Phỏng vấn GS.TS Charles Nguyễn Cường:

“Luôn nghĩ là người Việt,

sau khi thành công tôi có bổn phận trả ơn quê hương” *)

Đỗ Quyên thực hiện

Commencement ceremony 2013
 Graduation_13_618.NEF
135NC_D3
Ed Pfueller
5/17/13

GS Charles Nguyễn Cường khai mạc một ngày lễ của Catholic University of America – Washington D.C

Đây là lần thứ hai, Giáo sư – Tiến sĩ Charles Nguyễn Cường vinh dự nhận giải thưởng lớn của cộng đồng khoa học và giáo dục Hoa Kỳ dành cho các nhà khoa học, nhà giáo dục có cống hiến đặc sắc và tạo ảnh hưởng trong nước Mỹ và thế giới.

Từ hơn 10 năm nay, tên tuổi và thành tích với cộng đồng người Việt của GS Nguyễn Cường đã vang vọng cả trong và ngoài Việt Nam. Ông được xem như một trong số những người Việt thành công rực rỡ ở xã hội Hoa Kỳ.

Từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế về ngành công nghệ kỹ thuật, GS Nguyễn Cường đã có đóng góp xuất sắc trong nhiều lãnh vực khác như vũ trụ, toán học, y khoa… mà một trong các công trình quan trọng là kiểm soát người máy trong công nghệ chế tạo.

*

– Xin mời Giáo sư Charles Nguyễn Cường nói đôi chút về mình?

+ GS Nguyễn Cường:

Tôi sanh trưởng ở Đà Nẵng, nhưng học trường nội trú ở Huế, tại trường Institut de la Providence (trường Thiên Hựu). Năm 1971, học xong tú tài sang Tây Đức. Năm 1978 sau khi nhận bằng cử nhân Điện tại Tây Đức qua Hoa Kỳ định cư; tại đây, vào năm 1980 tôi nhận bằng Cao học của Đại học George Washington DC. Và kể từ năm 1982 cho đến nay, suốt 31 năm, tôi làm việc tại Đại học Catholic University of America (CUA). Ban đầu là Trợ lý giáo sư, năm 1986 lên Phó giáo sư và hiện tôi là Giáo sư thực thụ (Tenured full professor). Vào năm 1997 tôi được bổ nhiệm Phân khoa trưởng Khoa Điện và Điện toán, và từ năm 2001 tới nay được bổ nhiệm Khoa trưởng Trường Kỹ sư (Dean of School of Engineering) của trường CUA này, với nhiệm kỳ thứ tư mỗi nhiệm kỳ 4 năm.

Tôi lập gia đình vào năm 1989, có 2 con gái và 2 con trai với người vợ đầu. Sau khi ly dị, tôi đã lập gia đình với người vợ thứ hai vào tháng Hai năm 2014. Tổng cộng chúng tôi có 7 con, 3 gái và 4 trai.

– Thưa Giáo sư, Giải thưởng Di sản châu Á năm 2014 (“The 2014 Asian Heritage Award”) mà ông vừa nhận vào ngày 22/11/2014 có ý nghĩa thế nào? Năm 2009, chúng tôi cũng có may mắn được phỏng vấn dịp Giáo sư nhận Giải thưởng thành tựu trọn đời (“2009 Lifetime Achievement Award”). Xin cho biết hai giải này khác nhau ra sao?

+ GS Nguyễn Cường:

2. GS Charles Cuong Nguyen (ngoi, trai) k_ chuong trinh  Dai hoc _… N_ng

GS Charles Nguyễn Cường (ngồi, trái) trong lễ ký chương trình hợp tác giữa Đại học CUA và Đại học Đà Nẵng.

Giải thưởng Di sản châu Á năm 2014 mà tôi mới nhận đã chú ý đến “cơ hội”. Trong lời giải thích của Hội đồng xét giải có câu “vì người được Giải thưởng không những vượt thắng các hậu quả chiến tranh Việt Nam mà còn dùng những cơ hội đó để làm tấm gương về thành tựu của mình, và giúp những người khác cũng được các cơ hội thành công như mình.” Lâu nay, Giải thưởng Di sản châu Á được xem như giải lớn nhất và trang trọng nhất dành cho người gốc châu Á ở Mỹ. Giải thưởng năm nay đã liên quan đến những chương trình giáo dục mà tôi thiết lập ở các nước châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, và đặc biệt là ở VN. Lâu nay, Giải thưởng Di sản châu Á được xem như giải lớn nhất, trang trọng nhất dành cho người gốc châu Á ở Mỹ.

