Cách đánh vần "lạ" sẽ thay thế cách hiện nay

Nguyễn Ngọc Lanh

Cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại đang bị đám đông dè bỉu và được báo chí gọi là cách đánh vần “lạ”. Thật ra, nó không lạ vì đã tồn tại và được vận hành từ 40 năm nay. Một cách đầy đủ, phải gọi đây là phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 – trong đó, “đánh vần” chỉ là một phần. Trong 40 năm ấy, công trình đã nhiều phen “lên bờ, xuống ruộng”. Nó “lên bờ” (hay lên voi) khi phụ huynh xô đổ cổng sắt Trường Thực Nghiệm để giành giật tờ mẫu đơn xin học. Nay, nó đang “xuống ruộng”. Có lúc, nó phải ngụy trang dưới cái tên “thử nghiệm” để tồn tại và sống sót.

Riêng tôi cho rằng… nó đủ tiêu chuẩn để có vị trí cạnh tranh (từ 30 năm nay) và sẽ thay thế phương pháp hiện hành.

Tất nhiên, ngày ấy còn xa và còn chật vật.

Dự đoán không dưới 60 năm (mới đi được 40 năm). Nghĩa là dài không kém quá trình chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán ở nước ta. Có những nét rất tương tự.

Cái thời chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Hán

Khi nắm toàn quyền cai trị nước ta (1885-1945 = 60 năm) người Pháp muốn xóa ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, thay bằng văn hóa Pháp. Việc đầu tiên là thay chữ Hán (có tuổi thọ ngàn năm) bằng Quốc Ngữ và chữ Pháp (đều mới toanh). Thuận lợi đầu tiên là cứ dùng quyền lực; thuận lợi thứ hai là Quốc Ngữ rất dễ học. Trở ngại, là tâm thức đám đông và óc thủ cựu. Chính người Pháp cũng nhìn ra: Sẽ còn chật vật sau khi cuộc cải cách lần 1 không thành công. Cần nói thêm: Pháp chiếm Nam Kỳ từ 1862, thêm nữa chữ Hán chưa cắm sâu rễ (tới 1826 mới có một vị đỗ đại khoa: Phan Thanh Giản); do vậy việc phế bỏ chữ Hán ở đây diễn ra khá suôn sẻ.

Ban đầu, chưa thể thành lập ngay hệ thống tiểu học, giới cai trị cho mở nhiều lớp tiếng Pháp và Quốc Ngữ đào tạo “thông ngôn” (nay gọi là phiên dịch) bổ nhiệm với mức lương cao, sau đó xếp vào ngạch công chức cao cấp (để khuyến khích). Nhưng các kỳ thi Nho học (do Nam Triều cứ thực hiện theo nếp cũ) vẫn diễn ra đều đặn với nhiều ngàn thí sinh. Phải sang đầu thế kỷ XX, Pháp mới thêm được một quy định: Ngoài ba bài viết bằng chữ Hán, mỗi thí sinh bậc tú tài nho học phải viết thêm một bài bằng Quốc Ngữ. Rất dễ đoán rằng bài này cực dễ, chỉ cần biết đọc, biết viết là làm được. Đây là quy định nằm trong khối văn bản “cái tổ giáo dục” lần 1 (thất bại). Cứ thế, tới tận năm 1915 mới chấm dứt thi Hương, từ năm 1919 mới chấm dứt thi Hội. Một chỉ thị quy định: Từ nay chỉ dùng Quốc Ngữ và Pháp Văn trong mọi công văn và trong mọi trường tiểu học. Những người theo đuổi Hán Học bỗng bị hẫng, hoang mang và nhiều người dè bỉu Quốc Ngữ. Lưu hành một nhận định: Chữ thánh hiền đẹp như “rồng bay, phượng múa” (long phi, phượng vũ); chữ lai căng ngoằn ngoèo như con giun, con rắn… Dù vậy, những cam kết dân sự ở nông thôn (văn tự bán ruộng, giấy vay nợ)… vẫn dùng chữ Hán. Cải tổ giáo dục lần 2 (1917) với quy mô hơn, bài bản hơn và được đánh giá “thành công”. Có rất nhiều tư liệu lịch sử để chúng ta tham khảo. Tuy “thành công”, nhưng tới năm 1945 giấy khai sinh vẫn in bằng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Hán). Năm 1946, trên tiền giấy vẫn phải có chữ Hán. Ngay 6 chữ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Quốc Ngữ) vẫn phải chú thích ở dưới bằng chữ Hán… Quả là gian nan, chật vật cái việc bỏ chữ Hán…

