Chơn dung vua Gia Long qua cái nhìn của nhà thám hiểm John Barrow

Cre: Lê Gia

291645239_5096230040474578_1342161644282681913_n

“Từ năm 1790, năm Gia Long về lại Nam kỳ, tới 1800, chỉ có hai năm không đánh nhau là 1797 và 1798, cũng chánh là hai năm quan trọng nhứt dưới triều đại của ông. Trong hai năm này ông đã làm việc không biết mệt mỏi để đất nước tiến triển, xây dựng quân đội hùng mạnh, chuẩn bị cho việc đánh đổ Tây Sơn thống nhứt đất nước: ông đã lập xưởng làm thuốc súng, mở mang đường xá, trồng cây, trồng mía, trồng trầu cau đã bị chiến tranh tàn phá, khuyến khích việc nuôi tằm, dệt lụa, lập xưởng điều chế nhựa thông, hắc ính; chế tạo hàng ngàn súng hoả mai, khai mỏ sắt và xây lò nung. Lập quân đội chánh quy và lập trường võ bị, luyện tập cho các sĩ quan cách bắn và phóng pháo, nghiên cứu chiến lược để xài trong quân đội.

Trong hai năm này, nhà vua đã cho đóng ít nhứt 300 chiến thuyền có đại bác hoặc ghe chèo, 5 thuyền 3 cột buồm, một chiến hạm theo lối Tây phương. Ông sáng chế ra một chiến thuật mới cho thủy binh và dạy sĩ quan hải quân biết xài dấu hiệu. Một trong những người Anh cho biết đã nhìn thấy ở Sài Gòn, năm 1800, một hạm đội 1200 thuyền buồm do chánh ông điều khiển, nhổ neo và tiến trên sông với một trật tự thiệt đẹp, chia làm ba đoàn, thẳng hàng tiếp chiến, mở, đóng hàng ngũ và thi hành tất cả những thao tác theo đúng hiệu lịnh.

Trong khoảng thời bình này ông còn sửa đổi cả luật pháp, Ông bỏ những hình phạt tàn ác cổ hủ thời phong kiến vẫn được áp dụng cho tới đó… Ông lập trường công, bắt trẻ con từ 4 tuổi trở lên phải đi học. Ông xác định hệ thống lãi suất hợp pháp cho ngành thương mại, xây cầu trên sông, làm cầu phao, đặt phao nổi trên biển báo hiệu những nơi nguy hiểm có đá ngầm, thanh tra các hải cảng và những vịnh chánh, gởi nhiều phái viên về các rừng núi miền Tây nơi có người Mèo và người Lào sanh sống trong tình trạng bán khai để dẫn họ về với đời sống văn minh hơn, những người miền núi này mà người Tầu vẫn gọi một cách hạ thấp là “người có đuôi”, mặc dầu, có thể, tiền nhơn của họ ngày trước đã xây dựng nên nền văn minh của đế quốc hiện thời.

Vua Gia Long, hết sức chuyên tâm về mỹ thuật và công nghệ, ông sánh ngang hàng với Đại đế Pierre của nước Nga, nhưng không tàn bạo kích động như thế, bởi cái gương đặc thù của ông, bởi nghị lực của dân tộc ông, và giống như Alfred bất tử [Alfred đại đế của Anh (871-899)] ông không ngần ngại làm bất cứ việc gì để hồi sanh đất nước.

Để có một ý niệm về hoạt động và thiên tài của ông, chỉ cần coi những tình huống mà ông đã trải qua: mới đầu chỉ có một chiến hạm, mà trong vòng không tới 10 năm, đã có một hạm đội 1200 chiến thuyền, trong đó có 3 tầu kiến trúc Tây phương, khoảng 20 thuyền buồm lớn theo kiểu Trung Hoa hoàn toàn trang bị võ khí, chỗ còn lại là tầu chuyên chở, trang bị đại bác.

