Thơ, cảm và hiểu

Hoàng Hưng

Lâu nay, luôn có hai luồng nghĩ về Thơ xem như đối lập: Thơ để Cảm/ Thơ để Hiểu.

Thực sự, có đối lập không?

Nhớ lại vài trải nghiệm bản thân quanh chuyện này.

Chuyện thứ nhất: Vào đầu thập niên 1970, báo Văn nghệ đăng bài của nhà thơ kiêm dịch giả thơ Đào Xuân Quý (một trong vài nhà thơ hiếm hoi ở miền Bắc biết cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh) viết về các nhà thơ trẻ Hải Phòng.

Ông trích hai câu thơ của bỉ nhân, kêu là tắc tị, không thể hiểu:

“Hoa nở giữa tiếng ve kim loại” trong bài Năm nay mùa hạ (tiếng ve thì dính gì với kim loại?)

“Một bờ sông tiễn đưa/ mà hy vọng cứ sa bồi thêm mãi” (hy vọng thì dính gì đến sa bồi?)

Câu thứ nhất, mình hiểu ngay tại sao ông – một người “uyên bác” về Thơ – lại không hiểu. Ông chuyên ngồi bàn giấy, có ra phố Hà Nội thì hồi ấy khá yên ả, vắng lặng, làm sao ông có nổi cảm giác của những người sống ở thành phố Cảng, suốt ngày nghe tiếng ve trộn với tiếng rít của sắt thép?

Còn câu thứ hai, tình cờ một hôm đến chơi Chế Lan Viên, ông mở sổ tay khoe: “Tớ luôn nhặt những câu thơ hay, chép vào đây”. Trong đó có câu “Một bờ sông… hy vọng sa bồi” của mình.

Thì ra, hiểu biết và trải nghiệm sống chưa chắc quan trọng bằng sức liên tưởng, tưởng tượng!

Chuyện thứ hai: Năm 1994, tập Người đi tìm mặt của mình ra đời, rộ lên sự công kích trên khắp “mặt trận báo chí” Nhà nước. Nhà nghiên cứu phê bình Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học, có liền một bài trên tạp chí Văn học.

Mở đầu, ông trích ngay đoạn đầu bài Đường phố và kêu: Không hiểu tác giả nói gì?

“Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay”.

Tuy nhiên ông có suy nghĩ khá cầu thị:

“Tưởng chừng loại thơ khó hiểu hoặc bí hiểm này là loại thơ ai cũng làm được. Bởi lẽ có cần gì nội dung, hình thức; cứ việc sắp xếp lộn xộn các từ theo một logích nào đó, hoặc không cần bất cứ logich gì cũng có thể ra “thơ”. Nhưng vấn đề có lẽ không còn hoàn toàn đơn giản như vậy. Bởi chính những tác giả làm thơ loại này lại là người có không hiếm những bài thơ bình thường, dễ hiểu; trong đó có những bài rất hay. Rõ ràng họ không phải là những người không có khả năng làm loại thơ bình thường, như mọi nhà thơ khác”. (Ông kể ra những bài thơ trong tù của mình trong tập ấy, và không tiếc lời khen).

Vậy thì tại sao một người có kiến văn và tấm lòng rộng như Phong Lê lại không hiểu nổi bài Đường phố? Tôi tin là chỉ vì ông không từng có trải nghiệm như tác giả, hay tất cả những ai đã sống ở Sài Gòn những năm 1975-1980, một thành phố hậu chiến đã biến thành cái chợ trời khổng lồ, hỗn loạn, dung tục, người sở tại thì chỉ chực ra đi, người mới đến thì ngơ ngác trước tàn dư của “phồn vinh giả tạo”…

Thuở ấy, tác giả sống trên đường phố nhiều hơn trong nhà hoặc cơ quan, kiếm sống bằng nghề chụp hình dạo và buôn bán phim giấy ảnh, máy ảnh… Loạt thơ Vụt hiện chính là ghi lại một cách trực cảm, những ấn tượng hình ảnh, âm thanh… hỗn loạn ám ảnh tâm trí mình, rất chi là “hiện thật” đấy chứ?

