Bốc phét về Nobel Văn chương 2016

(Rút từ facebook của Như Huy)

clip_image002

Nếu để ý, và chỉ cần là một người đọc văn chương ở mức trung bình, tức người đọc đã qua giai đoạn bị chi phối bởi tên tuổi nhà văn, tên tuổi nhà xuất bản, các chủ nghĩa, các mốt kiểu trí thức rởm, mà chỉ tập trung vào văn chương như một thực thể mở và có tính tạo nghĩa nhiều chiều, ta sẽ thấy cả hai giải Nobel văn chương 2015, cho Svetlana Alexievich, và năm nay, 2016 cho Bob Dylan, đều là hai giải Nobel không chỉ dành cho dạng văn học – nội dung, mà còn dành cho dạng văn học – hình thức, tức dành cho cái khả thể chứ không chỉ cho cái hiện thể.
Với Svetlana Alexievich, văn chương không còn nằm ở thao tác kể chuyện của nhà văn, tức kẻ toàn quyền xây dựng nội dung kết cấu và tạo ra hình thức truyền tải duy nhất cho tác phẩm. Trái lại, văn chương của bà, đặc biệt qua cuốn sách được dịch sang tiếng Việt, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” chính là báo chí. Bà không kể chuyện. Bà ghi lại trung thực. Thao tác của bà chỉ là thu âm và bóc băng, để rồi qua đó bà thay đổi hình thức kết cấu của văn chương, thay đổi cách đọc thường thấy kiểu tuần tự tuyến tính của nó, để biến nó thành một dạng ghi chép báo chí được chia thành các chủ đề lỏng – giúp người đọc có thể đọc từ nhiều chiều, nhiều cách, từ giữa ra, từ đầu đến cuối, theo chủ đề hay theo cảm hứng. Tuy nhiên, ít ra là với riêng tôi, cái tác động cuối cùng của tập sách đó là các tác động văn chương, hiểu theo nghĩa là các sự cảm động về ngôn ngữ, để rồi thông qua đó, tạo nên các sự bừng ngộ về cõi nhân sinh, tức các sự thật tự thân (truth-itself).

Với Bob Dylan của Nobel 2016, nhà văn cũng không còn là kẻ kể chuyện và thao tác với cái gọi là chất liệu làm văn để tạo ra sản phẩm sau cuối là một kết cấu văn chương. Văn chương cũng không còn là các trò chơi hoặc là mộc mạc chân quê, hoặc là cắc cớ hậu hiện đại, mà dù thế nào, đứng phía sau đó luôn là một tác giả ẩn mặt kiểu nhà giả kim thuật. Trái lại, văn chương ở đây đã là một khát vọng truyền thông, là các biến cố – đời thường, là các tiểu-chân-lý (micro-truths) được tạo thành giữa người hát, người nghe, và sự kiện trực thời trực tiếp mà nội dung truyền thông là ca khúc đề cập. Trái với dạng văn chương truyền thống, là những gì rất mất công để có thể đọc đi đọc lại, các tiểu-văn-chương (ca khúc) của Bob Dylan trở nên điều gì luôn được đọc đi đọc lại, luôn được truyền bá (circlulate) rộng rãi và có sức sống một cách hậu hiện đại khắp nơi. Nó vượt qua ngôn ngữ. Nó đứng trên các nhà xuất bản. Nó phá bỏ các barrier trưởng giả, nó đập phá đặc quyền diễn giải. Nó đi thẳng vào chúng ta. Nó là chúng ta khi chúng ta cất tiếng hát, khi chúng ta cần hát, khi chúng ta cần nghe một bài hát. Nó gần quá đến mức chúng ta không coi nó là một thực-thể-đọc nữa.
Nói tóm lại là thế, thưa bà con cô bác.

Comments are closed.