Tôi thấy mình bất lực…

(Rút từ facebook của Đỗ Trung Quân)

 

Bỗng dưng cần nhắc đến hai ông bạn già Nguyễn Đông Thức  – Đoàn Thạch Biền

Một ông là đồng nghiệp cũ ở Tuổi Trẻ, một ông cùng thực hiện tờ báo dành cho tuổi mới lớn Áo Trắng của 20 năm trước. Ông Biền tức nhà văn Nguyễn Thanh Trịnh  “Ví dụ ta yêu nhau”; ông chỉ mê làm báo, sách cho tuổi học trò, đề tài khác thì dành cho ông Thức.

Hai ông suốt ba năm qua cặm cụi, kiên nhẫn kêu gọi trợ giúp từ những nhà hảo tâm rồi trèo mô tô rong ruổi từ miền Trung ngược về mũi Cà Mau tìm những học sinh nghèo hiếu học, những ngôi trường rách nát tả tơi mà trao những học bổng, phần quà bé mọn. Càng đi càng thấy cảnh nghèo đến đau lòng. Các ông làm cái việc mà tôi đã từng làm và cũng đã nản lòng, vì bỗng nổi nóng trước những khẩu hiệu dối trá “dân giàu nước mạnh – xã hội công bằng” – tôi bỏ cuộc trong nỗi u uất.

Trước hai ông tám năm, tôi và Võ Đắc Danh cũng lặn lội từ Trung vào Cà Mau đi tìm những số phận cần có sự trợ giúp để vượt qua. Cái chương trình có tên “vượt lên số phận” càng đi càng đau đớn vì cái “số phận” kia dường như gắn hết cả vào thân phận những người nông dân nghèo, họ nghèo như không còn gì có thể nghèo hơn dù đã sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh.

Tôi không quên cô bé 17 tuổi – ngoại ô TP Long Xuyên,áo dài trắng tinh đi học.nhưng thứ nước tắm, giặt hàng ngày là nước lấy từ con rạch đầy rác hông nhà, gần đấy  là cái cầu tiêu che lá dừa rách nát. Thứ nước ấy được gia đình pha thuốc khử, chờ lắng xuống sử dụng hàng ngày. Vậy mà áo vẫn trắng, học vẫn giỏi và nghèo vẫn tận cùng. Ngoài số tiền học bổng, chúng tôi bỏ thêm tiền túi kéo một đường dẫn nước vào nhà, nó từ mặt lộ chỉ cách ngôi nhà cũ nát của cô gái… 200m. Vậy mà đã bao nhiêu năm…

Tôi không quên cái bãi biển một làng chài ở Tam kỳ nơi cơn bão Chan Chu quét tan nát kẻ trên bờ và dìm những người cha, người chồng xuống biển sâu. Khi bão tan, hàng tháng sau vẫn còn những người vợ ngồi trên bãi dõi mắt ra biển xa hy vọng chồng về. Trò chuyện với những người phụ nữ ấy trên bãi thì công an xuất hiện “chỗ này là thuộc an ninh quốc phòng, yêu cầu trình giấy và ra khỏi đây…”. Người bạn trẻ làm báo ở Tam Kỳ nổi đóa bùng cơn giận như bão lửa “an ninh quốc phòng cái con… Bọn mày giỏi thì ra biển chỗ bọn Trung Quốc nó đang cướp bóc, đánh đập ngư dân mình mà quốc phòng kìa …Đ. mẹ chúng mày, người ta ở xa xôi về tận đây tương trợ mà chúng mày…”.

Anh chửi tục tằn nhưng dường như không trách được điều gì. Chúng tôi rời đi trong nỗi buồn. Cô bé 12 tuổi ôm chồng tập vở niềm mơ ước mà người anh duy nhất trước khi ra biển “anh đi chuyến này về sẽ mua tập cho em…”, người anh ấy mãi mãi không quay về, và chiếc phong bì tiền học phí một năm hôm nay cầm tay nhìn theo chúng tôi, đôi mắt đen nhòa lệ. Giờ chắc cô đã lớn đã học hành tìm việc rời xa biển chưa hay vẫn còn nơi làng chài nghèo khó ấy, khi lập gia đình sẽ lại chờ chồng sau những cơn bão dữ?

Tôi không quên những ngôi nhà trông hoác giữa đồng, tài sản không có gì ngoài vô số bằng khen học giỏi dán đầy vách và những khẩu hiệu vô nghĩa kẻ trên tường lại  “dân giàu – nước mạnh …”, nay có chút tiền trợ giúp, nhà cửa xác xơ lại đau đầu lo sợ kẻ cướp tìm vào…

Tôi bỏ cuộc, tôi không đủ kiên nhẫn tiếp tục đồng hành. Cái tâm lý thường có của những ai đi làm từ thiện là cứ xong một việc sẽ thấy lòng bình an. Lạ thay! Mình càng xong nhiều việc lòng lại đầy thêm nỗi BẤT AN.

Nhưng công việc của Thức Và Biền lại đánh thức trong tôi điều gì đấy. Tôi kính trọng việc làm của họ, nó cũng cay đắng, cũng gian nan, cũng nhiều phiền muộn nhưng họ không từ bỏ.

Tôi nhớ Phạm Duy “tôi mơ thành triệu phú cứu vớt gái bơ vơ…” nhưng hôm nay tôi mơ lớn hơn nhiều “tôi mơ thành tỉ phú …”  những cháu nhỏ nghèo khổ thèm khát học hành cũng cần giúp biết bao.

Chỉ tôi thấy mình bất lực.

Và thấy mình chảy nước mắt.

Ở tuổi này…

đoàn thạch biền

Đoàn Thạch Biền

nguyễn đông thức

Nguyễn Đông Thức

Comments are closed.