Cà phê với Giáng Vân và Tôm – Huệ An

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

 

Rất ít dịp để tôi gặp gỡ và trò chuyện với Giáng Vân nhiều như buổi sáng quý giá đó.

Cách nhau gần hai ngàn cây số, tôi quý Giáng Vân cả con người lẫn văn chương nhưng chỉ để trong lòng. Vậy nên khi hẹn gặp nhau trên Đường Sách Sài Gòn, hai chị em thay nhau nói không ngớt từ sáng đến trưa kéo sang cả chiều, lúc đã chuyển tới một quán khác để ăn trưa.

Trong khi hai người lớn thao thao “hồi ức” liên tu bất tận thì Tôm bình tĩnh chơi đùa với màn hình điện thoại, selfie và còm cùng bè bạn trên FB.

Tôi vẫn quen với hình ảnh bé Tôm trên FB của Giáng Vân: một cô gái nhỏ đồng phục học sinh với hai bím tóc dày, đeo kiếng cận (như mẹ) nên khi nhìn thấy người đi cùng Giáng Vân cao gầy, tóc vàng buông xõa và rõ ràng là một thiếu nữ xinh xắn à la mode, lại được giới thiệu là Tôm thì tôi đã bất ngờ một cách rất thích thú.

Tôm, em bé sinh ra chỉ nặng 2,2 ký nhưng về nhà em cứ “búng tanh tách” làm sổ hết cả khăn dù đã được mẹ quấn chặt khiến từ đó em được mẹ đặt cho biệt danh Tôm để gọi trong nhà. Em bé nhỏ xíu đó đã được bà-mẹ-một-mình nuôi nấng khó nhọc chỉ bằng thơ và bằng sự tần tảo suốt mười bảy năm qua để hôm nay lần đầu em theo mẹ vào Sài Gòn, nơi ông ngoại em, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã gắn bó với hơn mười năm chiến trường, làm tiếp công việc mà Nguyễn Thi để lại sau khi nhà văn tài hoa này tử trận năm Mậu Thân 1968.

Dù không định mà câu chuyện giữa Giáng Vân và tôi cứ xoay quanh ông nhà văn xứ Nghệ , tác giả tiểu thuyết Đất Trắng, cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh quá trung thực và ra đời quá sớm so với thời cuộc. Đất trắng đã bị thu hồi sau Đại hội Nhà văn đảng viên năm 1979, tương đương với “phần thưởng” dành cho việc ông đã xông lên diễn đàn nói 15 phút để bênh vực bí thư đảng đoàn Nguyên Ngọc và bản đề dẫn Nguyên Ngọc viết cho đại hội.
Cũng chính bộ Đất trắng hai tập, vào năm 1984 lại được trao giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng, phải chăng là một cách nhằm “xóa tội” cho tập I?

Một mảng chân dung của Nguyễn Trọng Oánh được phác vẽ đơn giản mà rất sống động bởi một người đồng đội thời chiến của ông: đại tá blogger Bùi Văn Bồng, trong bài viết có tên Nhớ anh Nguyễn Trọng Oánh, kể lại những chuyện xảy ra vào thời điểm chiến dịch 1975.

“Chúng tôi men theo rừng cao su ra Lộc Ninh, trên đường anh Oánh ghé vào nghĩa trang thắp nhang trên mộ anh Hoàng – phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Năm 1972 , trong một đợt máy bay Mỹ ném bom thị trấn Lộc Ninh, anh Hoàng nhoài lên cửa hầm chụp ảnh và hy sinh. Hình như anh Hoàng là người đồng hương với anh Oánh thì phải. Anh Oánh nói anh Hoàng vừa cưới vợ xong thì đi B…

Anh Oánh lúc nào cũng ghi chép. Quyển sổ anh để sẵn trong cái túi mìn claymor, cứ dừng chân lại lấy ra ngồi tỉ mẩn viết kín những trang giấy. Anh ấy viết: “Qua một cái cầu tre. Cây tre còn xanh. Dấu dao chặt còn mới nguyên, những vụn tre còn trên đầu cầu, dây buộc chưa xong…”. Tôi hỏi sao anh ghi tỉ mỉ thế, anh Oánh bảo: “Bây giờ đọc có vẻ vụn vặt nhưng sau này nó không chỉ là những con chữ khô khan nữa mà gợi lên không khí … !”…

