Bản thảo (kỳ 9)

Nguyễn Đức Tùng

51. VỈA HÈ SÀI GÒN

Trở lại Sài Gòn, tôi dậy sớm, khoảng sáu giờ khi mặt trời chưa mọc, xăm xăm đi tới một gốc cây cuối đường. Hai năm trước, có một người bán cà phê ngồi ở đó.

Các quán Sài Gòn thường mở cửa sớm nhất bảy giờ. Bạn muốn uống sớm hơn ư, phải đi tìm hàng rong. Có một quán hàng rong như vậy trên đường, một bà già gầy khẳng kheo, ngoài bảy mươi tuổi, tờ mờ sáng gánh hàng tới. Tôi uống ly cà phê đầu ngày, cuốn sách bỏ túi mang theo trong tay, trong bóng mát của bức tường, khi sương còn bay mờ mặt đường nhựa. Khi uống cà phê bao giờ tôi cũng cầm cuốn sách, hay tờ tạp chí, mặc dù không đọc, như một người bạn, không chia sẻ với ai. Hôm nay người bán hàng rong không còn ở đó nữa. Từ năm 2010, rất ít vỉa hè Sài gòn có hàng rong, nhất là khu trung tâm. Việc dọn dẹp thành phố đã tăng lên đến mức điên dại. Thực ra sau những cuộc càn quét của các lực lượng thực thi pháp luật, các gánh hàng rong bị đánh tơi tả, cũng dần trở lại. Những người phụ nữ già yếu, những đứa trẻ dần dần bị dạt ra khỏi thành phố. Phương thức làm việc máy móc đã tàn phá tan tành một nét đẹp văn hóa. Thực ra từ thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền cũng ra sức dọn dẹp vỉa hè. Các chính quyền đều có lý do chính đáng để thực hiện điều ấy, nhưng không thành công: họ chỉ làm thay đổi một nếp sống văn hóa. Tôi thực sự biết ơn những người bán hàng dậy sớm ngồi ở gốc cây và những người bán hàng ngồi lại khuya rất trễ trên vỉa hè chờ chúng tôi. Những gánh bún riêu, quán cà phê, quán cóc, hủ tiếu Mỹ Tho, mì gõ, làm nên đời sống của cộng đồng chúng ta, làm nên văn hóa. Làm nên cuộc tình. Tôi đã sống ở nhiều thành phố Tây phương sạch đẹp. Sạch đẹp là một tiêu chuẩn văn hóa nhưng không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Con người cần nhiều thứ khác, tính tiện nghi, tính dễ dãi, sự dung nạp, sự tương nhượng và tha thứ cho nhau. Tôi yêu Paris và Mexico và Hà Nội vì ở đó có những quán cà phê vỉa hè. Tôi ghét Los Angeles và Toronto vì chúng không có những thứ ấy. Tôi yêu Bangkok hơn Bắc Kinh vì ở đó tôi có thể la cà suốt đêm ngoài phố, ở Bắc Kinh khó hơn.

Hoạt động vỉa hè là một trong những hoạt động dân chủ nhất, có tính dân sự nhất, ở đó bạn có thể gặp người già và em bé, nam và nữ, mọi lứa tuổi, mọi quê quán. Trên vỉa hè một ngày trước khi xa Sài Gòn tôi gặp cô gái bán bún riêu quê ở Thái Bình của Duyên Anh và một anh chàng bán kẹo kéo cùng quê với tôi. Người bán hàng rong trong khi vừa đơm tô bún riêu bốc khói cho tôi vừa kể rằng những người chủ mặt tiền, có những ngôi nhà sát mặt đường, đối xử rộng rãi và tử tế với họ, cho phép họ ngồi bán ngay trước cửa nhà mình, cho mượn mái hiên để trú mưa, tránh sự phá đám của lực lượng trật tự. Tô bún riêu nóng của tôi có thể không được sạch lắm và những người nghiêm khắc có thể chỉ trích việc tôi ngồi xuống vỉa hè lúc nửa đêm khi mọi quán xá đều đóng cửa.

Đường phố không phải chỉ là nơi đi lại. Trên phố bạn đứng nhìn một người chơi ghi ta. Dưới gầm cầu một người mẹ đang tắm cho một thằng bé trần truồng dưới vòi nước. Đường phố còn là sân chơi, chỗ đá bóng của trẻ em, nơi hẹn hò của trai gái, nơi diễn ra các giao dịch thương mại, nơi bạn có thể ngồi xuống để tìm một hơi ấm bên gánh hàng rong vào lúc nửa đêm hay ly cà phê về sáng, và khi đi xa, ngàn dặm bạn sẽ nhớ về một thành phố, một quê hương, ở đó không những chỉ có các ngôi nhà cao tầng, các phi trường nhộn nhịp, mà còn là các ánh đèn mờ của những gánh hàng rong chiếu lại như từ những ngôi sao xa.

