Phát biểu của Ban xét giải Thơ Văn Việt lần thứ hai

Năm 2016 Văn Việt đã có nhiều thơ hay, sự chọn lọc lên danh sách rút từ số lượng thơ hay này có những khó khăn nhất định của nó, nhất là đặt trong tương quan so sánh các tác giả và tác phẩm với nhau. Sau khi các thành viên trong Ban đề xuất, tổng hợp lại danh sách đề cử xét giải có sáu tác giả:

1. Như Quỳnh de Prelle (chùm thơ)

2. Vũ Thành Sơn (chùm thơ)

3. Nguyễn Lãm Thắng (chùm thơ)

4. Pháp Hoan (chùm thơ)

5. Ngu Yên (chùm thơ)

6. Nguyễn Man Nhiên (chùm thơ)

Những tiêu chuẩn để Ban chú trọng khi xét giải là:

1. Sự mới lạ, tính kỳ thú trong ngôn ngữ của những bài thơ

2. Sự phát hiện những ý nghĩa, hình tượng mới có sức chinh phục

3. Sự khai phá và sáng tạo

4. Sự già dặn của cấu trúc thơ

5. Sự mời gọi, thách thức của thơ

Các thành viên Ban đã đọc và bỏ phiếu cho từng tác giả. Kết quả hai tác giả Ngu Yên và Vũ Thành Sơn có số phiếu cao bằng nhau (4/5) trở thành những nhà thơ được giải thưởng thơ Văn Việt năm 2016.

1. Ngu Yên

(“Đoạn Kết Đời Người”, “Trích Tiểu Luận Về Nó”, chùm thơ “Độc Quạnh”)

Thơ Ngu Yên mang một ngôn ngữ riêng, sử dụng một tổng hợp đa dạng gồm khẩu ngữ dân dã, những luận vấn trí thức, ca dao, tích cổ, giai thoại, ngụ ngôn. Thơ vừa soi rọi vào lịch sử, triết lý, vừa gần gụi, la cà chuyện trò với bạn đọc về thế giới cận kề sát bên. Đọc thơ ông thích ở sự biến hóa và biến thái của ngôn ngữ làm cho thơ thành thông tuệ và bình dị, rắc rối và đơn giản. Những lời nói, từ ngữ bình thường vào thơ ông trở nên mới mẻ, phát nghĩa khác. Tập Độc quạnh của ông là một sự thử nghiệm đã có được độ nhuần nhuyễn của lời và ý, cái nói và cách nói. Ông đã khiến thơ vượt ra ngoài khuôn khổ khái niệm thơ thông thường, thơ như một cách trò chuyện luận lý, nhưng không ai chối bỏ đó là thơ.

Thơ ông vừa ca ngợi vừa phê phán những sự kiện, tình huống ta bắt gặp trong cuộc sống thường nhật: cái-đời-thường. Ý tưởng trong thơ mới mẻ, chứng tỏ cái đi, cái thấy, sử dụng một cặp mắt quan sát sắc sảo. Thơ không cao đạo, không phán quan. Lối sử dụng khẩu ngữ mời gọi mở rộng, nhưng ý tưởng, cách nói, khiến người đọc không thể dễ dãi lướt qua. Đúng ra thơ ông quấy rầy, đặt vấn đề, lối đặt vấn đề thông tuệ và trào lộng. Cách nói thơ của ông: ta có thể đọc âm thầm, ta có thể nói, hát, như Rap, một phong cách thơ tới gần với tai nghe, mang nhịp điệu, âm thanh, sức luyến láy, âm sắc của lối hát-thơ (reciting, chanting) qua câu chữ tươi mới. Một lối thơ mới, độc đáo, xúc tích, giàu có, đóng góp cho thơ Việt đương đại.