Tôi nhớ có lần tụ tập văn nghệ ở Thanh Đa, nhà anh Tuân Nguyễn, đủ nhân vật từ Bắc vào và Sài Gòn cũ, có cả Trần Đăng Khoa. Tôi đọc vài bài Vụt hiện. Sau nghe nói Khoa ra Hà Nội kể lại như một chuyện kinh dị!

Nhưng cũng có không ít người đồng cảm. Đặc biệt trong giới mỹ thuật. Hoạ sĩ Đào Minh Tri đọc đến đoạn “Đỉnh vú đi lừng lững/đèn đuốc cháy lưng trời/ Cười ngớ ngẩn sứt răng sâu thẳm” thì kêu lên: “Phải vẽ ngay một bức tranh!”. Nhất là nhà điêu khắc Nguyễn Hải, người nghệ sĩ bộc trực của đất Nam Bộ, ít học (un génie inculte) nhưng rất nhạy cảm. Cứ gặp tôi là ông đòi nghe Vụt hiện và nghe xong là cười sảng khoái. Có lần, tại Hội Mỹ thuật thành phố, gặp Nguyễn Khải, ông bắt nhà văn nghe Vụt hiện. Nghe xong, ông cười sảng khoái rồi dồn dập bắt nhà văn trả lời: “Ông thấy thế nào?”. Nguyễn Khải trầm ngâm: “Tôi cũng thấy cái gì đó. Nhưng lâu nay mình đã quen, chỉ nhìn những gì bày ra trên mặt bàn, có cảm thấy bên dưới có gì đó thì cũng ngại, không dám nhìn xuống”.

Vậy là: giữa cái “thấy, hiểu” trên bề mặt với cái “cảm” ở bề sâu có khác biệt!

Loạt Vụt hiện khi làm bản thảo chuẩn bị in ở tập Ngựa biển (1988), nhờ hoạ sĩ-nhà thơ-dịch giả Hoàng Ngọc Biên trình bày, mình ghi đề phụ là “Thơ thử nghiệm”. Anh Biên hỏi lại: “Ông không tin đó là thơ hay sao mà đề là thử nghiệm?”. Thế là mình bỏ chữ “thử nghiệm”. Hoá ra chính mình cũng mặc cảm, thiếu tự tin, vì thứ “thơ” này không giống thơ quen thuộc! Chấp nhận cái khác lạ, ngay cả của chính mình, quả không dễ!

(Tập này có lẽ là tập thơ bị “tổng công kích” dữ dội nhất của tập thể báo chí Nhà nước từ trước đến nay, đến cả tạp chí Cộng sản cũng tham chiến! Còn nhờ, trên báo Nhân dân có bài phê của một quan chức văn học, bẻ rằng: Dưới biển sao lại có Ngựa? Tư duy của tác giả đúng là tư duy của kẻ “chưa thành người”. Hi hi… Anh Hoàng Ngọc Biên đã bỏ công vẽ 40 con ngựa tung bờm trong sóng biển, để chọn lấy một làm bìa sách. Mới đây, qua thăm anh ở San Jose, thật xúc động thấy anh bày bức vẽ cuối cùng này rất trân trọng trên bàn làm việc!)

Rất lâu về sau, nhà thơ “cổ điển” Bùi Minh Quốc đã công khai “mượn” chữ của Hoàng Hưng khi viết “Thơ Vụt hiện trên bàn thẩm vấn”…

Năm 2008, trong tuyển thơ đương đại Việt Nam dịch ra tiếng Anh và xuất bản bên Mỹ (Black Dog, Black Night), nhà thơ-giáo sư Paul Hoover viết về Hoàng Hưng, nói thơ Vụt hiện có ảnh hưởng của Allen Ginsberg thế hệ Beat. Oan quá! Khi viết loạt thơ này (từ 1980 ở Sài Gòn đến 1985 trong tù) mình mới võ vẽ vài chữ tiếng Anh tự học, làm sao biết thơ Beat! Đến mãi năm 2004, làm tuyển 15 nhà thơ Mỹ TK XX, lãnh phần dịch Ginsberg, mới giật mình: bài Howl () thì đúng là “vụt hiện”!

