Quyền lực và tha hóa

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

 

Tôi có quen với vợ chồng một cậu bạn, thuở đi học cùng nhau, cùng cơm niêu nước lọ, cùng đói khổ, cơ hàn. Thương lắm! Sau nhiều năm, giờ cậu ấy là Hiệu trưởng một trường đại học lớn. Nghĩ mà mừng cho bạn. Nhưng rồi hôm gặp lại, vợ cậu ấy cứ như không quen biết gì mình. Lạ quá! Hình như khi chồng đã làm to thì bà vợ phải thay đổi sao cho tương xứng với chức của chồng, để tạo thế oai phong và tỏ ra có quyền lực thì phải.

Quyền lực ghê lắm. Nó là một thứ ma túy khủng khiếp. Nó vô hình nhưng làm tha hóa con người rất nhanh. Chẳng thế mà có hai người bạn chơi với nhau rất thân, bình thường vẫn cậu cậu, tớ tớ. Rồi một ngày đẹp trời, ông bạn kia ngồi vào ghế Thứ trưởng. Tình thế thay đổi hẳn. Ngay hôm sau, đã thấy anh này rối rít “em em, anh anh” rất nhún nhường, lễ phép và kính cẩn với ông Thứ trưởng mà mới hôm qua còn “cậu cậu, tớ tớ”. Mà có phải ở cuộc họp hay mít tinh, lễ lạt gì đâu. Khi chỉ còn mình hắn, tôi hỏi: “Sao mày tự chuyển hóa nhanh thế? Thằng kia bắt mày xưng hô thế à?”. Cậu ấy rất thành thực: “Không thay đổi sao được! Từ khi ông ấy được bổ nhiệm tao thấy mình nhỏ bé quá nên phải thay đổi chứ sao”.

Hóa ra trong nhiều trường hợp sự tha hóa lại không bắt đầu từ người có quyền lực. Mà là từ tâm lí tự ti, hèn đớn của những người quanh họ. Chính tâm lí ấy khơi dậy ngọn lửa đam mê quyền lực của những kẻ cầm quyền và dần dần làm tha hóa họ. Quyền lực đã làm cho rất nhiều người phải tự nhiên quỳ xuống và thấy mình thấp bé đi, trong khi chính họ nếu đứng dậy thì chẳng có gì thấp kém hơn kẻ nắm quyền lực cả. Thấy thấm thía lời của Marat: “Người ta lớn bởi vì ta quỳ xống / Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên”.

Tất nhiên, thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh có rất nhiều bậc tài trí hơn người, những đấng minh quân, những tướng lĩnh giỏi, những tổng thống tài ba… bản thân họ là sự hiện thân của quyền lực, biểu tượng của quyền lực một cách tự nhiên, chân chính. Trước những người như thế, có cúi đầu trước họ, ta cũng chẳng xấu hổ gì… như viên Quản ngục quỳ lạy Huấn Cao, như Cao Bá Quát từng cúi đầu trước hoa mai vậy.

Chỉ buồn là thời nay những người như thế hiếm dần. Ngoảnh đi, ngoảnh lại chỉ thấy độc một bọn “thương tật” toàn đi bằng đầu gối; chức càng to thì “thương tật” càng nặng. Bỗng nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh:
“Ngày xưa trái đất hình vuông
Cho nên đi đứng trên đường thẳng hơn
Ngày nay trái đất hình tròn
Cho nên ai cũng lom khom định bò”

Rồi ngậm ngùi tự hỏi: Bao giờ cho đến ngày xưa?

HN, ngày giáp tết Đinh Dậu

Comments are closed.