Cách đánh vần nào cũng đạt mục tiêu: Đọc thông, viết thạo

Học Quốc Ngữ, việc đầu tiên là tập đánh vần. Nghe và ngẫm kỹ, “đánh vần” là từ ngữ khó hiểu, nhưng cứ dùng sẽ quen và hiểu ngầm với nhau thôi. Đó là việc tập ghép các chữ cái theo đúng quy tắc, để có thể đọc lên thành tiếng…

Trong quá khứ, đã có ba cách đánh vần thay thế nhau. Nay, đã xuất hiện cách thứ tư của Hồ Ngọc Đại thì việc đầu tiên lại là… chưa cần đánh vần.

Xin nói ngay, thời gian học đánh vần thường không quá 3 tháng; dù dùng cách nào thì rốt cuộc người học vẫn đạt mức “đọc thông, viết thạo”.

Vậy, dùng cách nào mà chẳng được?. Và, có thể đồng thời dùng hai cách đánh vần. Can gì tìm cách mới để thay thế cách cũ… cho rách việc? Nhưng không, cách mới vẫn thay thế – và phải thay thế – cách cũ; mặc dù trong quá trình tồn tại, cách cũ đã có nhiều cải tiến. Nhưng “cải tiến” khác xa với “đổi mới”.

Cách đánh vần đầu tiên

– Cha tôi sinh năm 1912, học chữ Hán từ 5-6 tuổi, cho đến khi có tin chính thức “từ nay, chữ Hán không còn đắc dụng nữa”. Do vậy tận 8 tuổi ông mới vào tiểu học. Ông học Quốc Ngữ, học cả chữ Pháp. Học cả bài thơ “ba chữ” xác lập địa vị Quốc Ngữ. Để đánh vần Quốc Ngữ, các thầy chỉ cần (tiện thể) vay mượn cách đánh vần tiếng Pháp. Học sinh rất mệt để theo, nhưng rồi cũng… xong – vì trẻ em giỏi bắt chước; chớ người lớn sẽ trầy trật đến phát nản. Đó là trường hợp các cụ thi tú tài năm 1915 và trước nữa (phải học để làm 1 bài thi bằng Quốc Ngữ – đã nói ở trên).

– Năm 1941, tôi lên sáu. Vẫn bảng chữ cái a – bê – xê… Chữ Y vẫn đọc là “i-gờ-rếch”. Vẫn cách đánh vần ấy. Vẫn bài thơ “3 chữ, 12 câu” cha tôi đã học (Sách Quốc Ngữ – Chữ nước ta – Con cái nhà – Đều phải học – Miệng thì đọc – Tai thì nghe)

Chữ C (đọc là “xê”) khi ghép với chữ A, đọc (thành tiếng) là xê – a, lẽ ra (theo quy tắc ngữ âm) phải thành tiếng “xa”, nhưng chúng tôi phải đọc là “ca” (mới khỏi bị thầy đánh). Muốn đánh vần những chữ gồm nhiều chữ cái (ví dụ “nhương”) thì cứ đọc to từng chữ cái (theo thứ tự) khi nào gặp nguyên âm thì gán cho nó một “vần” (dưới đây, tôi đặt “vần” trong ngoặc đơn), rồi đọc tiếp sang chữ cái liền kề. Chữ “nhương” (gồm 6 chữ cái) đánh vần như sau (các bạn thử đọc to lên): En – hát – ư (như) – ơ (nhơ) – en – giê – nhương. Khá trúc trắc, chướng ta; nhưng cũng… xong!

