Trần Nhã Thụy
Hồi còn nhỏ, tôi rất thích được đi coi người ta xét xử trộm cắp. Trên cái sân phơi của hợp tác xã hay sân nhà của một xã viên nào đó, mọi người quây quần lại, bàn tán, cười nói xôn xao. Kẻ trộm ngồi phía trước, mặt cúi gằm. Cán bộ thôn xuất hiện yêu cầu châm thêm một ngọn đèn nữa. “Để cho bà con nhìn rõ cái bản mặt nó” – vị cán bộ đứng giữa sân, nói oang oang, rất khí phách. Thật ra thì cái “bản mặt” của kẻ trộm trong thôn thì ai nấy đã tỏ tường, dù nó có cố tình ngồi góc tối, bưng mặt lại, thì bà con vẫn biết nó là ai. Mọi người đi coi xét xử trộm là tò mò muốn xem cán bộ luận tội, rồi tên trộm sẽ nói năng ra làm sao. Nói chung coi xử trộm như một trò giải trí. Bởi hồi ấy trộm cắp cũng chỉ đơn sơ vặt vãnh như bắt con gà, hái trái bí, hay bê trả cá kho. Trộm vặt thì tội không to. Nhưng để coi bọn chúng nói gì?
Tôi nhớ vụ một thanh niên nhảy qua nhà hàng xóm bê nguyên ổ trứng gà về đập hút ăn sống vì… bỗng dưng thèm quá (!). Bắt được quả tang, người mất trộm la làng, đòi mang ra thôn xử. Đêm xử, người cha đứng ra ấp úng thưa: “Dạ, thưa bà con… mũi dại thì cái phải chịu đòn, nhưng vợ tui chẳng may chết sớm…”. Ở dưới có tiếng cười rúc rích, rồi thì một ông đứng lên nói rõ to: “Đã ăn cắp mà còn ngu. Mũi dại thì lái chịu đòn chứ cái với đực khỉ gì”. Mọi người cười ầm ầm. Thế là buổi xử trộm coi như kết thúc.
Cũng có buổi xử trộm, tên trộm “ba gai” giả bộ té ngã làm đổ ngọn đèn dầu, cả sân phơi tối thui. Tưởng buổi xử sẽ hủy bỏ, nào ngờ một người kêu lên: “Đợi tui chút”. Tức thì một ngọn đuốc rơm được thắp lên, cả sân sáng bừng, kẻ trộm ngồi hụp xuống, ôm mặt.
Đi coi xử trộm từ lúc còn bé, biết được nỗi xấu hổ ê chề của kẻ trộm, thế mà sau này chính tôi đã đi ăn trộm.
Vả là, sau khi học xong cấp tiểu học, nhà tôi mua về mấy con bò để anh em tôi thay phiên nhau chăn dắt. Ngày ấy gọi là tăng gia sản xuất, tự tạo ra nguồn phân bón để dùng cho ruộng vườn. Nhiệm vụ chăn bò “cao cả” như thế đó. Thế nhưng khi “nhập băng” chăn bò, tôi mới biết là không dễ. Không biết tự bao giờ băng chăn bò đề ra một cái luật: “Những đứa nào mới đi chăn bò phải vào nhà dân trộm một món gì đó về chiêu đãi cả bọn”. Nếu không dám đi trộm thì cứ “khóc lẻ loi một mình”.
Vốn rất nhút nhát, nhưng sau khi thấy mấy đứa trẻ khác “nhập môn ăn trộm” ngon lành và được “ca ngợi” hết lời, tôi cũng nổi máu “anh hùng”. Trưa hôm đó, tôi chui qua bờ rào một nhà dân, tót lên cây mít, vặn một trái mít chín. Chẳng may cây mít đặc nghẹt kiến bù nhọt, lúc này đã bu kín khắp người, cắn đốt không thương tiếc. Đau quá, tôi buông trái mít rớt bịch xuống đất. “Ai đó?” – trong nhà có tiếng vọng ra. Tôi hoảng hồn nhảy đại từ trên cây xuống rồi vùng chạy, lủi qua bờ rào, thục mạng về đám trẻ chăn bò. Tưởng thoát, nào ngờ sau đó tôi bị tóm dễ dàng. Bởi khi chủ nhà đi ra hỏi lúc này đứa nào hái trộm mít nhà tao, thì lập tức tất cả các ngón tay đều chỉ về phía tôi.
Ban đầu thì tôi giả bộ, nhưng sau đó thì khóc thật, khóc như mưa. Tôi khóc vì sợ. Không sợ đánh mà sợ bị méc ba má, sợ bị thưa với nhà trường. Tôi sợ danh dự bị tổn thương. Tôi van xin lạy lục người chủ vườn mít. May sao ông tha, trước khi tát tôi một bạt tai chúi đầu.
Về sau này thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về “bài nhập môn ăn trộm” ngày xưa đi chăn bò. Vì sao bọn chăn bò bắt những đứa trẻ “trong sạch” phải thành kẻ cắp? Trong ý nghĩ hồn nhiên của họ, phải chăng họ muốn “mày cũng giống như bọn tao”? Và, liệu mình có thể tự chống đỡ, không thành kẻ cắp, khi xung quanh mình toàn kẻ cắp?
Dường như trong đời, ai cũng từng, ít nhất một lần trộm cắp. Có người trộm tiền ba mẹ. Có người lấy bút mực bạn bè. Có người “mượn” sách trong thư viện rồi… quên trả. Có người từng ăn cắp một ý tưởng. Có người từng đánh cắp một câu văn. Có người trộm cắp cho mình. Có người trộm cắp vì người khác.
Không ai thực sự trong sạch trong cõi đời này. Nhưng, thiển nghĩ, trộm cắp chỉ nên là “bài nhập môn” để thấm thía, trưởng thành trong hành trình làm người. Còn nếu coi trộm cắp như một “phương thức lao động” suốt đời, thì đó là một nỗi nhục nhã, mà dù có tắt hết đi những ngọn đèn thì vẫn hiện lên nguyên vẹn một nỗi ê chề kinh khiếp.