Cầu nguyện cho đất nước

(Rút từ facebook của Khánh Phương)

 

Bài 1: “Bởi vì trong một đời sống mà ai cũng chỉ lo im lặng để giữ miếng cơm manh áo, quyền lợi vật chất, chỉ những ham muốn về vật chất và tiền bạc được coi là “hợp pháp”, và để mặc cho những giá trị tối thiểu nhất mà bất cứ nền văn minh nào từ cổ chí kim đều phải tôn trọng như luật pháp, công bằng cho mọi người, tình yêu, gia đình, di sản văn hóa, quyền nói lên ý kiến cá nhân… bị coi rẻ hoặc bóp méo, thì đời sống ấy và xã hội ấy không lâu nữa tất sẽ tiêu vong.”

Nửa đầu những năm 2000, tôi còn là một người “bàng quan.” Tôi tự giới hạn công việc của mình trong lĩnh vực làm nghề. Tìm gặp nghệ sĩ tiền phong Đức Veronika Radulovic, Minh Thành, Trương Tân, Minh Phước… tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật để trả lời câu hỏi, tại sao các ngành nghệ thuật liên quan tới thị giác như hội họa, trình diễn, video… lại có ưu thế vốn dĩ hơn ngôn ngữ nói và viết trong việc phản ánh trực diện những bất công và sai trái trong hiện thực. Tìm gặp trò chuyện và viết về các nhà văn thế hệ trước Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh… để trả lời câu hỏi, họ đã sống và viết ra sao như một đại diện trung gian giữa lý tưởng đẹp của văn chương và những tàn ác, phi nhân tính của môi trường sống. Nghe báo chí tranh luận nảy lửa về việc xây cầu vượt Kim Liên có thể xâm phạm Đàn Xã Tắc, nơi các vua từ nhà Lý trở đi tế thần sông núi phù hộ cho an nguy của đất nước, tôi chỉ thầm nhủ, “mình không có chuyên môn về kiến trúc. Đã có những người chuyên lo việc này.” Nghe các báo đài, TV ồn ĩ khép tội luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân “phản động”, “chống phá nhà nước,” tôi không suy nghĩ gì nhiều. “Bao giờ HỌ cũng phải tìm cho ra một số kẻ “phản động” và bao giờ chẳng có những nạn nhân.” Thấy những nông dân mất đất nằm vạ vật chực chờ trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng, tôi coi việc họ có mặt ở đây là một hành động không hiệu quả và họ chỉ là một con số nhỏ bé so với những người bị lấy đất vườn, đất thổ cư cho “dự án” vẫn tiếp tục yên lặng sống với số tiền đền bù dẫu biết nó chẳng là một mảy bọt bèo so với tiền chia chác giữa các “nhóm lợi ích” sau khi được bán lại giá khủng cho “nhà đầu tư,” nhiều trong số đó chỉ để đắp chiếu sau khi “giải phóng mặt bằng.”
Hôm nay, Đàn Xã Tắc không còn nữa. Những di sản văn hóa quan trọng bậc nhất của quốc gia tại Hà Nội như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Trấn Vũ bên hồ Trúc Bạch thờ thần Hộ Quốc, đình Trấn Ba thuộc quần thể di tích đền Ngọc Sơn, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhiều kiến trúc duyên dáng đẹp đẽ thời thuộc Pháp như Ha noi Cinematheque và những hàng cổ thụ trên trăm tuổi, tài sản vô giá về văn hóa và sức khỏe của mỗi người Hà Nội có nguy cơ bị hủy hoại vĩnh viễn và mất đi giá trị bởi hàng loạt các dự án giao thông và xây dựng thương mại chồng chéo lên khu đô thị cổ ngàn năm. Các báo đài chính thống đồng loạt im như thóc luộc vì miệng đã khâu, như thể sự đã rồi. Không chỉ đất Dương Nội, Gia Lâm, đất Văn Giang, Hưng Yên, đất Tiên Lãng, Hải Phòng… bị cưỡng chiếm với giá đền bù rẻ mạt tương đương 2 tô phở 1 mét vuông, số nông dân mất đất trên khắp các tỉnh thành toàn quốc đã lên tới hàng triệu gia đình so với cả thảy 90 triệu dân già trẻ gái trai. Các luật sư, bloggers, Facebookers, nông dân có ảnh hưởng rộng lớn trên mạng xã hội bị bắt giam và ngược đãi ngày một nhiều chỉ vì lên tiếng bảo vệ những quyền cơ bản của con người.