Kiểu đánh vần này bất chấp quy tắc ngữ âm Việt, lại còn bắt học sinh học thuộc tất cả các chữ cái và các vần (nhạt nhẽo, khô khan, chán mớ đời)… rồi mới bước vào ghép chữ và “đánh vần”. Đủ thứ bất cập. Do vậy, một cách đánh vần “mới về chất” đã thay thế nó. Rất thuận tiện. Ấy thế mà vẫn lác đác vẫn có những chê bai. Cái cũ đã ngấm sâu, lại ngấm từ thời thơ ấu, quả là bịn rịn, dù nhiều vô lý nhưng vẫn không dễ chia tay.

Cách đánh vần thứ hai và thứ ba

– Cha tôi (thầy giáo) tham gia Hội Truyền Bá Quốc Ngữ – có mục tiêu là xóa mù chữ cho người lớn. Năm 1942 tôi được vài lần xem cha dạy lớp buổi tối. Cách đánh vần ở lớp này khác hẳn cái cách tôi được học 2 năm trước. Chả là, cụ Hoàng Xuân Hãn đổi tên gọi của các chữ cái (do vậy phù hợp quy tắc ngữ âm của người Việt), lại thay cả cách ghép vần. Cách đánh vần này chỉ lưu hành ở các lớp buổi tối, dạy người lớn, mà không tạo được ảnh hưởng gì tới cách chính thống (dạy trong trường). Xin không nói dài.

– Tới 1945, vẫn cụ Hoàng Xuân Hãn – nhưng lúc ấy đã là bộ trưởng Giáo Dục trong chính phủ Trần Trọng Kim – đưa ra cách đánh vần rất thích hợp để dạy người lớn. Do vậy, trẻ em càng dễ học. Thực chất, đây là cụ hoàn thiện toàn diện cách 2 (của chính cụ). Bảng chữ cái đọc bằng “a – bờ – cờ…”. Chữ “c” ghép với “a” khi đánh vần đọc là “cờ – a” thành tiếng “ca”, rất phù hợp quy tắc ngữ âm. Chữ “n” ghép với chữ “h” được coi là “phụ âm ghép” – nghĩa là 2 chữ này dính tịt với nhau, do vậy phải có tên riêng cho nó (đọc là “nhờ”) – khi đánh vần không được (phép) đọc rời mỗi chữ… Cái mới nữa, là không cần học hết các chữ cái mới bước vào “đánh vần”, mà đánh vần ngay từ bài đầu tiên – tạo hứng thú cho người học.

Bài đầu tiên chỉ gồm hai chữ cái, trong đó có một nguyên âm (chữ “i”) và một phụ âm (chữ “t”). Nhận xong mặt chữ (nhanh lắm) là đánh vần luôn: Tờ – i – ti. Rồi tập viết 2 chữ này. Đây là hai chữ có hình rất giống nhau giúp cho người học gặp thuận lợi khi viết.

Một số câu thơ lục bát hỗ trợ việc học của đồng bào:

– I, tờ giống móc cả hai

I ngắn có chấm, tờ dài có ngang

– E, ê, lờ cũng một loài

Ê có thêm mũ, lờ dài thân hơn

– O tròn như quả trứng gà

Ô là thêm mũ, ơ là thêm râu

– O, a hai chữ khác nhau

Vì a có cái móc câu bên mình

Nay, thành ngữ “trình độ i tờ”, “bài học i tờ” đã vững chân trong tiếng Việt để mãi mãi ghi dấu ấn và công lao Hoàng Xuân Hãn. Vậy, liệu cách đánh vần Hoàng Xuân Hãn có vĩnh viễn không? Dù kính phục Cụ đến đâu, chúng vẫn phải nói “không” – để khỏi thành mê tín.

