Trình bày thêm cho rõ

(Rút từ facebook của Đỗ Trung Quân)

 

Nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm báo Tuổi Trẻ cái tên tôi và một số nhà báo khác bị loại ra khỏi mọi ấn phẩm như chúng tôi chưa từng làm việc ở đây. Điều khuất tất ấy khiến nhà báo, nhà văn Nguyễn Đông Thức, một đồng nghiệp có vị trí cao rất nhiều năm ở báo TT, trong những năm tháng làm việc chung không phải tôi và anh lúc nào cũng thuận buồm, có giai đoạn chúng tôi gay gắt, quyết liệt với nhau nhưng hôm nay, ở một quan điểm ngay thẳng anh buộc lòng phải lên tiếng trong note Một cách lịch sự, tôi xin nói, “chơi vậy là không đàng hoàng”.

Tôi cũng buộc phải nói thêm về sự kiện liên quan đến cá nhân mình.

Phủ nhận quá khứ của chính mình không phải là quan điểm sống của tôi. Mọi đúng – sai thuộc về lịch sử, ta sẽ phải chấp nhân nó hiện tại và cả sau này. Tôi không từ chối 12 năm làm việc ở đây với tư cách một nhà báo, một nhà thơ, một họa sĩ. Tôi vẫn giữ nguyên vẹn cái tình đồng nghiệp với nhiều thế hệ anh chị em của TT mà tôi từng làm việc chung đến tận hôm nay. Sự “trả đũa” mà nhiều người nói là “hèn hạ, nhỏ mọn” với tôi không đồng nghĩa với tất cả những anh chị em đồng nghiệp hôm qua và cả hôm nay. Nó là hành xử của “một nhóm người” mà lý do không khó hiểu: thi hành lịnh trên ngoan ngoãn như cừu và “lịnh trên” không ai khác ngoài Tuyên giáo Thành đoàn – Thành ủy TP HCM. Câu chuyện lại phải nhắc lại.

Bài ghi chép “Cuộc đối thoại trong Thành Đoàn tp HCM …” * ngày 5-6-2011 khởi đầu cho hậu quả hôm nay của cá nhân tôi. Cuộc xuống đường lịch sử hơn 3000 người để bày tỏ thái độ trước sự uy hiếp của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam và biển đảo đất nước thời điểm ấy bị ngăn chận, đàn áp. Một lãnh đạo Tuyên giáo Thành ủy thời ấy buộc tôi phải gỡ bài viết xuống khỏi mạng xã hội của tôi (khi nó cũng đã được share đi trên nhiều mạng internet trên thế giới). Tất nhiên câu trả lời của tôi là lắc đầu từ chối. Thái độ đáp trả của cường quyền ngay sau đó là: an ninh canh giữ, “án miệng không văn bản” được ban ra trong hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước, cô lập hoàn toàn quyền sáng tác, xuất bản của tôi. Tôi không ngạc nhiên – luật chơi phải chấp nhận dù đây không phải cuộc chơi. Đây là thái độ công dân như mọi công dân quan tâm đến vận mệnh đất nước. Đứng thẳng trước quyền lực thì phải có trả giá dù cường quyền bất chấp pháp luật, bất chấp sự rao giảng đạo đức hàng ngày. Tôi thành một tù nhân không song sắt mà có người an ủi “anh còn may, họ chưa đạp anh vào gầm xe tải, chưa giết anh như đã từng với nhiều người không cùng quan điểm. Hãy tạ ơn thượng đế đi!”.

Hôm nay – chí ít trên báo chí nhà nước – cái tên Trung Quốc đã được gọi thẳng thay cho “tàu lạ – bọn lạ”. Tội ác của bọn xâm lược gây ra trên toàn tuyến biên giới, các tỉnh thành phía Bắc 1979 cũng đã được ít nhiều phơi bày ra công luận.

Chí ít là không lắp bắp, ấp úng dù sự thật thế nào một người dân quèn như tôi không thể hiểu biết được chuyện cung đình.

Những kẻ đàn áp, khủng bố tinh thần còn nợ người dân và chúng tôi một lời xin lỗi (nhưng đấy là chuyện nằm mơ).

Những ai loại tên chúng tôi ra khỏi sự thật đã từng làm việc ở báo TT, từng góp phần xây nên cái manchette vững mạnh của một tờ báo cũng thế – nợ chúng tôi một lời xin lỗi (tôi lại tiếp tục nằm mơ).

Câu chuyện nhỏ – không đủ sức gây buồn cho cá nhân tôi – nó chỉ gây cái buồn cười bởi sự trưởng thành của những người cầm nắm đôi khi lại không theo kịp cái bóng lớn của một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ.

Chỉ thế thôi!

* Bài này có nhan đề là Cuộc đối thoại trước Lãnh sự quán Trung Quốc và trong trụ sở thành đoàn Thanh Niên Cộng Sản Thành Phố đăng ở trang Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trang này đã bị xóa sổ, nhưng có thể đọc ở một số trang mạng khác, chẳng hạn: http://www.diendan.org/viet-nam/ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-bieu-tinh-phan-111oi-trung-quoc-gay-han (chú thích của Văn Việt).

Comments are closed.