Trung Quốc đã xây hải đăng và Bắc Kinh hay Hà Nội sợ chiến tranh?

(Rút từ facebook của Trần Tiến Dũng)

 

Tân Hoa xã ngày 9/10 đưa tin, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức buổi lễ kết thúc việc xây dựng hai ngọn hải đăng mà họ đặt tên là Huayang và Chigua tại bãi đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa).

Nhớ trước đây ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chế độ Hà Nội từng có một bài diễn văn trong chuyến thăm Philippin, trong đó có đoạn: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Vậy thì nay, hai ngọn hải đăng mà Trung Quốc vừa xây dựng trái phép trên chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc thì chế độ đang nắm thực quyền sẽ làm gì?

Sự việc nóng gần nhất, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại sứ Nga đến phản đối hành vi xâm phạm không phận của chiến đấu cơ Nga, và không ngần ngại tuyên bố sẽ bắn hạ nếu hành vi xâm phạm không phận chủ quyền Thổ Nhĩ Kỳ tái diễn.

Nước Thổ so với cường quốc Nga, ai cũng biết là yếu thế và lực hơn. Nhưng trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia không phải là chuyện đem lên bàn cân so đo thế và lực, vì đơn giản trách nhiệm đó là thiêng liêng!

Không ai muốn có chiến tranh với một quốc gia lớn và mạnh. Ai sợ chiến tranh, nước nhỏ, lực yếu sợ chăng? Không, bởi đó quyền tự vệ là quyền thiêng liêng tối thượng của bất kỳ dân tộc nào. Nước lớn như Trung Quốc không sợ chiến tranh chăng? Không, bởi gây chiến tranh xâm lăng nước nhỏ bất khuất là sự bại trận hiển nhiên về toàn bộ giá trị văn hóa – văn minh của nước lớn trước lương tri của dân tộc họ và nhân loại.

Nhưng hủy hoại một nước nhỏ do một chế độ yếu nhược khiến cho đất nước đó trở thành nô lệ lại là chuyện chỉ đáng thương hại trong mắt dư luận thế giới.

Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, nhiều người cho rằng [chuyến thăm đó là] để ủng hộ phe cánh thân Trung Quốc trong lòng chế độ. Điều đó không sai, nhưng mục đích cụ thể của chuyến đi Hà Nội này của ông ta, theo tôi, là vỗ về để chế độ tuyên bố qua loa về hai ngọn hải đăng. Trọng tâm chính của ông chủ Trung Nam Hải là biến hai ngọn hải đăng thành công năng xác định chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên trên Biển Đông, một thứ cột mốc biên giới mới mà các thế hệ cha ông họ không làm được, nay đã làm được chỉ với bài ca ru ngủ về “tình hữu nghị viển vông” mà không cần tốn một viên đạn.

Tôi đọc tin trên facebook mỗi ngày và nhiều giờ, tin gây cho tôi chú ý nhiều nhất là: Hải quân Mỹ sẽ đưa tàu chiến áp sát vào vùng đảo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tôi thừa biết đây là thứ tin không đáp ứng cho tôi và các bạn Facebook của tôi về lý trí mà là cảm xúc. Có lúc tôi cười cười để mỉa mai mình và đau đớn nhận ra rằng, tôi cũng có tâm lý trông chờ gã hàng xóm xa bảo vệ vợ con mình trước thằng côn đồ ngay trước ngỏ, hơn là chính mình thực thi quyền tự vệ vì trách nhiệm thiêng liêng của một người đàn ông, chủ gia đình.

Nhưng nếu tôi và bạn bè tôi tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc như những năm trước đây, sẽ lại có khối người chấp chính của chế độ đưa ra cho chúng tôi cái lý lẽ: “Các ông có dám cầm súng ra chiến đấu không hay lại trốn mất.” Đây đúng là một thứ lý lẽ chỉ có ở những người thuộc chủ nghĩa độc quyền yêu nước. Họ được trang bị lý lẽ đó lâu đến mức họ quên rằng họ chỉ là thiểu số và cũng quên luôn rằng chính phần đa số các công dân đang đóng thuế để trả lương cho họ, thế nên không lạ khi họ áp đặt yêu nước theo cách họ và khi cần thì để cho Trung Quốc muốn gì được nấy trên tổ quốc này cũng theo cách của họ.

Nhưng liệu chỉ có mỗi phương cách tự vệ bằng chiến tranh chăng? Năm 1979, Trung Quốc đánh Việt Nam và trong lịch sử nhiều cuộc chiến tranh xâm lược khác họ đã không ngần ngại tiến hành. Nhưng từ năm 2015 này các năm tới đây liệu Trung Quốc có dám đặt cược vào sòng bài chiến tranh địa vị vật chất, thanh danh đại cường thứ hai… vào hành vi bắt nạt có tính côn đồ không?

Chế độ Hà Nội, trong cuộc chiến tranh 40 năm trước từng mở được mặt trận trong lòng nước Mỹ, nhưng không ai tin là điều đó có thể lặp lại với chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bá quyền Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn muốn làm người khờ khạo để tin rằng họ sẽ làm được hoặc nếu không mở được mặt trận phản chiến, phản đối cướp đoạt đường sống của ngư dân và dân tộc Việt Nam trong lòng Trung Quốc thì ít ra cũng làm được điều gì đó để luật pháp quốc tế kết án thói côn đồ của Trung Quốc cũng như mạnh mẻ đánh thức lương tri thế giới trước hành động bất lương của thứ nước lớn côn đồ Trung Quốc.

12/10 2015

Comments are closed.