Sau đó ít tháng, Việt Minh đánh đổ chính phủ Trần Trọng Kim (Lịch Sử của ta ghi rõ: Đây là chính phủ “tay sai, bán nước”). Nhưng bất chấp, cách đánh vần Hoàng Xuân Hãn vẫn cứ được bệ vào các lớp Bình Dân Học Vụ. Bất chấp sai lập trường. Bất chấp trái ý thức hệ. Đó là thời Bộ trưởng Vũ Đình Hòe.

Sau đó 1-2 năm, cách đánh vần “bình dân” này xông thẳng vào các trường tiểu học chính quy. Các thầy (dù đã quá quen cách đánh vần “cổ lỗ” – và nhiều thầy công khai chê bai cách mới, coi nó là “lạ lẫm”, “thấp kém”) vẫn cứ phải học lại để sử dụng nó trong chương trình chính quy. Nếu không muốn, các thầy cứ việc bỏ biên chế, bỏ lương. Đó là thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Cách đánh vần này tồn tại từ 1945 tới nay (2018, và lâu hơn nữa) trải 3-4 thế hệ, với nhiều cải tiến rất đáng ghi nhận.

Tại sao thành công suôn sẻ?

Cuộc đổi mới nào cũng gặp lực cản, không nhiều thì ít. Sự thành công nhanh chóng khi cách đánh vần hiện nay (cách 3) thay hẳn cách trước đó trong thời gian ngắn kỷ lục… là do có đủ 3 điều kiện. Trước hết, phải có những nhân vật sớm nhận ra bản chất Đổi Mới trong cách đánh vần mới. Và kết quả khi áp dụng vào thực tiễn phải đưa lại hiệu quả khác hẳn trước và “đong, đếm được”. Một kỷ lục đăng báo thời 1946: Cụ bà mù chữ từ nhỏ nhờ cách đánh vần này đã “đọc được, viết được” sau 1 tháng (thay vì 3 tháng). Thứ hai (hồng phúc cho dân), người có tầm nhìn được giao quyền lực (Bộ trưởng) và đủ dũng cảm để chịu trách nhiệm. Đó là Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe và Nguyễn Văn Huyên. Thứ ba, lãnh tụ sáng suốt. Cụ Hồ phát động phong trào xóa nạn mù chữ – coi cái “dốt” là giặc – nguy hiểm ngang với giặc ngoại xâm. Nếu thiếu điều kiện (như hiện nay), cái mới vẫn cứ thay cái cũ (quy luật), nhưng rất chật vật và rất tốn thời gian (60 năm – bằng một kiếp người).

Ảnh hưởng

Trẻ sinh năm 1939 sẽ đủ 6 tuổi để năm 1945 học cách đánh vần “i tờ”. Nếu nay còn sống, họ đã là những cụ già 79 tuổi (lớp U80). Do lúc học, họ quá ít tuổi, họ không biết rằng đang được học cách đánh vần “mới và lạ” so với những cách trước đó. Đến nay, cách này đã tồn tại 73 năm, đã thành “cũ”. Như vậy, khoảng 97% số dân đang sống đã thụ hưởng cách đánh vần này ngay từ đầu đời. Từ tâm thức, rất có thể họ có phản xạ chống lại cách đánh vần mới, nhưng “lạ”.

Có cái gì đó tương tự thời xưa. Đó là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong 100 người biết chữ thì 97 người chỉ biết chữ Hán – tỷ lệ cũng 97%. Phần lớn họ coi Quốc Ngữ là ngoại lai, gắn với ý thức hệ thực dân… Số người nhìn ra Quốc Ngữ sẽ có tương lai tươi sáng và là công cụ hữu hiệu để nâng cao dân trí… chỉ là số lác đác. Do vậy, tên tuổi họ mới sống mãi cùng Đông Kinh Nghĩa Thục. “Nước nam ta sau này hay hay dở là ở chữ Quốc Ngữ” (Nguyễn Văn Vĩnh).

