Văn Việt: Giai cấp mới – cuốn sách nổi tiếng làm thay đổi cách nhìn của thế giới về chủ nghĩa cộng sản được viết bởi một người cộng sản – Milovan Djilas. Văn Việt xin giới thiệu Lời người dịch và Lời giới thiệu của nhà xuất bản Giấy Vụn cho bản tiếng Việt của tác phẩm này được phát hành năm 2010 để độc giả hiểu phần nào tầm quan trọng của nó, nhất là ở thời điểm này.
Lời người dịch
Milovan Djilas, nhà hoạt động chính trị Nam Tư, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1911 tại làng Podbishtre, gần thành phố Kolashin, nước Cộng hòa Trenogori. Ông học luật và văn chương tại trường tổng hợp Belgrad, vào Đảng Cộng sản vào năm 1932, lúc vừa tròn 21 tuổi. Ngay trong năm đó, ông bị chính quyền bắt tù vì tổ chức biểu tình. Ông tiếp tục hoạt động sau khi được tha vào năm 1935 và gặp Tito vào năm 1937, rồi trở thành một trong những người bạn chiến đấu thân cận nhất của Tito trong thời Chiến tranh Thế giới II. Sau chiến tranh, Milovan Djilas được bầu làm Phó Tổng thống Nam Tư. Năm 1948, khi Nam Tư xung đột với Moskva về ý thức hệ, ông được giao phụ trách công tác tư tưởng với nhiệm vụ chứng minh cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của Tito là đúng.
Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, chính việc phân tích một cách khoa học chế độ cộng sản ở Nam Tư đã cho thấy những mặt trái của nó và suy rộng ra là mặt trái của chế độ chuyên chính vô sản nói chung. Vì những hoạt động lý luận “ngược dòng” của mình, năm 1954, Milovan Djilas bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết các chức vụ, và năm 1955 thì bị xử tù án treo. Tháng 12 năm 1956, Milovan Djilas bị xử 3 năm tù vì đã ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Hungary. Bản thảo tác phẩm Giai cấp mới được Milovan Djilas hoàn thành trong tù, được bí mật gửi ra nước ngoài và xuất bản ở New York vào năm 1957. Vì vụ này ông bị kết án 7 năm tù giam. Milovan Djilas được tha trước thời hạn vào năm 1961. Ngay sau đó ông cho xuất bản từng phần tác phẩm Nói chuyện với Stalin, và vì vậy mà năm 1962 ông lại phải ra tòa một lần nữa.
Năm 1966, Milovan Djilas được ân xá và được chính phủ cấp lương hưu vì có công trong cuộc kháng chiến chống phát xít, nhưng vẫn bị cấm xuất bản trên lãnh thổ Nam Tư, cấm phát biểu với giới báo chí trong thời hạn 5 năm. Song điều đó không ngăn được ông tiếp tục sáng tác. Trong thời gian từ 1970 đến 1986, ông bị cấm xuất ngoại. Năm 1982, ông lên tiếng ủng hộ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, và trong những năm 1990 ông liên tiếp lên án chính sách của chính quyền Milosevich. Trong số các tác phẩm của Milovan Djilas xuất bản từ năm 1966 có thể kể thêm: Xã hội không hoàn hảo, xuất bản năm 1969; Hồi ký của một nhà cách mạng, xuất bản năm 1973 và Tito: chuyện nội bộ, xuất bản năm 1980.
Milovan Djilas mất ngày 20 tháng 4 năm 1995, thọ 84 tuổi.
Giai cấp mới được dịch sang tiếng Nga và được xuất bản trước hết theo lối Samizdat từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sau đó in trong tập sách dưới nhan đề Bộ mặt của chế độ toàn trị, cùng với hai tác phẩm: Nói chuyện với Stalin và Xã hội không hoàn hảo.
Phạm Nguyên Trường
Lời giới thiệu của nhà xuất bản Giấy Vụn
Cuốn sách đang mở trước mặt các bạn đây là một tác phẩm đặc biệt, vì nhiều lẽ. Thứ nhất, nó là sách chính trị của một chính trị gia. Thứ hai, nó vạch ra những nhược điểm căn bản, thậm chí là “cốt tử”, có tính bản chất, của cả một phong trào, một cuộc cách mạng, mà sau này trở thành một chế độ, một chủ nghĩa của thế kỷ 20 (và rơi rớt tới tận bây giờ trong thế kỷ 21): chủ nghĩa cộng sản.
Và thứ ba là, nó lại do chính một người cộng sản kỳ cựu đặt bút viết nên: nguyên Phó Tổng thống Nam Tư dưới thời Joseph Tito – Milovan Djilas. Như tác giả đã viết trong lời nói đầu: “Tôi, một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ những chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế; từ việc thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Với những bạn đọc quan tâm đến chính trị, có lẽ, chỉ chút ít thông tin về thân thế của tác giả cũng đã đủ là một lời hứa hẹn rằng bạn sẽ được đọc một cuốn sách xứng đáng.
Thực tế còn hơn thế: Cuốn sách không chỉ chứng minh cho bạn rằng thật bõ công bỏ thời gian để đọc tác phẩm phê phán chủ nghĩa cộng sản của một đảng viên cộng sản – quả thật bạn đã đúng khi chú ý tới thân thế của tác giả. “Giai cấp mới” còn đi xa hơn, nó chứng minh sự tồn tại của những đặc điểm mang tính chất đặc thù của chủ nghĩa cộng sản: kiêu ngạo và hợm hĩnh, phản khoa học, quan liêu, dối trá… Thật ra, rất nhiều đặc điểm này là cái ta đều đã biết. Nhưng Milovan Dijlas mới là người chỉ ra chúng một cách có hệ thống, thuyết phục và hấp dẫn hơn cả. Ta hãy nghe ông nói:
“Một người thuộc giai cấp nào đó không có nghĩa rằng người đó đã có một khối tài sản nhất định. Điều đó càng đúng đối với chế độ cộng sản: sở hữu mang tính tập thể. Ở đây muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị”.
“Về mặt lý thuyết thì mọi người đều có thể leo lên. (…) Ở đây mỗi người chỉ cần một phẩm chất, đấy là lòng trung thành tuyệt đối đối với đảng (thực ra là với giai cấp). Nhưng đấy lại chính là điều khó khăn nhất. Giai cấp mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần. Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và “vận dụng lý luận” nữa, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa”.
Ở đây điều thú vị là, độc giả có thể đọc cuốn sách không phải theo cái cách “đọc để biết, biết chỉ để mà biết”. Bởi vì, nhìn nhận được những đặc điểm ấy của “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi của đảng cộng sản, theo định nghĩa “chỉ mặt đặt tên” của Milovan Dijlas – chúng ta sẽ thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ hiểu được vì sao trong quá khứ không xa, ở Việt Nam, từng có những cuộc tranh trừng nội bộ đẫm máu, những cuộc “đảo chính cung đình” mà mọi sự đều diễn ra sau bức màn đỏ một cách bí mật và mưu mô, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài tới số phận nhân dân và đất nước về sau. Sẽ hiểu vì sao lại phải có những chiến dịch tuyên truyền, những cuộc vận động chỉnh đốn Đảng rầm rộ. Sẽ hiểu, sẽ nhìn nhận mọi sự dưới ánh mắt duy lý hơn, bình thản hơn, và tất nhiên, sáng suốt hơn.
Với suy nghĩ ấy, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc.
Tháng 2/2010