Gia Long được miêu tả như một người lính hoàn hảo, trọng nghĩa mạnh mẽ nhứt. Người ta kể ông thích làm tướng quân hơn đế vương. Người ta tả ông can đảm, không thô bạo, lắm mưu tài thao lược. Những nhận thức của ông thường đúng; khó khăn không chán nản, cản trở không lùi bước; thận trọng trong mỗi quyết định, mau lẹ và rắn rỏi khi thực hành điều đã định, luôn luôn ở vị trí chủ chốt trong trận, đi tiên phong trước ba quân. Tính tình vui vẻ dễ chịu, nhã nhặn, lắng nghe quan quân dưới quyền, tránh ban ân huệ riêng tư; có trí nhớ đặc biệt, ông nhớ hầu hết tên của lính trong quân: ông thích thú nói chuyện với họ, nhắc họ hành động và chiến công của họ, hỏi thăm vợ con họ, hỏi đã cho con nhỏ đi học đều chưa, hỏi chúng muốn làm gì khi lớn, ông biết hết những chi tiết nhỏ nhất về gia đình họ.

Đối với người ngoại quốc, ông rất tử tế và ân cần. Ông quý mến những sĩ quan Pháp giúp ông: đối xử với họ lịch sự, thân tình và rất tốt. Không bao giờ ông đi săn hay dự cuộc vui nào mà không mời một người trong bọn họ tham dự. Ông tuyên bố công khai lòng kính trọng của ông đối với các tôn chỉ của đạo Thiên Chúa, ông dung đạo Chúa như các đạo khác trong nước: ông cực kỳ tôn kính đạo nghĩa gia đình như Khổng Tử dạy trong kinh sách; đứng trước mẹ, bà hãy còn sống, ông tôn kính như đứa bé đứng trước mặt thầy. Ông thông thuộc những tác giả lớn của Trung Hoa. Nhờ giám mục Adran dịch một số mục từ trong Bách Khoa toàn thư sang chữ Hán, ông biết được khoa học và nghệ thuật Tây phương, đặc biệt ông chú trọng đến thuật hàng hải và thuật đóng tầu. Người ta đồn, điều này không được phép nói ra, rằng để kết nối lý thuyết kiến trúc tầu với thực hành, ông đã mua một chiến hạm Bồ, rồi tháo ra từng mảnh, từng tấm ván một, bắt chước đúng kích thước đó mà làm lại, cho đến khi ông thay thế tất cả các bộ phận bằng những mảnh mới làm, để hoàn thành một chiếc tầu mới.

Nghị lực trí thức của ông ngang bằng với khí phách và hoạt động thể xác. Chánh ông chủ động sự bùng lên mọi mặt của đất nước, chánh ông quản đốc các hải cảng và các công binh xưởng, chánh ông là giám đốc xây dựng những xưởng đóng tầu, chánh ông chỉ huy các kỹ sư trong tất cả mọi công việc, không có gì thực hiện không có gì chấp hành mà không hỏi ý kiến và nhận lịnh của ông. Không ai chế tạo một bộ phận nào mà không hỏi ông; không ai lắp một khẩu đại bác nào mà không có lịnh của ông. Không những ông trông coi từng chi tiết nhỏ, mà còn phải làm trước mặt ông.

Để điều khiển tất cả công việc của mình một cách vững vàng, ông đặt ra một thời biểu sống cố định và kỷ luật. Sáng dậy 6 giờ, tắm nước lạnh; 7 giờ, các quan vào chầu, mở tất cả công văn tới từ hôm qua, ông truyền lệnh cho các thơ ký ghi chép, sau đó ông ra xưởng tầu thủy, duyệt lại tất cả những gì đã làm xong lúc ông vắng mặt, rồi ông tự chèo thuyền đi khắp bến cảng, kiểm soát các chiến hạm, đặc biệt chú ý tới súng đại bác; ông đi thăm lò đúc súng, đúc đủ loại đại bác ngay tại công binh xưởng.