Tất nhiên, thời xưa, theo thời gian số người biết chữ Quốc Ngữ cứ tăng lên, giúp cho xu thế loại bỏ chữ Hán thêm mạnh. Thì cũng như thời nay, số người thụ hưởng cách đánh vần 4 cũng đang tăng lên. Tốc độ tăng chưa đủ nhanh khiến dự đoán 60 năm – không nhiều thì ít – là có cơ sở. Ai dám mơ Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu tái sinh, Nguyễn Thị Bình tái nhiệm?

Cách thứ 4: Đã hết giai đoạn thực nghiệm từ 1986

– Chính xác, phải gọi là “Cách dạy tiếng Việt cho lớp 1 tiểu học” – trong đó, có cách dạy đánh vần. Nó do Hồ Ngọc Đại sáng tạo, Phạm Toàn tiếp tục hoàn thiện. Mỗi vị được trao một giải Phan Châu Trinh là do những cống hiến riêng của mình.

– Sòng phẳng, phải nói rằng: Công trình này đã kết thúc giai đoạn thực nghiệm vào năm 1986, là năm nó được phép vượt khỏi bốn bức tường Trường Thực Nghiệm, để được quyền vận hành song song với cách dạy truyền thống – trong phạm vi cả nước. Do vậy, 1986 xứng đáng là một mốc trong Lịch Sử trường Thực Nghiệm.

– Từ 1986 trở về trước, cách đánh vần này đã trải 8 năm “dạy thử”. Đã có 8 đợt dạy cho hàng ngàn học sinh lớp 1. Ra trường (khi học hết cấp I và II) những học sinh này không thua kém (về tiếng Việt) so với học sinh cả nước. Chưa kể những gì vượt trội.

– Từ 1986 trở đi, nó được phép chính thức áp dụng trong hệ cấp 1 cả nước. Và sau 32 năm – tới năm học này (2018-2019) – nó dạy cho 800 ngàn học sinh lớp 1 (trong tổng số 2 triệu). Sòng phẳng đi! Xin hãy nói rằng: Nó đã song song tồn tại và đang cạnh tranh lành mạnh với cách đánh vần hiện hành. Cản nó, dù bằng cách nào và để làm gì, cũng rất không đẹp.

– Xin sòng phẳng tiếp. Vì sao công trình này (đã vượt 4 bức tường của Trường Thực Nghiệm) mà vẫn mang tên “thực nghiệm”? Khi đã có nhiều triệu học sinh được thụ hưởng và tất cả đều đạt mọi mục tiêu về môn Tiếng Việt, mà vẫn bị coi là “chuột bạch”? Trên đời này có tác giả nào muốn công trình của mình cứ “thực nghiệm” suốt 40 năm?. Vậy tại sao tác giả công trình này phải cam tâm, nhẫn nhục chịu đựng như vậy?.

Phải có câu trả lời chính xác, công bằng và sòng phẳng! Và mỗi chúng ta đều có quyền hỏi, quyền trả lời. Nhưng trách nhiệm trả lời thì không phải nơi chúng ta.

GS Hồ Ngọc Đại đã nói rõ nguồn cơn trong diễn từ đọc tại buổi lễ phát giải Văn Hóa mang tên Phan Châu Trinh do thành quả nghiên cứu Công Nghệ Giáo dục của ông. Chúng ta có thể tham khảo để đồng cảm.

Việc lẽ ra Bộ Giáo Dục phải làm ngay từ năm 1986

Có hai việc đáng ghi lại dấu ấn.

– Người cho phép lập Trường Thực Nghiệm: bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1978).

– Người cho phép công trình Dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của Hồ Ngọc Đại “được áp dụng trên diện rộng” là Bộ trưởng Phạm Minh Hạc (1986).

Việc lẽ ra Bộ Giáo Dục phải làm ngay năm 1986 là thực hiện một công trình nghiên cứu (cỡ Quốc Gia) trên thực địa đủ rộng để đánh giá toàn diện (ưu và khuyết) của phương pháp Hồ Ngọc Đại. Bởi lẽ, công trình này mới chỉ được coi là “tốt” với học sinh trường Thực Nghiệm, mà đây là trường có chọn nguồn tuyển sinh. Do vậy, nay phải đánh giá trên các đối tượng không chọn lựa, với số lượng đủ tin cậy và đại diện. Phải có nhóm chứng đủ lớn: Đó là những học sinh được dạy Tiếng Việt theo phương pháp hiện hành. Dù mục đích là gì, kết quả thu được đương nhiên có sự so sánh với kết quả ở nhóm chứng.

