Kính gửi: vanviet.pbgt@gmail.com
cơ quan ngôn luận của Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam
Phùng Hoài Ngọc
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7/2014, chúng tôi bàn về chủ nghĩa anh hùng “cách mạng” trong văn học, nhân tiện có mấy suy nghĩ về số phận BS, anh hùng Đặng Thùy Trâm cùng chiến binh Khương Thế Hưng và cuộc tình bất thành.
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuốm bạc lá khô rụng vàng
(Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du)
Trong thập loại chúng sinh, đáng thương nhất những người này:
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Dấn mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Báo chí lề nhà nước, từ năm 2005, thường nói “bác sĩ Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng của lý tưởng anh hùng cách mạng/ hoặc chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”. Quan điểm về “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” kéo dài nửa thế kỷ tuyên truyền nay vẫn chưa ngừng.
Chúng ta nên cùng nhau bàn bạc kỹ chủ đề này:
1. Quan niệm về “chủ nghĩa anh hùng” truyền thống trước khi thêm cái đuôi “cách mạng”.
Trước khi có “cách mạng” thì “lý tưởng anh hùng, chủ nghĩa anh hùng” là gì, trong lịch sử Việt Nam?
Thứ nhất, đó là chủ nghĩa yêu nước. Nước nào cũng có, ở mỗi dân tộc chủ nghĩa yêu nước có màu sắc riêng. Trước khi người Pháp người Mỹ can thiệp vào Việt Nam hơn một trăm rưởi năm qua, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam nổi lên xuyên suốt ngàn năm, bởi nước ta phải thường xuyên chống lại sự xâm lược triền miên của giặc Tàu phong kiến.
Những nhân vật anh hùng tiêu biểu của dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng,… Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… kéo dài đến những anh hùng La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi… là những người đại diện đáng được biểu dương nhiều nhất. Trong quan niệm đó, ngày nay chúng ta đương nhiên cần suy tôn cả anh hùng trung tá Ngụy Văn Thà và đồng đội hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974.
Thời phong kiến trung đại, chủ nghiã yêu nước tiêu biểu khá rực rỡ được thể hiện trong những áng văn thiên cổ như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo…Theo tôi cân nhắc, trữ tình nhất là bài thơ “Cảm hoài” (còn gọi Thuật hoài) của Đặng Dung – danh tướng thời Hậu Trần. Lão tướng Đặng Dung viết bài thơ bát cú trước khi ông bị tướng Minh là Trương Phụ bắt và giết năm 1413. (Cha của Đặng Dung là tướng Đặng Tất chết oan vì bị hôn quân Trần Giản Định nghi kỵ mà giết chết):
CẢM HOÀI
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma.
Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây?
Trời đất mênh mông chứa vào một khúc ca.
Gặp thời, anh hàng thịt, kẻ câu cá, cũng dễ làm nên công trạng,
Lỡ vận, bậc anh hùng cũng phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay thời chuyển thế
Mà không có cách nào kéo sông Ngân xuống để rửa giáp binh.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới ánh trăng.
Hai câu thơ kết rực rỡ suốt ngàn năm soi sáng một chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống.
Thù nước chưa trả xong, đầu sớm bạc
Bao phen mài gươm báu dưới bóng trăng.
Loại thứ hai: anh hùng hiệp sĩ giang hồ. Những nhân vật này đi theo cảm hứng cứu khổ phò nguy cho những người yêu đuối cô thế bị áp bức trong thiên hạ ; Hoặc chống lại vua quan phong kiến quan liêu độc đoán tham ác thường gây bất công xã hội. Anh hùng hiệp sĩ tự cho mình thay thế vua quan phong kiến, nhận gánh sứ mạng “thế thiên hành đạo”, sống ngoài vòng pháp luật. Ở nước ta ít thấy kiểu anh hùng hiệp sĩ như thế được miêu tả thành hình tượng nghệ thuật lưu truyền. Hiếm hoi như chuyện về cuộc khởi nghĩa quận He Nguyễn Hữu Cầu (Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/ Phá vòng vây bạn với kim ô), “Vè chàng Lía” ở miền Trung… (Mẫu anh hùng hiệp sĩ giang hồ trong Văn học Trung Hoa thì rất nhiều, như một đặc sản của xứ sở này, tiêu biểu như Thủy hử truyện, tiểu thuyết Kim Dung, ngoài ra kể không xiết. Trái lại, mẫu anh hùng yêu nước thì khá mờ nhạt trong nghệ thuật và lịch sử Trung Hoa).