“những kẻ bị thiêu sống trong bộ com-lê flannel hồn nhiên trên Đại lộ Madison giữa các luồng thơ bằng chì & loảng xoảng đổ lên thùng xe các trung đoàn thép thời trang & choe chóe nitroglycerin các nàng tiên quảng cáo & khí ga mù-tạc của các biên tập viên thông minh hung hiểm, hay là bị các xe taxi say xỉn của Thực tại Tuyệt đối húc ngã,

những kẻ nhảy khỏi cầu Brooklyn điều này thực đã xảy ra và bước đi không ai biết và bị quên phứt trong sự mê mụ ma mờ của các hẻm xúp phố Tàu & xe cứu hoả, thậm chí không một cốc bia miễn phí,

những kẻ hát tuyệt vọng bên cửa sổ, té ra ngoài cửa sổ tàu điện ngầm, nhảy xuống sông Passaic dơ bẩn, nhảy lên lưng người da đen, khóc trên khắp phố, khiêu vũ chân trần trên các ly rượu vỡ đập tan các đĩa hát buồn nhớ nhạc jazz Đức châu Âu thập kỷ 1930 uống cạn ly whiskey và mửa ra rên rỉ trong toilet chết tiệt, tiếng than van trong tai và tiếng còi hơi đồ sộ”

Vậy là có sự cảm nhận tương đồng của hai con người từ hai đất nước rất xa nhau, hai nền văn hoá rất khác biệt, nhưng sống trong bối cảnh xã hội có phần tương đồng, mang tâm trạng tương đồng, cảm nhận từ trải nghiệm sống thực trên đường phố của người trẻ ngây thơ mất hướng, hoang mang giữa đại đô thị xa lạ đầy cám dỗ lẫn hung hiểm!

Nhưng, từ chỗ “cảm” trong đời sống đến biểu đạt cái “cảm” ấy (về phía người viết) hoặc “cảm” được cái biểu đạt ấy (về phía người đọc) qua một hình thức nghệ thuật mới lạ lại là chuyện khác. Nghiệm từ bản thân, chắc không có Thơ Vụt hiện nếu không có cả một quá trình học từ triết học Nietzsche, tâm lý học Freud, Bergson đến mỹ học hiện đại; đọc thơ siêu thực, viết tự động (écriture automatique), kịch phi lý, truỵên Henri Miller, Faulkner, xem tranh siêu thực, trừu tượng, nghe nhạc Stravinsky, Sostakovitch!

Sau này, tôi đã rút ra “thi pháp” của Thơ Vụt hiện như sau:

“… tôi thấy được sự bất lực của lối thơ quen thuộc trong việc biểu đạt đời sống bề sâu, những rung cảm chưa rõ rệt, những tâm trạng đang sinh thành, những vật lộn sáng-tối trong lòng người. Thơ không thể trung thực nếu nó chỉ túm lấy cái kết quả đã hoàn tất của quá trình vận động ý thức – những tình cảm, tư tưởng minh thị, có định hướng, có mục đích, sau khi đã bị lý trí sàng lọc. Mở tung không gian hai chiều, mở ra chiều thứ ba của thị giác, chiều thứ tư – mộng giác, chiều thứ năm – ảo giác, chiều thứ sáu – linh giác, hội hoạ đã làm được với lập thể, siêu thực, trừu tượng, action – painting, vì sao thơ lại không làm được?

Vê mặt ngôn ngữ thơ, tôi hay bị ám ảnh bởi thứ ngôn ngữ xem như vô nghĩa nhưng lại đầy sức khơi gợi, từ câu thơ hài hước của Nguyễn Công Trứ: “Sông Nhị Hà sâu ba mươi sáu thước, chim ăn chim béo, cá không ăn được, cá bay về núi Hồng Sơn, nhớ thủa xưa vua Thần Nông giá vũ, vua Đế Thuấn canh vân, cung quăng củng quẳng chi cùng quằng, tổng bát ngoại (đạc bất ngoại) bò vàng chi liếm lá…”, những câu thần chú dân gian, đến những bài kinh Phật mà cố sức lắm cũng chỉ hiểu được lõm bõm.

