Cái cần bảo vệ giờ đây là một di sản

(Rút từ facebook của La Khắc Hòa)

Trên một “Stt” của Nguyen Ba, bác Ân [Lại Nguyên Ân – Văn Việt] viết đoạn bình luận thế này về bài báo của Ngô Tự Lập đăng trên “An Ninh thế giới”*:

“Cái Y2K có thể là vụ về sự ấu trĩ ở thời hiện đại. Nhưng vụ Bakhtin thì rất có thể chỉ là sự hạ bệ của vài học giả kia đối với một học giả có những tư tưởng kiệt xuất. Tư tưởng đối thoại của Bakhtin đã đi từ nghiên cứu văn chương sang đời sống chính trị. Còn nói về tâm lý thời đại thì quả là có chuyện mỗi thời người ta, kể cả trí thức, có một loại tâm trạng. Nhưng ở thời độc đoán toàn trị hồi còn đang chiến tranh lạnh thì đúng là trí thức Tây phương không thể xem trọng ý thức hệ chính thống của phe XHCN, nên đã tập trung đề cao những luồng phi chính thống, ví dụ Bakhtin. Cái ý nhân thể đây ngờ vực tất cả, cả cái việc người ta phân rõ đâu là Marxism, đâu là Stalinism (mang danh Marx-Leninism) thì rõ là “phục vụ chính trị” hiện thời quá đi! Người tỉnh táo đâu có lầm sự truy cầu chân lý với sự tuyên truyền cổ vũ các ý hệ chính thống hiện tại? Tóm lại đây chỉ là một diễn ngôn cũ, đã được các anh Trần Đình Sử, La Khắc Hòa nói lại ít nhiều. Cái mới chỉ là ý định nhân đây “chiêu tuyết” cho Stalinism dưới tên Marx-Leninism mà thôi. Mà cái đó thì không tán thành được”

Ý kiến của bác Ân “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng vì bác nhắc đến tôi và bác Trần Đình Sử, nên xin thêm đôi lời như sau:

1) Ở Nga, vấn đề tác quyền của một số cuốn sách liên quan tới M. Bakhin là vấn đề đã giải quyết xong xuôi từ tám hoánh, chẳng còn gì phải bàn. Tôi nói “xong xuôi” theo nghĩa: trong vòng mấy chục năm nay, việc giải quyết vấn đề ấy bao giờ cũng chia thành 3 phái:

a) Phái mê tư tưởng M. Bakhtin, vì mê mà huyền thoại hóa, qui tất cả những văn bản xuất sắc về cho Bakhtin. Điểm lại tên tuổi của những người theo phái này có thể thấy, họ phần đông là những học giả lớn, có uy tín và danh vọng, quá ngán ngẩm trước nền triết học, mĩ học, lí luận, phê bình, nghiên cứu văn học xô viết xơ cứng, bảo thủ, lạc hậu và có cả phần phản tiến hóa. Tất nhiên, cũng có một số nhà nghiên cứu lớn, nhất là cánh nghiên cứu lịch sử văn học, đã phê phán xu hướng huyền thoại hóa Bakhtin. Tôi đã dịch bài của Viện sĩ Gasparov “Lịch sử văn học như là sự sáng tạo…” in trên Nghiên cứu văn học để độc giả thấy, ở Nga không phải ai cũng lí tưởng hóa Bakhtin.

b) Phái ghét Bakhtin ra mặt, muốn đánh đổ Bakhtin bằng mọi giá. Điểm lại tên tuổi của những người theo phái này có thể thấy, họ phần đông là vô danh, cũng có một số ông lớn, nhưng nhìn chung, họ đều thù địch với tư tưởng Carnaval, tư tưởng đối thoại, nhất là tư tưởng cho rằng hướng tới dân chủ và đối thoại là lô gic tất yếu của lịch sử.

Điểm chung trong nguyên tắc phương pháp luận của cả hai phái nói trên là dựa vào các nguồn “radio mồm…”: “ông này nói…”, “ông kia nói…”, “ông này cho rằng…”, “ông kia khẳng định…”, “bà này kể…”, “ông kia than…”.

c) Phái thứ ba: xếp chuyện tiểu sử và tác quyền một loạt tác phẩm của Bakhtin vào loại “tồn nghi”, “bất khả giải”, do những người trong cuộc đã thành thiên cổ cả rồi và ai cũng thấy sẽ rất vô lối nếu chỉ dựa vào các “đài mồm” để giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên họ không né tránh câu chuyện tác quyền, nhưng họ giải quyết theo cách khác hết sức thận trọng: so sánh những văn bản tranh cãi với những văn bản mà Bakhtin hoàn toàn chẳng dính dáng gì và những văn bản đích thị của Bakhtin để xác định đâu là phần của Bakhtin với thái độ trân trọng những tư tưởng cốt lõi của nó. Theo tôi biết, Bộ tuyển M.M. Bakhtin 7 tập ở Nga, Bộ tuyển M.M. Bakhtin ở Nhật Bản và ở Trung Quốc được biên soạn theo nguyên tắc này. Cuốn “Mĩ học sáng tạo ngôn từ” của M.M. Bakhtin và truyền thống triết học – ngữ văn học Nga” dày 400 trang (Nxb “Kulagina”, M., 2011) của Giáo sư Natan Davidovich Tamarchenko, nhà “Bakhtin học” nổi tiếng (mới mất năm 2012), cũng viết theo hướng này.

2) Tôi liệt kê ba “phái” ở trên để thấy bài của Ngô Tự Lập không có gì mới, chỉ nói chuyện “khổ lắm, biết rồi!”. Đọc bài Ngô Tự Lập, ta nhìn ra ngay cái tổ con chuồn chuồn: vị học giả trẻ tuổi khả kính của chúng ta đứng hẳn về phái “ghét Bakhtin ra mặt”. Cái tổ con chuồn chuồn này lộ ra ở ba đặc điểm làm nên “chiến lược” diễn ngôn của tác giả. Thứ nhất: bài viết dùng ngôn ngữ công kích của người quyết vạch trần, tố cáo, “lột mặt nạ” thay cho ngôn ngữ phân tích khoa học khách quan. Thứ hai: tạo ra câu chuyện về lịch sử tiếp nhận Bakhtin bằng hai sự kiện, theo hai giai đoạn: giai đoạn trước, huyền thoại Bakhtin được thêu dệt; giai đoạn sau, huyền thoại Bakhtin bị lật tẩy. Thực ra không phải vậy. Lịch sử tiếp nhận Bakhtin đã trải qua 4 giai đoạn: a) Bakhtin bị đẩy vào nhà tù, vào bóng tối và quên lãng, b) Bakhtin được đưa ra ánh sáng, c) Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa người quyết đẩy Bakhtin trở lại bóng tối và người ra sức bảo vệ Bakhtin, d) Bakhtin thành đối tượng nghiên cứu khách quan, cái cần bảo vệ giờ đây là một di sản chứ không phải là chuyện tác quyền và tiểu sử. Thứ ba: vị học giả khả kính của chúng ta lại giờ bộ quyền cước đã quen thuộc: bỏ qua văn bản, dựa hẳn vào các loại “đài mồm” nhằm “đánh một cú chết tươi”,quyết hạ gục Bakhtin bằng mọi giá. Ở Việt Nam hiện nay, chắc chắn không thiếu người thích nghe những ý kiến như thế này và họ là ai, tôi nghĩ, cũng không khó đoán lắm đâu.

* Xem: http://antgct.cand.com.vn/…/Nhung-con-bo-cua-gioi-truyen-t…/

Comments are closed.