Sách mới: Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại – các mô hình dân chủ

Đinh Tuấn Minh

unnamed Giới thiệu tác phẩm: Các mô hình quản lí nhà nước hiện đại, do Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức ấn hành năm 2013

Văn Việt: Tên thực của cuốn sách là Các mô hình dân chủ nhưng có lẽ nxb Tri Thức phải lấy tên: Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại để được xuất bản.

 

Trên tay cuốn sách Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại, không quá dày nhưng nó đã bao quát khá đầy đủ kiến thức về lịch sử các mô hình tổ chức nhà nước theo triết lý dân chủ, chứa đựng các tư tưởng chính trị của những triết gia nổi tiếng từ cổ chí kim, và cập nhật xu hướng phát triển của các mô hình quản trị nhà nước hiện nay trên thế giới.

Cuốn sách được Held viết bằng phương pháp phân tích khoa học. Ông đã tổng hợp các tư tưởng và thực tiễn để xây dựng các mô hình dân chủ điển hình, theo các tiêu chí phân loại cụ thể.  Cách tiếp cận này giúp người đọc có thể đánh giá các luận điểm của tác giả và hình thành chủ kiến của riêng mình.

*

*        *

Tác phẩm được chia thành ba phần. Phần I, Held trình bày bốn mô hình dân chủ kinh điển: mô hình dân chủ cổ điển Athens, mô hình dân chủ cộng hòa, mô hình dân chủ tự do, và mô hình dân chủ trực tiếp. Bốn mô hình này đã xuất hiện như các thử nghiệm trong lịch sử trước thế kỷ XX và có thể xem là bốn hình mẫu tiêu biểu cho cách thức quản trị quốc gia mà dân chúng có quyền tham gia.

Mô hình dân chủ cổ điển Athens xuất hiện ở thành phố Athens, Hi Lạp vào thế kỷ V trCN. Theo mô hình này, mọi công dân đều có quyền tham gia trực tiếp vào các quá trình lập pháp, xét xử và điều hành các công việc chung của cộng đồng. Mô hình dân chủ cộng hòa xuất hiện tại các thành phố Bắc Ý vào cuối thế kỷ XI. Lúc này, công dân được quyền bầu người đại diện vào hội đồng chấp chính. Những người đại diện trong hội đồng chấp chính đến lượt mình lại sẽ bầu quan chấp chính – tức người đứng đầu thành quốc. Mô hình dân chủ tự do xuất hiện ở Mỹ và châu Âu từ cuối thế kỷ XIII. Công dân trong mô hình dân chủ tự do có quyền bầu những người đại diện trong hội đồng lập pháp và những người đại diện trong hệ thống hành pháp. Luật pháp được những người đại diện thiết kế và thực thi sao cho người dân được tự do mưu cầu hạnh phúc, không bị cưỡng bức bởi đồng loại và bởi nhà nước.

Mô hình dân chủ trực tiếp là mô hình kinh điển cuối cùng trong phân loại của Held. Mô hình này được thử nghiệm lần đầu tiên tại Công xã Paris giữa thế kỷ XIX. Công xã Paris cũng chính là cảm hứng để Marx và Engels xây dựng các nguyên lý cho mô hình dân chủ này. Nét đặc trưng của mô hình dân chủ trực tiếp là công dân trực tiếp ủy nhiệm việc điều hành các công việc chung, từ công việc sản xuất cho đến công việc xã hội, cho các đại diện của mình tại các hội đồng nhân dân địa phương. Đối với các công việc ở phạm vi rộng hơn, các hội đồng địa phương sẽ lại ủy nhiệm trực tiếp cho các hội đồng cấp cao hơn. Những người đại diện ở hội đồng nhân dân cấp trên sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình cho những người bầu mình ở hội đồng nhân dân cấp dưới, và đến lượt những người đại diện ở hội đồng nhân dân cấp địa phương phải chịu trách nhiệm giải trình trước những công dân mà họ đại diện.