Còn Giải thưởng thành tựu trọn đời 2009 thì tôi nhận từ Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington (The District of Columbia Council of Engineering and Architectural Societies – DCCEAS). Nó chú trọng vào cống hiến về khoa học và kỹ thuật của người được giải thưởng trong cả cuộc đời làm khoa học.

– Trong cương vị Khoa trưởng của Trường Kỹ sư trong Đại học Catholic University of America (CUA), Giáo sư có thể tóm tắt cho độc giả biết về thành tựu và công việc chính của mình trong hai lãnh vực khoa học và giáo dục tại Hoa Kỳ, và nhất là về trao đổi giáo dục, hợp tác khoa học công nghệ với VN?

+ GS Nguyễn Cường:

Thành tựu trong lãnh vực khoa học – kỹ thuật của tôi có thể tóm tắt như sau:

Đã làm việc cho NASA từ 1985-1995 và giúp NASA sáng chế một tay người máy (Robot hand) đầu tiên để xây dựng trạm không gian vũ trụ;

Đã xuất bản hơn 100 bài nghiên cứu khoa học, bài báo, hiệu đính sách trong các lãnh vực Điều khiển, Người máy, Y học, Toán logic và Cấu trúc không gian;

Là sáng lập viên tạp chí “Intelligent Automation and Soft Computing” và hiện là Chủ nhiệm của tạp chí kỹ thuật này;

Là Hội viên AAAS (American Association of Advancement of Science);

Được Tổng thống Mỹ George Bush, năm 2004, bổ nhiệm vào Ban giám đốc của Vietnam Education Foundation –VEF (Quỹ Giáo dục VN);

Là người Mỹ gốc Việt đầu tiên (và hiện là một trong hai người) giữ chức Khoa trưởng tại một trong những đại học lớn của Mỹ;

Thành tựu trong lãnh vực giáo dục ở cương vị Khoa trưởng:

Là Khoa trưởng liên tục 4 nhiệm kỳ, hiện là 13 năm. Đó là một công việc rất khó khăn;

Từ khi làm Khoa trưởng đã tăng tổng số sinh viên gấp 3 lần (từ 175 sinh viên của năm 2001 lên 550 trong năm 2014 với một khoản chi nghiên cứu hàng năm là 2,5 triệu đô la trong năm 2014).

Trước năm 2001, Trường Kỹ sư của CUA không có chương trình giáo dục quốc tế; hiện nay chúng tôi đã thiết lập nhiều chương trình giáo dục tại Đài Loan, Hồng Kông, Mã Lai, Thái Lan…

Đặc biệt tại VN có 2 chương trình chính như sau:

Chương trình 2+2 (với 2 năm học ở VN, 2 năm học ở CUA – Mỹ) có ở VN từ năm 2007: Sinh viên VN sau khi hoàn thành 2 năm đầu tiên ở một trường đại học mà CUA cộng tác, nếu trúng tuyển sẽ đến CUA học tiếp 2 năm cuối và nhận bằng Kỹ sư của CUA. Hiện chúng tôi có hợp đồng như thế với các trường như Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế (International University of HCM) va Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Sinh viên xuất sắc sẽ được nhận học bổng bán phần (50%). Chúng tôi đã có tất cả gần 70 sinh viên VN hoàn tất chương trình này. Khoảng 50% số đó sau khi nhận bằng cử nhân của CUA đã ở lại CUA làm tiếp thạc sĩ, tiến sĩ. Khoảng 50% thì nhận được các học bổng rất tốt tại những đại học hàng đầu ở Mỹ như MIT, Stanford, Carnegie Mellon, University of Illinois, University of California, San Diego, và họ đang theo đuổi chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại các đại học trên.

3. GS Charles Cuong Nguyen (trai) c—ng phu nhƒn nh_n  gi_i 2014 Asian Heritage Award

GS Charles Nguyễn Cường (trái) cùng phu nhân nhận Giải thưởng “2014 Asian Heritage Award”.