Mặt trận Xuân Lộc đối phương gọi là “Cánh cửa thép Đông Bắc Sài Gòn”, ngoài sư đoàn 18 do chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy còn được tăng viện 2 lữ đoàn dù thiện chiến và 2 lữ đoàn tăng thiết giáp. Lực lượng ta chủ yếu là Quân đoàn 4. Cuộc tấn công bắt đầu từ 4 giờ 30 phút ngày 11.4.75 và kết thúc thắng lợi ngày 21.4.1975. Đây là trận đánh mà bộ đội ta thương vong nhiều nhất khi đối phương dùng cả loại bom phát quang Drycaster nặng 15.000 pao, có tầm sát thương hàng ngàn mét vuông thả xuống trận địa. Trong những ngày ác liệt đó, người anh Oánh quắt lại và nhiều lần tôi thấy anh ngồi một mình lặng lẽ hút thuốc. Anh tỉ mỉ ghi tên tuổi từng người thương binh, liệt sỹ mà chúng tôi gặp…

Từ thị xã Xuân Lộc tôi chở anh Oánh trên chiếc xe Honda 67 theo các đơn vị của Quân đoàn 4 tiến vào Sài Gòn. Trên đường chúng tôi gặp anh Mai Bá Thiện và anh Ngọc Xiêm bên báo Quân giải phóng, thế là 4 người kết thành một nhóm. Chập choạng tối 29 tháng 4 năm 1975, chúng tôi đến thị trấn Hố Nai…

Khoảng 11 giờ 30 tháng 4 chúng tôi đến nhà thờ Hố Nai và nghe Đài Phát thanh Sài Gòn phát lời Tồng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tất cả chúng tôi đều reo lên sung sướng. Đúng lúc đó một đoàn xe chở bộ đội lao tới. Ngọc Xiêm chạy ra giữa đường quơ tay hét to: “Toàn thắng rồi các đồng chí ơi! Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”. Ngay lập tức một sỹ quan đầu quấn băng trắng toát nhảy xuống quát lên: “Không được thông báo tin đó. Chúng tôi còn đánh đến cùng. Đồng chí còn nhớ bài học Mậu Thân không?”. Đoàn quân tiếp tục tiến lên phía trước và chúng tôi nghe tiếng súng vang rền ở khu vực Suối Máu giáp tổng kho Long Bình…

Chỗ Tạp Chí (Văn nghệ Quân giải phóng) tiếp quản mỗi ngày một đông. Người ở rừng ra, người ở Bắc vào, không khí mỗi ngày một nhộn nhạo xô bồ. Niềm vui qua nhanh nhường cho tính toán bon chen. Người ta ra chợ trời lôi về đủ thứ như máy may, tủ lạnh, radio, casset, quạt điện, máy ảnh… đóng thùng gửi ra Bắc. Anh Nguyễn Trọng Oánh không mua bán bất kỳ một thứ gì. Anh bảo tôi chở vào trại Davis, lên Củ Chi, ngã tư Bảy Hiền và chăm chú ghi ghi chép chép. Đấy là những tư liệu để anh viết “ Đất Trắng” sau này. Một hôm đã khuya anh sang phòng tôi xin thuốc hút và tâm sự: “Mình không tài nào ngủ được khi nghe tiếng người ta đóng thùng đồ gửi ra Bắc chan chát y như tiếng đóng hòm chôn anh em liệt sỹ!”.

Hồi ấy bên công binh thu được rất nhiều xe Honda, tôi xin cho mấy anh em và dành cho anh Oánh một chiếc Honda dame còn mới nhưng anh không nhận. Anh ra Hà Nội vẫn với chiếc ba lô con cóc.

Một lần ra Hà Nội tôi ghé Tạp chí Văn nghệ Quân đội thăm anh Nguyễn Trọng Oánh. Bấy giờ đã giữa trưa, cơ quan vắng hoe, anh Oánh ngồi ăn cơm với cô con gái trên nền nhà. Anh ăn rỏn rẻn từng miếng cơm độn mì sợi màu nâu sẫm, mặt anh nhọn hoắc héo hon, chiếc áo may ô ba lỗ khoác lỏng lẻo lên thân hình còn gầy hơn khi còn ở rừng thời chiến tranh. Tôi mang cho anh mấy cân gạo nàng thơm Long An, nói mãi anh mới chịu nhận, anh cảm ơn và bảo để dành cho chị đang bệnh nặng.