Suốt từ 1986 tới nay, không có một công trình nào tương tự như vậy.

Phản biện và đánh giá: Theo tiêu chuẩn nào?

– Cách dạy tiếng Việt của Hồ Ngọc Đại khác với cách dạy hiện hành cả về nguyên lý, quy tắc và thực hành. Điều này không khu trú trong đánh vần (vài tháng) trong dạy tiếng Việt (vài năm), mà trong toàn bộ chương trình 12 năm của bậc phổ thông.

Khi so sánh hai phương pháp có cùng chức năng, ta không thể coi phương pháp A (cái đang dùng phổ biến) là “chuẩn”, để xem xét phương pháp B (cái ứng cử), coi thử nó có “chuẩn” hay không. Nếu vậy, B luôn luôn sẽ bị coi là “lệch chuẩn” (cần loại bỏ).

– Cùng có chức năng làm quay cái bánh xe, nếu coi máy hơi nước (thế kỷ trước, dùng rất phổ biến) là “chuẩn” thì máy nổ (thế kỷ sau) sẽ thành chưa đạt “chuẩn”. Cách đánh giá hai phương pháp đánh vần cũng phải như vậy – dù chúng có chung chức năng đưa người học tới chỗ đọc thông, viết thạo. Nói khác, không thể lấy cách đánh vần truyền thống (đang dùng phổ biến) làm “chuẩn” để đánh giá cách của Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn.

– Dạy học (và khám bệnh) nếu còn ít nhiều phụ thuộc vào tài năng bẩm sinh của cá nhân ông thầy sẽ cho kết quả không đồng đều giữa các thầy. Trước đây, thầy thuốc giỏi được khen là “mát tay” và không phải người bệnh nào cũng may mắn gặp được. Do vậy, công nghệ hóa giáo dục là tất nhiên, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Với thầy, nó đảm bảo rằng: Hễ ông thầy được huấn luyện thì đều dạy được với kết quả tương tự nhau (không cần “mát tay”). Với người học, hễ đã được đi học thì đều học được; kết quả học tập đồng đều, bất cần xếp hạng (bằng cho điểm), bất cần “dạy thêm, học thêm”… Đã là công nghệ dạy tiếng Việt, thì người học ở miền núi hay miền suôi đều đưa lại kết quả mong muốn ở môn này. Có lẽ, người ngoại đạo nói vậy tạm đủ về Công Nghiệp Giáo Dục.

– Ngoài việc công bố và áp dụng Công Nghệ Giáo Dục vào thực tiễn, Hồ Ngọc Đại (và Phạm Toàn) đã xuất bản nhiều sách lý luận (từ nền tảng Triết, Sử, cũng như Tâm Lý Học) làm cơ sở cho Công Nghệ Giáo Dục. Do vậy, từ khá sớm đã có nhiều bài phản biện. Năm 2012 có cả “loạt” bài như vậy. Nếu (tạm) coi Công Nghệ Giáo Dục là cái máy sản xuất… thì các bài loại này được ví như những ý kiến nhận xét (khen, chê) vào cấu trúc của máy, thậm chí đi vào tận từng chi tiết nhỏ của máy. Đọc chúng, có thể nhận xét ngay rằng nhiều quý vị đã dùng nguyên lý và cấu trúc của loại máy thuộc thế hệ cũ để phê phán loại máy thuộc thế hệ sau (máy hơi nước so với máy nổ; máy nổ so với máy điện toán).