Đến nay trường CUA chưa cộng tác với các trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc VN. Chúng tôi cũng đã thăm viếng một số trường đại học kỹ thuật ở Hà Nội và đang xúc tiến các chương trình cộng tác trong tương lai. Hy vọng trong thời gian ngắn chúng tôi sẽ có thể đưa các sinh viên ở Hà Nội và miền Bắc qua Hoa Kỳ du học tương tự như đã làm với các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Còn chương trình thứ hai là Chương trình học bổng bán phần (50%) cho những sinh viên VN sau khi hoàn thành bằng cử nhân có cơ hội đến học ở CUA để lấy bằng cao học và tiến sĩ

– Với hơn 40 năm du học, sinh sống và làm việc ở xứ người, Giáo sư gặp những khó khăn và thuận lợi gì để có thành công như vậy? Và chắc đó chưa là đích cuối cùng; Giáo sư có kỳ vọng trong tương lai?

+ GS Nguyễn Cường:

Sau 43 năm, từ Đức quốc (1972-1978) đến Hoa Kỳ (1978 – hiện nay) tôi cảm thấy khó khăn nhất cho mình là vấn đề ngôn ngữ và khả năng hội nhập xã hội nước ngoài. Khó khăn cho việc thăng chức trong đại học và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Nói chung, người bản xứ thường nghĩ các việc đó khó có thể đến với người ngoại quốc. Trên thực tế, tôi đã phải làm việc gấp hai, thậm chí gấp ba, so với các đồng nghiệp để tạo tin tưởng và chứng minh cho họ thấy mình có khả năng. Cũng nhờ thế, tôi đã là người châu Á đầu tiên làm Khoa trưởng Trường Kỹ sư của CUA. Tám mươi năm qua, trước năm 2001, kể từ khi thành lập tất cả các vị Khoa trưởng tiền nhiệm của tôi đều là người da trắng sinh trưởng tại Mỹ.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng thành công tôi đạt được cũng là nhờ làm việc cần cù và thành thực, không gian dối.

Vào năm 2001, khi phải giảm bớt các nghiên cứu khoa học để lên làm Khoa trưởng, tôi rất tiếc và cũng lo không biết mình hợp với việc quản lý, lãnh đạo hay không. Thế rồi qua 13 năm, tôi rất thích công việc này, vì những chính sách và chương trình mà mình thiết lập đã phục vụ tốt cho giáo sư, sinh viên, cho trường đại học của chúng tôi và cho nhiều cộng đồng, trong đó có cộng đồng VN. Mong muốn mang thêm lợi ích cho nhiều người, tôi có tham vọng sẽ được tin tưởng của trường đại học CUA để được bổ nhiệm làm Provost (Vice president of academic affairs), tạm dịch là Tổng Khoa trưởng. Ở vị trí này, tôi sẽ còn có nhiều cơ hội giúp đỡ các khoa trưởng khác thành công và tiếp tục phát triển các chương trình, chính sách có tầm vóc toàn trường đại học này.

– Các thuận lợi, khó khăn khi Giáo sư làm việc, cộng tác ở VN: với đồng nghiệp, với sinh viên, và với chính quyền (thủ tục hành chính, quan hệ)?

+ GS Nguyễn Cường:

4. GS Charles Cuong Nguyen c—ng phu nhƒn v… c c con 2  gia _nh

GS Charles Nguyễn Cường cùng phu nhân và các con của hai gia đình.

So với các quốc gia khác thì hiển nhiên thuận lợi đầu tiên là về ngôn ngữ rồi! Ngoài ra, vì tôi là người Việt, sanh trưởng ở VN nên dễ cảm thông hơn với các đồng nghiệp, sinh viên… Xa VN từ năm 1971, năm 2004 lần đầu tiên tôi trở lại quê nhà.

Còn khó khăn tôi nhận thấy khi làm việc với những người ở VN là sự hiểu biết về cách làm việc ở Hoa Kỳ. Đa số đồng nghiệp, sinh viên và phụ huynh mà tôi cộng tác ở VN thường nghĩ muốn mọi việc trôi chảy ở Mỹ thì phải qua đút lót, hối lộ… Các vị ấy dường như không biết rằng, sự quyết định chọn lựa sinh viên đã nộp đơn vào đại học Mỹ hoàn toàn dựa trên chất lượng học tập và phẩm chất của sinh viên. Sự đút lót, hối lộ là hoàn toàn bị nghiêm cấm tại Mỹ. Mỗi lần các bậc phụ huynh hay sinh viên hỏi về “chi phí đút lót”, tôi nói với họ rằng chúng tôi không thể nhận được; nhưng họ không tin.

