Bản thảo (kỳ 10)

Nguyễn Đức Tùng

53. Có một mùa hè tôi tìm thấy một cái bàn ăn nhỏ dưới nhà sàn trên bờ biển. Đó là bàn gỗ cũ nhưng chắc chắn. Nó xấu kỳ lạ, đóng vụng về. Các thanh gỗ được ghép vào nhau một cách vô lý, tựa như bởi một đứa trẻ. Mặt gỗ thô ráp. Tuy vậy, đó là cái bàn chắc chắn, hoàn toàn có thể chịu được vật nặng, bạn nằm lên được. Tôi đã nằm ngủ trưa ở đó trong giấc mơ đầy tiếng sóng. Tôi bắt đầu nhận ra tôi yêu thích nó, không phải cái bàn gỗ, mà sự xấu xí ấy của cái bàn gỗ.

Lần đầu tiên tôi biết rằng tôi có thể yêu cái xấu.

54. Trong mỗi người có một hạt giống. Chúng khác nhau, nhưng tất cả đều nằm chờ trong im lặng. Nhiệm vụ của phê bình văn học không phải là trình bày các bài tập có tính mô phỏng, sắp xếp các tác phẩm vào khung định trước của các lý thuyết văn học, như nhiều người hiện nay đang làm một cách hào hứng và đào tạo nên các học trò đông đảo của mình. Ví dụ đọc thơ Bùi Giáng qua lăng kính phân tâm học, hay đọc Linda Lê qua phê bình nữ quyền hay hậu thuộc địa.

Các lý thuyết là có ích, tôi yêu chúng, nhưng tôi không ca ngợi việc sử dụng các lý thuyết bằng cách xếp đặt sao cho các sáng tạo và các tác giả nằm ngay ngắn vào những góc nhìn khuôn phép của lý thuyết.

Nhiệm vụ của phê bình là chiếu ánh sáng vào các hạt giống, làm chúng chuyển động, trở nên sôi nổi, mọc mầm, vươn lên đất trời, một cách tự do .

Một người khi được người khác khuyến khích để phát triển hết năng lực của mình, người ấy sẽ không còn quan tâm đến thị phi, không còn hai cảm giác, hoặc một trong hai: thèm muốn ích kỷ hoặc nghi ngờ đố kỵ. Đó là các đặc tính hay gặp trong một xã hội bị kìm hãm hay trong một cộng đồng ghetto.

55. Cửa Sổ Của Bài Thơ

Bài thơ có thể được xem như một văn bản độc lập, một sự vật, tách khỏi sự kiểm soát của người làm ra nó, tác giả, và do đó tách khỏi ý định ban đầu của tác giả ấy. Bất kể ý định của Nguyễn Du khi viết truyện Kiều ra sao, dù ông viết để tỏ lòng thương xót một thiếu nữ bất hạnh hay để bày tỏ tâm sự hoài Lê, thì ý định ấy cũng không ảnh hưởng gì đến giá trị truyện Kiều. Bài thơ như thế tồn tại độc lập với ý kiến của người khác, của độc giả. Tác giả đã chết nhưng độc giả chưa xuất hiện. Chỉ có những chữ được in trên trang giấy hay trên màn hình như hiện nay mới có vai trò quan trọng. Mọi ý nghĩa, mọi diễn dịch, sự thưởng thức về nghệ thuật, việc gọi một bài thơ là hay hoặc là dở, việc bài thơ ấy làm một người đọc cảm thấy xúc động hay không, như thế tùy thuộc vào các chữ và sự sắp xếp của các chữ ấy trong không gian.

Thực ra khi nhà phê bình mới nhấn mạnh đến tính chất sự vật của một bài thơ, đặt lên hàng đầu vai trò của văn bản, họ đã mở đường cho vai trò của người đọc. Tuy vậy vai trò ấy vẫn còn có tính chất thụ động, người đọc là người nhận như một người đọc thụ động. Các nhà phê bình vẫn tin rằng những phản ứng chủ quan của một người đọc sẽ ảnh hưởng đến giá trị của một bài thơ, xem như một văn bản cố định.

