25-2-2021: 10 năm Thầy đã đi xa

Phạm Văn Tình

Có lẽ không chỉ “dân” ngôn ngữ học, mà không ít các nhà nghiên cứu văn học, Hán – Nôm, văn hóa dân gian… đều biết đến tên tuổi GIÁO SƯ NGUYỄN TÀI CẨN – nhà ngữ học uyên bác, giản dị với một nhân cách khoa học đặc biệt “lớn mãi với thời gian”. Cách đây đúng 10 năm, ngày 25-2-2011, ông đã lâm bệnh và từ trần tại Moskva (Liên bang Nga) khi mà chỉ còn hơn 2 tháng nữa là sinh nhật tròn 85 tuổi.

Sinh ngày 2-5-1926 tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, trong một gia đình Nho học, Nguyễn Tài Cẩn đã theo học tại các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế. Chàng thanh niên nhỏ nhắn, mảnh khảnh này đã sớm bộc lộ năng lực tư duy siêu việt và một nghị lực phi thường. Từ năm 1949-1954, ông gia nhập hàng ngũ Cách mạng và nhanh chóng tham gia công việc giảng dạy đại học. Nguyễn Tài Cẩn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (hiện nay là Tiến sĩ) tại Liên Xô với đề tài Từ loại danh từ tiếng Việt (1960). Đề tài nghe có vẻ đơn giản này hóa ra lại động chạm tới một loạt vấn đề cần giải quyết đối với Việt ngữ học, bởi nó liên quan tới hình thái học, ngữ pháp học, ngữ nghĩa học… của một ngôn ngữ phân tiết tính, không biến hóa hình thái như tiếng Việt. Tư tưởng học thuật này sau này đã được GS Cao Xuân Hạo đề cao như một “bảo bối” cho “làng” ngôn ngữ học của ta: “Cách đây (2000) bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, GS Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: lý thuyết âm tiết-hình vị (slogomorphema) của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung (coi châu Âu là trung tâm)””… Sự kiện này đã được đa số các nhà nghiên cứu coi đó là một cái mốc, mang tính bước ngoặt, tạo nền móng để Việt ngữ học khẳng định vai trò thực sự của mình. Thông thạo và am hiểu Hán học, nắm vững tiếng Nga – một điển hình của ngôn ngữ biến hình – yêu văn học dân gian và văn học cổ, Nguyễn Tài Cẩn đã âm thầm làm việc và lần lượt công bố hàng loạt cuốn sách mà mỗi cuốn sách đều là một công trình nghiên cứu công phu và đặc biệt có giá trị: Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng – từ ghép – đoản ngữ) (1975), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán – Việt (1979), Một số vấn đề về chữ Nôm (1985), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo) (1995), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu, (2004), v.v. Có thể nói năng lực làm việc của Nguyễn Tài Cẩn là đáng nể và sức sáng tạo của ông gần như là vô tận. Theo GS Đinh Văn Đức – một trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Tài Cẩn, thì “Thành công liên tục trong học thuật của thầy tôi chính là ở chỗ ông có một phương pháp tư duy rất hiện đại và đúng đắn. Thầy nắm rất vững các nguồn lí luận ngôn ngữ học ở các bối cảnh lịch sử khác nhau. Mạnh dạn nhưng cẩn trọng, thầy đã ứng dụng có kết quả các lý thuyết ngữ học vào tư liệu bản ngữ, cả hiện đại và lịch sử, mở ra những ý tưởng rất mới…”.

Năm 2000, GS Nguyễn Tài Cẩn là nhà ngôn ngữ học đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (về cụm công trình về “Các vấn đề Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt”). Ông xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các nhà khoa học xã hội ưu tú nhất của thời đại Hồ Chí Minh,… Đã tròn bảy thập nên kể từ năm 1960 đến nay (2021), công lao “khai phá” cho Việt ngữ học đi đúng hướng của Nguyễn Tài Cẩn đã được khẳng định hết sức rõ ràng.

