THÔNG CÁO BÁO CHÍ

clip_image002

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2015

HỘI THẢO

Tiểu thuyết Việt trước toàn cầu hóa

Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace kính mời quí vị đến dự hội thảo «Tiểu thuyết Việt trước toàn cầu hóa» do TS PGS Đoàn Cầm Thi, giảng dạy tại Học viện văn minh và ngôn ngữ Phương đông tại Paris thuyết trình.

Thời gian: 18h00, thứ Năm ngày 23/4/2015

Địa điểm: Hội trường L’Espace – Trung tâm Văn hóa Pháp

24 Tràng Tiền, Hà Nội

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đang hình thành một thế hệ nhà văn Việt đa phần lớn lên hoặc sinh ra sau chiến tranh, với nhiều sáng tạo và ý thức cách tân. Nếu từ muôn đời tiểu thuyết Việt đã chịu ảnh hưởng của văn chương nhân loại, thì hôm nay nó bắt đầu được biết đến ở bên ngoài lãnh thổ. Trong buổi tọa đàm này, TS PGS Đoàn Cầm Thi sẽ trình bày về tiến trình mới của tiểu thuyết đương đại. Bài nói chuyện sẽ có 3 điểm nổi bật sau đây :

1. Văn học Việt Nam tại Pháp :

Văn học Việt tại Pháp được dịch khá nhiều, từ « Truyền kỳ mạn lục », « Chinh Phụ Ngâm », « Thầy Lazaro Phiền » đến « Tố Tâm », « Số Đỏ », « Chí Phèo », « Dế mèn phiêu lưu ký »… Riêng « Truyện Kiều » có đến không dưới 5 bản dịch Pháp văn.

Theo thống kê của Unesco, Pháp là nước dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt nhất, hơn cả Mỹ, Nga, Đức. Trong giai đoạn 1980-2009, có khoảng 130 cuốn sách văn học Việt Nam được dịch sang Pháp văn, trong khi con số này trong Anh văn là 83, Nga văn là 42, Đức văn là 27. Điều đó chứng tỏ tinh thần cởi mở và hòa đồng của dân tộc Pháp.

Nhưng chỉ gần đây, văn học Việt mới xuất hiện ở Pháp một cách hệ thống. Hiện nay, có 3 nhà xuất bản Pháp giành một góc riêng cho văn học Việt Nam. Đó là L’Aube, Philippe Picquier và Riveneuve. Trên thực tế, hai tủ sách của NXB L’Aube và NXB Philippe Picquier, được thành lập những năm 1992-1994, đã từng in nhiều tác phẩm Việt Nam thời Đổi Mới, hiện nay hầu như không hoạt động nữa. Riêng tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » của NB Riveneuve còn rất trẻ và đang tỏ ta sung sức. Thành lập cuối 2012, Tủ Sách đã in được 11 đầu sách.

Như vậy, nếu tiểu thuyết Việt, trong hình thức hiện đại của nó, ít nhất từ 1 thế kỷ rưỡi nay (kể từ « Thầy Lazaro Phiền ») chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Pháp – có lẽ không nhà văn Việt đương đại nào lại chưa đọc Hugo, Stendhal, Balzac, Maupassant, Proust, Duras, Houellebecq,… – thì nó bắt đầu được quan tâm ở Pháp. Tuy nhiên, tất cả chỉ là tương đối, vì giữa 3.000 tiểu thuyết được in hàng năm tại xứ Lục Lăng, thì một vài cuốn sách Việt chỉ như hạt cát trong sa mạc.

2. Tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » (NXB Riveneuve) :

Tủ Sách giới thiệu các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Thuận. Một ê-kíp dịch giả ra đời gồm Emmanuel Poisson, Nguyễn Phương Ngọc, Danh Thành Đỗ-Hurinville, Đoàn Cầm Thi, Yves Bouillé, Catherine Guy. Đó là một dự án hoạt động qui mô nhằm giới thiệu văn học Việt đến với cộng đồng Pháp ngữ.

Độc giả Pháp thường đến với văn học Việt để tìm những đề tài hấp dẫn họ như thuyền nhân, chiến tranh, thuộc địa, Đông dương, đặc biệt, các mối tình mùi mẫn Việt-Pháp. Chỉ cần quảng cáo rùm beng là Romeo và Juliette ở Điện Biên Phủ, thêm ít nước mắt ở Vịnh Hạ Long, vài cảnh đám cưới đám hỏi cho ra vẻ văn hóa truyền thống, một cành hoa đào rung rinh trước cổng chùa cho báo chí phương Tây ca ngợi là tâm hồn phương Đông tinh tế.

Nhưng những người chủ trì tủ sách « Văn học Việt Nam đương đại » lại chọn hướng đi khác. Các bìa sách không có thiếu nữ áo dài, thiếu phụ đội nón, nông dân cấy lúa, xe honda ôm,… Họ tin rằng đã đến lúc cần cho công chúng Pháp biết tới thế hệ văn chương mới của Việt Nam, sinh ra hoặc lớn lên sau chiến tranh. Mang nhiều tham vọng cách tân trong đề tài và lối viết, các tác giả này nghiêng về những trải nghiệm cá nhân, có ý thức tìm kiếm và thể hiện phong cách riêng. Mặt khác, họ đều đến với tiểu thuyết, lâu nay bị đẩy lùi sau truyện ngắn, vì dường như thể loại này mới thực sự là cuộc thử lửa cho người sáng tác.