Kiểu lý tưởng anh hùng trung cổ Việt Nam dưới đây cũng được miêu tả như một bi kịch anh hùng trong các cuộc nội chiến:
“Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”
Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt/
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây”
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu
“Hồn tử sĩ ù ù gió thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi” (Chinh phụ ngâm)
Loại anh hùng hiệp sĩ thời Nội chiến phong kiến cát cứ như trên không thuộc về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
2. Ba cuộc chiến trùng nhau và dư âm của hiệp sĩ trung cổ vang đến thời hiện đại
Lý tưởng anh hùng là sự trác tuyệt hoặc Cái cao cả trong ý thức thẩm mỹ của loài người ngay từ thời cổ đại.
Quan niệm lý tưởng anh hùng thời cổ đại, tiêu biểu là Hi Lạp, đã xuất hiện sớm từ thời đại sử thi Homer. Lý tưởng anh hùng đã được thể hiện sinh động trong bộ sử thi Illiade.
Cuộc đời của các nhân vật dũng sĩ trong sử thi đã bộc lộ ra tính cách chung, muôn đời sau vẫn còn là giá trị phổ quát:
- chiến đấu vì quyền lợi cộng đồng, coi trọng cộng đồng hơn lợi ích cá nhân.
- có sức khỏe và võ nghệ (khả năng chiến đấu cao)
- có tinh thần dũng cảm, gan dạ
- khả năng chịu đựng gian khổ
- coi trọng danh dự
Thời chống Mỹ, có câu “Dân ta ra ngõ gặp anh hùng”, ấy chỉ là nói cái tinh thần chung, chứ không nói về tiêu chí cụ thể đã đạt được.
Nếu ta áp dụng vào tiêu chí cổ đại Hi Lạp thì tính “cách mạng” của chủ nghĩa anh hùng “cách mạng” Việt Nam tương đương với tiêu chí nào ?
“Vì quyền lợi cộng đồng” là điều kiện tiên quyết của anh hùng, cần hiểu là: “Cách mạng XHCN” phải đem lại quyền lợi cho nhân dân. Đây phải là tiêu chuẩn đầu tiên, là mục đích chiến đấu của người anh hùng cách mạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự chủ của đất nước không thuộc về phạm trù “cách mạng XHCN”. Nếu người tuyên truyền cố ý gộp vào thì chỉ là kiểu ăn gian. Một kiểu đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen.
Thực tế lịch sử ở Việt Nam thế kỷ 20 đã diễn ra ba cuộc chiến chồng lên nhau.
Ba cuộc chiến đó là:
Cuộc chiến cạnh tranh ý thức hệ: chủ nghĩa cộng sản đối đầu chủ nghĩa tư bản đế quốc, trên phạm vi toàn cầu.
Cuộc nội chiến Bắc-Nam tranh giành lãnh thổ và quyền lực, khát vọng thu đất nước về một mối.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ can thiệp và xâm lược (một thực tế mà người xâm lược cũng không thể chối cãi) (*)
Đại đa số nhân dân miền Bắc, kể cả văn nghệ sĩ, chỉ biết mình tham gia kháng chiến chống Pháp rồi lại chống Mỹ thôi, không ngờ có “hai cuộc chiến” kia khéo chen vào, giây máu ăn phần.
Và chính vì vậy, văn học nghệ thuật “cách mạng” chỉ nảy sinh cảm hứng mãnh liệt khi tập trung vào kháng chiến chống ngoại xâm. Thực chất cảm hứng đó tương tự chống Tàu xâm lược ngày xưa. Nhưng cái tên chung áp lên ba cuộc chiến lại là khẩu hiệu “cách mạng vô sản” mơ hồ trùm lên tất cả.
Sống đã vì cách mạng, anh em ta
Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.