Tôi không chắc nhìn ra những điều này nếu như không có những sự kiện quan trọng xảy ra vào năm 2007. Mặc dù trước đó, chính mắt tôi từng chứng kiến những bất công và oan khuất khủng khiếp trong xã hội, và từng giác ngộ một điều, rằng đừng bao giờ hình dung về đời sống theo cách những người khác muốn bạn hình dung, hay chí ít, theo cách mà người ta cố nhồi nhét vào bạn bằng những giáo điều và phương tiện truyền thông, kể cả sách vở; tôi vẫn cho rằng cá nhân tôi không thể làm gì để trực tiếp thay đổi thực tại đó.
Mùa xuân năm 2007, hai tàu Trung Quốc có vũ trang gây hấn trên biển Đông, ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cùng thời gian này, thủ tướng Việt nam cộng sản ký giấy phép cho Trung quốc mang cả chục ngàn người cùng các phương tiện khai thác vào án ngữ Tây Nguyên, nóc nhà Đông Dương, bất chấp hàng ngàn ý kiến can gián của các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước, các vị tướng lĩnh nhiều năm cầm quân lo sợ cho an ninh quốc gia. Những sự thật nhỡn tiền này cho tôi và những người nào còn quan tâm đến số phận của của người Việt Nam thấy hai điều. Một, đất nước đang bước vào một thời kỳ nguy khốn hơn bao giờ hết, khi giặc ngoại xâm không chỉ gây hấn và xâm lược từ bên ngoài, mà còn ngang nhiên xâm nhập những vị thế quốc phòng quan yếu bên trong. Hai, cá nhân tôi không thể phó thác sự an nguy của bản thân, tương lai của con cháu tôi, và quyền đại diện cho tôi vào tay những người đã nhất quyết gạt bỏ lợi ích của dân tộc, quốc gia, gạt bỏ sự thật khoa học mà bất kỳ con người có lý trí tỉnh táo nào cũng phải tôn trọng chỉ để duy trì lợi ích của một nhóm nhỏ.
Cuộc biểu tình chống Trung cộng đầu tiên của người dân Hà Nội với khoảng một ngàn người vui như trảy hội, với một chút căng thẳng lo ngại bị đàn áp. Nhà cầm quyền đủ tinh ma để không ngăn chặn người dân đang sôi sục phẫn nộ với những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của giặc Tàu. Ngày Chủ nhật sau đó, những người “nổi tiếng” có làm việc cho chính quyền vắng bóng, sinh viên học sinh bị đe dọa đuổi học nếu tiếp tục tham gia biểu tình. Công an vận sắc phục và an ninh chìm xông vào giật và xé những biểu ngữ phản đối Trung quốc gây hấn, xâm phạm lãnh thổ, biển đảo Việt Nam. Một người vận sắc phục, tầm ngoài 50 tuổi nhào tới giật lá cờ nhỏ xíu trên tay tôi. Tôi níu lại, trừng mắt. “Đây là cờ tổ quốc. Chú không được giựt.” Lần biểu tình này facebooker Nini Hương và bạn trai bị bắt tống lên xe cảnh sát chở đi. Những người vận sắc phục tiên tiếp hô hào, lời lẽ khiến chúng tôi cười thầm trong bụng. “Về nhà, về nhà hết đi. Khi nào cần chúng tôi sẽ kêu gọi các em các cháu ra tiền tuyến hi sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc.” Chúng tôi không có thời gian đôi co với họ. Nhưng thế hệ chúng tôi không ai còn ngây ngô tin vào thứ “độc lập tự do” hoang đường trả giá bằng cái chết của hầu hết những người trẻ tuổi, sự chia rẽ không thể hàn gắn giữa người Việt với nhau trong và sau cuộc nội chiến 1954-1975, sự lệ thuộc không thể chịu đựng nổi vào “những người anh em cộng sản” Nga Xô, và bây giờ, Trung quốc. Trong khi mỗi người chúng tôi có thể chọn những cách ôn hòa, nói rõ cho thế giới biết về sự phi nghĩa, hiểm ác của nhà cầm quyền Trung cộng mưu toan thôn tính lãnh thổ, biển đảo Việt Nam, nại cớ là để đổi lại sự “tương trợ” của họ với nhà cầm quyền cộng sản VN đánh bật người Mỹ khỏi bán đảo Đông Dương; kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế gây sức ép về đạo đức và thể diện quốc gia buộc Trung quốc phải e dè, giảm bớt hung hăng, thì giải pháp “hi sinh xương máu” chỉ là hạ sách bị động và thiểu năng. Bị đàn áp, đe dọa, số người biểu tình ít dần, có cuộc biểu tình chống Trung quốc gây hấn chỉ còn có 3 người tham gia.
Nói lên quan niệm cá nhân về dở, hay, thật, giả, ủng hộ hay phản bác một hành động của một nhà cầm quyền là quyền cơ bản của mỗi con người trong xã hội văn minh. Một nhà cầm quyền đã gây ra, hay để xảy ra cùng lúc những thảm họa vô cùng tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử đất nước, lịch sử loài người như Formosa, bauxite Nhân Cơ, Tân Rai, thảm họa ô nhiễm không khí tại Hà Nội với chỉ số ô nhiễm cao thứ hai trên thế giới, gấp đôi mức độ ô nhiễm tại Bắc Kinh, thảm họa lũ lụt do các đập thủy điện gây ra tại miền Trung và Nam Trung bộ, thảm họa số người mắc ung thư cao nhất thế giới do cấp hạn ngạch nhập khẩu hóa chất và hàng hóa nhiễm độc từ Trung quốc… không có quyền nhận chính nghĩa và lẽ phải về mình.
Cách đây không lâu, Kiến trúc sư Bùi Uyên lập một petition mời mọi công dân ký tên gửi lên chính quyền TP Hà Nội đề nghị bảo tồn trung tâm Ha noi Cinematheque, một kiến trúc thời thuộc Pháp xinh đẹp, duyên dáng không bao giờ có thể lấy lại của Thủ đô và cả nước đang bị đe dọa đập bỏ để xây trung tâm thương mại. Rất chậm chạp khó khăn để đạt tới con số 1000 người ủng hộ. Tôi tự hỏi tại sao người Việt Nam ngày nay có thể thờ ơ bất cần đến thế với di sản tinh thần mà mỗi người để lại cho con cháu sau này. Bởi vì trong một đời sống mà ai cũng chỉ lo im lặng để giữ miếng cơm manh áo, quyền lợi vật chất, chỉ những ham muốn về vật chất và tiền bạc được coi là hợp pháp, và để mặc cho những giá trị tối thiểu nhất mà bất cứ nền văn minh nào từ cổ chí kim đều phải tôn trọng như luật pháp, công bằng cho mọi người, tình yêu, gia đình, di sản văn hóa, quyền nói lên ý kiến cá nhân… bị coi rẻ hoặc bóp méo, thì đời sống ấy và xã hội ấy không lâu nữa tất sẽ tiêu vong.

Comments are closed.