Tên các anh Non sông đã gọi…

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Năm năm tiếng lụa se đều, những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây. Thơ của cha gã, vầng trăng tự độ lên ngôi, mấy độ thôi, mấy vèo thôi, không phải năm mà bốn. Vậy mà với gã cứ như hôm qua.

27.7.2011

Gã lò dò đến 43 Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Đầu, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫn,Tống Văn Công, Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Đinh Kim Phúc… đủ cả. Tất cả cùng cúi đầu trong khói hương tưởng niệm những chàng trai Việt đã ngã xuống ở Biển Đông vì làn đạn của quân Trung Quốc xâm lăng.

Lần đầu tiên trong lịch sử chính thể Việt Nam cờ đỏ sao vàng có một buổi tưởng niệm không phân biệt người ngã xuống trong sắc cờ nào.

Gã ngồi cạnh một người đàn bà. Không biết chị là ai. Cái khắc khổ tràn trên khuôn mặt nhưng không lấp được nét phúc hậu và ánh mắt tưởng như bâng quơ chốn nào xa lơ.

Chị đi một mình. Gã tò mò hỏi. Chị có chồng con hy sinh ở Hoàng Sa hay Trường Sa không? Có. Sau một hồi im lặng chị buột ra hai chữ… Hoàng Sa.

Gã cảm tưởng như từ lâu, lâu lắm rồi hai chữ ấy chị đã ủ, đã ngậm trong ngực, thèm có ngày được nói ra. Gã hiểu. Và gã nghĩ tốt nhất là im lặng.

Thế rồi một người đàn ông cao lớn đến ngồi bên gã, đó là kỹ sư hàng hải Đỗ Thái Bình. Ông nói nhỏ vào tai gã, chị ấy là Huỳnh Thị Sinh vợ của trung tá Ngụy Văn Thà. Nói rồi chắc có việc ông bỏ đi.

Gã bần thần. Đêm qua gã thức làm một bài thơ có nhắc đến trung tá Thà người chỉ huy chiến hạm anh dũng chống lại tàu chiến của quân Trung Quốc và đã anh dũng hy sinh.

Với gã, trung tá Thà hy sinh cho Biển Đông, hy sinh cho Tổ quốc. Với gã, trung tá Thà là một anh hùng. Gã không thể ngờ được giờ đây người vợ thân yêu của trung tá Thà đang ngồi bên gã.

Người đàn bà khuôn mặt tràn khắc khổ cam chịu ấy đâu biết rằng chính bà là người lúc này kéo đã kéo Hoàng Sa về gần sát bên gã nhất. Gã như nghe được từng tiếng sóng vỗ. Gã như thấy được từng cánh chim bay.

Gã quyết định lên diễn đàn. Lê Hiếu Đằng nhường micro cho gã.

***

Thưa chị Huỳnh Thị Sinh vợ của trung tá hải quân Ngụy Văn Thà.

Gã vừa dứt lời thưa thì cả hội trường của Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình, từng là Trụ sở của Hội Trí thức yêu nước mà Huỳnh Kim Báu là chủ tịch, nhao nhao lên.

Gã chỉ tay về phía chị Sinh và mời chị đứng dậy.

Chị Sinh luống cuống đứng dậy. Những tiếng vỗ tay chào đón chị nổ tung. Mọi người tràn đến bên chị. Mọi ống kính quay phim, chụp hình đều chĩa về phía chị.

Khi tất cả trở lại im lặng. Gã đọc bài thơ viết đêm qua.

LỊCH SỬ PHẢI SANG TRANG

Hoàng Sa –19.1.1974

các anh ngã xuống Lợi, Đào, Trứ, Đông, Thêm, Cường, Thà… ơi!

dù muộn mằn

hôm nay tên các anh Non sông đã gọi

dù muộn mằn

hôm nay Non sông kính cẩn nghiêng mình                      

cùng Thắng, Hiền, Nam, Chúc, Khoa, Thoa …

14.3.1988 ngã xuống ở Trường Sa

ôi 138 chàng trai nước Việt chưa xanh cỏ, đỏ ngực bao giờ

trên mộ các anh dù có úa tàn những sắc cờ vàng, đỏ

vẫn vẹn nguyên giọt nước mắt mẹ Việt Nam máu đỏ, da vàng

mẹ Việt Nam ơi! Giọt nước mắt của Người trắng trong mặn chát

sẽ hóa giải mọi sắc cờ

sông núi hồn thiêng Tụ Nghĩa, Tụ Nhân không thể lời bọt mép

lịch sử phải sang trang!

26.7.2015.

Gã rất tiếc rằng, bốn năm sau cái ngày lần đầu tiên có cuộc hòa giải cho những người đã khuất ấy, Lịch sử vẫn chưa có thể nói “đã hóa giải mọi sắc cờ” để chỉ còn một lá cờ Dân tộc ngàn năm Cha ông, Tổ tiên đã chọn, vẫn chưa có thể nói “đã sang trang” mặc dù phía chân trời lấp ló tia hy vọng.

Comments are closed.