Đúng ra, tính theo ngày âm (mà theo phong tục, mới được coi là Ngày Giỗ) thì phải là ngày 23 tháng giêng. Nhưng tôi muốn “đi trước thời gian” bằng lấy ngày Dương lịch để mọi người cùng tưởng nhớ ông. Cũng bởi tôi vừa nhận được một tin đặc biệt.

NGÀY 23-12-2020, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN ĐÃ RA NGHỊ QUYẾT (xin xem hai ảnh chụp dưới đây) về việc đặt tên 30 tuyến đường cho các đường phố nằm trên Thị trấn Thanh Chương, Nghệ An. Trong số 30 tên đó, có 2 tên địa danh và sự kiện lịch sử, 28 tên danh nhân – những người con sinh ra và làm rạng danh mảnh đất Thanh Chương giàu truyền thống.

28 danh nhân đó là (xếp theo thứ tự trong Quyết định): 1. Võ Thúc Đồng, 2. Nguyễn Sỹ Sách, 3. Nguyễn Cảnh Chân, 4. Tôn Thị Quế, 5. Đặng Thai Mai, 6. Đặng Thúc Hứa, 7. Trần Tấn, 8. Nguyễn Hữu Điền, 9. Nguyễn Đệ, 10. Tôn Gia Tinh, 11. Nguyễn Tài Cẩn, 12. Phan Nhân Tường, 13. Nguyễn Đình Cổn, 14. Nguyễn Tiến Tài, 15. Phạm Kinh Vĩ, 16. Võ Quý Huân, 17. Tôn Quang Phiệt, 18. Đỗ Bá Công Đạo, 19. Hoàng Đình Cầu, 20. Phan Sỹ Thục, 21. Nguyễn Cảnh Hoan, 22. Nguyễn Phùng Thời, 23. Đinh Nhật Thận, 24. Phan Đà, 25. Đinh Bô Cương, 26. Đặng Nguyên Cẩn, 27. Trần Hưng Học, 28. Trần Hưng Nhượng.

Trong số 28 danh nhân đó, có ba nhà khoa học được chọn: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tài Cẩn, Võ Quý Huân.

Và vừa rồi, tỉnh Nghệ An đã gắn biển tên đường theo quyết định. Đường Nguyễn Tài Cẩn là đường nhựa, dài 827m, kéo từ đường 1-9 đến đường Nguyễn Đệ (xem ảnh dưới đây).

o

NHỚ LẠI, cách đây 10 năm, sau khi GS Nguyễn Tài Cẩn mất, đúng 1 tháng sau, ngày 26-3-2011, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã tổ chức “Tọa đàm Khoa học Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà văn, nhạc sĩ (cùng người thân Gia đình GS Nguyễn Tài Cẩn)… với hơn 30 báo cáo, tham luận, phát biểu cảm tưởng. Buổi tọa đàm thu hút gần 100 người dự, rất chân tình, cảm động. Tất cả các báo cáo và sáng tác thơ, văn được thu thập và in trọn vẹn trong tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 3 (dày hơn 220 tr.).

Sau đó không lâu, ba người con của GS Nguyễn Tài Cẩn đã đến 36 Hàng Chuối, Hà Nội thăm Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam. Bức ảnh dưới đây do tôi chụp vội nhưng cũng ghi được ba gương mặt đó.

Nhân đây, tôi muốn nói đôi lời về ba người con của thầy (theo thứ tự trong ảnh: từ trái qua phải). Chính những người con này đã góp phần làm cho cuộc đời thầy, sự nghiệp của thầy thêm hoàn hảo.

Chị Nguyễn Thị Nam Hoa (con của thầy với bà Loan), sinh 1953, từng học khoa Sinh học tại Trường Đại học Tổng hợp Minsk (Liên Xô). Sau khi về nước, chị Nam Hoa là Giảng viên Khoa Sinh, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chị chính là phu nhân của Nhà Toán học, PGS TS Hà Huy Vui – từng công tác tại Viện Toán học Việt Nam. Con gái thứ hai của anh chị – Hà Tuệ Thành – hiện đang là giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (tháng 3 tới này, Tuệ Thành chính thức lên xe hoa).

Hai anh Nguyễn Tài Việt và Nguyễn Tài Nam là con của GS Nguyễn Tài Cẩn với bà Nonna Stankevich.

