Nói ngắn về Thơ chiều cuối năm

Hoa cat tuong Da LatVũ Ngọc Tiến

 

Tôi có thằng bạn đoản mệnh đã đi xa được tròn 40 năm, cũng vào một chiều đông lạnh giá ngày tất niên dương lịch. Hắn thực đa tài, hẳn nhiên rồi: thơ hay, vẽ giỏi, chơi ghi ta cực kỳ điệu nghệ. Mình hắn ôm cây ghi ta, miệng huýt sáo, tay múa trên các phím và 6 dây đàn là tôi có cảm giác như đang nghe cả một giàn nhạc gồm đủ hệ dây, hệ phím, hệ gõ và hệ hơi. Cứ thế, hắn đưa tôi đắm chìm trong các bản nhạc kinh điển như “Vũ khúc Tây Ban Nha”, “Phiên Chợ Ba Tư”… hay các đoản khúc thời nay như “Tình ca du mục”, “Con chim xanh”, “Đôi bờ”, “Cây thùy dương”…

Riêng về thơ, hắn chỉ làm một loại thơ tứ tuyệt 5 chữ hay 7 chữ và chỉ xuất thần ứng khẩu thành thơ ngâm vịnh với bạn bè chứ không chép lại bao giờ, đăng báo hay in sách lại càng không. Hắn thường bảo tôi, lũ chúng mình thằng nào ôm mộng văn chương đều tập tọng làm thơ từ thủa mài đũng quần trên ghế nhà trường. Tuy thế, làm thơ có vần vè ai chẳng làm được, còn để thành thi nhân không dễ đâu. Tao hãi lắm, chỉ dám làm thơ chơi chơi với chúng mày thế thôi. Một bài thơ hay dù chỉ 4 câu cũng phải bao chứa triết lý của tiểu thuyết, giai điệu của nhạc, màu sắc và ánh sáng của họa… chứ đâu có bỡn. Thơ hay ở tứ, nhưng tứ phải lạ, làng nhàng như mọi người là vứt. Còn lời ư? Nếu rượu là tinh của gạo thì lời trong thơ phải là tinh của ngôn từ. A-ra-gông nói: “Mỗi lời của tôi thổi vào trang giấy cả một cơn bão lòng”. Mai-a-cov-ski lại nói: “Mỗi lời của tôi nặng bằng nửa trái đất”. Đó là cách nói ngoa ngôn, nhưng nó mách bảo ta tầm mức hệ trọng của lời đến nhường nào, đừng có dễ dãi với lời. Ông già tao kể, có một thi sĩ người A-Rập (tao quên mất tên) cả đời ông ấy chỉ làm có một tập, một tập thơ thôi mày biết không? Mỗi lần tái bản ông lại kỳ cục sửa lời cả tháng trời và vì thế ông chết đã hơn 100 năm, nhưng cả thế giới A-Rập người ta in đi in lại không biết bao nhiêu lần, coi đó là bảo bối ngôn ngữ thơ rất riêng của dân tộc họ. Lại còn nhạc thơ nữa cũng rất quan trọng, mày ạ! Một bài thơ văn xuôi cũng vẫn phải có nhạc chính là nhịp hai, nhịp ba hay nhịp bốn rất hài hòa làm nên giai điệu của câu thì người đọc mới ngấm và nhớ lâu. Một lần vào lúc nửa đêm hắn đến nhà dựng tôi dậy, bắt lục trong tủ tập “Đường thi” và bảo: “Mày tìm trong đó những bài tuyệt bút của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Hàn Dũ, Trương Kế, Giả Đảo… rồi đếm thử từng bài xem có bao nhiêu thanh bằng, bao nhiêu thanh trắc?” Tôi theo lời hắn ngồi tỉ mẩn đếm đi đếm lại đều thấy hễ là thơ tứ tuyệt 4 câu 7 chữ sẽ có 14 thanh bằng và 14 thanh trắc; còn với các bài thơ thất ngôn bát cú sẽ có 28 thanh bằng và 28 thanh trắc. Hắn cười khà khà nói: “Mày thấy chưa? Tao là dân chơi đàn nên hay để ý về âm luật, chợt phát hiện vì sao những bài hay nhất của các vị ấy đều tuân thủ  theo thuyết âm dương cân bằng nên đọc lên cứ như hát, đọc một lần nhớ mãi…”. Chuyện về bạn tôi với thơ kể ra còn nhiều lắm. Chỉ biết nghe hắn bình tán làm tôi đâm hãi, tự biết mình kém tài nó, không dám làm thơ nữa, thầm nhủ lòng nếu có tập tọng theo nghề sẽ chỉ viết văn xuôi…

Chỉ vài giờ nữa sẽ đến thời khắc chuyển giao sang năm mới 2016. Tôi ngồi buồn, thơ thẩn lang thang trên mạng, bắt gặp bài thơ 4 câu của anh TMH:

Trang thơ của mọi thời sau đọc

Có trong lọ mực ngủ trên bàn.

Máu xanh mà bật bao cười khóc

Bụng lọ còn nguyên cả thế gian.

Bài thơ quá hay! Tôi liền tặng anh TMH hai chữ KINH NHÂN vốn là chữ dùng của Đỗ Phủ mà bạn tôi xưa hay dùng để tặng cho bài thơ nào anh tâm đắc, nể phục, nhưng cũng hiếm lắm. Nhớ bạn đã đi xa, phục TMH đang ở Sài Thành lâu không gặp, tôi mượn lời người bạn thủa ấu thơ viết mấy dòng gọi là “Nói vắn về thơ” đem tặng những người yêu thơ kèm lọ hoa “Cát Tường” của cô phóng viên trẻ vừa mang từ Lễ hội hoa Đà Lạt cho tôi lúc chiều cuối năm 2015 này. Hoa ơi! Hãy mang cát tường đến với mọi nhà và những người yêu thơ, hoa nhé!…

HN chiều 30/12/2015

VNT

   

 

 

 

Comments are closed.