Lẽ ra, chuyện bàn về nguyên lý và quan điểm đã có thể cho “qua” (không ai chịu ai) đợi thời gian phân xử tiếp. Đã đến lúc cần đánh giá cỗ máy thông qua năng suất và chất lượng của sản phẩm của nó. Nghĩa là phải tiến hành một nghiên cứu trên thực tế, trên các học sinh được dạy bằng 2 phương pháp. Lẽ ra, phải thực hiện ngay từ khi Công Nghệ dạy tiếng Việt được áp dụng trên diện rộng. Đó là thời điểm 1986 (đã nói ở trên). Nếu (giả sử) tới năm 2000 có được kết quả nghiên cứu thì… năm ấy sẽ không thể có cơ hội cho cái luật “một chương trình, một bộ sách”. Và 20 năm sau (2018) sẽ không ai dám nói rằng phương pháp Hồ Ngọc Đại “không thích hợp với trẻ 6 tuổi”. Thực tế, vẫn có cái luật phải sửa. Vẫn có người nói câu trên.

Thẩm định theo điều kiện và tiêu chuẩn nào?

Sau gần 20 năm sau đeo tiếng “thí điểm”, đến 2018 phương pháp dạy tiếng Việt theo Công Nghệ Giáo Dục được đem ra thẩm định để giảm bớt cái tội “lách luật”. Quả thật, nó buộc phải “lách” một cái luật sai (nay đã phải sửa). Do vậy, kết luận của Hội Đồng thẩm định có thể đoán trước. Đây là một Hội Đồng sinh ra để giải quyết một tình thế vừa mới phát sinh

Rất đáng tự hào, chúng ta có thừa các nhân sự có bằng cấp chuyên ngành để lập nhiều Hội Đồng thẩm định – kể cả cấp quốc gia. Đó mới chỉ là tiêu chuẩn “cần” – tiêu chuẩn đầu tiên phải có. Nhưng những tiêu chuẩn “đủ” mới quan trọng. Bởi vì, khi đánh giá phương pháp thí điểm (ưu gì, hay khuyết gì) đều đương nhiên so sánh với phương pháp chính thống (hợp pháp, đang được sử dụng) – dù muốn hay không. Vậy, ủy viên Hội Đồng phải là người chưa thụ hưởng phương pháp chính thống – để khỏi lấy nó làm chuẩn để phán xét phương pháp mới (Khốn nỗi, thế hệ U80 lấy đâu ra người như vậy?). Nếu không chọn được ai, thì đành chọn người nào từng nhìn ra những nhược điểm của phương pháp cũ (xét lý lịch khoa học, cũng chưa có ai, trừ Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn). Một điều kiện “đủ” nữa, là mỗi ủy viên phải có trong tay những kết quả cụ thể, từ những điều tra thực địa… trước khi ngồi “phán” thuần về lý lẽ trong Hội Đồng. Các vị cũng không có nốt. Số liệu đó, lẽ ra đã có, có đủ – nếu Bộ GD tiến hành một nghiên cứu từ 1986 (đã nói trên). Khốn nỗi, nếu (lại nếu) đã có những số liệu tin cậy, thì nay sẽ ra sao? Thì… sẽ chẳng cần Hội Đồng thẩm định nào nữa (vì cuộc sống đã thẩm định rồi). Thì sẽ không có cái luật phải sửa. Thì chương trình đã khác, sách giáo cũng khác, cách đánh vần từ “lạ” đã rất sớm trở thành “quen”…

Kinh nghiệm gây “phong trào”