Ba mô hình dân chủ cộng hòa, dân chủ tự do, và dân chủ trực tiếp còn có các biến thể khác trong từng mô hình. Hai mô hình đầu đều chứa đựng hai khuynh hướng: phát triển (developmental) và bảo vệ (protective). Các mô hình dân chủ theo hướng phát triển đều nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc điều tiết xã hội để thúc đẩy công bằng giữa các tầng lớp trong xã hội. Các mô hình dân chủ theo hướng bảo vệ lại nhấn mạnh việc kiểm soát chính phủ trong những khuôn khổ nhất định để sao cho người dân có thể sống mà không sợ bị bạo hành hoặc bị chính trị can thiệp một cách vô lối.

Mô hình dân chủ trực tiếp chứa đựng ít nhất ba khuynh hướng: khuynh hướng tự do, khuynh hướng đa nguyên, và khuynh hướng chính thống. Khuynh hướng tự do cổ vũ việc đấu tranh chống lại mọi hình thức uy quyền mang tính tôn ti trật tự, kể cả nhà nước, nhằm đem lại tự do thực thụ cho giai cấp công nhân. Khuynh hướng đa nguyên lại cho rằng thiết chế nhà nước vẫn có ý nghĩa trong công cuộc cải tạo xã hội. Đây cũng là con đường để giai cấp công nhân có thể nắm được quyền kiểm soát xã hội một cách hợp pháp. Cuối cùng, khuynh hướng chính thống, một mặt cho rằng phải chinh phục và phá bỏ hoàn toàn cơ chế nhà nước, nhưng mặt khác, lại cho rằng phải có một đảng tiên phong lãnh đạo để cải tạo xã hội phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng.

Trong phần thứ II, Held giới thiệu tiếp bốn biến thể trong thế kỷ XX và một biến thể đang manh nha hình thành hiện nay. Đó là các mô hình dân chủ tinh hoa cạnh tranh (competitive elitist democracy), mô hình dân chủ đa nguyên (pluralist democracy), mô hình dân chủ hợp pháp (legal democracy), mô hình dân chủ tham gia (participatory democracy), và mô hình dân chủ thảo luận (deliberative democracy) đang xuất hiện. Về cơ bản, các mô hình dân chủ hiện đại đều có nền tảng là dân chủ tự do. Sự khác biệt chỉ là ở chỗ mô hình này thiên về bảo vệ trong khi mô hình kia lại thiên về hướng phát triển, hoặc cố gắng kết hợp thêm các yếu tố của các mô hình dân chủ trực tiếp hay cổ điển vào hệ thống của mình.

Mô hình dân chủ tinh hoa cạnh tranh nhấn mạnh vai trò của giới tinh hoa trong đời sống chính trị. Chỉ có giới tinh hoa mới có khả năng xây dựng luật pháp và tổ chức bộ máy để điều hành các việc công một cách hiệu quả. Các nhóm tinh hoa cạnh tranh để giành sự ủng hộ của dân chúng. Theo mô hình này, quá trình bầu cử dân chủ thực ra chỉ có ý nghĩa hợp pháp hóa một nhóm tinh hoa nào đó vào vị trí quản trị nhà nước, còn bản thân người dân về cơ bản bị mất quyền kiểm soát các công việc công cộng.

Mô hình dân chủ đa nguyên nhấn mạnh đến tính đa nguyên của xã hội hiện đại. Khác với mô hình dân chủ tinh hoa cạnh tranh, mô hình dân chủ đa nguyên nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức/nhóm xã hội bên cạnh các đảng phái chính trị. Theo quan điểm đa nguyên, các tổ chức xã hội luôn luôn biến đổi. Người dân có thể tham gia hoặc ngừng tham gia vào nhiều tổ chức xã hội khác nhau. Để duy trì sự tồn tại của mình, các nhóm xã hội sẽ liên tục gây áp lực đối với các đảng phái chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của các hội viên, khiến cho hoạt động của các đảng phái chính trị trở nên công khai và dễ dàng được người dân giám sát hơn.

Mô hình dân chủ hợp pháp lại nghi ngờ về khả năng của giới chính trị tinh hoa trong việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, thông qua việc dàn xếp lợi ích giữa các nhóm trong xã hội. Theo quan điểm của mô hình này, chỉ các cá nhân mới có thể biết họ muốn gì và vì vậy nhà nước càng ít can thiệp vào cuộc sống của họ càng tốt cho họ. Hoạt động của chính phủ phải được luật hóa và giới hạn vào việc cung cấp các quy tắc mà các cá nhân có thể sử dụng như là công cụ cho việc theo đuổi các mục tiêu khác nhau của mình. Chính phủ chỉ nên can thiệp một cách hợp pháp vào xã hội dân sự bằng cách buộc người ta phải tuân thủ các điều luật chung, những điều luật bảo vệ “đời sống, quyền tự do và điền sản”.

