Bản thảo (kỳ 1)

Nguyễn Đức Tùng

 

1. nhật ký

Tại sao thơ?

Thế giới này đẹp quá, ngay cả khi nó không đẹp lắm.

Tại sao thơ?

Vào giây phút mà bạn không còn tin tưởng vào một điều gì nữa.

Tại sao thơ?

Tôi nhìn thấy tôi bên ngoài thời gian, sau gốc cây.

Tại sao Khánh Ly, tại sao Trịnh Công Sơn, tại sao Phạm Duy?

Chỉ hát hò thôi. Nên nói ít. Câm luôn thì tốt. Cả ba.

Tại sao văn xuôi?

Thế giới cùng một lúc vừa tan vỡ vừa làm lại.

Làm lại bằng cách nào?

Từ nước.

2. quite beautiful an ocean

Thời nhỏ tôi đã từng ra biển một lần. Không phải đi tắm biển. Không phải nằm trên chiếc ghế dưới bóng dù xanh đỏ sặc sỡ. Tôi tới biển một mình, chiều xuống, ngày tàn. Tiếng sóng réo gọi tôi, đổ ầm ầm sau một ngọn đồi. Lần đầu tôi nghe tiếng sóng, nhưng tôi nhận ra ngay. Cho đến giây phút ấy, tôi chưa từng biết biển là gì, rộng bao nhiêu, sâu đến đâu, sóng biển đổ như thác là thế nào. Tôi chỉ nhìn thấy trong sách vở, trong phim ảnh, trong trí tưởng tượng. Nhưng bây giờ là một biển khác, có thật, ngay bên kia ngọn đồi, réo gọi. Một đứa trẻ đang khát, đói, thèm muốn. Nhiều ngày không được ăn muối, miệng tôi nhạt thếch, tim tôi đau xót, bụng tôi quặn thắt, đi xuống một ngày qua những trảng cát, ban ngày những chiếc phi cơ khám thính bay rì rì trên trời, sợ hãi nghe tiếng phản lực từ biển vào, tiếng đại bác từ rừng về, tôi di chuyển chậm chạp giữa những vườn cây trái bỏ hoang trái chín rụng đầy mặt đất, băng qua những rào thép gai. Mặt trời đỏ như một trái lựu chín chìm xuống trên mặt nước, đó là điều đầu tiên tôi nhìn thấy, rung những luồng sáng lóng lánh trên những cột nước cao vòi vọi. Tôi nhìn quanh, không có ai cả. Không có hải âu, không có tiếng chim hót, không có tiếng côn trùng rả rich, không có bóng người. Xa xa một nhà thờ với tháp chuông cao in bóng lên nền trời, vắng vẻ, buồn, lạnh. Tôi đứng đó một mình, không kịp nghĩ tới bất kỳ một điều gì khác. Tôi đứng đó không nhớ tới cha mẹ tôi, anh chị em tôi, không nhớ đến sân trường, lớp học, bạn bè. Tôi lập tức nhận ra rằng tôi đang mất dần trí nhớ của mình, sự nhớ lại, sự hoài niệm. Tôi không còn thời gian để hoài niệm. Sau lưng tôi là hàng xóm, sau những rặng cây thiêm thiếp ngủ, chìm sâu vào giấc ngủ ngay khi trời sáng. Không có tiếng chó sủa, không có tiếng trẻ con khóc trong nôi. Không có khói lam trên mái tranh mái rạ. Biển đổ liên hồi như một hồi chuông kéo dài bất tận, rung bọt trắng xóa. Một màu trắng hung dữ đe dọa, buồn rầu như nấm mồ vĩ đại. Tôi đi dần theo bãi cát, tránh xa mép nước, sợ hãi nhìn biển. Ngoài xa trời vẫn còn sáng, trên mặt biển nhô cong ánh sáng chập chờn tạo ra hình ảnh vừa hung dữ vừa đẹp đẽ. Mặt đất chuyển động. Bầu trời không sao không trăng, mây tới tấp bay về núi. Tôi đứng đó một mình run lên trước vẻ đẹp của biển, run lên trước sự đe dọa của nó. Tôi lặng người, như đứng trước một vực thẳm. Tôi trở thành một chữ trong một câu văn dài bất tận nhưng câu văn bất tận ấy giờ đây sắp kết thúc, tôi đã đến bên lề. Tôi đã đến bên lề sách của đời mình và sắp rơi xuống. Tôi thấy tôi chìm xuống, chìm xuống nữa, lặn mất tăm. Đầu tiên tôi đánh mất trí nhớ của mình. Những cái tên. Những làng mạc. Những đứa bạn. Những tên đường mà mỗi ngày tôi đi học ngang qua. Tên các thành phố. Ngày trước tôi vốn thích môn địa lý và thuộc tên các thủ đô trên thế giới. Tôi cố nhớ lại. Tôi chỉ còn nhớ tên một thủ đô duy nhất, tên Lima. Tại sao lại Lima thì tôi không biết. Tôi đã mất tất cả. Chỉ còn một cái tên. Tôi chìm dần xuống trong ngày mênh mông, trong đêm mênh mông của chiến tranh, trong sự im lặng của bệnh mất trí nhớ. Trên đầu tôi sóng biển rì rào, gầm thét, tung bọt, ngoài xa một cơn bão nhiệt đới tới gần, nhưng tôi càng xuống sâu mọi thứ càng trở nên im lặng, buông thả.

3. sản phẩm

Nhạt nhẽo. Ích kỷ.

4. Định bỏ đi nhưng chép thêm câu này nữa.

Của Zadie Smith, cô nàng da đen này thì khiếp. Cô viết gì tôi cũng đọc. Children are curious about justice. Trẻ con tò mò về lẽ công bằng.

(ý cô muốn nói: bọn người lớn hư hỏng, uốn éo như hoa hậu, thì không ?)

5. Đặc điểm số một của các nhà văn Việt Nam là chỉ đọc chính mình. Không đọc người khác. Chỉ quan tâm đến cái quan tâm của mình; không quan tâm đến cái quan tâm của người khác.

Tôi vừa dùng dấu chấm phẩy/ chấm phết. Tôi yêu thích cái dấu này vô cùng. Cái gì tôi yêu mến đều bị bỏ rơi.

6. Về người khác, thì không gì bằng câu thơ này của Marianne Moore, một bà già quái dị.

I sense your glory.

For things that I desire and have not got:

For things I have that I vvish I have not

Tôi cảm nhận niềm vinh quang của bạn.

Về những thứ tôi ao ước mà không có đặng:

Về những gì tôi có mà tôi lại chẳng màng chi,

Tôi bị ám ảnh không phải chỉ vì tư tưởng trong Moore, mà vì mấy cái dấu chấm và hai chấm kỳ lạ kia.

 

N.Đ.T

(Còn tiếp)

Comments are closed.