Bài thơ xuất hiện trước mắt người đọc như một sự phối trí các chữ, các dấu chấm phẩy, các câu, sự xuống dòng, trên một không gian cụ thể. Bài thơ là một không gian. Khái niệm này về sau sẽ bị thách thức bởi các nhà phê bình chủ trương lấy tiếp nhận của độc giả làm cốt lõi đối với phê bình thơ (reader-respone), hay còn gọi là lý thuyết tiếp nhận. Ý nghĩa của một bài thơ đối với phê bình mới nằm trọn vẹn trong một văn bản, tức là những chữ trên trang giấy, trong khi lý thuyết độc giả nhìn thấy ý nghĩa như là kết quả của sự tương tác giữa bài thơ và người đọc. Trong khi các nhà phê bình mới cho rằng bài thơ là một sự vật bị tách rời khỏi các hoàn cảnh thì lý thuyết tiếp nhận xem đó là một quá trình tương tác.

Việc đọc một bài thơ tất nhiên sẽ mang lại sự hiểu biết. Mỗi lần bài thơ xuất hiện một cách khác đối với độc giả. Một người đọc thơ có kinh nghiệm sẽ càng thấy nhiều ý nghĩa trong cùng một bài thơ. Một người đọc thơ không có kinh nghiệm thường bị cột chặt vào một ý nghĩa. Các nhà thơ có thể tuyên bố về ý định của mình, về một hay nhiều ý nghĩa của một tác phẩm, nhưng chúng, cả hai, không được làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của người đọc trước bài thơ ấy.

Robert Frost từng nói rằng mỗi bài thơ nên có một cánh cửa, như vậy ông cho rằng bài thơ là một khung cảnh, một căn nhà và người đọc phải tìm đường vào bài thơ ấy. Những chữ trong bài thơ có thể trừu tượng đủ để dung chứa những khả năng diễn dịch khác nhau.

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa

Vội vàng chi trăng sáng quá khách ơi

Đó là hai câu thơ mở đầu trong bài Lời kỹ nữ của Xuân Diệu. Trăng sáng là một chữ vừa phải, không xuất sắc, không đặc biệt, nhưng có khả năng mở rộng sự tưởng tượng ra nhiều phía. Hai câu thơ ấy chưa đủ sức để nâng cao một không gian, làm đầy một trạng thái.

Đêm trăng rằm: yến tiệc sáng trên trời

Câu thơ thứ ba mới là câu thơ nâng vạn vật lên, làm tâm hồn cô gái sáng trưng. Như vậy chữ trăng sáng là cánh cửa mở ra trong bài thơ. Mở ra sự tưởng tượng của người đọc. Nhờ sự tưởng tượng ấy mà khung cảnh của cuộc gặp với nàng kỹ nữ đi theo nhiều hướng khác nhau. Cần chú ý rằng trong khi các nhà thơ thời kỳ thơ Mới sẵn sàng viết về các đề tài thông thường, những việc tầm thường hàng ngày như Nam Trân viết về tiếng rao bán chè ở Huế, Anh Thơ về một bến đò trời mưa, thì những bài thơ xuất sắc nhất của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử đều hướng về những khung cảnh đặc biệt, những gặp gỡ kỳ lạ.

56. Đường Về

Tôi mất một người bệnh. Một phụ nữ ngoài năm mươi tuổi, vui tươi, tốt bụng. Bệnh ung thư tủy đã đánh bại các thầy thuốc. Lần cuối gặp chị, tôi kể cho chị nghe lần tôi chìm xuồng trên sông Hậu mênh mông, sợ hãi. Khi kiệt sức, tôi quyết định buông lỏng, thả trôi, mặc dòng nước kéo đi. Tôi nghĩ là tôi sẽ chết, sẽ về một bến bờ nào. Tôi nặng quá không nổi được. Tôi chìm dần. Thế rồi bỗng tôi nhận ra sự buông bỏ đầu tiên là buông bỏ chính mình. Không giận điên cuồng không thương đứt ruột. Người tôi nhẹ lại. Hơi thở tôi thanh sạch. Tôi nhẹ đi lạ lùng, trôi như chiếc lá. Tôi tấp vào một bờ cát vàng. Ngất đi, tỉnh lại.

