Ai cũng như ai, chen cạnh mà sống

(Rút từ facebook của Vương Trí Nhàn)

 

Đầu những năm 2000 này, một người bạn tôi kể lên Tây Nguyên, thấy có chuyện lạ, những người làm công canh gác cho một trang trại hồn nhiên cho người ngoài vào thoải mái hái trộm cà phê. Họ bảo nhau, chủ cũng là người như mình, tội gì để chủ vượt lên sung sướng hơn mình.

Có thể cái lối cư xử trắng trợn nói trên là hiếm hoi, nhưng cái triết lý “ai cũng như ai”, “cá đối bằng đầu”, “cá mè một lứa” thì mọi người Việt sẵn sàng chia sẻ.

Hà Nội bây giờ khá nhiều nhà, nhất là nhà buôn bán, có người giúp việc, tức các ô-sin. Nhưng không ít trường hợp phục vụ quán xá được ít ngày, các ô-sin là những con người nông thôn không hề có kinh nghiệm buôn bán kia đã lăm le nhảy ra làm cái việc cạnh tranh ngay với chủ cũ.

Bởi người ta nghĩ mình chẳng kém gì đời. Buôn bán hay cai quản sai phái người khác, ai chẳng biết làm. “Cờ đến tay ai người ấy phất”.

Cả học hành nữa, thằng này mà được học thì kém chi đời!

Trong các làng xóm cũ, sở dĩ ông nọ ông kia có vai vế chẳng qua giỏi bịp bợm luồn lọt hoặc kéo bè kéo cánh mà leo lên đầu lên cổ người khác, chứ chẳng tài cán gì cả – cái lập luận ấy được nhiều người ưa thích.

Tâm lý hình thành từ thời trung đại

Trong một phim truyện, có cảnh một viên tướng bị thua trận trốn chạy trên xe do một ông nông dân kéo. Chở kèm trên xe có cả vợ viên tướng và một ít đồ đạc. Ông nông dân vừa kéo xe vừa khoác một bu gà sau lưng. Có người xin đi nhờ, viên tướng bảo ông nông dân vứt cái bu gà đi, ông không bằng lòng. Ông bảo: Không có gà, không có trứng, làm sao tướng quân khoẻ được?

Tức là ông ta cho rằng mình không nghĩa lý gì so với cái người ngồi trên xe kia. Mình thuộc một loại người khác mà viên tướng thuộc loại người khác.

Đây, cố nhiên, là một cảnh trong một bộ phim nước ngoài. Phim Trung Quốc, diễn lại cảnh thời Tưởng Giới Thạch. Chỉ có bên Tàu mới có những người nông dân cam chịu và trong thâm tâm hiểu rằng có một trật tự xã hội nghiệt ngã, mọi người nhất thiết phải theo. Mà cũng chỉ bên Tàu mới có những viên tướng tự tin ở sứ mệnh của mình như vậy. Chứ ở ta, cả hai đều nghĩ ngược lại!

Một nhà xã hội học, ông Đỗ Thái Đồng, nhận xét rằng xã hội Việt Nam thời trung đại không có quý tộc mà chỉ có quan chức; không có trí thức mà chỉ có những người học hành để đi thi làm quan; không có doanh nhân mà chỉ có có người buôn vặt (bài in trong sách “Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ”, do nhóm Phạm Bích Hợp chuẩn bị, S. 2000). Một người mang dòng máu quý tộc tức là mặc nhiên cho rằng có sự hơn hẳn của con người mình so với người khác – không ai dám công khai nói lên ý nghĩ đó vì thừa biết đám đông không đồng tình. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân trên danh nghĩa bảo là tái lập sự công bằng, nhiều khi chỉ là một cách để người ta khẳng định rằng không có một trật tự nào cả, không làm liều chỉ thiệt.

Nét tâm lý này đến nay vẫn còn đeo bám dai dẳng người Việt.

Xã hội như rừng cỏ gianh

Ở nhiều nước khác, xã hội giống như một khu rừng nguyên sinh có cây cao bóng cả, có cả những dây leo. Cỏ mọc lan trên mặt đất cùng với dây leo ủ đất, giữ nước, làm cho cả cánh rừng thành một tổng thể có cấu trúc chặt chẽ và do đó dây leo cũng có ích.

Còn ở ta suốt trường kỳ lịch sử, một xã hội phân tầng như vậy cũng có nhưng còn ở trong tình trạng rất yếu ớt. Làm nền cho xã hội là một quan niệm bình đẳng tuyệt đối. Trong các quần thể làng xã, các thành viên chỉ biết đến sự phát triển của chính mình. Một hệ thống giá trị thích hợp không được hình thành, hoặc có hình thành cũng không được mọi người công nhận. Ai cũng như ai, giữa các cá thể chỉ có sự cạnh tranh, nhiều khi là tàn bạo và trắng trợn. Kẻ nào giỏi kẻ đó thắng và kẻ thắng sẽ có lẽ phải, có chính nghĩa. “Được làm vua thua làm giặc”.

Xã hội không trưởng thành và phát triển lên được ư? Không sao, miễn tôi không kém ai là được, nhiều người nghĩ vậy!

Hồ Xuân Hương không phải chỉ nổi tiếng với những câu thơ ỡm ờ nửa thanh nửa tục mà còn ở lại trong lịch sử với lời giả định

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

Câu thơ không chỉ thổ lộ cái uất ức của người phụ nữ mà cái chính là nói lên ý chí của lớp người cùng cực tự an ủi rằng thả ra chắc mình chẳng thua kém ai.

Nhà văn Kim Lân từng kể một trong những ý nghĩ thúc đẩy ông sáng tác khi mới vào nghề là cái cảm giác “Ta cũng chẳng kém gì các người!”.

Cái cảm giác đó có thể có ý nghĩa tích cực với nghĩa thúc đẩy một cá nhân lập nên sự nghiệp. Nhưng một xã hội mà gồm toàn những người không chấp nhận một trật tự nào, không công nhận vai trò của học vấn bản lĩnh truyền thống gia tộc… mà chỉ thấy ai cũng như ai chen cạnh mà sống, thì chưa chắc đã tạo được sự tiến hóa cần thiết.

Khi đã chẳng còn có sự phân tầng thì, theo các nhà sinh học, một quần thể chỉ còn có cấu trúc của một rừng cỏ gianh. Cấu trúc được đơn giản hóa tới mức tối thiểu. Mà một trong những quy luật của thiên nhiên là “Bất cứ sự đơn giản hóa hệ thống nào đều dẫn tới sự thắng lợi của những hình thức thấp của đời sống và điều đó làm xấu đi một cách tệ hại cuộc sống của con người”. Tôi đọc được nhận xét này trong một cuốn sách sinh học.

Comments are closed.