Mô hình dân chủ tham gia là một nỗ lực trong việc đưa lý tưởng của mô hình dân chủ trực tiếp vào trong đời sống dân chủ hiện đại. Mô hình này nhấn mạnh đến sự tham gia trực tiếp của các công dân trong việc điều chỉnh các thiết chế chủ yếu của xã hội, cả ở nơi làm việc lẫn tại cộng đồng địa phương. Để đạt được mục đích này, việc tái phân phối ở một mức độ vừa phải các nguồn lực vật chất nhằm cải thiện đời sống của tầng lớp nghèo khổ và của phụ nữ là điều cần thiết. Tự do chỉ thực chất nếu như có sự bình đẳng nhất định về vật chất và cơ hội. Bên cạnh đòi hỏi về sự cần thiết phải có sự tái phân phối của cải vật chất, mô hình này cũng đòi hỏi sự cần thiết phải hạn chế đến mức tối đa những bộ phận của bộ máy quan liêu không có khả năng giải trình, cả trong lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư.

Mô hình cuối cùng mà Held trình bày trong phần II là mô hình dân chủ thảo luận. Đây là mô hình mới xuất hiện trong khoảng 20 năm gần đây. Mô hình này nhấn mạnh đến chất lượng tham gia của dân chúng vào các hoạt động chính trị. Không chỉ đơn thuần là người dân được quyền tham gia lựa chọn người đại diện hoặc tham gia đề xuất giải pháp cho các vấn đề chung mà quan trọng là họ có thể đưa ra lựa chọn một cách duy lý hay không.  Muốn vậy, các vấn đề tập thể cần phải được bàn luận công khai và không thiên vị bởi chính người dân. Một lựa chọn chính trị chỉ hợp pháp nếu như kết quả của sự bầu chọn được hình thành từ một quá trình bầu chọn có sự hiện diện của những cuộc thảo luận công khai, duy lý và không thiên vị bởi chính người dân.   

Held dành Phần thứ III của tác phẩm để làm sáng tỏ câu hỏi chuẩn tắc: “hiện nay dân chủ nên được hiểu như thế nào?”. Đây được xem như phần sáng tạo nhất của tác giả trong lĩnh vực lý thuyết về mô hình quản trị nhà nước. Held cố gắng đánh giá có phê phán các mô hình dân chủ hiện hữu và từ đó xây dựng một mô hình dân chủ chiết trung của riêng mình, mô hình mà ông cho rằng “có thể gắn kết những khó khăn mang tính hệ thống thường xảy ra và tái diễn trong đời sống chính trị và đời sống xã hội”.

Điểm cốt lõi trong mô hình dân chủ mà Held đề xuất cho giai đoạn hiện nay là khái niệm “tự trị dân chủ” (democratic autonomy). Theo Held, tự trị vừa hàm nghĩa tự do cá nhân vừa hàm nghĩa các cá nhân có quyền và trách nhiệm ngang nhau trong việc tổ chức cộng đồng để đảm bảo họ có đủ điều kiện theo đuổi các kế hoạch của mình. Tự trị theo nghĩa này hàm ý bình đẳng chính trị chứ không chỉ là bình đẳng về mặt đạo đức hoặc bình đẳng trước pháp luật. Tự trị dân chủ, do vậy, sẽ đòi hỏi phải có những thiết chế để không những giới hạn quyền lực của kẻ mạnh, bao gồm cả nhà nước, theo đòi hỏi của những nhà dân chủ tự do mà còn phải đảm bảo các cá nhân được bình đẳng tham gia vào quá trình tranh luận và thảo luận công khai về các vấn đề cấp bách của xã hội như những nhà dân chủ thảo luận đòi hỏi.