Anh Nguyễn Trọng Oánh mà tôi được biết trong một thời gian ngắn là như vậy. Lao động cần cù, sống khắc khổ, liêm khiết và trọng tình nghĩa nhưng số phận quá nghiệt ngã đối với Anh”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh dù có hành trang hơn mười năm chiến trường nhưng giữa năm 1976, lúc mọi người ồ ạt rủ nhau vào nam thì ông làm ngược lại, quay trở về Hà Nội. Trong căn phòng nhỏ ở tòa soạn Văn Nghệ Quân Đội số 4 Lý Nam Đế, ông đã có vô vàn trải nghiệm của một người cầm bút không nói ngược lại điều đã cảm nhận bằng trái tim cộng với danh dự, phẩm giá con người.

Ông còn có công lớn trong việc hình thành một thể loại hết sức độc đáo: chính ông là người gợi mở ý tưởng để bạn văn Xuân Sách rất thân thiết viết loạt thơ Chân dung nhà văn, như chính Xuân Sách kể lại:

“Vào năm 1962, có đợt học tập quan trọng, học nghị quyết 9, nghị quyết chống xét lại, chống tư tưởng hoà bình chủ nghĩa, và dĩ nhiên văn nghệ là đối tượng chú ý trong đợt học này…
Trong buổi lên lớp như thế, Nguyễn Trọng Oánh xé vỏ bao thuốc lá Tam Đảo viết một bài thơ bằng chữ Hán trao cho tôi. Ở Văn Nghệ Quân Đội, Oánh được gọi là ông Đồ Nghệ giỏi chữ Hán, và tôi được gọi là ông Đồ Thanh bởi cũng võ vẽ đôi ba chữ thánh hiền. Oánh bảo tôi dịch bài thơ Oánh viết vịnh Xuân Thiều. Xuân Thiều cũng lứa tuổi chúng tôi nhưng trông già dặn vì cái đầu hói, tóc lơ thơ. Con đường văn chương mới bước vào còn lận đận. Mới in được tập truyện ngắn đầu tay Đôi vai, tập tiểu thuyết Chuyển vùng viết về cuộc chiến đấu chống Pháp ở Bình Trị Thiên mà Thiều tham dự, đã sửa chữa nhiều lần, đưa qua vài ba nhà xuất bản chưa “nhà” nào chịu in.

Tôi thấy bài thơ Oánh viết rất hay và dịch. “Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân/ Mao đầu tận lạc tự mao luân/ Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý/ Chuyển địa hà thời chuyển khắc ngân”. Dịch thơ: “Con đường văn nghiệp thương ông/ Lông đầu rụng hết như lông cái đầu/ Đôi vai gánh mãi càng đau/ Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền?”.

Dịch xong tôi chuyển bài thơ cho anh em đọc. Oánh tỉnh bơ với bộ mặt lạnh lùng cố hữu, còn mọi người phải nén cười cho khỏi bật thành tiếng. Nguyễn Minh Châu gục xuống bàn kìm nén đến nỗi mặt đỏ bừng và nước mắt giàn giụa.

Tự nhiên trong đầu tôi loé lên cái ý nghĩ mà người ta thường gọi là “tia chớp”. Thơ chân dung! Trong bài thơ Oánh phác hoạ một Xuân Thiều với hình dáng và văn nghiệp bằng cách dùng nghĩa kép tên tác phẩm: Đôi vai; Chuyển vùng. Và sau chốc lát, tiếp tục trò đùa của Oánh, tôi viết bài thơ về Hồ Phương đang ngồi cạnh tôi, và bài thơ số Một về chân dung các nhà văn ra đời. Hồi đó Hồ Phương đã là tác giả in nhiều tác phẩm, đã được một số giải thưởng các cuộc thi sáng tác văn học. Tôi dùng các tên các tập truyện của anh: Trên biển lớn; Xóm mới; Cỏ non và tên cái truyện ngắn đầu tay vẫn được nhắc đến Thư nhà. Tôi viết bài thơ ra mẩu giấy: “Trên biển lớn lênh đênh sóng nước/ Ngó trông về Xóm mới khuất xa/ Cỏ non nay chắc đã già/ Buồn tênh lại giở Thư nhà ra xem”.

