“Sao anh mua những bông hoa đắt vậy…?”

Minh Chánh

Câu kết cho bài thơ – kể chuyện một cô gái tìm thấy những niềm vui nho nhỏ khi đón chờ thời khắc người yêu đến với bó hoa trên tay – nói trên, là thi pháp đặc trưng của nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, người vừa được giới thiệu đầy đủ tại VN.

Tập tuyển thơ gồm 119 bài của bà qua phần chuyển ngữ của dịch giả Tạ Minh Châu vừa được xuất bản tại VN. Lần đầu tiên cái tên Wislawa Szymborska (1923 – 2012) được giới thiệu tới văn đàn trong nước là qua một tập thơ mỏng với cùng một dịch giả, ra mắt vào năm 1997, tức một năm sau ngày bà trở thành người Ba Lan thứ tư đoạt giải Nobel văn học. 

Wislawa Szymborska, thơ chọn lọc, Tạ Minh Châu, dịch giả, thi pháp, Nobel văn chương
Dịch giả Tạ Minh Châu trong buổi giới thiệu tập thơ tại Hà Nội ngày 16/7.

Dịch giả Tạ Minh Châu – người có gần 30 năm gắn bó với xứ Ba Lan qua công việc học hành, nghiên cứu và là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan nhiệm kỳ 1998 – 2002, kể lại cơ duyên cũ:

“Khi bà nhận được giải Nobel văn học, tôi chọn dịch hơn chục bài của bà để gửi cho báo Văn nghệ trẻ và một số báo khác ở VN, được dư luận hết sức quan tâm. Nhân dịp ấy, Đài truyền hình VN cũng làm một chương trình 30 phút về thân thế và sự nghiệp của bà trên vô tuyến và tôi là người giới thiệu trong chương trình. 

Sau đó, để xin phép bản quyền dịch và xuất bản thơ bà tại VN, tôi thông qua một tùy viên văn hóa của Đại Sứ quán Ba Lan ở Hà Nội, gửi toàn bộ bản dịch đã đăng và chương trình truyền hình đã phát sóng sang cho bà. Tôi nói VN tuy rất xa nhưng mọi người cảm nhận được thơ bà và yêu quý thơ bà. Bà trả lời với yêu cầu tôi giới thiệu về bản thân, cuối cùng bà mới đồng ý cho dịch mấy chục bài của bà, in thành một tập thơ mỏng vào năm 1997.”

Dịch giả Tạ Minh Châu nói: “Tôi được biết vào lúc bà đoạt giải, giới xuất bản ở Đức mua bản quyền thơ của bà tới gần 1 triệu USD (trên 21 tỉ đồng), không phải là ít. Nhưng với VN thì bà không lấy phí tác quyền. Có thể nói đây là tác phẩm của một tác giả được giới thiệu nhanh nhất đến độc giả trong nước ngay sau khi đoạt giải Nobel. VN cũng là nước đầu tiên giới thiệu thơ bà. Khi tôi dịch xong và gửi bản dịch qua cho bà, bà rất chu đáo gửi lại lời đề tặng cho bạn đọc.”

Wislawa Szymborska, thơ chọn lọc, Tạ Minh Châu, dịch giả, thi pháp, Nobel văn chương
Nữ thi sĩ Wislawa Szymborska.

– Lúc sinh thời bà là người không thích đi du lịch, tự giam mình trong niềm cô đơn tuyệt đối, và viết ra cũng chừng 300 bài thơ, khiêm tốn như tính cách của bà nhưng lại đủ tựu thành một sự nghiệp lừng lẫy. Theo ông, điều gì đã làm nên sự vĩ đại của bà?

– Tôi cho rằng sự vĩ đại của bà nằm ở mấy chỗ như sau. Thứ nhất, những đề tài, những vấn đề mà bà đề cập đều liên quan sâu sắc đến thân phận con người. Bà nói thơ của bà là để cất lên tiếng nói cho những thân phận và số phận con người. Bà viết về tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa, sự hận thù, mối đe dọa đến cuộc sống hàng ngày…, tức những vấn đề rất chung, phổ quát của toàn nhân loại. Chính vì vậy mà thơ bà đi vào lòng người, ai đọc cũng thấy mình trong đó. Nên dễ hiểu vì sao thơ của bà được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới. Thậm chí người Ý còn coi bà như nhà thơ của họ vì đã nói giùm những vấn đề của họ.