– Giáo sư đã kinh qua nhiều môi trường giáo dục đại học và trung học (miền Nam VN trước 1975, VN hiện nay, Đức và Hoa Kỳ). Xin so sánh giữa: a) Đại học Đức – châu Âu và Hoa Kỳ; b) Đại học Hoa Kỳ và VN (Về triết lý giáo dục: mục đích, phương pháp?)

+ GS Nguyễn Cường:

Về đại học Đức và Hoa Kỳ:

Các đại học kỹ thuật ở Đức chỉ chú trọng huấn luyện một người rất giỏi về chuyên môn của ngành kỹ thuật mà thôi. Bởi thế họ đòi hỏi sinh viên lấy nhiều khóa học về kỹ thuật mà không cần các khóa học tổng quát. Sau khi tốt nghiệp đại học kỹ thuật, sinh viên ở Đức hay châu Âu thường làm trong các hãng cần đến chuyên môn đã nêu trong bằng cấp với cả cuộc đời hay trong thời gian rất dài. Rất hiếm người trong ngành kỹ thuật trở thành CEO (Tổng giám đốc) hoặc điều hành, lãnh đạo các hãng, công ty hay cơ quan nào đó. Tóm lại, triết lý giáo dục ở Đức là đào tạo chuyên gia (ít chiều rộng, nhiều chiều sâu; giáo dục theo chiều dọc)

Còn các đại học kỹ thuật ở Mỹ có triết lý giáo dục khác hẳn, so với Đức. Tức là chú trọng đào tạo người hoàn thiện trong mọi lãnh vực (nhiều chiều rộng, ít chiều sâu; giáo dục theo chiều ngang). Sinh viên kỹ thuật ở đây, trong 2 năm đầu học cử nhân, phải lấy nhiều lớp tổng quát, không liên quan đến chuyên ngành. Giới giáo dục Hoa Kỳ tin tưởng rằng một cử nhân kỹ thuật sẽ không phải làm việc suốt đời trong chuyên ngành có ghi trong văn bằng mà anh ta vừa nhận được. Đại khái, sinh viên tốt nghiệp đại học kỹ thuật ở Mỹ sẽ làm trong chuyên ngành của mình trong khoảng 5-10 năm rồi lên các chức điều hành (management) hoặc lãnh đạo (leadership). Nhiều người sẽ bỏ hãng để ra mở hãng riêng trong ngành kinh doanh hay đầu tư.

Về đại học VN và Hoa Kỳ:

Theo tôi thấy thì triết lý giáo dục đại học ở VN vẫn còn rất từ chương (theoretical), quá quan tâm đến lý thuyết chung chung mà chưa sát với thực tế và thí nghiệm. Chương trình giáo dục ở VN đa phần chú trọng về học thuộc lòng (các công thức) và không chú ý tới sự biến đổi của các công thức cũng như hướng phát triển của lý thuyết, như các chương trình giáo dục ở Mỹ. Bởi thế phần đông sinh viên VN, theo tôi được biết, thường có 2 nhược điểm: không muốn lên làm điều hành và lãnh đạo; và gặp khó khăn khi làm nghiên cứu.

Bạn đọc chân thành muốn biết nhận xét của Giáo sư về các nhược điểm của giáo dục đại học VN mà báo chí và dư luận đang rất quan tâm: chất lượng sinh viên và giảng dạy; chất lượng nghiên cứu; việc đăng bài trên tạp chí quốc tế; vấn đề đại học tư nhân; v.v…

+ GS Nguyễn Cường:

5- GS Charles Cuong Nguyen tra loi phong van _…i STBN  Washington D.C (1)

GS Charles Nguyễn Cường trả lời phỏng vấn Đài STBN Washington D.C.

Câu hỏi trên rất tổng quát. Cho tôi hẹn dịp khác sẽ bàn sâu, rộng hơn. Hôm nay tôi muốn chia sẻ chút kinh nghiệm cá nhân có được trong 10 năm làm việc với các đại học ở VN…

Theo tôi, những nhược điểm trong giáo dục đại học VN có thể nằm ở 3 điểm sau:

a. Các giảng viên ở VN thường dạy theo phương pháp cách đây… 20 năm! Phần đông có thể là dạy bán thời gian nên không có thời gian để soạn bài và nhất là để nghiên cứu thêm về chuyên môn có trong bài giảng trên lớp;

b. Mức độ lương bổng cho giảng viên rất thấp so với các ngành nghề khác, bởi vậy họ phải làm thêm 1-2 việc phụ và không thể toàn tâm toàn sức lo công việc giảng dạy sinh viên;

c; Khác với hệ thống giáo dục ở Mỹ bắt buộc các giáo sư, giảng viên phải nghiên cứu và xuất bản bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học – kỹ thuật, đại học ở VN không đòi hỏi như vậy dẫn đến trình độ chung của giảng viên, giáo sư không được phát triển.