 

52. THƠ VÀ NGƯỜI ĐỌC

Nhà thơ viết một bài thơ cho riêng mình, có thể hoàn toàn giữ kín nó, nhưng một khi đã xuất bản, anh bao giờ cũng mong muốn chia sẻ với người đọc. Anh ta hy vọng bài thơ ấy được đọc và được yêu thích.

Nhưng một bài thơ trữ tình chỉ viết về những kinh nghiệm riêng của mình, vì sao chúng muốn được chia sẻ? Vì chúng ta tin rằng trong những kinh nghiệm cá nhân có phần chung nhất của nhân loại. Những ước vọng, hạnh phúc và khổ đau, mà bạn từng trải qua, có thể người khác cũng trải qua hay đã chứng kiến. Ngay cả khi kinh nghiệm cá nhân của người viết và người đọc không có gì tương tự, thì ta vẫn tin rằng ở nơi sâu xa nhất của mỗi người vẫn có khả năng tiềm ẩn thấu hiểu đồng loại. Chúng ta gọi đó là sự đồng cảm.

Sự đồng cảm không xảy ra nếu không có trí tưởng tượng. Những người có trí tưởng tượng hạn hẹp khó có thể xúc động với kinh nghiệm của người khác. Một bài thơ làm chúng ta rung động không phải chỉ vì nhạc điệu của chúng, những cảnh được mô tả, mà vì người đọc có khả năng hóa thân thành nhân vật trong bài thơ ấy.

my daddy has paid the rent

and the insurance man is gone

cha tôi đã trả tiền thuê nhà

và người bảo hiểm đã đi ra

Chuyện gì vậy? Bạn mường tượng cô bé da đen khốn khổ Lucille Clifton đang mừng rỡ, hú hồn, và sung sướng trở lại.

Quả nhiên:

and the lights is back on

và những ngọn đèn lại bật lên

Ánh sáng của một thời hạnh phúc, trong cảnh nghèo khó.

Đối với tôi, tình cảm của cô bé cũng làm tôi xúc động như khi tôi nghe mấy câu của Lưu Trọng Lư, giờ đây nổi tiếng vì Nguyễn Vỹ, hơn là vì có các nhà phê bình nào đang tranh cãi một cách học thuật và một cách gay gắt về nghệ thuật dùng chữ của các nhà thơ, điều sang trọng ấy giờ đây ở Việt Nam là impossible:

Em không nghe rừng thu

Khác với:

Em không nghe mùa thu

Như thế nào.

À, bạn để ý giùm chữ is, thay vì are, của Clifton.

Nhưng bạn chỉ có thể chia sẻ cảm giác của nhà thơ khi nào có khả năng rời bỏ hoàn toàn hoàn cảnh cá nhân hôm nay, những điều kiện sống. Hệt như khi xem một cuốn phim về một câu chuyện nơi hoang dã, bạn phải từ bỏ chiếc ghế êm ái đang ngồi, căn phòng có máy lạnh, người thân yêu chung quanh. Chúng ta đọc thơ không phải chỉ vì sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu mà vì chúng ta đồng ý với quy ước rằng bạn phải du hành vào không gian của người viết, sống lại giây phút ấy.

Tại sao người đọc hôm nay, vốn đã quá bận rộn với cuộc đời mình, những âu lo và tham vọng, lại có thể từ bỏ căn phòng tiện nghi của mình, buổi sáng ở đô thị, để du hành vào thế giới khác? Nếu bài thơ chỉ là những gợi ý về bài học luân lý hay đạo đức, những lời kêu gọi về xã hội hay chính trị, người đọc sẽ không mấy quan tâm về điều ấy, vì họ có quá nhiều phương tiện như vậy. Báo chí, phim ảnh, vô tuyến truyền hình, you tube, media.

Sức mạnh của văn học nằm ở chỗ khác: đó là niềm vui thú không gì sánh được mà ngôn ngữ mang lại. Niềm vui thú làm mới lại hoàn toàn tâm trí chúng ta.

Tôi bỏ nhà đi năm mười chín tuổi

Bạn muốn biết thêm là tác giả làm gì sau đó? Bỏ đi rồi ra sao? Vào Sài Gòn? Đi nước ngoài?

