Người viết sử tâm hồn một thế hệ – Mừng nhà thơ Bùi Minh Quốc 75 tuổi

Lê Phú Khải

clip_image002

Bùi Minh Quốc bảo tôi: “Chưa bao giờ mình tổ chức sinh nhật cả, nhưng năm nay tròn 75, mình mời các bạn dự bữa cơm thân mật mừng sinh nhật”.

Tôi nhận lời hứa sẽ cố gắng lên Đà Lạt với vợ chồng anh.

Trong thế hệ chúng tôi, những người sinh trước và sau Cách mạng Tháng 8-1945, thơ Bùi Minh Quốc là một phần, nói đúng hơn là lịch sử của tâm hồn mình. Một lịch sử đi từ “Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt (Bùi Minh Quốc) đến “cay đắng thay” (Bùi Minh Quốc) ở gần cuối đời!

Bùi Minh Quốc sinh ngày 03. 10. 1940 ở Mỹ Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), nhưng từ nhỏ anh đã theo gia đình đến sống ở Hà Nội. Thơ anh nổi tiếng ngay từ lúc tác giả còn rất trẻ, ngoài 20 tuổi. Bài thơ “Lên miền Tây” của Quốc được đưa vào sách giáo khoa từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Có thể nói, thế hệ trẻ chúng tôi ở miền Bắc thời ấy, không mấy ai không thuộc bài thơ này.

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi

Lên Miền Tây vời vợi nghìn trùng

Ôi Miền Tây! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng

Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy

Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn

Cái chất lý tưởng, lãng mạn đến “cuồng nhiệt” của Bùi Minh Quốc đã “chất chồng mơ ước lớn” cho biết bao chàng trai Hà Nội lúc đó. Nhiều bạn bè tôi, sau này là những nhà giáo nổi tiếng, nhà thơ nổi tiếng, đạo diễn nổi tiếng, bác sĩ nổi tiếng đã xung phong lên Miền Tây công tác và mang trong tâm hồn mình những câu thơ ướp “lửa trong lòng” ngày ấy.

Năm 1967 Bùi Minh Quốc vào Nam công tác ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5 lúc con gái đầu lòng của nhà thơ mới gần 6 tháng tuổi. Gần một năm sau, vợ anh là nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng vô Nam, gửi lại con nhỏ cho bà ngoại cháu nuôi. Trong một chuyến công tác ở vùng sâu Duy Xuyên (Quảng Nam), đêm 08. 03. 1969, chị bị lính Nam Triều Tiên sát hại ở tuổi 28.

Đau thương và căm giận tuôn trào trên ngọn bút, nhà thơ – dưới bút danh Dương Hương Ly – đã cho ra đời “Bài thơ về hạnh phúc” năm 1969. Với bút danh ấy, tập thơ “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ” và nhiều sáng tác khác của Bùi Minh Quốc đã trở thành tài sản của văn học Việt Nam hiện đại.

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh

Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc

Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác

Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh…

Đó là những lời ca bao lớp chiến sĩ lúc hành quân đã nghe, được phổ nhạc từ thơ Bùi Minh Quốc.

Nhưng, khi đất nước đã thống nhất, non sông về một mối thì nhà thơ lại nhận ra:

Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt

Lại đúc nên chính cỗ máy này

(trích tập “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” thơ Bùi Minh Quốc)

Cái cỗ máy ấy đã để mất một giải biên cương mà nhà thơ đã phải lên tận nơi ôm lấy cột mốc mà khóc.

Con nghe buốt dọc biên cương tiếng máu

Tiếng người xưa truyền muôn đời con cháu

Một tấc giang sơn không được để hao mòn

(trích “Tiếng máu biên cương”, thơ Bùi Minh Quốc)

Cái cỗ máy ấy đã vừa chặt cây xanh ở Hà Nội, đã lấp sông Đồng Nai, đã cố tâm xây tượng đài 1. 400 tỷ đồng trong lúc trẻ em ở miền quê ấy phải ăn thịt chuột để đi học.

Cái cỗ máy ấy đã gây ra cảnh

Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh

Nay mẹ tự lột truồng lăn mình giữ đất

(trích “Vì Nhân Dân quên mình”, thơ Bùi Minh Quốc sáng tác tháng 12. 2014)

Cái cỗ máy ấy thoái hoá biến chất, tham nhũng đến độ “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” như chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận!

“Nghìn khát vọng” ban đầu không còn nữa, vì

Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

Chỉ có nghệ sĩ lớn, tâm hồn lớn, trái tim lớn mới đủ độ đớn đau để dám viết những vần thơ như thế về đất nước mình.

Tôi bỗng nhớ đến Heinrich Heine (1797-1856) của nước Đức trong “Những người thợ dệt miền Silesia” (*) (bản dịch của Hoàng Trung Thông)

Trong cặp mắt u buồn không đẫm lệ

Họ ngồi trên khung cửi, nghiến hàm răng:

Nước Đức ơi! Ta dệt liệm cho anh

Dệt vào đó ba lần chửi rủa…

Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa.

Tiên sư ngài thượng đế giả danh

Ta cầu xin khi đói khát khó khăn

Nhưng hy vọng tiêu tan hết cả

Ngài chỉ có phỉnh phờ, dối trá…

Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa.

Tiên sư vì vua của bọn nhà giàu

Đói khổ ta gã có mủi lòng đâu

Gã bóp nặn đến từng đồng xu nhỏ

Và đem bắn chúng ta như chó..

Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa

Tiên sư cái Tổ Quốc dối lừa

Chỉ phồn vinh những tủi nhục nhuốc nhơ

Hoa mới nở đã chóng ngày tàn tạ

Bùn hôi thối nuôi loài sâu béo bổ…

Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa.

Thoi bay đi, khung cửi kêu cót két

Suốt ngày đêm cần cù ta dệt…

Nước Đức già nua, ta dệt liệm cho anh

Dệt vào đó ba lần chửi rủa

Chúng ta dệt, chúng ta dệt nữa.

SG, đầu tháng 10 / 2015

L. P. K.

(*) Bài thơ này xuất bản lần đầu ngày 10/7/1844 trên tờ “Tiến lên” (Vorwärts!) của Karl Marx, với tên là “Die armen Weber” (Những người thợ dệt nghèo) và được in thành truyền đơn, đến 50 ngàn bản, phân phát trong những vùng nổi dậy. Đến năm 1846 bài thơ này mới mang tên là “Die schlesischen Weber” (Những người thợ dệt vùng Silesia). Toà án tối cao Hoàng gia Phổ cấm bài thơ này vì cái “giọng phản loạn” của nó. Năm 1846, một người ở Berlin bị tống vào tù vì dám đọc bài thơ này trước công chúng. (Theo https://en.wikipedia.org/wiki/The_Silesian_Weavers)

Comments are closed.