Căm phẫn

(Rút từ facebook của Nguyễn Danh Lam)

Cháu ruột mình, có một chút thua thiệt về sức khỏe tinh thần, được bác sĩ xác nhận. Mình có một số người bạn ở Mỹ, kể chuyện con bạn rơi vào trường hợp tương tự, một học sinh như vậy có thể có đến 3-4 giáo viên “chuyên nghiệp trong lĩnh vực” dạy học, chăm sóc miễn phí. Trong một stt trước đây, mình cũng kể, ở Mỹ, đối tượng học sinh như vậy sẽ được chở riêng hằng ngày trên một chiếc xe buýt, đi và đến tận nhà, cùng rất nhiều phúc lợi và sự chăm sóc khác. Vậy mà mình vừa nhận được tin của mẹ cháu ở Việt Nam nói, ngày đầu nhập học, cháu không mang giày đồng phục, đã bị chép phạt đến 150 lần như dưới đây – một hình thức giáo dục man rợ ngay cả với một đứa trẻ bình thường. Khi phụ huynh đến báo giám thị về tình hình của cháu, còn bị giám thị ăn nói rất xấc xược. Nhìn hình ảnh này mà mình vừa thương cháu đến rớt nước mắt, vừa ứa gan sùng sục. Ôi trời ơi, sao trong gầm trời mà quý vị cho là tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh… lại có cái chuyện kinh khủng như vậy xảy ra chớ!?

clip_image001

 

Nói thêm về stt “Căm phẫn” hôm qua và chuyện chạy trường đổi trường

(Rút từ facebook của Nguyễn Danh Lam)

Hôm qua mình đã lên một cái stt, kể chuyện về đứa cháu “không mang giày” đã bị giám thị bắt chép phạt 150 lần, như trong hình ở dưới. Đó là vụ việc hoàn toàn có thật. Theo mẹ cháu kể, buổi sáng ấy, nhà trường bắt toàn bộ học sinh mang “giày ba- ta” để làm một cái lễ gì đó. Buổi trưa, nhà cháu gần nên ba mẹ đón về ăn trưa, thay cho cháu một đôi giày khác, tới buổi chiều, thày giám thị mới kiểm tra và phát hiện cháu cùng khoảng 100 bé khác không mang giày đúng quy định. Và khoảng 100 bé ấy đều phải chép phạt tại chỗ, 150 lần về “lỗi” của mình. Vì cháu của mình có một thiệt thòi về “hành vi giao tiếp, khó khăn trong ngôn ngữ”, nên cháu chỉ kịp chép 52 lần câu ở dưới. Tối về nhà, cháu cực kỳ hoang mang, lo sợ, ba mẹ căn vặn cháu mới “thú tội” và được mẹ dẫn lên trường “hỏi cho ra nhẽ”. Theo lời mẹ cháu kể, thầy giám thị rất… (mình không tiện nói ra ở đây) và tuyên bố: Nhà trường làm không sai, cô có thể đi kiện ở bất cứ cấp nào. Mẹ cháu dẫn cháu lên gặp cô hiệu phó, sau một hồi “đôi co căng thẳng”, cô hiệu phó mới dịu dần, khi biết bệnh của cháu. Cô hỏi, sao chị không báo điều đó với nhà trường, mẹ cháu nói, toàn bộ giấy tờ của bác sĩ về cháu đã được nộp hết lên nhà trường ngay từ năm ngoái, khi cháu vào cấp II, nhưng nhà trường đã… không nắm được!

