Ăn cắp đâu chỉ là chuyện cá nhân có thể tu dưỡng được

(Rút từ facebook của Đào Tiến Thi)

Cảnh báo "Ăn cắp là phạm tội" của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật - Ảnh tư liệu

Cảnh báo “Ăn cắp là phạm tội” của Sở cảnh sát Omya Higashi (tỉnh Saitama) đặt trong siêu thị Nhật – Ảnh tư liệu

 

Tệ ăn cắp thì nước nào cũng có, thời nào cũng có, nhưng ăn cắp đã thành một thứ “đặc trưng” trước thế giới thì có lẽ người Việt Nam – chính xác là con người Việt Nam XHCN mới có, hoặc ít tộc người có. Nay trên Tuổi trẻ hôm nay lại có bài về đề tài này (xem ở đây) và lý giải hiện tượng ăn cắp thuộc về cá nhân, do tu dưỡng cá nhân chưa tốt! Điều này tất nhiên không sai nhưng phần đúng quá ít. Và lý giải theo hướng ấy chính là phản lại chủ nghĩa Marx! Chủ nghĩa Marx coi con người là kết quả của xã hội, khi Marx nói “Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội”. Nói đơn giản như các cụ nhà mình thì là: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Các bạn trẻ hiện nay, một số đông rất nghèo và một số ít rất giàu, nhưng nghèo hay giàu thì ai mà chẳng thích ăn chơi? Ai mà chẳng muốn dùng hàng xịn, hàng có “đẳng cấp”? Vấn đề là lấy đâu ra tiền? Trông lên thấy biết bao nhiêu bậc quyền cao chức trọng giàu có nhờ ĂN CẮP, tức là THAM NHŨNG ấy (“Chúng ăn của dân không từ một thứ gì” – lời của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan). Trong khi đó, các bạn trẻ phần lớn chưa được gia nhập bộ máy này (còn phải “phấn đấu” dài dài). Vậy thì các cháu tạm ăn cắp vặt thôi, so với ăn cắp có phi vụ, có con dấu thì chỉ như cục đất so với trái núi.

Tác giả bài báo đề xuất: “Những người Việt muốn đi ra nước ngoài cần có những lớp học ứng xử”. Ô hay! Học ứng xử gì chứ nhất thiết không cần dạy cho bất cứ ai, rằng “Đừng ăn cắp”, vì ai cũng thừa biết ăn cắp là sai, là xấu. Chúng ta hãy trở lại mệnh đề của Marx: “Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội” để bắt đầu giải quyết từ đây. Trong Sống mòn, Nam Cao cũng viết: “Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái cuộc sống lầm than, nó đã bắt buộc người ta ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam…”. Vậy vấn đề là có dám loại bỏ cái “chất độc ở ngay trong sự sống” này không? Một khi còn từ chối nhà nước pháp quyền, từ chối xã hội dân sự, tức là từ chối cái cơ chế nhà nước có thể ngăn chặn và trừng phạt ăn cắp, từ chối một môi trường có thể kiểm soát, giáo dục lẫn nhau trong cộng đồng, thì mọi biện pháp khác chỉ là loanh quanh, thậm chí là giả dối, chỉ làm cho tệ nạn ăn cắp ngày nặng thêm. Và như vậy đâu chỉ là “buồn quốc thể” mà phải nói là “nhục quốc thể”.

Comments are closed.