(Trăng trối, tập thơ Từ ấy – Tố Hữu)
Lời bàn: “Chết cũng vì cách mạng, chẳng phiền hà!” Ấy thế nhưng đến Đại hội 6, khi bí thư phó thủ tướng Tố Hữu bị hất ra khỏi vòng quyền lực (chưa đến nỗi chết) thì ông ta mới cảm thấy “phiền hà”. Ông ta than phiền rằng “chẳng lẽ bây giờ tau lại lên rừng lập đội du kích!” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Anh nông dân của Tố Hữu nghĩ về “cách mạng” chỉ thấy hình ảnh “thơm mát cánh đồng xanh” trong mơ (!?). Nhưng, chưa có ách mạng thì cánh đồng vẫn xanh mà! Ngay cả Tố Hữu cũng không biết phải nói chính xác về “cách mạng” thế nào. (Kết quả của “cách mạng” là đến năm 2014, TBT Nguyễn Phú Trọng thông báo với cử tri của ông ở Hà Nội “chủ nghĩa xã hội có khi hết thế kỷ 21 cũng chưa xong”).
Thi sĩ nhạc sĩ Văn Cao viết “Đường vinh quang xây xác quân thù” (Tiến quân ca) nhưng ông bỏ qua một thực tế đẫm máu là “đường vinh quang xây xác quân mình”. Trong Tiến quân ca sau được chọn làm quốc ca của Nước CHXHVN cũng không có bất cứ từ ngữ nào thể hiện yếu tố “cách mạng”. “Sa trường” cũng vẫn là hình ảnh của văn chương trung cổ phong kiến.
Nhà thơ chiến binh Chính Hữu viết về cuộc rút lui khỏi Thủ đô, lên Việt bắc kháng chiến:
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
(Ngày về)
Lời bàn: “Nợ anh hùng” – nợ ai, vay của ai? Thực ra “món nợ” ấy chỉ là cảm hứng lãng mạn trung cổ của những thanh niên trí thức trẻ Hà thành khao khát thỏa chí tang bồng hiệp sĩ. Người lính chống Pháp lấy đâu ra “áo hào hoa”?
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” .
Lời bàn: Nguyễn Đình Thi cũng lấy cảm hứng từ điển cố hiệp khách Kinh Kha biệt Triệu sang Tần liều thân hành thích Tần Thủy Hoàng.
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa.
Vui gì hơn làm người lính đi đầu… (Chào xuân 67- Tố Hữu)
Lời bàn: “Điểm tựa” là cái gì nhỉ? Điểm tựa dùng cho việc gì đây?
(Than ôi mãi khi kết thúc cuộc chiến, những người lính sống sót mới hiểu Việt Nam là “điểm tựa”, là “tiền đồn” phên giáp cho hệ thống XHCN) ! “Người lính đi đầu” vẫn là hình ảnh kiểu “anh hùng trung cổ”.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
(Chào Xuân 67- Tố Hữu)
Lời bàn: mặt mũi cái“tương lai” thế nào không biết – cứ đi đi đã (!)
Đặc điểm chung của nghệ thuật kháng chiến là thi vị hóa tất cả những gian nan khổ ải:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây (Phạm Tiến Duật)
Biết thóp thanh niên ta thích ca hát, nhạc sĩ mời họ trèo lên “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (nhạc sĩ Huy Du)
Anh sinh viên Trương Quốc Khánh viết ca khúc “Tự nguyện” 1968
“Là chim tôi sẽ cất cao đối cánh mềm, từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền (…)
Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”.
Lời bàn: Sẵn sáng hi sinh vì mục đích cụ thể là đất nước được thống nhất nối liền một giải. Cảm hứng chủ đạo vẫn là chủ nghĩa yêu nước. Không có yếu tố “cách mạng”.
Nhạc sĩ Thuận Yến viết ca khúc “Mỗi bước ta đi”.
“Anh đang hành quân ra tiền tuyến/ Mang theo tình yêu giai cấp trong tim”.
Lời bàn: Thuận Yến gán ghép học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác cho ra chất “cách mạng” bằng cách cài đặt 4 chữ “tình yêu giai cấp” vào ca từ hành khúc. Nhưng “tình yêu” ấy lạc lõng, phi lý trong mục tiêu đi chiến trường chống Mỹ ngoại xâm. Ngày nay “giai cấp” ấy bỗng biến mất nhường chỗ cho “các nhóm lợi ích” tầng tầng lớp lớp.
