Hoàng Lại Giang
Một người bạn văn nghệ từ Hà Nội gọi điện vào bảo tôi nên đọc Hồi ký Lời ai điếu của Lê Phú Khải đang được tải trên mạng. Giọng anh hồ hởi mừng rỡ như gặp một… ý tưởng tâm đắc. Anh còn nói: Được số nào, tôi in ra số đó… Tôi nói, ông in xong photo cho tôi một tập.
Về mặt thẩm định giá trị văn chương chữ nghĩa tôi tin anh, không phải vì anh nguyên là một Phó Tổng biên tập một tờ báo lớn của Trung ương, mà bởi anh có một nền học vấn uyên bác. Anh hiểu có hệ thống những giá trị văn hóa Đông – Tây kim cổ.
Vì tin anh, tôi lần mò đọc Hồi ký Lời ai điếu của Lê Phú Khải trên Internet. Phải nói, một lần nữa, tôi nghĩ nhận định của bạn tôi là chính xác.
Tôi biết anh Lê Phú Khải, nhưng không thân như anh Võ Đắc Danh. Thực tình, tôi chưa chú ý nhiều đến sự nghiệp văn chương chữ nghĩa của anh Lê Phú Khải. Nhưng đọc Hồi ký Lời ai điếu của anh bỗng làm tôi suy nghĩ. Thì ra, con người này có một trí nhớ đáng khâm phục, có một tư duy gợi mở nhiều điều và có một thái độ rạch ròi giữa phải – trái, giữa người tài – đức với đám cơ hội, gian manh! Văn anh mộc mạc, hồn nhiên. Tự nhiên như lời trò chuyện hàng ngày.
Từng dòng, từng dòng Hồi ký gợi lại cho tôi về một thời vừa qua, còn nóng hổi tính thời sự. Một Tổng Bí thư như Lê Duẩn khi về Đồng Tháp Mười, chỉ cánh rừng tràm U Minh mà mắng cán bộ tỉnh uỷ: Ngu, ngu, sao không trồng lúa mà trồng tràm? Là người thời chống Pháp hoạt động ở miền Tây Nam Bộ mà ông không hiểu gì về Đồng Tháp Mười, về U Minh Thượng, U Minh Hạ, một vùng chua mặn không thích hợp cây gì ngoài sú, vẹt, tràm!!! Nhưng thật lạ khi không ai dám cãi lại hay đính chính cái ngu của chính ông. Tất cả đều im lặng…
Và dưới ông là Lê Đức Thọ, quyền sinh, quyền sát, hét ra lửa một thời… Rồi tới các bộ trưởng như Bộ trưởng Bộ Công an Phạm Hùng, sẵn sàng cho cán bộ nghỉ việc khi họ dám cãi lời ông, dù đấy là cán bộ cao cấp. Đấy là câu trả lời cho câu hỏi vì sao cán bộ ta nhũn như con chi chi trước cấp trên. Suy cho cùng một xã hội như thế làm sao có chỗ cho phản biện? Thời phong kiến độc tài thật đấy, nhưng cạnh vua còn có gián quan. Còn trong xã hội mới, đã ai dám can Tổng Bí thư? Phản biện bị ghép vào tội… phá rối trật tự! Mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng! Phạm vào điều… bộ Luật Hình sự! Mục xương! Đảng phạm bao nhiêu sai lầm nghiêm trọng như cải cách ruộng đất, như cải tạo tư sản, như kinh tế mới, như Nhân văn Giai phẩm đẩy trí thức vào tù tội! Nhưng cộng sản vẫn sáng suốt, vẫn anh minh! Ai dám có ý kiến… coi như chống Đảng. Tội chống Đảng là tội lớn nhất trong các tội!