Tôi đưa bài thơ cho Nguyễn Khải. Anh đọc xong trên mặt có thoáng chút ngạc nhiên và nghiêm nghị chứ không cười như tôi chờ đợi. Anh bỏ bài thơ vào túi chứ không chuyển cho người khác. Đến giờ giải lao chúng tôi ra ngồi quanh gốc cây sấu già, Nguyễn Khải mới đưa bài thơ cho Hồ Phương đọc. Mặt Hồ Phương hơi tái và cặp môi mỏng của anh hơi run. Nguyễn Khải nói như cách sỗ sàng của anh: “Thằng này (chỉ tôi) ghê quá, không phải trò đùa nữa rồi!”.

Ông nhà văn Đồ Nghệ có cuốn tiểu thuyết Đất trắng đi trước thời đại” đó, sau khi viết xong tiểu thuyết Con tốt sang sông đã buông bút, không viết nữa. Trong hai năm cuối đời- từ 1991 đến 1993, ông thường xuyên im lặng một cách bí ẩn, ngồi quay mặt vào, đối diện với bức tường (Diện bích?). Vài nhà văn cùng làm việc ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, mỗi khi đến nhà đều được ông tiếp đón bằng cách này. Họ chính là những người đã thực hiện lệnh “đánh”ông một cách hăng hái nhất.

Nhưng khi có những bè bạn chí cốt đến, ông không quay mặt vào vách mà tiếp họ bằng tiếng khóc thay cho cuộc trò chuyện.

Tôi bỗng nhớ tới bài thơ chị Ý Nhi viết về họa sĩ Dương Bích Liên: Dương Bích Liên – Mùa đông 1988, có lẽ rất hợp với tình trạng/tâm trạng của Nguyễn Trọng Oánh lúc bấy giờ: “Họ đã nói bao điều họ không hề nghĩ/ ta đã nghĩ bao điều mà không nói/ kiêu ngạo chăng/ bất nhẫn chăng/ nhưng mà ta biết nói cùng ai/ Họ cứ ra đi, ra đi, ra đi/ và ta không níu giữ/ nghĩ cho cùng/ nào ta có gì để đem cho họ/ nghĩ cho cùng/ trên đường kia, họ bước dễ dàng hơn”.

Một con người đã trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài đến vậy, chứng kiến bao nhiêu sự thật chiến trường khốc liệt nhất (có những trung đoàn lính chỉ sau một chiến dịch đã chết sạch, sót lại chỉ khoảng mươi người), tường tận bao bể dâu cả trong đời sống xã hội lẫn đời sống văn chương, hẳn đã không còn muốn luận bàn gì … Cái cuối cùng còn lại chỉ là sự rỗng lặng ở bên trong…

Giáng Vân còn kể rằng, trong mấy chục tập ghi chép cha cô để lại mà cô còn chưa đọc hết, có vô vàn những câu chuyện chiến tranh vượt cao hơn bất cứ sự tưởng tượng nhà văn nào…
Cái gánh nặng ấy, vào cuối đời, có lẽ Nguyễn Trọng Oánh đã cố buông bỏ để ra đi…

***

Với cô bé Tôm – Huệ An, cái tên rất hay mẹ đặt cho, thỉnh thoảng tôi quay sang hỏi: “Ngồi với mấy người già “nhiều chiện” chán quá hả con?” thì bé Tôm trả lời rất thật: “Dạ không, con vẫn có nghe đây ạ”.

Thế hệ Tôm không phải chịu đựng chiến tranh như ông ngoại, không phải chịu đựng khó khăn trong đời sống vật chất như mẹ, nhưng đất nước Việt Nam của thế hệ con đang cạn kiệt, xác xơ, đang bị đe dọa bằng đủ thứ độc dược cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rồi con sẽ lớn thêm, sẽ yêu đương và sinh con đẻ cái, nuôi dạy chúng thế nào trên cái đất nước như bị nguyền rủa này?

Liệu những người lớn như tôi như Giáng Vân có thể làm gì cho Tôm, cho thế hệ Tôm, thế hệ chuẩn bị làm chủ trong tương lai gần, một tương lai chẳng thể biết rồi sẽ ra sao…

image

Comments are closed.