Những trang thi ca kể trên chưa cho thấy chất “cách mạng” XHCN ở chỗ nào.
Ở trên mới dẫn vài dòng thi ca quen thuộc tiêu biểu, được coi là thuốc kích thích anh hùng cách mạng trong văn nghệ nội địa.
“Thuốc kích thích nhập khẩu” chính là những trang văn chương nghệ thuật Liên Xô ngun ngút “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, kể ra không xiết…Tiêu biểu nổi bật là tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của thương binh Nikolai Ostrovski người xứ Ucraina (đất nước chia xé, súng nổ tang thương ngày nay).
Những trang văn kích thích còn đến từ Trung Quốc nữa. Đó là những “Bài ca tuổi trẻ” (nguyên tác Thanh xuân chi ca) của nữ văn sĩ Dương Mạt ca ngợi nữ sinh viên Lâm Đạo Tĩnh đi theo tiếng gọi Mao Chủ tịch, tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày” của Lập Ba, bộ phim Bạch Mao nữ, Mặt trời mọc trên sông Tang Càn, Ngõ ba nhà, v.v.
Văn chương Nga bay bổng hơn, tươi mát hơn và mới lạ hơn văn TQ nên được phát hành số lượng nhiều hơn và rất ăn khách ở miền Bắc hồi đó. Điều này chứng minh rõ qua hai cuốn Nhật ký của Đặng Thùy Trâm và “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Trang đầu Nhật ký Đặng Thùy Trâm viết nắn nót như lời Đề từ (rút từ Thép đã tôi thế đấy):
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
Đó là những lời văn đẹp đẽ và hào hùng, dễ làm say lòng người, nhất là tuổi trẻ.
Nhưng đọc kỹ mới thấy lý luận của nhà văn Liên Xô tác giả “Thép đã tôi thế đấy” rất là khiên cưỡng và lúng túng. Chỉ cần xét câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel Korchagin (cũng là nhà văn Ostrovsky) dẫn ở trên thì rõ. Nó chứa đầy mâu thuẫn: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống”, ấy thế rồi vội gạt bỏ để đưa ra một cái “quý hơn” cả cái “quý nhất”, đó là sẵn sàng vứt bỏ sự sống vì “sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (!?) Quả là trình độ lập luận của một cây bút xuất thân công nhân nghèo thành phố Kiev trưởng thành sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, chưa hết bậc tiểu học!
Nhà báo Dương Hoài Linh cũng nhận xét “Qua Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, chúng ta cũng có thể thấy hai “đại lý phân phối thuốc kích thích” tích cực nhất là Nikolai A. Ostrovsky với Thép đã tôi thế đấy và thơ Tố Hữu.
Văn học nghệ thuật thực là lợi hại.
Lợi khi được làm thuốc bổ dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Hại khi chế thuốc kích thích cho lý thuyết viển vông mà hậu quả thì không nhỏ và dai dẳng.
Văn chương thi ca đôi khi trộn lẫn cả thần tiên và ma quỷ.
Nhiều khi văn chương nghệ thuật cũng thực viển vông.
Bây giờ ta mới hiểu vì sao Các Mác trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã giao phó và tin tưởng sâu sắc vào sứ mệnh “Văn học xã hội chủ nghĩa” đến vậy. “Tuyên ngôn đảng cộng sản” năm 1848 có 4 phần thì dành trọn phần 3 là “Văn học xã hội chủ nghĩa (Phần I. Tư sản và vô sản. Phần II: Những người vô sản và những người cộng sản. Phần III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Phần IV: Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập). Kỳ lạ thật! Chỉ căn cứ Phần III này cũng đủ chứng tỏ Các Mác thực là một nhà văn lãng mạn kinh hồn!
