hóa đại chúng sẽ đóng vai trò gì? Văn hóa đại chúng có nên trở thành công cụ để tuyên truyền hay quảng cáo hay không?
Một đề xuất về vai trò của văn hóa đại chúng mà tôi muốn đưa ra, đó là truyền tải các giá trị văn hóa cốt lõi, cơ hội cho các ý tưởng mới mẻ được hình thành, qua đó mở rộng khả năng tư duy của người dân. Nói một cách khác, văn hóa đại chúng có thể giúp dân trí được nâng cao thông qua giải trí, bên cạnh hệ thống nghiêm túc của giáo dục. Xác lập thái độ này, chúng ta sẽ có các bước đi cụ thể hơn trong định hướng phát triển văn hóa đại chúng ở Việt Nam.
II – TÌNH TRẠNG VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Văn hóa đại chúng hiện nay bị chi phối bởi hai chứng năng là phục vụ chính trị và phục vụ lợi ích kinh tế, số lượng sản phẩm rất nhiều nhưng không có chất lượng, và không thật sự đảm bảo được vai trò của mình. Tại sao lại diễn ra tình trạng này, ta có thể thử phân tích và tìm hiểu.
1. Về chức năng phục vụ chính trị:
Các sản phẩm văn hóa này thường do các cơ quan văn hóa nghệ thuật trực thuộc chính quyền tạo ra. Tiêu chuẩn đầu tiên của các sản phẩm này đó là phải “đại chúng”, tức là đông người tham gia và đông người tiếp nhận. Do chủ trương xây dựng nền văn hóa phục vụ công nhân, nông dân nên những tác giả xuất thân từ tầng lớp này nắm các vai trò chủ đạo trong các cơ quan ban ngành về văn hóa. Ưu điểm đó là dễ dàng tiếp cận đại đa số nông dân, công nhân, nhưng càng ngày chủ trương này càng dẫn đến các hệ lụy.
Thứ nhất, số lượng nông dân và công nhân dần dần sẽ được thay thế bằng tầng lớp trung lưu, có học vấn cao nên đòi hỏi ở chất lượng nội dung cao hơn.
Thứ hai, hội nhập văn hóa sẽ khiến các nền văn hóa đại chúng khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… xâm lấn không gian giải trí của đại đa số người dân.
Thứ ba, do chức năng tuyên truyền chính trị, văn hóa đại chúng không phát huy được sự độc đáo và sáng tạo do người dân và địa phương tự hình thành. Nói một cách khác, khi văn hóa đại chúng gắn với chức năng chính trị, văn hóa sẽ mất đi tính văn hóa và triệt tiêu bản sắc, điều này hoàn toàn đi ngược với chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ tư, văn hóa đại chúng không giúp nâng cao đời sống người dân hay cải thiện dân trí.
Đây là các lý do khiến gần đây, các đoàn nghệ thuật thuộc hệ nhà nước, các cơ quan báo chí, truyền hình, xuất bản, các cơ quan văn hóa trở nên ngày một đi xuống, không đảm bảo được chất lượng hoạt động và đời sống cho nhân sự. Vì vậy, để thật sự nâng cao văn hóa đại chúng, chúng ta cần hạn chế vai trò chính trị của văn hóa.
2. Về vai trò kinh tế:
Từ năm 2008, xu hướng xã hội hóa văn hóa đã được thúc đẩy, nhưng không hề giúp cải thiện văn hóa đại chúng. Ngược lại, trên thị trường văn hóa đại chúng thiếu vắng các sản phẩm nghiêm túc mà chỉ có các sản phẩm bắt chước thô thiển các sản phẩm của Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chất lượng nội dung quá kém, nên sản phẩm văn hóa của nước ngoài chiếm lĩnh đa số thị hiếu của người dân. Do đó, với vai trò kinh tế này, văn hóa đại chúng cũng mang đến các hệ lụy như sau:
Thứ nhất, làm mất bản sắc dân tộc mà thay thế bằng các văn hóa ngoại lai, dẫn đến Việt Nam trở thành nô lệ về văn hóa và tư tưởng cho các nước có nền văn hóa đại chúng phát triển.