Ý tưởng về tự trị dân chủ không những có thể áp dụng trong phạm vi quốc gia (mô hình Xa) mà còn có thể mở rộng sang việc xây dựng các thiết chế dân chủ cho phạm vi toàn cầu (mô hình Xb). Thế giới ngày nay ngày càng phải đối mặt với những vấn đề vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia, chẳng hạn các vấn đề môi trường, vấn đề chống khủng bố, tiền tệ, dịch bệnh v.v. Nguyên lý tự trị dân chủ hàm ý, những tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, WTO, IMF, World Bank phải tạo ra mạng lưới các diễn đàn công khai dân chủ, bao trùm toàn bộ các các quốc gia-dân tộc, phải tạo lập được bộ máy điều phối, quản lí và chính trị hữu hiệu và có trách nhiệm giải trình trên bình diện khu vực và toàn cầu nhằm bổ sung cho những khiếm khuyết của các bộ máy như thế ở tầm quốc gia và địa phương. Xa hơn nữa, thế giới sẽ phải thiết lập nghị viện toàn cầu để xây dựng và thực thi luật pháp quốc tế hiệu quả hơn.

*

*        *

Với mười mô hình dân chủ cộng thêm một số các biến thể, Held cho thấy dân chủ là một khái niệm không hề dễ dàng nắm bắt, mặc dù hầu hết mọi người đều nghe nói tới nó từ rất lâu hoặc đang sống trong môi trường xã hội được gọi là dân chủ. Tuy tất cả các mô hình dân chủ đều dựa trên hình thức theo đó một quyết định liên quan đến cộng đồng chỉ được xác lập nếu nó được đa số có quyền biểu quyết trong cộng đồng tán thành, nhưng ý nghĩa thực sự của dân chủ lại được quyết định bởi phạm vi áp dụng thủ tục dân chủ cũng như nội hàm của từng bộ phận cấu thành thủ tục này trên thực tế.

Độc giả có thể tìm thấy trong cuốn sách của Held sự phát triển theo thời gian nội hàm của các khái niệm như công dân, người/cơ quan đại diện. Khái niệm công dân xuất hiện ngay từ mô hình dân chủ đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ có những người đàn ông trên 20 tuổi mới đủ tư cách công dân. Những người ngụ cư và nô lệ cũng không được quyền này. Các chế độ dân chủ ở các thành bang Bắc Ý trong các thế kỷ từ XI đến XV cũng như ở các quốc gia châu Âu và Mĩ đến thế kỷ XVIII đều áp dụng thông lệ này. Chỉ từ thế kỷ XIX, chế độ nô lệ mới dần được dỡ bỏ, quyền công dân mới được mở rộng sang cho người người da đen và sau đó cho phụ nữ. 

Khái niệm người/cơ quan đại diện xuất hiện muộn hơn khái niệm công dân, chỉ từ khi hình thành các chế độ dân chủ cộng hòa ở các thành bang nước Ý. Ban đầu, cơ quan đại diện (nghĩa là hội đồng chấp chính với người đứng đầu là quan chấp chính) đảm nhiệm tất cả các công việc của cộng đồng như lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Theo thời gian, sự phân tách quyền lực giữa các cơ quan này dần dần được hình thành, đến thế kỷ XVIII chúng đã được thể chế hóa và hiện thực hóa ở nhiều quốc gia. Tùy từng loại công việc, các cơ quan đại diện cũng được phân tách theo các cấp địa phương và cấp trung ương. Cùng với sự ra đời của các cơ quan đại diện là những đòi hỏi về sự giải trình và tính minh bạch trong hoạt động đối với các cơ quan này.