Chị hỏi, nếu đó không phải là bờ cát, mà là một bến bờ nào khác?

– Thì cũng êm đềm như vậy. Tôi trả lời.

Chị nói: cám ơn ông, em nhìn thấy ánh sáng.

Chữ ánh sáng của chị làm tôi nhớ lại. Các điểm tổn thương sáng trong xương của chị là do sự hủy diệt tế nào. Chúng sáng rực lên trên màn hình điện quang trong bóng tối. Chúng là những ánh chiếu (reflections) của số phận.

Có một thứ ánh sáng khác. Khi vừa im tiếng súng, tôi về làng cũ. Chiến tranh giết chết những con đường. Chúng biến mất trong đám cỏ tranh cao ngút, không nhận ra được. Tôi đi dọc theo quốc lộ vẫn không nhìn thấy phía trước, đêm dày đặc, không trăng, chỉ có vài ngôi sao lẩn lút trên bầu trời, khi rẽ vào sâu hơn trong cánh đồng, ven theo ngọn đồi cát trắng, trước đây mọc đầy dương liễu nay chỉ còn bụi rậm, tôi hoàn toàn lạc đường. Tôi không dám đi qua đám cỏ tranh cao ngất vì sợ đạp phải mìn, tôi dò dẫm, đôi khi nhận ra mặt đường cũ, đôi khi mất dấu, tôi gọi tên những người láng giềng trong xóm cho đỡ sợ, tôi gọi tên bạn bè cũ của tôi, tôi gọi tên mọi người. Chỉ có tiếng dội lại từ trong đám cỏ tranh. Vào lúc ấy tôi rùng mình nhận ra mọi người đã chết.

Tại sao người chết không trả lời tôi?

Bạn nghĩ rằng thế gian không bao giờ thay đổi. Bạn nghĩ rằng quê hương của bạn vẫn còn đó. Khi lớn lên bạn nghĩ rằng cha mẹ bạn sẽ sống lại, anh chị em cũng thế, bạn bè hàng xóm láng giềng cũng thế. Dòng sông bao giờ cũng chảy, trăng lại mọc trong vườn cây, và dù đi xa đến cỡ nào khi trở về bọn dế cũng ở đó chờ bạn, hót vang trong lá cỏ. Thế mà giờ đây không còn ai chờ tôi. Họ đi đâu cả? Đêm mùa hè không khí nóng hực, nhiều ngày không mưa, có lúc tôi mỏi rã rời, sợ hãi, tôi ngồi xuống trên đám cỏ dại, mặt đất này thuộc về tôi nhưng bây giờ không còn của tôi nữa, tôi muốn biết tôi là ai, tôi từ đâu tới, tôi muốn biết căn nhà cũ của tôi ở đâu, tuổi thơ của tôi thất lạc nơi nào, tôi muốn gọi tên những người đã chết, tại sao người chết không trả lời tôi? Nước mắt tôi chực ứa ra khi nhớ đến họ. Nhưng trước mắt tôi bỗng một con đom đóm bay ra lập lòe từ trong bụi rậm.

Rồi hai con. Rồi ba con. Chúng bay ra nhiều hơn nữa. Chúng bay như điệu luân vũ. Thoạt đầu nhìn chúng, tôi thật vui mừng như gặp lại bạn cũ, tôi đứng ngẩn ngơ nhớ những ngày đuổi bắt đom đóm trên đường làng, về sau chúng ra thật nhiều, bay vờn trước mặt, như mừng rỡ, như chào hỏi, tôi càng bước đi chúng càng đuổi theo, bay từ sau ra trước, bay từ phải qua trái, rồi bay ngược lại. Mặt đường dần sáng ra, bầu trời bớt tối, nhìn thấy rõ, tầm nhìn trở nên xa, rộng rãi. Tôi nhìn rõ những hàng cây còn sót lại, những bụi rậm mới mọc, những cột nhà cháy. Tôi nhìn thấy những nền nhà cũ. Tôi đi dọc theo đường làng, vẫn chưa nhận ra mình ở đâu nhưng những con đom đóm vẫn bay ríu rít trên đường, tôi cứ đi theo chúng, mặt đường mỗi lúc một lộ ra. Những con đom đóm có ý định dẫn đường rõ ràng, chúng bay khi nhanh khi chậm tùy theo bước chân của tôi, có ý chờ đợi.