Ngồi ngay bên cạnh chị Nam Hoa là Nguyễn Tài Nam, sinh 1965. Anh Nam 1 tuổi đã theo mẹ sơ tán lên Đại Từ, Bắc Thái. Dù là “người Tây”, con một sĩ quan cấp cao của Quân đội Nga nhưng bà Nonna không quản ngại, sẵn sàng đồng cam cộng khổ cùng phu quân, mặc quần lụa, đội nón lá, ăn rau rừng, uống nước suối… vừa đảm nhận công việc giảng dạy Ngôn ngữ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vừa nuôi cả gia đình (bố chồng, chồng, con trai). Tài Nam khi tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam, sau đó học chuyên ngành Cơ khí tại Liên Xô. Anh có vợ người Nga, hiện có ba con và cả gia đình đang ở Moskva (Liên bang Nga).

Cuối cùng là “trưởng nam” Nguyễn Tài Việt, sinh 1957. Lớn lên, 6 tuổi, khi đã nói tiếng Việt thành thạo, Tài Việt sang Liên Xô học Tiểu học, và đến năm 1969 (đang học lớp 6) anh trở lại Việt Nam tiếp tục học nốt phổ thông. Chính anh đã chứng kiến sự kiện “12 ngày đêm Hà Nội đánh B52 trong Chiến dịch Linebacker 2 của Mỹ”. Anh học chuyên ngành Điện Nguyên tử tại Liên Xô. Hiện Tài Nam đang là đại diện Thương vụ cho Công ti ROSSATOM (ROSS: viết tắt của Rossija, Nga, ATOM: Nguyên tử) của Nga tại Việt Nam. Anh có vợ người Nga, cũng có 3 con (rất tiếc một cháu đã mất sớm, còn hai con trai, đã trưởng thành).

Nói chuyện với Tài Việt và Tài Nam thật thú vị. Thú vị vì năng lực giao tiếp tiếng Việt của hai anh vẫn rất tuyệt (chuẩn xác, tinh tế, biểu cảm). Tài Việt ít lời kín đáo còn Tài Nam hoà đồng vui nhộn. Tôi còn nhớ, khi mang tro cốt cha mình về Thanh Chương làm Lễ an táng, hai con trai của thầy đứng nghiêm như tượng bên cạnh quan tài đựng tro cốt thân phụ trong suốt thời gian hành lễ. Họ đích thị là những chàng trai Đất Việt (dù thời gian sống bên Nga dài hơn rất nhiều tuổi thơ ở Việt Nam).

MƯỜI NĂM ĐÃ QUA, tính từ ngày GS Nguyễn Tài Cẩn đi xa. Thời gian nhanh quá. Ở nơi xa ấy, chắc thầy cũng vui lòng là các thế hệ học trò vẫn hướng về thầy, nhớ lời thầy. Và các con cháu của thầy vẫn xứng đáng là những người con dất Thanh Chương, xứ Nghệ giàu truyền thống của một mảnh đất kiên trung, nhiều con người tài năng, giàu ý chí.

Có thể là ảnh chụp cận cảnh 1 người

Có thể là hình ảnh về Tình Phạm Văn

Có thể là hình ảnh về 1 người

Phu nhân GS Nguyễn Tài Cẩn, bà Nonna Stankevich.

Có thể là hình ảnh về 3 người

Từ phải qua trái: GS N. Stankevich, GS Nguyễn Tài Cẩn, GS Vũ Đức Nghiệu.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và văn bản cho biết 'NHIỀU TÁC GIẢ NGUYEN TÀI CẦN Nhà học giả "bất yếm, bất quyện" TẠP CHÍ VĂN TAPCHÍVĂ HäA NGHỆ 2011'

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'Chúng em vẫn nhớ lời thầy...'

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Ba người con của GS Nguyễn Tài Cẩn (từ trái qua phải): Nguyễn Thị Nam Hoa, Nguyễn Tài Nam, Nguyễn Tài Việt.

Không có mô tả ảnh.

image

 

 

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, cây và đường

Nguồn: FB Phạm Văn Tình

Comments are closed.