Tuy nhiên, chủ đề được bàn luận nhiều nhất giữa các lý thuyết gia chính trị từ thế kỷ XVIII đến nay là vai trò của dân chủ đối với tự do và bình đẳng. Bản chất của dân chủ là dựa trên quyết định của số đông, trong khi đó tự do và bình đẳng là các phạm trù gắn với các quyền cá nhân. Quyết định của số đông đem lại lợi ích cho đa số nhưng lại có thể làm tổn hại quyền lợi của các nhóm thiểu số. Ý chí của đa số thông qua nhà nước có thể trở thành quyền lực độc đoán, làm hạn chế tự do của các cá nhân. Trên khía cạnh bình đẳng, sự tham gia của các cá nhân vào các quyết định công không hoàn toàn bình đẳng theo nghĩa một số cá nhân có ưu thế hơn về phương tiện và kiến thức có thể tác động đến quyết định chung để hưởng lợi. Vấn đề là các mô hình dân chủ rất khó có thể cùng một lúc đạt được cả hai mục tiêu tự do và bình đẳng. Độc giả có thể thấy trong cuốn sách nhân loại đã nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn này như thế nào. Trong khi tự do cá nhân có thể vẫn được đảm bảo trong chế độ dân chủ bằng hệ thống luật pháp giới hạn quyền lực của nhà nước thì khái niệm bình đẳng tham gia vào các hoạt động chính trị của công dân vẫn là một đề tài gây tranh cãi. Việc bảo đảm sự bình đẳng ở một mức độ nhất định nào đó về phương tiện và kiến thức cho người dân đòi hỏi phải mở rộng phạm vi hoạt động của nhà nước. Nếu không được kiểm soát tốt, nó sẽ đe dọa đến tự do cá nhân. 

*

*         *

Độc giả còn có thể tìm thấy nhiều nội dung hữu ích nữa từ cuốn sách. Những ai yêu thích lịch sử sẽ tìm thấy trong cuốn sách những sinh hoạt chính trị sống động tại Hi Lạp và La mã cổ đại, tại Bắc Ý thời Phục Hưng, tại Anh, Mỹ và châu Âu lục địa thời Khai Sáng, và thời hiện đại như thế nào. Những ai yêu thích tư tưởng chính trị sẽ tìm thấy các ý tưởng độc đáo của những tác gia từ cổ chí kim như Plato và Aristotle thời cổ đại; Machiavelli thời Phục hưng; Rousseau, Hobbes, Locke, Montesquieu, và người phụ nữ đầu tiên đấu tranh cho các quyền của phụ nữ Mary Wollstonecraft trong thế kỷ XVII và XVIII; Karl Marx, Friedrich Engels, James Madison, James Mill, Bentham, J.S. Mill, de Tocqueville trong thế kỷ XIX; Max Weber, J. Schumpeter trước Thế chiến II; Truman, Dahl, Poulantzas, Offe, Miliband, Robert Nozick, F.A. Hayek,  Macpherson, và Pateman trước giai đoạn sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa; và Fukuyama, Alex Callinicos, Habermas, Gutmann, và Dryzek thời nay. Các tác gia này hoặc là những kiến trúc sư về tư tưởng đằng sau các mô hình dân chủ, hoặc là những nhà phê phán vĩ đại đối với các mô hình để dựa vào đó các nhà tư tưởng thế hệ sau hoàn thiện các thể chế dân chủ. Những người muốn nghiên cứu chuyên sâu về mỗi mô hình hoặc mỗi tác gia có thể dễ dàng tìm thấy các trích dẫn hoặc nguồn tư liệu liên quan từ cuốn sách.

Đối với độc giả Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa, cuốn sách còn có ý nghĩa ở chỗ nó cung cấp cho chúng ta một bức tranh toàn diện, không thiên lệch về dân chủ. Không có một hình mẫu dân chủ cho mọi quốc gia. Dựa trên các mô hình mẫu trong sách, mỗi độc giả có thể tự xây dựng cho mình một mô hình mà mình tin rằng phù hợp cho hoàn cảnh của Việt Nam nhất. Như Held viết: “chúng ta không thể hài lòng với những mô hình dân chủ hiện hữu. Xuyên suốt tác phẩm này chúng ta đã nhận thấy lí do vững chắc để không chấp nhận bất cứ mô hình nào, dù đấy có là mô hình cổ điển hay hiện đại. Cần phải học hỏi từ những truyền thống tư duy chính trị khác nhau.” Tương lai của công cuộc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam do đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự tìm hiểu và phản biện lẫn nhau của các học giả và chính trị gia về mọi khía cạnh cấu thành thủ tục dân chủ, phạm vi áp dụng dân chủ, cũng như tác động của dân chủ tới các lý tưởng khác như tự do, bình đẳng, và độc lập dân tộc. Cuốn sách Các mô hình quản lí nhà nước hiện đại của David Held chắc chắn sẽ là một khởi đầu tốt để chúng ta cùng nhau xây dựng một nền dân chủ thích hợp nhất cho Việt Nam.

 Theo Văn hoá Nghệ An

Comments are closed.