Đôi khi tôi vấp phải một hòn đá. Đau xe ruột phải ngồi xuống, bọn chúng liền bay chậm rãi có con đứng dừng trong khoảng không, kiên nhẫn. Chúng xua bóng tối đi xa. Chúng nói: đây là bạn của ta đây mà. Chúng nói với ai vậy?

Trò chuyện với bày đom đóm, phải kiên nhẫn. Để đọc được ngôn ngữ của chúng bạn cần sự chú ý, quan sát. Bạn buông xuôi những ý nghĩ của mình, bạn từ bỏ cái tôi của mình, bạn lắng nghe thế giới. Bạn đứng lại khi lạc đường, lắng nghe đất dưới chân, lắng nghe dòng nước chảy. Bạn nhìn chăm chú vào thứ ánh sáng ở đuôi đom đóm. Hàng trăm con ào ra như ánh sáng của ngọn đuốc lập lòe bốn phía, một thứ ánh sáng dịu dàng, hớn hở, âu yếm. Bạn đi theo. Bạn đi thật chậm. Bạn đi nhanh lên. Bạn nhảy qua một cái hào nhỏ. Có một cái hồ nước nhỏ ở gần đâu đây mà loại đom đóm thường thích bay đi bay lại sát mặt nước. Chúng ăn những con vật nhỏ li ti, muỗi mòng trên nước, ăn cả trái cây. Chúng có ăn được trái cây không? Những trái dâu chín, những trái sim chín không ai hái rụng trên mặt đất, tan rữa, là thức ăn của chúng. Những con đom đóm dọn sạch mặt đất xua đuổi muỗi mòng. Những con đom đóm đưa tôi trở lại với con đường cái quan thật rộng chạy từ đầu làng tới cuối làng, chạy ngang qua quốc lộ 1.

Bầy đom đóm dẫn tôi tới trước cổng nhà cũ, bay theo tôi về đến tận sân nhà rồi tản ra bên cái giếng nước, bay thấp thoáng sau những bụi gai bụi mận và biến mất. Trong hơn một giờ đồng hồ chúng bay liên tục trước mặt tôi, như mừng rỡ, như an ủi, nhảy múa cuống quít dẫn đường và bây giờ chúng đã tới ngôi nhà cũ, dừng lại trước cánh cổng xưa, chào từ biệt tôi rồi bay đi.

Những con đom đóm phát sáng để kêu gọi nhau. Có những con phát sáng lập lòe, có những con như những ngọn đuốc nhỏ kéo thành vệt dài. Chúng dường như hiểu nhau và nằm trong một hoạt động nhịp nhàng. Chúng cũng bay theo một đội hình nhất định và thường bay trước chiều gió, để phát ra những pheromone. Chúng ta biết gì thêm về chúng nữa? Chúng ăn ở đâu, chúng ngủ ở đâu? sinh con đẻ cái ở đâu? Tại sao chúng dừng lại trước cánh cổng rồi tan biến đi. Mà chúng tan biến đi đâu? Thứ ánh sáng nhỏ bé ấy, nhắc nhở tôi về sự dẫn đường. Ánh sáng ấy như ngọn đèn xa lắc trong sương cuối dốc ngày về, như tàn lửa đỏ khói nhang trước mộ người thân. Ánh sáng ấy là ký ức. Ánh sáng ấy là ngôi nhà, là quê hương, đầy lòng an ủi, trong thế giới tàn nhẫn hữu hình và vô hình, là nơi bạn trở lại, sau cùng. Ánh sáng ấy là tình yêu.

N.Đ.T

Comments are closed.