Con người suy thoái?

(Rút từ facebook của Vương Trí Nhàn)

Trời sinh vua để làm vua
Và thi sĩ để làm thơ ru đời
Một ông vua trái luật trời
Việc vua thì nhác, lại đòi… làm thơ.

Trên đây là đoạn mở đầu của bài thơ “Nhà vua và nhà thơ” của Tú Mỡ, in trên báo Ngày nay ở Hà Nội năm 1939, tức hơn bảy chục năm trước.
Câu chuyện tiếp tục như sau: Làm thơ xong, vua lại thích đưa cho các cận thần đọc để kiếm lời khen. Một vị quan kiêm thi sĩ – quan ngày xưa người nào cũng làm thơ và thạo thơ – mới nói toẹt ra rằng thứ thơ đó chả ra gì.
Thế là vua cho ông ta vào nhà pha (tiếng ngày xưa chỉ nhà tù).
Sau vua có ý hối, cho người đến nói với nhà thi sĩ chân chính nọ là sẽ thả ông ta ra, miễn ông ta nói rằng thơ vua hay. Tức là tiếp tục buộc ông ta nói dối. Trong cảnh tù đày, ông này phải nghĩ một lúc.
Tú Mỡ viết:
Phân vân bên tội bên tình
Nhà thơ tỏ vẻ bực mình băn khoăn
Cắn môi mắt nhíu mày nhăn
Trong đầu như nổi mấy lần phong ba
Ngập ngừng lời chẳng nói ra
Nói hư? nói thực? biết là làm sao?

Bài thơ kết lại bằng hai câu bất ngờ:
Khổ tâm thi sĩ cúi chào
Muôn tâu thần lại trở vào nhà pha

Tôi thường nhớ tới bài thơ này (đúng hơn là một thứ vè vui vui) để nhắc mình một sự thực: là con người ngày xưa tốt quá.
Tôi tin không phải ở đây Tú Mỡ chỉ muốn nêu một tấm gương cốt dạy dỗ thiên hạ (kiểu các đồng nghiệp của tôi đương thời).
Mà ông đã miêu tả một sự việc có thực, hơn nữa một sự việc điển hình.
Tức là người xưa phần lớn cư xử như viên quan kiêm nhà thi sĩ ở đây đã làm.
Thế thì sao lại bảo bài thơ có cái kết bất ngờ?
Đó là đặt vào tâm lý của người hôm nay.
Vào những trường hợp tương tự, tôi ngờ phần lớn con người hôm nay sẽ cư xử kiểu khác. Để khỏi vào nhà pha thì bảo làm gì cũng làm. Mà chẳng đợi đến cuộc mặc cả cuối cùng; trước đó, bởi thừa biết rằng nếu khen vung cả lên sẽ thủ lợi, người ta tranh nhau khen từ đầu cả rồi.
Nói tốt quá còn chung chung. Cái chính là người xưa, hơn bù kém, tốt hơn so với con người hôm nay. Vả chăng nhìn rộng ra thì thấy con người hồi ấy, cả giàu lẫn nghèo, cả ông to lẫn ông nhỏ, chẳng những không nói dối nịnh bợ mà còn giữ được nhiều phẩm chất cao đẹp.
Tôi nhớ tới nhiều trường hợp khác. Các nhân vật của Thạch Lam như mẹ Lê nghèo khổ, như cô hàng xén đảm đang đều đồng thời là người tự trọng và cứng cỏi. Lão Hạc của Nam Cao thì “trên cả tuyệt vời“, thà chết chứ không ăn vào vốn của con cái. Cũng liên quan đến Nam Cao là trường hợp của Chí Phèo. Trong một cuộc hội thảo, một nhà nghiên cứu đã nhận định: “Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say”.
Bởi chỉ một người sáng suốt trong giây phút hệ trọng của đời mình mới biết hỏi “nhưng ai cho tao lương thiện?”.
Xuân tóc đỏ thường được xếp vào loại nhân vật loại xấu xa bạc nhất trong văn học tiền chiến. Nhưng đọc kỹ thì thấy chính ra Xuân khá thông minh, lại chịu học hỏi để thích ứng với thời đại. Và biết điều và tự trọng nữa: Lúc được Văn Minh hứa gả cô Tuyết, Xuân nói thẳng cái nguồn gốc xuất thân hèn hạ của mình. Ở chỗ này Xuân biết mình biết người, và sòng phẳng nữa!
Trở lên chỉ là một vài phẩm chất mà con người ngày nay đánh mất.
Không khó khăn gì lắm để tìm ra lý do khiến chúng ta có nhiều thói xấu như vậy. Đây tôi chỉ nói nguyên nhân rõ nhất – cuộc chiến tranh kéo quá dài.
Trong “Câu chuyện triết học”, phần viết về H. Spencer, W. Durant cho rằng “xã hội chiến tranh thường ca ngợi một vài đức tính [nguyên tắc ứng xử – VTN chú] và dung túng những việc mà các dân tộc khác xem là có tội”.
Nếu nơi không chiến tranh, con người quảng đại và nhân đạo, thì nơi chiến tranh kéo dài, người ta quen với cướp bóc phản bội.
Đây là luật phổ biến song ta thường quên và tự cho mình là một ngoại lệ.
Con người Việt Nam hôm nay lao vào cuộc làm ăn kinh tế, mà thói quen sống kiểu chiến tranh còn nguyên vẹn.
Kinh tế thị trường rút lại được hiểu là thói cạnh tranh không lành mạnh, nói nôm na là chúa đã chết, ai muốn làm gì thì làm.
Thành thử có xảy ra lộn xộn hỗn hào thì cũng là điều dễ hiểu.
Từ chỗ chăm chăm chửi bới kẻ giàu cho rằng kẻ giàu là xấu, nay người ta lao vào làm giàu để rồi lãnh đủ những xấu xa bỉ ổi đó, và đưa cái ác lên một trình độ hiện đại đáng sợ!
Trong một cuốn sách mang tên “Miền đất huyền ảo”, có phụ đề “Các dân tộc miền núi nam Đông Dương” (tác giả Jacques Dournes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội nhà văn in năm 2003), ở trang 13, tôi đọc được một lời cảnh cáo:
“Định mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái về nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần?”.

Comments are closed.