Thơ Ngu Yên trước nay vẫn mạnh ở tính thể nghiệm, với loạt bài trên Văn Việt (trích tập Độc quạnh) cho thấy tác giả đã thể hiện một bản lĩnh thơ: tự tin, quyết liệt, giàu có. Tập thơ pha trộn nhiều yếu tố, thể loại, và nhiều lĩnh vực khác nhau. Đề tài phong phú, thủ pháp đa dạng. Cấu trúc chặt chẽ. Hấp dẫn độc giả ở sự mới lạ, bình dị. Với Độc quạnhthơ Ngu Yên đã đạt đến độ chín của thể nghiệm

2. Vũ Thành Sơn

(Hai chùm “Thơ Vũ Thành Sơn”)

Thơ Vũ Thành Sơn gần với các nhà thơ ảnh tượng (Imagist), những thi ảnh trong thơ anh có sức ám ảnh, chúng vừa mô tả đời sống chung quanh, vừa lật ngược những hiện tượng này để người đọc thấy những sắc độ lạnh lẽo, những độ đổ bóng, những đổ vỡ, và chính ở sự sắp xếp (montage) thường khi lạnh lẽo, mang tính tối giản này làm nên một sắc thái riêng của thơ anh.

Vũ Thành Sơn sử dụng những dạng thơ, và những thủ pháp khác nhau. Sự đa dạng này cho thấy những tư duy và những nghiền ngẫm, khai phá. Qua những bài thơ ngắn, cô đọng, ví dụ như “Những giấc mơ của tôi”, “1001 cách biến mất”, hay qua thơ văn xuôi, như “Vladimir Nabokov”, tính truyện đều có mặt ở dạng tinh lọc; các thủ pháp sử dụng, như lối sắp xếp diễn trình của hình ảnh, có tính hiệu quả cao, để lại độ ám ảnh tối hậu ở người đọc.

Những bài thơ giữ một khoảng cách vừa phải, để không biến cảm xúc thành chỗ lâm lụy, chúng cắt bỏ màu sắc, cắt bỏ cái tôi tình cảm, cắt bỏ cả độ du dương của ngôn từ. Đây là một lối nói lạnh, nhưng đặc sắc riêng, còn sẽ đi xa, mở ra những phong cảnh thơ mới.

Từ tập 40km/h đến tập Ba cái lẻ tẻ thơ ông ngày càng tinh lọc và tinh khiết trong câu chữ, hình ảnh. Ông viết thơ kỳ khu nhưng giản dị, những câu thơ, bài thơ dường như trung tính khỏi cảm xúc để dành phần cho người đọc suy ngẫm bên ngoài và bên trong qua những hình ảnh được lựa chọn và kết nối theo một mạch ngầm của riêng tác giả. Đọc ông thấy thơ là một cách nhìn thản nhiên và làm thơ là chọn một cách nhìn không thản nhiên.

Vũ Thành Sơn chưa bao giờ phát biểu hoặc thể hiện quan điểm của mình về thơ một cách cụ thể, nhưng qua những bài thơ được công bố một cách chính thức, ta thấy vấn đề của thơ Vũ Thành Sơn cũng là vấn đề muôn thưở của thơ: đó là cách viết, là phương pháp viết.

Vũ Thành Sơn đến với thơ một cách từ tốn, kĩ lưỡng. Và có lẽ, nếu chúng ta cũng đọc thơ ông như cách ông đến với thơ thì sẽ thấy đây là một nhà thơ tinh tế với một lối viết riêng, không rườm rà hoa mĩ, một người chơi biết làm chủ kỹ thuật và cảm xúc của mình.

Kỹ năng thực hành điêu luyện, tư duy thơ mới mẻ, cộng với việc sử dụng hình ảnh một cách chắt lọc, ấn tượng, và một ngôn ngữ trong sáng, giản dị… có thể nói thơ Vũ Thành Sơn đã vượt lên các chủ nghĩa, trường phái để trở thành những bài thơ đúng nghĩa, thật hoàn chỉnh, và đôi khi hoàn hảo.

Xin chúc mừng hai nhà thơ Ngu Yên và Vũ Thành Sơn đã được giải Văn Việt 2016 về Thơ, Ban xét giải bày tỏ hy vọng thơ của các ông, cũng như thơ đăng trên Văn Việt và thơ Việt nói chung sẽ có thêm nhiều những cách tân, đột phá để thơ ngày càng phát triển hơn nữa.

Nguồn: http://vanviet.info/so-dac-biet/pht-bieu-cua-hoi-dong-giai-ve-giai-tho-van-viet-lan-thu-hai/

Comments are closed.