Đã có lúc, cán bộ tư tưởng văn hóa từng phê phán một số nhà thơ “cách mạng” như Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi… rằng còn “mang nặng tư tưởng anh hùng phong kiến” (kẻ phê phán là những lãnh đạo cao cấp về tư tưởng văn hóa như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường, Văn Phác, … cho đến đám trí thức Vũ Khiêu, Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, Văn Chinh, GS.Phong Lê và nhiều bút nô khác). Hầu hết thầy giáo dạy Văn học Việt Nam mặc nhiên được đào tạo theo lý luận văn học Liên Xô và sự kiểm duyệt của giới tuyên huấn cũng trải qua nhiều năm giảng văn theo các kiểu đại khái như thế.
Giới lý luận tư tưởng chính trị tìm mọi cách khiến cho “chủ nghĩa anh hùng truyền thống” phải khoác tấm áo ngụy trang mang màu sắc “cách mạng”, yêu cầu phải dán nhãn “cách mạng” đè lên. Cổ nhân gọi đó là chiêu thức “treo đầu dê, bán thịt chó” vậy.
3. Nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm và chiến binh Khương Thế Hưng
Chị Trâm là một người tình tuyệt vời, trước khi là một bác sĩ quân y dũng cảm hi sinh trong kháng chiến.
“Với kết quả học tập và thi tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ trẻ Thùy Trâm có thể, hoặc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc nhận công tác tại một bệnh viên hoặc cơ quan nào đó ở ngay Hà Nội vì bố mẹ đều là cán bộ có uy tín, có nhiều quan hệ trong ngành Y tế. Nhưng vì có người yêu vào chiến trường trước mấy năm nên sau khi tốt nghiệp, bà xung phong vào Nam ngay. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B”. (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Th%C3%B9y_Tr%C3%A2m).
Khương Thế Hưng người yêu lý tưởng của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, động cơ đủ mạnh thu hút chị Trâm đi chiến trường, mang một tâm trạng đầy mâu thuẫn:
“Xin đành “thương nhau chín bỏ làm mười” – mình chịu lỗi với mọi người (cả với ba mẹ và gia đình mình, với Thùy Trâm thân yêu) – Lòng mình thì vẫn bề bộn nhớ thương mà cuộc đời thì vẫn nối những chuyến ra đi không dứt”.(Nguồn: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/8/125213.cand).
Ở trên là những dòng tâm trạng trong bức thư Khương Thế Hưng (Nhân vật M. trong nhật ký Đặng Thùy Trâm) viết cho đồng đội.
Về sự hụt hẫng và đau khổ của Đặng Thùy Trâm, nhà báo viết:
Chị yêu anh đắm say mãnh liệt và thủy chung. Vậy mà anh im lặng. Chị tự ái và trách giận. Trong lá thư gửi anh Dương Đức Niệm, ngày 15/2/1968, chị viết: “Còn anh H (Hưng) – khói lửa đau thương của cuộc chiến tranh đã làm cạn đi niềm mơ ước và yêu thương của anh ngày xưa. Anh bây giờ sống thật đơn giản, anh không mơ gì hơn là diệt được thật nhiều giặc Mỹ, anh không cần gì cho bản thân, kể cả tình yêu và sự nghiệp. Đối với Thùy, anh thương với tình thương rất đỗi chân thành, anh tôn trọng và cảm phục trước tình yêu chung thủy của Thùy (tức Trâm), nhưng cũng chỉ có thế thôi. Con tim anh không còn những rung cảm sâu xa, những vần thơ thắm đượm tình yêu, những lời ca bay bổng ước mơ nữa rồi”. Khi lòng tự ái đã ngự trị lên trên tình yêu, ngày 13/1/1970, chị đã viết trong nhật ký: “M.(Mộc- bút danh của Khương Thế Hưng) không phải của riêng mình. Đành rằng M. chỉ dành tình yêu cao nhất cho Đảng, cho nhân dân nhưng nếu để mình quá ít yêu thương thì… không thể đáp ứng với trái tim sôi nổi yêu thương của mình…”.