Nếu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dương Hướng, đã xuất hiện một cái gì đó như là thất vọng, ở thế hệ Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Vũ Đình Giang, điều đó được thể hiện rõ nét hơn qua các nhân vật phản-anh-hùng, phi-bản-thể, vô-căn-cước. Đáng chú ý nữa là việc mô tả sự phi lý có tính thời đại : nỗi cô đơn gắn liền với cơn bão Internet, việc bùng nổ các phương tiện truyền thông, và đương nhiên, hiện tượng toàn cầu hóa. “Những kẻ cô đơn nhất giữa xã hội, lại là những kẻ sôi nổi nhất trên mạng. Tại sao?”, đó là câu hỏi mà Phong Điệp trong « Blogger ». Nhân vật nữ, một cô gái nhút nhát ngoài đời, nhưng đặc biệt thành công trên blog. Trong « Ngựa Thép » của Phan Hồn Nhiên, các nhân vật đi vòng quanh trái đất, xuyên các lục địa, nhưng vẫn một mình đối chọi với cô đơn, bệnh tật và cái chết. Họ tìm cách kết nối, nhưng sau hết vẫn là chạy trốn và phá hủy những người thân nhất của mình. Như vậy, từ sự thất vọng của lớp đàn anh, tiểu thuyết Việt đang kể về nỗi tuyệt vọng của lớp trẻ hôm nay.

Hướng độc giả Pháp ngữ vào những tác giả mới này, Tủ Sách góp phần thay đổi những hình ảnh sáo mòn nhưng gần như cố hữu của phương Tây về Việt Nam.

Chắp đôi cánh mới cho tiểu thuyết Việt, Tủ Sách hy vọng rằng, việc đưa văn học Việt ra thế giới sẽ tạo thêm cơ hội thúc đẩy cho sáng tác. Không gì kích thích nghệ thuật hơn những sóng gió với bên ngoài. Tương tự, không gì phản sáng tạo hơn sự bình yên ru ngủ.

Giới thiệu cho công chúng Pháp những tác phẩm kén khách ngay tại Việt Nam, Tủ Sách dường như đang mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu đúng là vạn sự khởi đầu nan, thì những gặt hái đầu tiên đang củng cố niềm tin trong các dịch giả : tiểu thuyết Việt đã mở được các địa chỉ có thể coi là thánh địa của văn hóa Paris, như Thư viện quốc gia, Trung tâm Sách quốc gia, Hội chợ Sách, Đại Cung điện, Viện ngôn ngữ và văn minh Đông Phương. Sắp tới, các dịch giả và tác giả của Tủ Sách sẽ được mời đến liên hoan « Những cuộc gặp gỡ lịch sử » của Genève và « Ngày hội Các cộng đồng Pháp ngữ » tại thành phố Limoges.

3. Vai trò của dịch thuật :

Sự có mặt ngày càng đông đảo của văn học Việt Nam tạp Pháp gợi cho chúng ta vài suy nghĩ về vai trò của dịch thuật, nhất là tiếng Pháp, trong việc quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài. Ý thức được sức mạnh của cộng đồng Pháp ngữ, Tủ Sách hoạt động với niềm tin rằng: từ bản Pháp văn, văn học Việt sẽ hóa thân trong các ngôn ngữ mới. Vô hình chung, tiếng Pháp và nước Pháp đang giữ vị trí trung gian, nối văn chương Việt với thế giới. Đây là 1 ví dụ : nhờ ấn bản Pháp văn của Đoàn Cầm Thi, « Chinatown » của Thuận đang có một cuộc du hành mới trong tiếng Hê-brơ.

Để chuyển ngữ, phải có dịch giả. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay, những người có khả năng diễn đạt văn chương Việt trong các ngôn ngữ khác hiếm như lá mùa… đông. Và đó vẫn là vấn đề nan giải nhất của việc quảng bá văn học./.

Các ấn bản của Tủ Sách « Văn học Việt Nam đương đại » (NXB Riveneuve) :

http://www.riveneuve-editions.com/categorie-produit/catalogue/asie-ocean-indien/litterature-vietnamienne-contemporaine/

Thuận, T. mất tích, tiểu thuyết, Đoàn Cầm Thi dịch

Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa, tiểu thuyết, Đoàn Cầm Thi dịch

Đỗ Kh., Khmer Boléro, tiểu thuyết.

Phong Điệp & Nguyễn Việt Hà, Delete, tập truyện ngắn, Emmanuel Poisson dịch

Thuận, Thang máy Sài Gòn, tiểu thuyết, Thuận và Jannine Gillon dịch

Vũ Đình Giang, Song song, tiểu thuyết, Yves Bouillé dịch

Đỗ Kh., Saigon Samedi, tiểu thuyết

Nguyễn Bình Phương, Thoạt kỳ thủy, tiểu thuyết, Danh-Thành Do-Hurinville dịch

Phong Điệp, Blogger, tiểu thuyết, Nguyễn Phương Ngọc dịch

Nguyễn Danh Lam, Giữa dòng chảy lạc, Đoàn Cầm Thi dịch

Thuận, Paris 11 tháng 8, tiểu thuyết, Yves Bouillé dịch

Phan Hồn Nhiên, Ngựa thép, tiểu thuyết, Đoàn Cầm Thi dịch (sẽ in tháng 9/ 2015)

  • Tốt nghiệp tiến sĩ văn học Pháp tại Đại học Paris VII, nhận giải thưởng « Le Mot d’or de la traduction » (của Cơ quan liên Chính phủ các nước nói tiếng Pháp – Hội dịch giả Pháp văn), hiện là phó giáo sư của Inalco – Viện Ngôn ngữ và văn minh Đông Phương Paris, Đoàn Cầm Thi điều hành Tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của NXB Riveneuve tại Pháp.

Để đăng ký phỏng vấn, xin vui lòng liên hệ

Nguyễn Thị Hồng

Phòng truyền thông

Tel: 39 36 21 64

Fax: 39 36 21 65

Comments are closed.