CHÂU DIÊN
Chiềng làng chiềng chạ… Nhóm Cánh Buồm sắp được phép phát hành cuốn Văn lớp Sáu. Cuốn Tiếng Việt lớp Sáu đã nộp lưu chiểu được 5 hôm, còn chờ 10 hôm nữa sẽ phát hành thoải mái. Cuốn Văn thì sớm mai mới đem nộp lưu chiểu, và phải chờ mất hai tuần nữa.
Cả hai cuốn Văn và Tiếng Việt lớp Sáu đều do nhóm Cánh Buồm chịu trách nhiệm, nhưng nhóm tổ chức biên soạn chịu trách nhiệm trực tiếp là 5 người: Phạm Toàn, Nguyễn Thị Thanh Hải, Hoàng Hưng, Vũ Thế Khôi, Dương Tường.
Trên bìa phụ bên trong, còn ghi tên các soạn giả, đủ mặt Đông Tây Nam Bắc:
Các danh sĩ đang ở xa: Nguyễn Đức Tùng (Canada), Trần Ngọc Cư (Hoa Kỳ), André Menras Hồ Cương Quyết (Pháp), Phạm Thị Kiều Ly (Pháp);
Các nữ danh sĩ trong nước: Nguyễn Thị Minh Hà, Phạm Thị Thu Giang, Nguyễn Thị Minh Chung, Nguyễn Thị Thanh Hải, Nguyễn Thụy Anh, Đặng Kim Thanh;
Các nam danh sĩ trong nước: Nguyễn Hải Hoành, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Lân Bình, Phạm Văn Hảo, Phan Nhật Chiêu, Hoàng Hưng, Phan Nguyên, Lê Phú Khải, Phạm Toàn;
Còn bày đặt thêm cả một dàn “lãnh đạo tu thư” do nhóm Cánh Buồm “sắc phong” và nhân danh tình bạn, nhân danh công việc, nhân danh sự yêu đời, yêu cầu không vị nào được từ chối – nhóm sáu nhân sĩ quan trọng này gồm có: Bùi Văn Nam Sơn, Pham Khiêm Ích, Đặng Tiến (ở Pháp), Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Trọng Phiến, Mạc Văn Trang. Trong các vị lãnh đạo tu thư này, anh Phạm Khiêm Ích đang chịu đựng hậu quả tai biến não, anh Đặng Tiến mới phẫu thuật tim, không giục hai anh làm nhanh được; anh Hoàng Trọng Phiến loay hoay mãi chưa mở được các file nén, anh Nguyễn Thiệp Giáp có khi cũng trong tình trạng tương tự…; anh Mạc Văn Trang đọc và có ý kiến nhanh nhất, sau đó, Bùi Văn Nam Sơn, chậm hơn chút, nhưng cho cái nhìn tổng quát như của anh Mạc Văn Trang, đồng thời lôi ra được từng cái lỗi con con…
Nhóm tổ chức biên soạn đặc biệt thở phào sau khi nhận ý kiến Bùi Văn Nam Sơn, anh đã viết thế này (trích):
“Thưa Quý Anh Chị trong Ban biên soạn,
“Tôi rất hận hạnh được Quý Anh Chị giao nhiệm vụ đọc lại bản thảo cùng với nhiều vị khác. Xin chân thành cảm ơn sự tin cậy của Ban biên soạn. Tận dụng… “thế mạnh” của một người không có chuyên môn sâu về văn học và thiếu kinh nghiệm sư phạm, tôi đặt mình vào vị trí một cậu học sinh bước vào lớp sáu để đọc. Với đôi mắt hồn nhiên ấy, tôi có mấy nhận xét chân thành sau đây:
“Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng rằng vào lớp 6, mình lại được học Văn và tiếng Việt một cách thâm thúy và mới mẻ tuyệt vời như thế! Có lúc tôi giật mình: lớp 6 mà được học thế này thì lên các lớp cao hơn, cho đến khi thi Tú tài, mình còn được học đến đâu nữa? Hết mấy “bồ chữ trong thiên hạ” chứ chẳng chơi! Nếu qua kết quả thực nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5, Quý Anh Chị có căn cứ để tin chắc rằng học sinh lớp 6 có thể lĩnh hội được nội dung các bài giảng trong hai tập sách, tôi thật sự quá vui mừng trước tương lai tươi sáng của nền giáo dục nước nhà!
“Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm phục đặc biệt đối với các vị phụ trách biên soạn, không chỉ về kiến thức uyên thâm mà đặc biệt về tài năng diễn đạt và truyền đạt những kiến thức ấy một cách sinh động cho học sinh. Tôi hoàn toàn tán đồng cách dàn dựng và cách sắp xếp nội dung bài giảng. Chỉ xin mạo muội có một vài ý kiến cá nhân để Quý Anh Chị tham khảo …”
Thế là với ý kiến Bùi Văn Nam Sơn có thể tạm đóng lại giai đoạn bản thảo. Vả chăng, bên cạnh cũng có nhiều ý kiến biên tập rồi. Phải khẩn trương thôi. Phải nhanh nhanh đưa bản thảo đã dàn trang xuống nhà in thôi. Nếu không in kịp, sách ra chậm dù chỉ 1 ngày so với ngày khai giảng năm học mới, thì trẻ em có cơ nguy mất một năm trời. (Dĩ nhiên, vì nhiều lý do, sách có thể không được ngành Giáo dục cho dùng – khi đó không chậm 1 năm, mà có thể chậm nhiều năm, nhưng đó lại là chuyện khác).
Bây giờ cho phép tôi mơ mộng chút. Giả định khi lứa học trò lớp 6 năm nay sẽ vào tuổi tứ thập ngũ thập lục thập, và cũng đi sứ. Đi sứ thật đấy! Sao lại không? Đâu có phải cứ là Giang Văn Minh được triều đinh cử làm sứ giả thì mới có điều kiện trở thànhvị “sứ bất nhục quân mệnh”? Thiếu gì cơ hội để trở thành sứ giả của tổ quốc Việt Nam? Nếu ra nước ngoài, thì đi du lịch này, đi học này, đi làm ô-sin này… Và ngay khi ở trong nước, không chiềng ra cái bộ mặt vô cảm với mọi người, thì dù đó không là người nước ngoài, cũng đáng cho mình là một sứ giả tử tế chứ?
Mình hình dung một sứ giả được người Mỹ lẩy Kiều để đón. Học trò của sách Văn lớp 6 Cánh Buồm sẽ ngay lập tức nhớ đến nhà thơ Mỹ Robert Frost, và không chỉ biết mỗi một miếng võ là “nở nụ cười hữu nghị vô cảm”, sẽ đá đáp lại ngay bằng miếng song phi Robert Frost:
“Tôi sinh sự với Đời như người yêu gây chuyện với người yêu”
Thì sao nhỉ? Thì cả nhà cùng vui. Và những nhà soạn sách lớp Sáu hôm nay, ngay cả cuốn sách biến dạng sau nhiều lần điều chỉnh sửa chữa, vẫn có thể vui vẻ mỉm cười với tập sách đầu tiên: “Ờ, hóa ra mọi công việc có thể bắt đầu như một chuyện viển vông, như chuyện vén mây đầu ngõ tan sương giữa trời này”. Giời còn để cho hôm nay cùng nhau làm ra cuốn sách ngay cả Bùi Văn Nam Sơn cũng “chưa bao giờ dám tưởng tượng trẻ em lớp 6 lại được học như thế…”
Nào, mời bà con ta cùng vén mây và đón chờ sách Văn và Tiếng Việt lớp Sáu của nhóm Cánh Buồm.