Về phía Khương Thế Hưng, tình cảm anh dành cho Thuỳ Trâm còn mãnh liệt hơn nhiều, cháy bỏng hơn nhiều (!?). Tận sâu thẳm trái tim, hình bóng chị luôn chiếm trọn trong anh. Không một trận đánh lớn, nhỏ nào anh không nhớ đến chị. Một chiếc bật lửa thu được của lính Mỹ, anh cũng khắc tên hai người. Khi bị ngất đi giữa chừng trận đánh, điều duy nhất anh nhớ cũng là hình ảnh chị…
Nhưng anh đã ghìm nén. Anh chọn cách im lặng với tình yêu của chị… Ông Khương Thế Hưng mất ngày 13 tháng 11 năm 1999, sau nhiều năm dài vật lộn với thương tật và bệnh tật do di chứng chiến tranh, thọ 65 tuổi.
(Nguồn: Báo Công An nhân dân: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/8/125213.cand- tác giả Thanh Hằng- Khánh Linh).
Cách viết đoạn văn trên của hai nhà báo lủng củng tính tư biện, suy diễn và tào lao quá ! Bàn về tình yêu của Khương và Trâm, họ tỏ ra rất lúng túng, bao biện, tán quá rộng. Họ lúng túng khi phân tích, lý giải sự bạc tình của anh Khương đối với Trâm (trong mắt Trâm)… Ôi cách viết cũ mèm của một thời, cố gắng biện hộ cho người anh hùng Khương Thế Hưng tránh khỏi lỗi bạc tình!).
Tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm đọc thấy hấp dẫn bởi văn phong nữ sinh viên, thiếu nữ Hà thành, ái nữ của một nhà trí thức gia giáo hiện đại, pha lẫn cảm hứng lãng mạn kiểu Liên Xô, Trung Quốc. Nhiều người thích giọng văn cơ bản hiền hòa, chân thật, trong sáng và trữ tình của chị Trâm. “Lý tưởng anh hùng” của Đặng Thùy Trâm chưa thể hiện từ động cơ chiến đấu. Mâu thuẫn thay, hại thay, nhiều tài liệu báo chí đều nói chị đi chiến trường là đi theo mối tình đầu của mình:“ vì có người yêu vào chiến trường trước mấy năm nên sau khi tốt nghiệp bà xung phong vào Nam ngay. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B”.
Khi đã thất vọng với tình yêu của Khương, chị Trâm buồn giận trách anh, chị chỉ còn dồn hết tình cảm vào thương bệnh binh mà chị có nhiệm vụ chăm sóc. Chị cũng sống chan hòa với người dân địa phương gần bệnh xá và giúp đỡ họ. Tóm lại, chị Trâm sống ở chiến trường như một thầy thuốc có đạo đức chân chính của mọi thời đại. Khi giặc càn quét, tới bước đường cùng, chị cầm súng bắn trả và hy sinh.
Đạo diễn NSND Trần Văn Thủy đã viết: “Đừng cho rằng mình nói xóc óc, nếu có hương hồn Đặng Thùy Trâm ở đây thì chắc Trâm cũng tán thành rằng nhiều người anh hùng gấp nhiều lần Trâm. (…) chỉ có điều họ không có cuốn nhật ký, thứ hai nữa là họ… chưa chết”. (Chuyện nghề của Thủy – NXB Hội nhà văn 2013).
Xét cho cùng, “Lý tưởng anh hùng” của Khương Thế Hưng thực chất vẫn là kiểu anh hùng thời phong kiến, đậm chất chủ nghiã yêu nước thuần túy, chưa có yếu tố gì gọi là “cách mạng”. Đó là người hiệp sĩ vì sự nghiệp chiến tranh mà đang tâm gạt bỏ “nhi nữ thường tình”.
Khái niệm “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng” từ đâu sinh ra?
Chúng tôi biết chắc rằng cái “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” ấy nhập khẩu từ Liên Xô, Trung Quốc, do các trí thức văn nghệ sĩ đi du học, cũng như đi buôn, mang hàng về. Khái niệm này được nghệ thuật hóa, chi phối phổ biến trong văn học, điện ảnh và sân khấu miền Bắc từ 1954 đến 1975.
Hóa ra, chúng ta chưa từng có một nền nghệ thuật cách mạng đúng nghĩa, danh chính ngôn thuận. Chỉ có một cái gì đó na ná, trài trại, từa tựa, mượn màu son phấn…Chúng ta cần nghiêm túc thẳng thắn dù đau xót mà kết luận như vậy.
