Tôi đi dự lễ trao giải của Văn Việt – Nhớ Bùi Ngọc Tấn

Nguyễn Thị Khánh Trâm

 

Đôi lời tâm sự

Với tôi, một độc giả yêu thích văn hóa văn nghệ, ngày 3/3/2016 sẽ mãi mãi không thể nào quên. Một ngày đầy nhớ mong lo lắng, đầy kịch tính, đầy thắc mắc không lời đáp và đầy nghĩ suy với một quá khứ chưa xa hiện về.

Cách đó khoảng một tuần, tôi nhận được lời mời gặp mặt với nhà văn Nguyên Ngọc từ nhà thơ Hoàng Hưng. Anh cho biết ngày giờ nhưng chưa có địa điểm cụ thể. Tôi nhận tin rất vui vì cứ mỗi khi nhà văn vô Sài Gòn, ông vẫn thường gặp bạn bè (riêng tôi là bậc con, cháu) – những độc giả yêu quý ông. Tôi trả lời nhà thơ Hoàng Hưng: “Em chờ tin anh”. Thế rồi vài hôm sau được biết địa điểm là Công ty Truyền thông Thanh niên trên đường Trần Hưng Đạo. Nơi đây tôi đã đến dự “Hội thảo 100 năm ngày sinh học giả – nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi” năm ngoái. Yên trí về ngày giờ, địa điểm cứ tưởng thế là xong thế nhưng…

Thứ Ba, ngày 1/3/2016 cách đó hai ngày, anh Hoàng Hưng lại loan báo tất cả bạn bè về việc rời địa điểm đến nhà riêng tác giả “Người đàn bà ngồi đan” (gần đây bà vinh dự nhận giải Cikada của Thụy Điển), nhà thơ Ý Nhi. Tôi nhận tin và bắt đầu lo lắng. Lờ mờ nhận ra sự khó khăn mới chỉ bắt đầu. Thế rồi, ngày trao giải vẫn diễn ra và việc gì đến đã đến cứ như chiếc đồng hồ thời gian vô tri vô giác, đố ai bắt nó dừng lại. Đây là “quy luật của muôn đời”.

Khi giờ G đến

Thứ Năm ngày 3/3/2016, từ sáng sớm tôi nhận được cú điện thoại bất thường và chỉ hai phút sau tôi đưa thông tin lên Facebook: “SOS – Mình vừa nhận được điện thoại gấp của PGS TS Vũ Trọng Khải, anh cho biết nhà báo Lê Phú Khải đang bị cản trở không cho đến gặp mặt các nhà văn, nhà thơ sáng nay. Tin cũng cho biết nhà báo đang trong tình trạng rất bất bình, phản đối quyết liệt, có thể bị bắt giữ”. Đưa tin xong, bạn bè đang online tiếp sức ngay. Cảm ơn bạn Mark, ông chủ FB thật nhiều.

Sáng nay cũng là buổi tôi hẹn người bạn đến cùng đi. Mai Oanh đến trễ với tin bất ngờ: “Cả hai lốp xe máy bị xịt hết hơi phải đi sửa…”. Nghe xong tôi chìa cho bạn xem thông tin SOS kia và chỉ lúc này bạn tôi mới biết. Nhưng cả hai cứ thế lên đường. Phải dừng hỏi đường vài lần mới đến đúng địa chỉ. Đến nơi trễ 30 phút. Vừa bước vô sân đã bắt gặp nhà báo Sương Quỳnh đang nói điện thoại. Gật đầu chào, bạn cho biết đã đọc tin SOS của tôi hồi sáng rồi bảo: “GS Nguyễn Đăng Hưng cũng bị chặn rồi…”. Tôi hối hả vô nhà vì biết đã muộn. TS Phạm Chí Dũng đứng ngay sát cửa, vô sâu chút gặp chủ nhà.Tôi chào nhà thơ và nhận được tin mỗi mình nhà ta bị cúp điện… Món “đặc sản” bỗng dưng cúp điện này đối với các sinh hoạt dân sự tôi được nghe nhiều nên không còn ngạc nhiên nữa bèn nhoẻn miệng cười. Bên khu vực phòng khách lễ trao giải đang diễn ra tuy nóng nực nhưng trang nghiêm và xúc động. Nhìn quanh tôi thấy nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học, dịch giả: Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Dương Tường, Nguyễn Quang A, Phạm Nguyên Trường, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Dũng, Ngô Thị Kim Cúc, Ly Hoàng Ly, Tiết Hùng Thái, Inrasara, Nguyễn Hoàng Anh Thư… Và cũng lần đầu được “kiến kỳ hình” Hà Thủy Nguyên trong vai trò MC hôm nay.