Thứ hai là thơ bà chứa một thi pháp rất đặc biệt. Bà viết rất đơn giản để chúng ta có thể hiểu được, nhưng càng về cuối, bà càng dẫn chúng ta đến một thế giới hoàn toàn khác bằng những liên tưởng bất ngờ, những so sánh rất đặc biệt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài giới thiệu cho cuốn sách có ví thi pháp này bằng hình ảnh: chúng ta được dẫn dụ vào một căn phòng tối, nơi chúng ta chạm thấy bàn, thấy ghế, nhưng chỉ khi chạm tới công tắc điện, mọi thứ bừng sáng, trước mắt chúng ta là một khung cảnh hoàn toàn khác đến ngỡ ngàng.

Bà cũng có những ý tưởng mà ngay như tôi là một người viết thơ, cũng chưa tưởng tượng được. Bà làm cho một thực thể khô khan như bảo tàng bỗng trở nên sinh động và gợi nhiều suy tư bằng những hình ảnh, ý tưởng như: “Những chiếc đĩa, nhưng chẳng ai thèm khát… Một chiếc quạt – nhưng ở đâu nét mặt đỏ gay? Những thanh kiếm – nhưng ở đâu cơn giận dữ…”, để cuối cùng đi tới cách kết thúc: “Chiếc vương miện đã phí công đợi một đầu người. Bàn tay đã thua chiếc găng tay. Chiếc giày chân phải đã thắng bàn chân phải”.

Wislawa Szymborska, thơ chọn lọc, Tạ Minh Châu, dịch giả, thi pháp, Nobel văn chương
Tập tuyển thơ thứ hai của Szymborska tại VN.

Cuối cùng, thơ của bà phải nói rất gần gũi với con người, ngay cả khi bà viết về những vấn đề lớn, phổ quát của nhân loại. Nhưng nét nữ tính với tất cả sự nhạy cảm của nó đã đưa thơ bà tuyệt nhiên gần gũi với con người. Chẳng hạn với bài Những vần thơ vô vị, bà viết về những người phụ nữ rất thích tặng hoa, cô chuẩn bị mọi thứ nhưng cuối cùng “Sao anh mua bông hoa… đắt vậy?”.

– Trong sự nghiệp hơn 300 bài thơ của Szymborska, ông tâm đắc với bài nào nhất?

– Trong hơn 300 bài thơ của Szymborska khó để chọn ra một vài bài gọi là đặc trưng. Bà là một người rất kỹ tính, rất cẩn trọng. Bà tâm sự bên cạnh bàn viết của bà luôn có một sọt rác, bởi có thể bài thơ viết chiều hôm nay, sáng mai khi đọc lại bà xé đi. Ta thấy bà từng chia sẻ điều này trong bài Với bài thơ của mình đặt ra bốn khả năng cho một bài thơ, trong đó khả năng cuối để lựa chọn là “biến đi từ khi chưa viết ra, và tự hài lòng lầu bầu với mình một điều gì đó”. Như vậy mỗi bài thơ của bà là một sự gạn chắt để đến khi được in ra trên giấy, mỗi bài là một viên kim cương tỏa sáng lấp lánh những chiều kích khác nhau.

Cũng có những bài tôi tâm đắc hơn nhiều. Chẳng hạn bài Không có gì đến hai lần, bà nói rất sâu sắc về điều mà chúng ta đều đã biết nhưng không ai thấy được như bà. Chúng ta là những kẻ dại khờ và sẽ chết như chưa hề nếm trải. Chúng ta những cậu học trò tột cùng ngu dại dưới mái trường thế gian. Không có ngày nào lặp lại, không có hai đêm như nhau, và không có hai ánh mắt giống hệt… để thấy rằng mỗi giây phút trong cuộc đời này đều không lặp lại. Chúng ta thấy sự trân trọng của bà đối với từng khoảnh khắc của cuộc đời. Những bài thơ của bà khi đọc lên, thường buộc chúng ta phải suy ngẫm về cuộc đời.

Tập Wislawa Szymborska – thơ chọn lọc, có trên kệ sách từ ngày 16/7, được NXB Hội nhà văn ấn hành với sự giúp đỡ của Quỹ Szymborska. Đây là quỹ hỗ trợ phát triển và quảng bá nền văn chương Ba Lan ra thế giới do chính bà thành lập vào lúc sinh thời, bằng khoản tiền thưởng trị giá 1 triệu USD dành cho người đoạt giải Nobel. Mà theo ông chủ tịch quỹ “cá nhân bà không hề tiêu lạm vào một xu nào cho mình kể từ lúc nhận”. Và giống như lần trước, tập thơ mới dày dặn hơn của bà được xuất bản ở VN cũng với một mức phí tác quyền tượng trưng.

 

Nguồn: http://m.vietnamnet.vn/vn/van-hoa/187804/-sao-anh-mua-nhung-bong-hoa-dat-vay—–.html

Comments are closed.