Thứ hai, triệt tiêu thái độ làm việc nghiêm túc và độc lập, sáng tạo của các tác giả, dẫn đến sự tụt lùi của văn hóa.
Thứ ba, đảo lộn các chuẩn mực văn hóa để phục vụ mục đích kinh tế.
Do đó, vai trò kinh tế của văn hóa cũng cần phải hạn chế bằng các hình thức phân loại dưới góc độ khoa học và khách quan của các nhà thẩm định.
3. Trong lúc đó, các cá nhân hoặc tổ chức hoạt động độc lập với hai chức năng trên thường gặp các khó khăn sau:
Thứ nhất, không đủ kinh phí và điều kiện để hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, những loại văn hóa đại chúng cấp thấp sẽ được lan truyền trên Internet, gây nhiễu loạn văn hóa.
Thứ ba, không có cơ hội để được thẩm định và đánh giá đúng với tài năng của mình.
III – MỘT SỐ ĐỀ XUÁT NÂNG CAO VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG
1. Gia tăng vai trò nâng cao dân trí của văn hóa đại chúng
Nâng cao dân trí không có mục đích tuyên truyền chính trị mà quan trọng cần đảm bảo hai yêu cầu: Một là các sản phẩm văn hóa đại chúng có hàm lượng tri thức cao. Hai là các sản phẩm văn hóa đại chúng hướng tới việc nâng cao ý thức của công dân trong xã hội hiện đại. Dưới đây là một số đề xuất:
– Các cơ quan văn hóa, truyền thông, truyền hình tăng cường giới thiệu các tác phẩm hàng đầu của thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thay vì nhập các sản phẩm rẻ tiền nhưng kém chất lượng.
– Các nhà phê bình, lý luận cần được đào tạo một cách bài bản và cao cấp cả ở trong nước và ngoài nước để có khả năng thẩm định và tuyển chọn tốt.
– Thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm văn hóa đại chúng có sử dụng nhiều tri thức thay vì những sản phẩm dễ dãi và đơn giản.
2. Khuyến khích tính độc đáo trong văn hóa đại chúng
– Khôi phục lại các hình thức văn hóa truyền thống của các dân tộc, các địa phương và giới thiệu ra quốc tế.
– Tạo các không gian dân sự để những tác giả có thể trình diễn và giới thiệu tác phẩm của mình.
– Cho phép các dự án văn hóa độc lập được kêu gọi ngân quỹ từ dân chúng, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật.
3. Bảo vệ quyền lợi của tác giả hoặc nhóm sở hữu quyền tác giả
– Cần nâng cao nhận thức của tác giả và các cơ quan quản lý về quyền tác giả
– Thúc đẩy các cơ quan quản lý quyết liệt hơn và khoa học hơn trong việc bảo vệ quyền tác giả, đưa ra các hình phạt nghiêm khắc với trường hợp vi phạm.
– Quy hoạch rõ ràng những ý tưởng, sản phẩm thuộc về dân gian và truyền thống có thể được sử dụng lại miễn phí.
– Các hội nhóm quản lý văn hóa cần kiêm thêm chức năng quản lý và bảo vệ quyền tác giả.
4. Đảm bảo các quyền tự quyết của các tác giả hoặc nhóm tác giả
– Không bó buộc văn hóa với các chứng năng chính trị và kinh tế
– Không hạn chế các hình thức truyền tải văn hóa đại chúng
– Không kiểm soát tài chính của các chương trình văn hóa đại chúng
– Không áp đặt các thước đo thẩm định bằng lý thuyết lên các tác phẩm. Phê bình và lý luận đóng vai trò định vị chứ không phải phê phán.