Chính sự phiền hà

(Rút từ facebook của Nguyễn Quang Thân)

 

Hầu như mỗi ngày đều có chuyện khó tin. Vì sự vênh váo giữa các mối quan hệ xã hội đẻ ra chuyện. Và cũng vì thời nay không dễ gì lấy thúng úp voi, trong nước này có hàng chục triệu người “ăn phây, ngủ phây”, săn tin mỗi phút, từ xe cán chó đến chuyện ông khùng nọ táy máy nghịch bom nguyên tử.
Cho nên, mỗi nhân viên công quyền dù chức vụ to hay bé cần ý thức được hành động của mình, không phải cứ đấm người ta rồi đút tay vô túi là xong.
Một anh hàng phở ở huyện Bình Chánh (TpHCM) bị “truy tố tội hình sự”(một cách sai luật) và bị hành lên bờ xuống ruộng hơn nửa năm nay chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày, đã thành “tin khó tin” và đang làm điên đảo mạng xã hội, nằm trong tầm ngắm của hàng triệu người. Dân mạng cũng đang theo vụ ông thượng sĩ giỏi võ quật ngã một thanh niên bán hàng rong hiền lành chỉ bằng một thế võ cao cường. Chuyện khó tin ở chỗ một ông được dân nuôi, cho học võ nhiều năm tưởng để bắt tội phạm bảo vệ dân, lại quay ra xuất chiêu thành công rực rỡ với dân lành.

Nghe qua tưởng khó tin, nhưng sau khi đọc lời khai của bị hại, được báo nhà nước đưa lên hẳn hoi, tuy mới chỉ từ một phía, nhưng ngẫm nghĩ một lúc, đối chiếu với hiện thực xã hội, thì “tin khó tin” cũng có thể tin được.
Báo SGGP đưa lời khai của anh hàng phở: “Tôi phạm tội… cạnh tranh với căn tin công an quận!” Báo SG cho biết: Anh Nguyễn Văn Tấn, thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để mở quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng nay đang phải đóng cửa hàng ăn, chờ hầu tòa tội hình vì đăng ký muộn 5 ngày.
Còn anh bán hàng rong bị ông thượng sĩ quật ngã một cách gọn nhẹ thì cho báo Dân Việt biết, đã từng có một nhân viên lực lượng quản lý thị trường gạ anh này “nộp thuế” 700.000 đồng/tháng để được “làm ăn yên ổn”. Tuy nhiên, anh không đồng ý. Ngay sau đó Phó Bí thư Đảng ủy phường 4 Dư Xuân Thắng khẳng định không hề có chuyện nhân viên trật tự đô thị đòi “nộp thuế” như anh Phong nói.
Tin ai và ai tin bây giờ?
Vì việc truy tố một cách quyết liệt tội hình sự một anh hàng phở là khó tin vì hành động này vừa sai luật lại tuyệt tình dân, chẳng nhẽ những người thực thi pháp luật lại không biết. Cho nên, buộc nạn nhân và dư luận phải tìm ra nguyên do. Anh hàng phở có quyền nghĩ rằng mình bị “diệt” bởi cái căng-tin đầy quyền lực kia. Dư luận tin hay không tùy người, nhưng người ta cũng có quyền nghĩ: nếu không vì tranh giành miếng ăn thì sao họ lại “hăng hái” thi hành pháp luật một cách khác thường đến thế. Không ai có thể kết luận có hay không cái động cơ bẩn thỉu này ngoài lương tâm người trong cuộc.
Trường hợp anh bán ổi đáng thương cũng thế. Không biết có thật chuyện vì không chịu đóng hội chết mà anh ấy bị đánh đến chấn thương sọ não hay vì lý do nào khác? Nếu không thì sao một người đeo lon công an lại có thể hành xử tàn ác với dân lành đến vậy?
Công tác điều tra đang thực hiện sẽ trả lời có hay không các động cơ tạm gọi là ty tiện và đê hèn trên. Không dễ dàng gì bắt tận tay, day tận mắt tham nhũng vặt và cơ man hành vi moi tiền dân khố rách. Nhưng rõ ràng cái răng con lương tâm xưa nay vẫn cắn rứt con người để luôn dẫn nó đi vào con đường cao thượng và lương thiện đang bị mài mòn hay nhổ đi. Người ta thường nói tới cái giây thần kinh xấu hổ bị chập trong nhiều quan chức. Tìm chứng cứ là rất khó. Nhưng cũng khó phủ nhận chuyện cảnh sát giao thông ăn tiền mãi lộ, ông này ông kia ở phường, quận ăn nhậu chùa hay đóng hụi chết cho cán bộ để được dễ thở chút trong làm ăn, v. v.
Lão Tử nói:”Thánh nhân bất nhân thì coi dân như chó rơm”. (Thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu). Rất đúng, chỉ những kẻ bất nhân mới coi dân như chó rơm và đương nhiên dân sẽ coi họ là bất nhân và đối xử với họ như rơm chó. Nguyễn Trãi trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO cũng có câu: “Chính sự phiền hà nên lòng dân oán bạn”.
Không thù vặt, không tính toán ty tiện mà hẵng trọng dân, cao thượng với dân thì chắc chắn dân sẽ đối xử lại tương xứng. Hãy tin như vậy nếu muốn còn dân.

Comments are closed.