Thực chất, trong lịch sử tư tưởng, văn hóa, văn học Việt Nam chưa bao giờ có “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đúng nghĩa. Đó vẫn là chủ nghĩa anh hùng yêu nước truyền thống trong một bối cảnh mới mà thôi. Một thực tế chua chát là, những người mang tư tưởng anh hùng “cách mạng” ấy, từ tướng tá cựu chiến binh đến văn nghệ sĩ, khi kết thúc chiến tranh Việt Nam thì bắt đầu thất vọng, thất vọng não nề về lý tưởng, nói đơn giản là “mất niềm tin”.
Có chăng một mảng văn học nghệ thuật cách mạng (tạm gọi là đích thực), sáng tác nhem nhuốc thất bại, như các tác phẩm “nông nghiệp hóa, công nghiệp hóa XHCN trên miền Bắc 1954-1975”. Đại loại như các tiểu thuyết Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm của Đào Vũ, Tầm nhìn xa của Nguyễn Kiên, Mùa lạc, Chủ tịch huyện của Nguyễn Khải, Đoàn thuyền đánh cá, Đất nở hoa của Huy Cận, hai tập thơ Ngói mới, Riêng chung của Xuân Diệu, Bài ca Xuân 61 của Tố Hữu. v.v. Ngày cả vở kịch nổi tiếng một thời mang tên “Cách mạng” của Nguyễn Khải cũng chỉ là những cuộc cãi cọ của những người trong một gia đình vốn từ hai chiến tuyến nay “đoàn tụ” sau 1975, nhưng không “hòa hợp”. Nguyễn Khải sau đó cũng chẳng dám nhắc đến “đứa con tinh thần” của mình, trái lại ông viết tùy bút cuối đời mang tên “Đi tìm cái tôi đã mất”. Những tác phẩm này có chút hơi hướng cách mạng nhìn từ bề ngoài ngôn từ và nội dung thể hiện, nhưng do thiếu máu, thiếu sức sống trí tuệ nên bỗng trở thành hài hước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc mà bây giờ chẳng ai muốn nhắc tới nữa.
Lời kết
Bản chất chủ đạo của cuộc chiến tranh Việt Nam lộ ra sau 1975.
Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đất nước thống nhất, bị bọn cộng sản TQ phản bội tấn công biên giới 1979, cựu TBT Lê Duẩn mới nổi giận nói huỵch toẹt “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho cả Liên Xô, Trung Quốc” (Ba mươi năm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Trung Quốc- Nxb Sự thật), tức là ông công khai thừa nhận Cuộc chiến ý thức hệ.
Lời TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định qua nhiều văn bản, rằng “chúng ta kiên định chủ nghĩa Mác- Lê nin” thì bản chất cuộc chiến ý thức hệ lộ ra rõ ràng hơn. Đó cũng là lúc lộ diện bọn “lợi ích nhóm” tầng tầng lớp lớp trắng trợn hoành hành khắp đất nước. Đó cũng là lúc các tài liệu lịch sử được bạch hóa và sự tái nhận thức với bao nhiêu dằn vặt đau đớn của giới trí thức văn nghệ sĩ ắt phải xảy ra và thay đổi nhận thức là đương nhiên. Đã ngấm sâu thuốc kích thích (doping) thì bây giờ phải giải thuốc kích thích.
Giải thuốc kích thích
Nếu đã có “thuốc kích thích” thực chất là một loại thuốc độc thì con người lại phải có “thuốc giải”. Đó là các tác phẩm “giải kích thích” tiêu biểu như:
“Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa” tùy bút (nhà văn Nguyễn Minh Châu)
“Đi tìm cái tôi đã mất” tùy bút (nhà văn Nguyễn Khải)
“Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” phim tài liệu (đạo diễn Trần Văn Thủy)
“Nỗi buồn chiến tranh” tiểu thuyết (nhà văn Bảo Ninh)
“Bước qua lời nguyền” tiểu thuyết (nhà văn Tạ Duy Anh)
Hiện tượng mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học văn hóa là: Luận văn thạc sỹ Đỗ Thị Thoan Nhã Thuyên. Đó cũng là một liều thuốc giải kích thích được chế tác bởi nữ thạc sỹ trẻ và những người hướng dẫn, chấm luận văn làm nên (từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Viện Văn học).