Nhân câu chuyện trên đây, mình xin phép kể tiếp. Vì cháu mình có một thiệt thòi như vậy, nhưng ở Việt Nam gần như không có trường lớp đặc thù, nếu có chi phí cũng cực cao, không gia đình bình thường nào với nổi, nên hầu hết các bé gặp khó khăn như vậy đều phải học chung với các bạn bình thường. Để chạy kịp chương trình học, để các thầy cô thông cảm, có hướng “ưu tiên” cho cháu, để các bạn bè trong lớp, trong trường không ăn hiếp, kỳ thị… ba mẹ cháu phải lo bạc mặt hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Hầu hết các thầy cô đều rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ cháu, nhưng như câu chuyện trên đây, các thầy cô không phải là tất cả. Mẹ cháu kể vô vàn sự vụ đau lòng, khó khăn mà cháu gặp phải, nhưng muốn chuyển trường là hoàn toàn không hề dễ dàng. (Mà dù có chuyển cũng… tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa thôi). Ở các thành phố lớn, nhiều bậc phụ huynh đang đọc stt này, nếu đã từng trải qua hẳn rất rõ, các cháu đều phải học “đúng tuyến”, đúng hộ khẩu khu vực. Con em các gia đình nhập cư thành phố, nếu chưa có hộ khẩu, việc chạy cho con được một suất đi học là “trần ai bể khổ”. Không chỉ người không hộ khẩu, mà người có hộ khẩu, nhưng muốn học trái tuyến cũng khó khăn không kém.

Mình biết rõ điều này, khi một đứa cháu khác, con của cậu em rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà cháu có hộ khẩu ở một quận rất xa chỗ làm việc của ba mẹ cháu. Nếu buổi sáng đưa cháu đi học, buổi chiều 15h30- 16h phải đón về, ba mẹ cháu hoàn toàn không thể đáp ứng được công việc. Cụ thể, sếp đã nhiều lần nhắc nhở ba mẹ cháu về việc này. Các em mình muốn đổi trường cho cháu về gần công ty ba mẹ để có thể tranh thủ tạt ra ngoài, đón cháu về công ty làm việc tiếp cho đến hết giờ, nên đã xin đăng ký hộ khẩu tạm trú về nhà mình – may mắn là gần công ty ba mẹ cháu. Dù có giấy tạm trú, nhưng nhà trường trong khu vực thông báo “hết chỉ tiêu”. Bằng khả năng quen biết, gia đình mình và cậu em đã lần ra được một “đường dây”, chạy cho cháu vào học – câu chuyện kể ra đây sẽ rất dài, li kỳ y như chuyện trinh thám. Nói tóm lại, để cháu được vào trường trái tuyến – bậc tiểu học, chi phí lên đến… vài chục triệu đồng, cấp học càng cao, quận càng trung tâm, giá cả cứ thế tỉ lệ thuận. Nhưng chạy được vào trường rồi, mọi thứ vẫn không hề yên ả, đích thân… thầy hiệu trưởng dăm bữa nửa tháng lại gọi điện cho ba mẹ cháu, nói về… hoàn cảnh khó khăn của mình và muốn… mượn ba mẹ cháu “dăm ba triệu” chạy công việc. Sự việc mình kể ra ở đây chỉ là tóm lược- trong khuôn khổ một stt, và nó không phải là một phóng sự báo chí, nên việc trưng đầy đủ bằng chứng, mình nghĩ không cần thiết. Bù lại, có vô số bậc phụ huynh đã rơi vào hoàn cảnh tương tự, hoàn toàn có thể chứng thực cho mình. Và ngay cả báo chí, cũng đã có nhiều bài phóng sự cụ thể về vấn nạn này.

Mình hoàn toàn thông cảm với các thầy cô chân chính, bản thân bố mẹ mình cũng cả đời dạy học, đến khi về hưu vẫn hầu như tay trắng, tài sản lớn nhất là ba đứa con học hành tới nơi tới chốn, vì vậy mình nói ra hiện trạng này, không hề ác ý với các thầy cô. Những kẻ gây ra sự việc này hầu hết nằm ở cấp quản lý. Và ngay bản thân họ cũng không thể một mình “tự tung tự tác” – như đã nói ở trên, nó có “đường dây”. Và nếu “rung” sợi dây này, âm thanh kết nối có thể nghe văng vẳng nơi thượng tầng cao nhất. Nói một cách cụ thể hơn, nó đã loạn có hệ thống, mọi ngành, mọi nghề. Ngay đến nghề giáo là nghề thanh sạch nhất mà còn như vậy thì các nghề “tanh” hơn sẽ ra sao, hẳn ai cũng có thể “đoán” ra.

Thôi, mình chẳng cần phải làm phép so sánh với cái nơi mình đang sống nữa, kẻo nó… xa mù vời vợi. Chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than rằng: Nước Nam ơi, vì đâu nên nỗi!?

Comments are closed.