Nhã Ca không vội thế. Chị nằm im. Và lắng nghe.

Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông

Thế mà bạn tưởng chị nằm đợi người yêu? Thử tưởng tượng một chàng trai hai mươi tuổi, va li trong tay đứng ở ngoài tường trong tiếng ve râm ran mùa hạ. Câu thơ mở đầu là một lời mời gọi.

Viết một câu mở đầu thật khó. Đọc một câu mở đầu thật vui thú. Hai mươi năm sau trở về Huế, có một người làm thơ khác, từ bên kia, hoàn toàn không chia sẻ quá khứ với tác giả, vẫn có thể cảm nhận sự vắng mặt của một người thiếu nữ.

Tôi về xứ Huế mưa sa

Câu này có thể nhiều người viết được mặc dù không dễ.

Nhưng Nguyễn Duy viết câu tiếp theo:

Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa.

Đó là một lời than trách hay chỉ là một câu thơ hiện thực. Tác giả có tiếc nuối không, thì tôi không biết. Lục bát vốn khó nhưng nó cho ta một thuận lợi lớn là được phép lặp lại. Các nhà thơ làm thơ tự do không nên tự cho phép mình như vậy.

Tôi về xứ Huế chiều mưa

Rõ ràng là lặp lại câu thứ nhất, nhưng nó lưu luyến. Lục bát cổ xưa được quyền lưu luyến như thế.

Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu

Thì vừa là sự luyến tiếc, vừa là sự thăm hỏi.

Những người đọc thơ bao giờ cũng đọc chậm, viết cùng với tác giả, dừng lại rất lâu trong cùng một câu thơ như buổi chiều bạn dừng lại bên đường nhìn tà áo trắng. Chỉ nhìn thôi và đứng thật lâu, có đâu mà hối hả chạy tới bắt chuyện như bây giờ?

Có những nhà thơ trữ tình hướng nội thì cũng có những người hướng ngoại. Nhã Ca là trữ tình hướng nội. Nguyễn Duy là trữ tình hướng ngoại.

Người đọc hóa thân thành tác giả tạo ra khả năng liên kết giữa hai người và nhiều người. Nhờ sự liên kết mà quá trình chuyển đổi của người đọc cũng có thể xảy ra. Sự chuyển đổi ấy làm người ta trở nên sâu sắc hơn, xa vắng hơn, ngớ ngẩn, thông minh hơn.

Chúng ta biết cúi đầu trước cái đẹp vì cái đẹp nâng chúng ta lên, cũng như một người học trò giỏi đến trước ông thầy của mình, càng khiêm tốn anh ta càng học được nhiều. Người đọc thường tỏ ra thích thú và chấp nhận những cách nói khác lạ. Những cách nói ấy không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Mẹ vỗ tay reo mừng xác con

Trịnh Công Sơn viết thế có thể vì ông chứng kiến một sự thật như thế, trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng đó không phải một trường hợp tổng quát. Người đọc vẫn chấp nhận vì họ lờ mờ nhận thấy một điều gì đó. Cũng như vậy cùng thời gian Nguyên Sa cũng viết về một người bạn nằm xuống:

Diễn đã chết! Diễn đã chết!

Chúng tôi nhảy múa hò reo

Người đọc dừng lại ngẩn ngơ tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Nhưng lối nói phóng đại ấy chỉ trở nên thuyết phục nếu nó không quá xa rời thực tế.

Như những người da đen

Thế là nó thoát! Thế là nó thoát!

Nhà thơ viết về những bất hạnh trong đời sống chiến tranh và chúng ta chia sẻ với ông điều ấy. Chúng ta chia sẻ vì chúng ta tin rằng con người ở đâu cũng giống nhau, Nam và Bắc là một, da vàng hay da đen cũng là một. Đọc những câu thơ ấy bạn học được cách chia sẻ với người khác về tình cảm căm ghét chiến tranh, nghi ngờ các cuộc cách mạng, tình thương yêu đối với đồng bào, chúng buộc bạn phải nhìn lại lịch sử, bớt đi cái giọng hăm hở hào hứng của bạn, giọng ca ngợi quá khứ anh hùng. Không phải nhà thơ nào cũng mời gọi độc giả, không phải độc giả nào cũng chấp nhận lời mời gọi. Mỗi nhà thơ chỉ có số lượng một ít độc giả của mình. Sự riêng tư ấy là tuyệt đối cần thiết.

N.Đ.T

Comments are closed.