Dạy Tiếng Việt lớp 1 có nhiều cách. Cách nào cũng bắt đầu bằng học chữ cái để đánh vần. Thực tế, lớp 1 thời trước 1945 phải học toàn bộ bảng chữ cái (gồm 23 chữ ghi nguyên âm và 27 chữ ghi phụ âm). Đã vậy, lại đọc là a – bê – xê… Chán ngấy; nhưng may, tuổi lên sáu vẫn cố nhớ được, dù bị đánh dăm lần bằng thước kẻ hoặc roi. Cách 2 và 3 của Hoàng Xuân Hãn cũng bắt đầu bằng học chữ cái, nhưng không học toàn bộ, mà học dần dần. Và học đến đâu, tập đánh vần ngay đến đấy. Ba hoặc bốn thế hệ (73 năm), tới nay cứ nối nhau mà học theo cách này – kể cả các vị đã ngồi trong Hội Đồng thẩm đinh (U70). Nhưng cách thứ tư, lại học “âm” trước, học “chữ” sau – với quan niệm “chữ”, chẳng qua là phương tiện ghi lại âm mà thôi. Âm là “vật thật”; còn “chữ” (chẳng qua) là “vật thay thế”. Với lại, trẻ 6 tuổi đã biết giao tiếp bằng lời nói và biết đếm đến 10 hoặc 20. Dạy “âm” trước là phù hợp. Chữ cái và ghép vần sẽ học ngay sau đó – khi đã được chuẩn bị về “âm”. Té ra, thực tiễn cho thấy: vô số thuận lợi.

Hàng triệu đứa trẻ 6 tuổi, suốt 40 năm qua đã học theo cách này, tiếp thu không những dễ dàng, mà còn rất thích thú, rất háo hức tới lớp (mỗi ngày đi học là một ngày vui). Chúng nó (có “đứa” nay đã 45 tuổi) bất cần ai tỏ lòng thương vay, khóc mướn “sao các cháu chịu thân phận chuột bạch điểm lâu đến thế; thương quá”… Có “đứa” ngồi ngay trong Quốc Hội, ắt nghe rõ người ta thương xót mình.

Bài đầu, lũ trẻ được học một câu gồm nhiều “tiếng”. Ví dụ câu thơ “Trong đầm gì đẹp bằng sen…“. Dễ ợt! Loáng sau, chúng có thể đọc vanh vách cả hai câu lục bát này; đọc từng đứa một, hoặc đọc đồng thanh. Chưa cần chúng nó hiểu nghĩa (có người phản đối cách dạy “chân không về nghĩa”). Bỗng cô giáo hỏi: Câu đầu có mấy tiếng? Chúng ngớ ra. Phải đếm. Chúng dùng ngón tay (đốt ngón tay) để đếm. Cũng xong. Thay ngón tay bằng viên sỏi (nếu có sẵn). Cũng được. Thay sỏi bằng que tăm. Cũng tốt… Nhưng để ghi vào sách thì phải dùng hình: Vuông, tròn, tam giác. Hàng trên có 6 hình: Các cháu nhận ra: đó là hai cụm ba. Hàng dưới là hai cụm bốn. Các cháu cứ chỉ vào thứ tự các hình mà đọc từng tiếng. Các tiếng bình đẳng, như nhau, miễn là “đó là tiếng”. Cứ thế đã. Các hình này chưa phải chữ. Công dụng của nó là để đếm. Mỗi tiếng (vật thật, nhưng không thể tóm giữ được) đã được thay thế bằng một hình.

Bài tiếp: Các cháu phải nhận ra những tiếng giống nhau (hoặc khác nhau) về âm thanh – gọi là “vần”. Trong câu thơ trên, có hai tiếng cùng một vần (đó là “sen” và “chen”). Bài tập: Các cháu hãy đổi mầu những tiếng nào cùng một vần… trong bài đồng dao: Nhong nhong ngựa ông đã về; cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn. Rất nhiều tiếng có “vần” giống nhau. Lớp học sôi động, ồn ào hẳn lên…

* * *

Muốn tạo một phong trào, chỉ cần hô hoán thật to (đại khái): Phương pháp Hồ Ngọc Đại coi hình vuông, tròn, tam giác là chữ. Đánh vần kiểu gì mà quái dị?

Lập tức, nổi phong trào. Như ta thấy.

* * *

Tôi xin đưa ra một “ranh ngôn” – xin mọi người lên mạng tìm giúp xuất xứ. Nếu không ai thèm nhận là tác giả, tôi đành nhận (để khỏi mang tiếng bịa danh ngôn).

Văn hóa trong tranh luận là… chỉ đối đáp sau khi đã hiểu thấu đáo lập luận của người đối thoại.

Nguyễn Ngọc Lanh

Comments are closed.