Chuyện kỉ lục & văn chương

(Rút từ facebook của Inrasara)

 

Khi bị trách là kẻ tham lam, bởi anh có thể làm hơn thế, sao cứ chỉ cho sào nhích lên mỗi phân để phá kỉ lục được nhiều lần hầu nhận 1 triệu đôla tiền thưởng cho mỗi bận, kỉ lục gia nhảy sào người Nga Bubka nói đại ý:

5,50m thì bất kì vận động viên chuyên nghiệp nào cũng có thể vượt qua, lên 5,90m bạn cần nỗ lực lớn, chứ 6,00m chỉ vài vận động viên tầm cỡ làm được, còn hơn nữa thì phải là các huyền thoại. Nên nhớ 0,02m (của 6,02m) ở đây KHÁC XA với 0,20m (của 5,70-5,90m) ở dưới kia. Nhận biết được như thế mới thấy giá trị của kỉ lục và thiên tài.

Thế nên, phải qua 21 năm Renaud Lavillenie mới phá được kỉ lục 6,15m của Bubka, mà phá chỉ với 0,01m!

Văn chương cũng hệt.

Làm thơ in tập để có thể gọi là đọc được, thì dễ; để giật giải thưởng nào đó, không khó; thậm chí để người đời thuộc người nhớ, hay vào sách giáo khoa cũng thế.

Khó trăm lần, là thứ văn thơ làm thay đổi dòng chảy văn chương (như Rimbaud với thơ tự do) dù phải chịu bị người đương thời ruồng rẫy (như Whitman); khó hơn nữa là văn chương nói lên tâm trạng chủ đạo của con người đương thời (như L’Étranger của Camus), nhất là văn chương dự tri tinh thần con người ở thời đại đang tới (như Kafka).

Khi đó, văn chương không còn là kĩ thuật, hay chỉ thuần thuộc trào lưu văn học (ngay mục này thôi nhiều nhà văn Việt Nam vẫn chưa vững), mà ở tầm cao hơn: tầm tư tưởng.

Và không chỉ có thế…

Comments are closed.