Đến 12 hay một giờ trưa, ông ăn cơm ở xưởng đóng tầu. Cơm với cá muối. Hai giờ ông về cung ngủ tới 5 giờ; sau đó ông tiếp các quan võ thuỷ bộ, các quan toà, hay quan cai trị, ông đồng ý, hoặc bãi bỏ hoặc sửa chữa những kiến nghị của mọi người. Thường thì công việc triều chánh kéo dài tới nửa đêm, ông mới trở về phòng làm việc, ghi cho hết và chú thích thêm cho những việc ngày hôm nay; rồi ông ăn một bữa cơm nhẹ, gặp gia đình độ một tiếng , tới 2, 3 giờ sáng ông mới đi ngủ. Ông chỉ ngủ 6 tiếng một ngày.

Ông không uống rượu, ăn ít thịt, cá, cơm, rau, hoa quả, chút bánh trái và uống trà, đó là tất cả đồ ăn của ông.

Người ta nói vợ ông là một bà hoàng đạo đức gương mẫu, có một tâm hồn cương quyết đã nâng đỡ và an ủi ông trong những thất bại chua cay nhất. Họ có 7 người con. Hai con trai đầu giao cho Adran dạy dỗ. Đông cung, ông hoàng trẻ, mà giám mục đưa sang Paris, chết sau thầy ít lâu. Tánh tình hiền lành, sốt sắng và bặt thiệp, thiên tư đạo đức; những đức tánh hạp với một đời sống yên lành của một tư nhân, hơn là với địa vị cao cả đã dành cho từ lúc sinh ra. Người em, thừa hưởng sự kế vị, là một quân nhân ưu tú. Ba năm đi lính, năm năm làm hạ sĩ (caporal) rồi lên trung sĩ (thầy đội, sergent), và đã phụng sự đắc lực trong những năm chiến tranh. Năm 1787, được lên cấp cai đội (lieutenant-colonel); và năm sau, được thăng trấn thủ một vùng ven biển. Năm 1800, được thăng tướng (géneral) cai quản một dinh quân 35.000 người. Chánh trong năm này, ông đạt chiến thắng quan trọng nhứt đối với quân Bắc Hà, họ để lại trận 9.000 người chết và bắt được tất cả voi và đại bác.

Đây là sức mạnh quân sự của vua Gia Long, năm 1800, theo đại uý Barisy:

Bộ binh 24 đội kỵ binh (cưỡi trâu)… 6.000 người

16 đội voi (200 con)… 8.000

30 đội pháo binh… 15.000

25 chi đoàn 1.200 người trang bị vũ khí Âu châu… 30.000

Bộ binh trang bị kiếm và súng cổ trong nước… 42.000

Vệ binh tập luyện theo lối Âu châu… 12.000

Tổng cộng bộ binh… 113.000 người

Thuỷ binh

Lính thợ trong xưởng đóng tầu… 8.000

Lính thuỷ, mộ hay nối dõi (cha, anh), trên những chiến hạm đậu ở cảng… 8.000

Lính biệt phái sang những tầu chiến kiểu Tây phương… 1.200

Lính biệt phái thuyền buồm (jonque)… 1.600

Lính biệt phái 100 thuyền chiến chèo (galère)… 8.000

Tổng cộng thủy binh… 26.800

Tổng cộng toàn bộ: 139.800 quân (Nguồn: Barrow II, trang 224-238).

“John Barrow là một nhà du hành, và tác giả du ký người Anh. Trong chuyến công du đến Trung Quốc năm 1792, ông đã có dịp đi thăm một số vùng Đàng Trong. Ông về nước và viết cuốn sách (A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793). Không chỉ ghi chép về cuộc sống của người dân xứ Việt, ông còn dành một phần để nói về Nguyễn Ánh khi đang làm Vương ở Nam Bộ”.

Nguồn: Sách A Voyage to Cochinchina (Chuyến đi Nam Hà, xuất bản tại London năm 1806) của tác giả John Barrow. Được nhà nghiên cứu Thụy Khuê sưu tầm và xuất bản trong sách “Vua Gia Long và người Pháp”.

Sưu tầm: Văn Minh Việt Sử

Nguồn: FB Việt Lê Quốc

Comments are closed.