Đọc Linh nghiệm

Lê Học Lãnh Vân

imageLúc ấy, khoảng năm sáu ngày sau khi Linh nghiệm xuất hiện trên báo Văn nghệ, tôi được đọc truyện ngắn ấy tại Vancouver do một người bạn cầm tay từ Sài Gòn…

Cảm nhận đầu tiên là thích thú. Một vật gì đó được đi tìm, dù người tìm chưa biết là vật gì nhưng số đông vẫn đi theo! Tôi tin rằng đa số người theo dõi thời sự và quan sát thời cuộc hiểu ngay thông điệp truyện ngắn muốn truyền tải. Họ dễ hiểu nhân vật Hinh trong Linh nghiệm tượng trưng cho ai, vật mà nhân vật đó tìm kiếm tượng trưng cho cái gì, và đám đông đi sau tượng trưng cho đám đông nào…

Cảm giác thứ hai là khâm phục tác giả. Năng lực khái quát cao cùng lòng dũng cảm thực đáng ngưỡng mộ! Xin đặt mình trong môi trường chuyên chính và toàn trị của xã hội những năm đầu thập niên 1990 để hiểu lòng khâm phục của người viết bài này!

Cảm nhận thứ ba là hy vọng vào viễn cảnh một xã hội Việt Nam cởi mở. Dù đã qua cơ hội nương theo đà ngả về thế giới tự do như các nước Đông Âu, xã hội Việt Nam vẫn có thể chọn cách cởi mở tiệm tiến có lẽ phù hợp với đặc tính và hoàn cảnh quốc gia lúc đó. Thực lòng, cảm nhận này giúp tôi hưng phấn hơn khi quyết định trở về sống với đại gia đình và lập nghiệp tại Việt Nam một năm sau đó…

Cùng với những cảm nhận trên, tôi không đồng ý với Linh nghiệm trong một phần quan trọng. Nhân vật chính cùng đám đông trong truyện đang đi tìm một vật nào đó, vật đó có thể còn mơ hồ nhưng rõ ràng quyến rũ được đám đông. Điều này chứng tỏ đám đông đang bị thôi thúc bởi một ước muốn chung. Nếu ngó về xã hội Việt Nam thời trước 1945, những kẻ hậu sinh thời nay có thể cảm thông ước muốn rộng rãi và mạnh mẽ của người dân thời đó là giành lại độc lập cho nước Việt, dân Việt. Do đó, trong đám đông đi theo nhân vật Hinh, không chỉ có “dân xích lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi” (Linh nghiệm), mà còn có rất nhiều thành phần thuộc giới trí thức, doanh nhân, quan lại, điền chủ… Tất cả, bỏ nhà, bỏ sự sản, sự nghiệp, tương lai, bỏ cả sinh mạng…

Không ai còn ai mất

Ai cũng chết mà thôi

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Lưu lại ngàn sau một giống nòi” (Hoàng Cầm)

Tất cả vì sự nghiệp Giải Phóng Dân Tộc khỏi sự đô hộ của Pháp…

Tất nhiên, ngày đó không phải toàn bộ dân tộc đồng ý “có súng cầm súng, có dao dùng dao” sống chết xông vào quân Pháp. Còn đó nhiều người tiêu biểu như Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Hoàng Xuân Hãn… chủ trương giành độc lập bằng nâng cao dân trí. Họ đã thấy trước viễn cảnh núi xương sông máu và quốc gia đắm chìm trong chậm tiến nếu người Việt xông vào chiến tranh.

Hôm nay, bảy mươi năm sau khi dân tộc đã lấy quyết định chiến tranh và năm mươi năm sau khi dân tộc giành độc lập hoàn toàn và bước vào hòa bình, thực tế đất nước hiện nay chia rẽ khủng khiếp và quốc gia chậm tiến rất đau lòng cho thấy cái giá phải trả là quá lớn. Điều đó khiến không ít người dân cho rằng con đường giành độc lập đã qua của Việt Nam chưa chắc là giải pháp tốt, còn có nhũng giải pháp khác! Tiếc là dân tộc đã không ủng hộ đường đi của các bậc minh triết…

Tuy nhiên, điều đó không phủ nhận tấm lòng hy sinh cho độc lập dân tộc, cho viễn cảnh Tổ quốc no ấm, hùng cường của thế hệ trước là rất cảm động!

Cho dù không đồng ý với Linh nghiệm ở phần đã phân tích như trên, tôi vẫn khâm phục tác giả Trần Huy Quang về năng lực khái quát cao cùng lòng dũng cảm. Tới giờ quốc gia vẫn chưa đưa ra được định nghĩa và cách đi thuyết phục về Con Đường Đi Lên Xã Hội Chủ Nghĩa, vẫn chưa ước lượng được, dù chỉ gần đúng, khi nào thì xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội thành công. Chỉ biết trên con đường ấy, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những cột mốc phát triển quan trọng luôn không đạt được, mức độ tham nhũng của quốc gia lớn khủng khiếp so với tổng GDP, mức độ suy thoái đạo đức trong văn hóa, giáo dục ở mức rất đau lòng, khoảng cách chậm tiến của Việt Nam ngày càng cách xa so với các quốc gia từng một thời ngang vai phải lứa…

Có bao giờ thành phần tinh hoa đất nước bỏ Việt Nam đi định cư vĩnh viễn xứ khác nhiều như thời này không?

Nhân vật chánh trong Linh nghiệm có tấm lòng thành mong mỏi tìm được “bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi”, cho dù “không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và từng bước một chậm rãi”. Chỉ cần viết được điều này, Trần Huy Quang xứng đáng được khâm phục. Ông cất lên một tiếng kêu trung thực, đánh động nhiều người nhìn lại, suy nghĩ về quãng đường dân tộc đã đi để sáng suốt hơn trên bước đường tương lai.

Biết có người đồng ý, có người phản đối Linh nghiệm, bài viết này cho rằng sự nêu lên suy nghĩ đa chiều, sự cọ xát những quan điểm ngược nhau thúc đẩy tinh thần phản biện và thảo luận đa chiều trong xã hội. Điều này giúp nâng cao dân trí, thúc đẩy sự trưởng thành khiến người dân nhanh chóng ra khỏi tình trạng “vẫn trẻ con”. Có phải sự đơn nguyên học thuật khiến dân tộc đã chọn những giải pháp quá cực đoan, không chừa đường lui, không chừa đường thích nghi với các bước tiến về hướng văn minh nhân loại?

Cho nên, tôi hoan nghênh tác giả Trần Huy Quang vì truyện ngắn Linh nghiệm, ông không sợ ngược chiều chính thống, đánh thẳng vào quan điểm chung của xã hội, khuấy động các suy nghĩ mới, các suy nghĩ ra ngoài lề thói thông thường…

Mong sao xã hội ngày càng xuất hiện các tác giả và bài viết trong tinh thần đó!

Ngày 20 tháng 12 năm 2022

Comments are closed.