Giải thưởng cho những văn nghệ sĩ xứng đáng của nhân dân

Hôm nay, để có buổi trao giải lần thứ nhất này những thành viên Ban Giám khảo của Văn Việt đã phải làm việc với thông điệp “Tác phẩm văn nghệ là phải hay chứ không phải lấy tiêu chí “đúng-sai” như xưa nay các Hội Văn nghệ vẫn thường làm. Tác phẩm nếu đúng mà dở thì chẳng để làm gì, không có ý nghĩa gì…” (lời nhà văn Nguyên Ngọc). Nghe những lời này tôi liên tưởng ngay đến giới nghiên cứu, nơi nhiều công trình “mới thì không đúng, còn đúng thì không mới”. Ôi, “cái đất nước mình nó thế”!

Không có micro nhưng vì ai ai cũng giữ im lặng và chăm chú hướng về các giải thưởng nên tôi nghe rõ có hai giải đặc biệt giành cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn (thể loại văn xuôi) và nhà nghiên cứu Thụy Khuê (nghiên cứu phê bình); ba giải chính thức: Di – Hạnh Nguyên (văn xuôi), Nguyễn Hoàng Anh Thư (thơ), Inrasara (nghiên cứu phê bình); nhạc sĩ Tuấn Khanh được Văn Việt trao giải của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhưng không đến được do bị ngăn cản.

Tôi, một độc giả đã tồn tại với đời hơn nửa thế kỷ cứ nhớ mãi những lời bộc bạch của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà văn Nguyên Ngọc, khi ông tổng kết buổi lễ: “Giải thưởng này nhằm tôn vinh những giá trị, những đóng góp vào bức tranh chung của văn hóa văn nghệ. Giải thưởng bày tỏ ý thức, quan niệm, suy nghĩ, mong muốn của những người làm văn học và tôn vinh tác giả, mang lại sự tin cậy, thể hiện lòng biết ơn những người được nhận giải về nhân cách và uy tín của họ”. Lời cuối của nhà văn Nguyên Ngọc khép lại cuộc trao giải. Trong số những người nhận giải, có một người đã ra đi nhưng tên ông thì bất diệt.

Nhớ nhà văn Bùi Ngọc Tấn

Khi nhà thơ, dịch giả Dương Tường đại diện gia đình nhà văn lên nhận giải, trong tôi cứ chập chờn hình ảnh ông mà tôi được gặp mặt, được đón ông và các văn nghệ sĩ, bạn bè đàn anh tại chính căn nhà của mình. Đó không chỉ là sự may mắn mà còn là vinh dự của cuộc đời tôi.

Đó là một ngày tháng 9 năm 2013. Nhớ lại bữa cơm với nhà văn hôm ấy rộn rã tiếng cười. Không mấy khi chúng tôi vui đến thế. Những câu chuyện quá khứ, hiện tại cứ nhịp nhàng đan xen vào nhau. Người hỏi chuyện nọ, người kể chuyện kia. Tôi, người bạn nhỏ nhất lắng nghe tất cả. Đó cũng là ngày trao giải thưởng sách hay hàng năm ở Sài Gòn diễn ra buổi sáng. Cuốn tiểu thuyết “Biển và Chim bói cá” của ông được trao giải.