Những băn khoăn về mỹ học ấy kỳ ngộ với tâm trạng hoang mang, phản ứng hai mặt vừa bị cám dỗ vừa kinh hoàng trước thực tại rối ren hỗn loạn vừa đầy sức sống vừa dung tục của đời sống đô thị Sài Gòn vào những năm 80 – 81, đã đưa tới loạt thơ bất thường mà tôi gọi là “thơ vụt hiện”. Ngôn ngữ thơ quen thuộc được thay bằng một kiểu tốc ký xen từ ngữ với ký hiệu, từ có nghĩa với con âm chưa có nghĩa, tạo thành tín hiệu trực tiếp của những xung động tâm hồn bộc phát. Những giây phút ấy đương nhiên là tích tụ của cả một thời gian trải nghiệm, đời người thường không có được nhiều lắm những thời điểm như thế”.

(1994, trích trong bài Những thể nghiệm thơ gần đây, báo Văn nghệ)

Thử đối chiếu với thi pháp mà Ginsberg đề nghị – tôi chỉ biết đến nó khi làm tập thơ Mỹ nói trên: “Làm thơ là viết lên giấy tất cả những gì đến trong đầu. Tất cả những gì đủ mạnh, đủ sống động để mình phải nhớ”.

Vậy là có sự khác biệt giữa thứ Thơ đã được Lý trí thanh lọc, sắp xếp như mặc định của thơ “truyền thống” – tức Thơ để Hiểu, Thơ Hiểu được – với thứ Thơ vọt ra từ tiềm thức, vô thức – Thơ chỉ có thể Cảm, chỉ cần Cảm. Nhưng thực ra có thể Hiểu được cái Cảm này, nếu mất công học để Hiểu nhiều thứ trước đã!

Nhớ lại, một số nhà thơ có tên tuổi như Nguyễn Trọng Tạo luôn chất vấn mình: “Thơ Đặng Đình Hưng mà gọi là Thơ?”. Bạn thơ rất thân Nguyễn Đỗ có lần chở mình trên xe hơi chạy xa lộ Cali, tranh cãi về thơ Lê Đạt – anh nhất định không chấp nhận – căng đến mức mình phải kêu lên: “Stop! Tôi xuống, không đi với cậu nữa!”

Đó đã là chuyện của mấy chục năm trước!

Vậy mà, từ đó đến nay, nghệ thuật, thơ ca thế giới đã biến chuyển ghê gớm thế nào, một chữ “hậu hiện đại” hay “đương đại” khó lòng bao quát! Và ảnh hưởng của nó vào Việt Nam ngày càng sâu rộng, với ít ra là hai thế hệ 7X và 9X tinh thông Anh ngữ, giao lưu quốc tế như đi chợ, không chỉ nhờ Internet.

Đã có cả một cuốn sách mang tựa đề Thế này mà là nghệ thuật ư? (But is it Art?) mà hoạ sĩ Như Huy đã dịch, thì đủ hiểu nhận thức về nghệ thuật trên thế giới đã biến đổi rất căn bản!

Thú thật, giờ đây xem các sản phẩm mỹ thuật – gọi cho đúng là “nghệ thuật thị giác” – của lớp trẻ, lắm lúc mình cũng “đơ” ra, đọc Thơ trẻ cũng không khỏi lắm lúc ngơ ngác, vì không còn đủ nhạy bén để Cảm lẫn không đủ kiến thức để Hiểu…

Cho nên thấy tự mừng cho mình khi đọc Nguyễn Hoàng Anh Thư, Phapxa Chan, Vũ Lập Nhật… mà còn rung động được! Nhưng dù muốn dù không, cũng phải chấp nhận: đã qua rồi, thời của mình! Tương lai Thơ Việt Nam thuộc về các bạn và những người trẻ hơn!

3/2019

Comments are closed.