Lê Phú Khải bằng trí nhớ tuyệt vời của mình đã ghi lại tất cả từ người đứng đầu Đảng, tổ chức Đảng, đứng đầu Bộ Công an, cho đến những người bất đồng chính kiến như Kiến Giang, Hà Sĩ Phu hay hai mặt như Nguyễn Khải… Những phác hoạ của anh thật tài hoa, ngắn gọn và súc tích. Là người cùng thời, tôi hiểu đấy là những giá trị đích thực. Những giá trị ấy chính là bài học của quá khứ dành cho tương lai, là bài học của những người lương thiện khi tiếp cận bọn đểu giả, cơ hội đội lốt Mác-xít. Chỉ riêng việc ấy thôi, Lê Phú Khải cũng đáng được độc giả trân trọng.
Hồi ký đâu phải chỉ dành để nói về cuộc đời của chính mình, những giá trị nhân văn sau nhiều năm chiêm nghiệm qua thử thách cuộc sống. Hồi ký là một thể ký ghi lại qua hồi ức, những gì mình đã trải, trong đó anh em, bạn bè và trong đó chính là xã hội anh đang sống với những vui buồn, ngọt ngào, đắng chát! Một lần Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Võ Văn Kiệt đến nhà tôi nhờ tôi viết hồi ký cho ông. Tôi trả lời chưa được (lúc đó tôi đang viết Trương Vĩnh Ký – Bi kịch muôn đời), phải một năm nữa. Ông trả lời: Khi nào được thì anh làm… Tôi nói thêm: Em sẽ viết hồi ký cho anh, nhưng qua anh, em muốn viết xã hội anh đang sống, những người cùng thời với anh…
Đọc Hồi ký Tô Hoài, độc giả thấy một đội ngũ trí thức tên tuổi đang biến thành những anh mất khả năng sáng tạo, tranh nhau xí phần từ bãi phân bò còn nóng hổi! Đọc Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối thấy ngậm ngùi, chua chát. Đọc Rút phép thông công của Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường thấy sự dằn vặt của một thế hệ đi cùng cách mạng và bị vô hiệu hóa! Đọc Nhớ lại và suy nghĩ của Đào Xuân Quý thấy những gương mặt văn nghệ tên tuổi thật đáng buồn! Thật đáng tởm! Làm nhà văn thời nay, trước tiên bị đám chính trị khinh, bị độc giả khinh (vì sợ nói thật) và cuối cùng đêm nằm nghĩ lại tự mình khinh mình! Ôi, thật chua chát!
Rồi Đèn cù của Trần Đĩnh xôn xao dư luận bạn đọc một thời. Hôm nay lại được đọc trên mạng Lời ai điếu của Lê Phú Khải. Và phải tìm cách ngốn ngấu cho hết để còn đọc: Đến già mới chợt tỉnh của Tống Văn Công. Một tác giả 56 tuổi đảng và một tác giả chưa có tuổi đảng nào.
Những gì anh Lê Phú Khải viết ra đấy là trung thực. Anh tránh được suy diễn của người viết. Anh kể lại khách quan những sự việc mà anh đã trải qua, những con người mà anh quen biết, ít nhất trong làng báo của anh. Anh không vẽ râu, thêm ria cho họ và anh cũng không phết sơn, tô đen lên mặt ai. Ai trắng, ai đen, ai chính, ai tà qua ngòi bút làm báo quen thuộc của anh để người đọc tự đánh giá, tự bình phẩm.
Anh đi từ những người quen có cương vị trong gia đình, đến những đồng nghiệp của anh… giúp người đọc nhận ra một xã hội… đang tha hóa từ những ngày đầu. “Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài.Thực hiện cái chủ ngĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín, và hưởng thành quả của chủ nghiã đó bao giờ cũng là bọn lưu manh” – một đúc kết thật chua chát, thật đắng! Nhưng tỉnh lại, lại thấy anh có lý… Đấy là những lời cảnh báo đáng được lắng nghe.
Với tư cách một người cùng thời, xin chúc mừng anh Lê Phú Khải với Hồi ký Lời ai điếu đã ra mắt độc giả bốn phương.
Anh hãy tin những người đọc tâm huyết luôn đứng về phía anh.
TP. Hồ Chí Minh
30 – 11 – 2016
Hoàng Lại Giang