image

Nhớ lại, trước mặt tôi là một người cầm bút can đảm và tài năng đã “phơi bày ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng tối. Đã cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên cánh đồng gieo gặt của cách mạng, một cánh đồng gieo gặt giống tự do, bón bằng xương máu nhưng lại trổ toàn quả đắng: đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất…”. Ông, một con người đã “Viết về bè bạn” với những gương mặt quen thuộc của văn đàn Việt Nam thế kỷ 20 như Nguyên Hồng, Lê Bầu, Dương Tường, Mạc Lân… Không có những trang ấy làm sao chúng tôi hiểu được cảnh phải đi bán máu một thời mà sống của Dương Tường, Lê Bầu, Châu Diên (thì bị chê). Đi bán máu trong sự lén lút không để ai biết, ai hay. Ông cũng viết về chính mình với truyện ngắn “Người ở cực bên kia”. Cái cực mà người dân bình thường không ai muốn ra nhập cả; phần đông họ thích an toàn và chỉ muốn sống yên thân. Nhưng “Chuyện kể năm 2000” mới bộc lộ hết một Bùi Ngọc Tấn tài năng và nhân cách. Cuốn tiểu thuyết về người thực, việc thực, ngôn từ không chút oán hận nhưng là một bức tranh chỉ ra “toàn bộ cơ chế đã sản sinh ra những bất công xã hội” (như lời ông chia sẻ). Điều này rất quan trọng. Chúng tôi được chính ông kể cho nghe một số tình tiết ly kỳ trước và sau khi đứa con tinh thần để đời này của ông ra đời (rồi lại bị bức tử) và sau khi ông mất tôi mới được đọc “Hậu chuyện kể năm 2000” với cái tên khác là “Thời biến đổi gen”. Tôi đọc để rồi in đậm trong mình những lời thủ thỉ, những câu văn đầy xúc động của hai cha con: “Con với bố là đôi bạn tí teo nhỉ, bố nhỉ…?” và được biết những tình tiết như người nhà của tù nhân đã chết “khi ra thăm mộ không được khóc”, quản giáo dặn dò người nhà thế! Đọc ông tôi càng thấu hiểu câu “cuộc đời chẳng bao giờ cho ai tất cả nhưng cũng không lấy hết của ai tất cả”. Để có những trang viết mà tôi say sưa gặm nhấm, đã có những con người “tiếp tay” cho ông và ông không bao giờ quên ơn họ. Nhiều bạn đọc hôm nay đã được biết đầy đủ về “Chuyện kể năm 2000” mà không cần gặp tác giả. Cả hai cuốn tôi đều đọc say sưa, nhiều lúc tưởng như nghẹt thở, chốc chốc lại đi rửa mặt vì nước mắt cứ trào ra…

Hôm nay Văn Việt trao giải đặc biệt cho hai tác phẩm của ông là rất xứng đáng, đúng như lời chia sẻ của nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về ông: “Đối với Bùi Ngọc Tấn, tôi thấy anh không chỉ viết về nhà tù, về Việt Nam, về những điều không hay, anh còn viết về những thế lực cố tình vùi dập con người, đày đọa, bắt người ta chịu ô uế… Anh đánh thức cái đau này trong mỗi người dân chúng ta…”. Tôi nghe mà nuốt lấy từng lời.

Bùi Ngọc Tấn – “cánh hoa rụng chọn gì đất sạch” – những trang văn của ông là những cánh hoa đẹp, ông đã sống hết mình cho cuộc đời này. Cuộc đời của ông là cuộc đời bị vùi dập, nhưng nhà tù và cùm gông đày đọa ấy đã không khuất phục được con tim yêu chuộng tự do, cái đẹp, công lý và nhân phẩm làm người. Nhân dân (thông qua Văn Việt) đã tôn vinh ông bởi “chính trị là nhất thời, văn hóa mới trường tồn”.

Sài Gòn, 4/3/2016

Comments are closed.