– Bây giờ xin được nói về cuộc sống “ngoài khoa học kỹ thuật” của Giáo sư… Nếu có thể, mời ông cho biết kinh nghiệm nuôi dạy con trong một gia đình di dân ở Mỹ? (Điều quyết định? Khó khăn, thuận lợi? Liên quan tới VN: Tiếng Việt? Vấn đề quê hương?)

+ GS Nguyễn Cường:

Sự dạy dỗ con cái trong một gia đình di dân ở đây rất phức tạp. Trước hết, vì con cháu di dân lâu đời thường là sanh ra ở Mỹ, nên các em nghĩ mình là “người Hoa Kỳ chính gốc” và thi thoảng quên mất nguồn gốc của mình và cha mẹ mình. Thứ đến, các em sanh trưởng ở đây thì tất nhiên bị ảnh hưởng truyền thống và giáo dục Hoa Kỳ, qua truyền thông như báo chí, Tivi, Internet… Bởi thế, với các cha mẹ VN muốn bảo toàn truyền thống VN thì trong gia đình họ thường bị “đối địch” với nhiều gian khó.

Như trong gia đình chúng tôi, chúng tôi rất cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt với con cái và luôn luôn nhắc nhủ để các con nhớ mình là người Việt, vì thế – chẳng hạn – nên tỏ rõ sự kính trọng người lớn trong cách ăn nói và đối xử. Một ví dụ: chúng tôi bắt các con phải xưng hô “Anh/Chị” với những anh chị lớn hơn mình, không được nói trống không. Hoặc, ngay cả khi dùng tiếng Mỹ, con chúng tôi vẫn phải xưng hô, thưa gửi qua tiếng Việt xen lẫn vào câu Anh văn. Ví như: “I agree, thưa dada.” (Con đồng ý, thưa ba.)

Sự thuận lợi trong việc dạy bảo con cái ở Hoa Kỳ, theo tôi, đó là từ nhỏ các em được khuyến khích tinh thần giúp đỡ mọi người và đóng góp cho xã hội. Ngoài ra, cũng từ khi mới lớn trẻ em ở đây được dạy là phải tự lập. Các đức tính tốt đó sẽ giúp cho thanh thiếu niên hòa nhập vào xã hội và cuộc sống Mỹ nhanh chóng, dễ dàng và nhiều cơ hội thành công hơn.

– Giáo sư có thể kể những kỷ niệm thời niên thiếu? (Học hành; gia đình; chiến tranh…)

+ GS Nguyễn Cường:

Tôi có nhiều kỷ niệm thơ ấu ở VN. Do từ nhỏ học nội trú ở Huế, nên hàng năm tôi chỉ về sống với cha mẹ ở quê nhà Đà Nẵng vào những dịp lễ lớn (Giáng sinh, Tết Nguyên đán) và 3 tháng hè. Tức là cuộc sống tuổi thơ của tôi nằm trong khung trường nội trú Thiên Hựu – một ngôi trường công giáo tự lập, được điều khiển bởi các linh mục Pháp và VN.

Vì sinh sống và học hành ở Đà Nẵng và Huế, nên suốt quãng đời từ 3-4 tuổi đến 16 tuổi trong các năm 1963-1971, trước khi du học ở Tây Đức tôi tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh xảy ra hàng ngày. Sự kéo dài của cuộc chiến khiến tôi từng nghĩ rằng VN không bao giờ được thanh bình như các nước khác. Trong 10 năm học nội trú tại một trường Pháp, mặc dù tôi rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh em; nhưng chính kỷ luật của trường nội trú đã giúp tôi có những thói quen, đức tính tốt: trật tự ngăn nắp; khả năng tổ chức; và tinh thần lãnh đạo. Chính 3 điều đó đã làm bệ đỡ nâng tôi tới thành công trong đời sống và nghề nghiệp. Những người bạn học cùng lứa với tôi hiện không còn nhiều, vì họ không được may mắn đậu tú tài nên phải nhập ngũ, và nhiều người đã mất trong chiến trận…

– Còn về sở thích cá nhân, hoạt động cộng đồng Việt ở các nơi từng sống?