Tuy nhiên, để chống lại cố gắng giải kích thích, hệ thống truyền thông của Đảng từ năm 2005 về sau nhân việc phát hiện hai Nhật ký đã huy động hàng ngàn bài báo (báo hình, báo nói, báo điện tử) và các diễn đàn sinh hoạt đoàn thanh niên, cố gắng phục hồi thuốc kích thích một lần nữa. Giới âm nhạc theo “định hướng” thì đầu tư vào các chương trình “Giai điệu tự hào”, “Những bài hát còn xanh” trên VTV3. VTV6 .v.v…hàng tuần rỉ rả. Cố gắng này nằm trong định hướng “ăn mày dĩ vãng, ăn mày quá khứ” nhằm che lấp thực tại khủng hoảng ở Việt Nam. Ai cũng biết vậy cả.
X
Xét cho cùng, “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du có thể dùng tế tất cả vong hồn liệt sĩ của chủ nghĩa anh hùng truyền thống cũng như chủ nghĩa anh hùng “cách mạng”.
“Văn tế thập loại chúng sinh” bao trùm cảm hứng cả tháng Bảy dương lịch, chuẩn bị bước sang Ngày Rằm tháng Bảy âm lịch – ngày “xá tội vong nhân”… Ngồi buồn nghĩ mãi không ra, sao nhà nước không chọn luôn Rằm tháng Bảy âm lịch để làm ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam nhỉ?
Không biết tự bao giờ, nhiều chùa Phật ở miền Bắc, mỗi khi có người qua đời, thân nhân làm lễ đưa linh nhập tịch vào chùa (ngày thất tuần/ ngày thứ 49, ai kỳ trí tang), thầy chùa quê tôi thường tụng kinh gõ mõ đọc bài “Văn chiêu hồn” lâm ly thống thiết (nhạc sĩ kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến đã phát triển tiết điệu gõ mõ của thầy chùa làm nên ca khúc Bà tôi nổi tiếng giàu chất dân tộc và nhân văn, mộc mạc mà sâu sắc) <
(*) Chú thích và tái bút:
Tôi có một người bạn thân quý, có thể gọi là tri âm, đã phản bác tôi rằng “quân Mỹ không xâm lược Việt Nam, họ chỉ giúp đỡ chính phủ miền Nam thôi”. Chúng tôi tranh cãi mãi mà chẳng ai chịu ai. Bằng chứng của tôi là “Ngày 5. 8.1964 máy bay Mỹ vô cớ bắn phá miền Bắc kéo dài tới ngày 31 tháng 12 năm 1972, từ Lạng Sơn đến Quảng Bình, gây bao thiệt hại và thương vong cho đồng bào ta… như thế tức là “xâm lược””. Tôi phải giở từ điển uy tín ra để cãi nhau: “xâm” 侵: đem binh vào bờ cõi nước khác, “lược” 掠:đánh đòn, cướp lấy (từ điển Thiều Chửu, từ điển Trần Văn Chánh). Người bạn tôi nói “Mỹ đánh phá miền Bắc là để ngăn chặn quân Hà Nội tấn công miền Nam, để bảo vệ chính phủ VNCH… nên, đó không phải là Mỹ xâm lược”… Người ấy bảo chính quân Hà Nội xâm lược miền Nam, tôi lại giơ Hiệp định Geneva ra phân tích: theo Hiệp nghị Geneva đã công nhận nước Việt Nam độc lập và toàn vẹn lãnh thổ (gồm hai vùng tạm chiếm chờ cuộc tổng tuyển cử chung sau hai năm). Vậy thì Bắc – Nam đánh nhau hai chục năm chính là Nội chiến, có thể gọi là Loạn nhị sứ quân (cụ Hồ và ông Diệm), vậy không thể gọi ai là “xâm lược”.
Người bạn tôi bực mình tuyên bố tuyệt giao với tôi.
Nếu quý độc giả có ý kiến cao minh hơn xin vui lòng chỉ bảo để hai chúng tôi mở rộng tầm mắt và hi vọng cứu lại một tình bằng hữu có cơ bị hủy hẳn. Xin đa tạ trước.
PHN