+ GS Nguyễn Cường:

Tôi thích chơi guitar, thích ca hát và từng gia nhập những ban nhạc kịch khi còn ở VN và cả khi học ở Đức. Và cũng thích cả thể thao như trượt tuyết, bơi, quần vượt và bóng bàn. Riêng về bóng bàn, tôi đã giành giải vô địch trường Thiên Hựu năm 1971 và trường đại học ở Tây Đức năm 1977.

Các hoạt động cộng đồng, hội đoàn cũng hấp dẫn tôi. Khi học Cao học ở trường George Washington University tôi đã làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam (Vietnamese Student Association) trong 3 năm liên tiếp 1979-1982. Hội chúng tôi dạo đó có tổ chức các đại nhạc hội và khiêu vũ để gây quỹ gửi về VN trợ giúp đồng bào lâm nạn bão lụt.

Hiện nay, ở đây tôi vẫn sinh hoạt với các hội đoàn Hoa Kỳ và VN. Tôi có chân trong Ban cố vấn Hội Văn hóa và Khoa học VN tại Mỹ (Vietnam Culture and Science Association) và hoạt động rất tích cực.

– Trong vài năm nay Đà Nẵng được dư luận coi như “thành phố đáng sống nhất VN”. Cảm tưởng của Giáo sư về tỉnh thành quê hương? Và nếu có thể, hãy cho biết dự tính của ông về một “địa chỉ nghỉ hưu”: sẽ tiếp tục sống tại Mỹ hay về VN?

+ GS Nguyễn Cường:

Trong những dịp công cán tại VN, tôi được thăm viếng Đà Nẵng nhiều lần. Tôi cũng đống ý đó là “thành phố đáng sống nhất VN”. Với tôi, đó là vì có khung cảnh hiền hòa của sông Hàn và núi Sơn Trà. Thêm nữa, 10 năm qua thành phố này phát triển rất nhanh chóng. Mỗi năm về tôi lại thấy sự mới mẻ, như một cây cầu mới hay một hệ thống gì đó mới. Người Đà Nẵng lại rất hiền hòa và chân thật. Sinh ra ở đó và có nhiều năm tháng thơ ấu, nay tôi vẫn còn rung động mỗi khi bước xuống phi trường trong những chuyến về thăm quê hương mình. Hiện tôi chưa có dự tính đối với chuyện về hưu sẽ sống ra sao. Nhưng tôi biết rằng: nếu tôi muốn về hưu ở VN thì tôi sẽ chọn quê cũ của mình là Đà Nẵng làm địa chỉ nghỉ hưu.

– Bấy nhiêu năm xa đất nước và thành đạt nơi xứ người, Giáo sư có chia sẻ gì về cuộc sống của người Việt nói chung và nhất là với thời toàn cầu hóa hiện nay?

+ GS Nguyễn Cường:

Qua hơn 40 năm xa quê hương Việt Nam tôi vẫn luôn nghĩ mình là người Việt, và có bổn phận sau khi thành công thì phải trả ơn cho quê hương bằng cách tìm kiếm đủ mọi cách giúp đỡ những người không được may mắn như mình, đặc biệt là giới trẻ ở VN.

Vì thế, tôi đã và đang gắng sức dự phần thiết lập các chương trình giáo dục Hoa Kỳ để có thể hợp tác với các trường đại học ở VN, và quan trọng là đưa tới các sinh viên ở VN nhiều cơ hội du học tại Hoa Kỳ.

Cuối cùng, tôi muốn thưa lại rằng các yếu tố chính cho các thành quả của mình là sự siêng năng, tính thành thật và lòng vị tha.

Chân thành cảm ơn GS.TS Charles Nguyễn Cường, và chúc mừng Giáo sư với niềm vui mới trong Giải thưởng Di sản Á châu năm 2014 vừa được nhận.

Để biết thêm về thành công của GS Nguyễn Cường, mời bạn đọc ghé thăm trang mạng http://engineering.cua.edu/dean

Đỗ Quyên thực hiện

(Vancouver, 8/2014 – 3/2015)

———-

*) Các phiên bản khác của bài đã in trên tuần báo Tiền Phong ngày 4/4/2015, tạp chí Văn Hóa Nghệ An ngày 10/4/2015.

Fotos

(Các hình ảnh đều do nhân vật cung cấp)

 

-=-

Comments are closed.