Cái nghèo rưng rưng

(Rút từ facebook của Vũ Kim Hạnh)

 

Chuyến xe đò xuyên đêm từ Đà Lạt về Sài Gòn, trong bóng tối. chung quanh đều ngủ say. Không ngủ được và lòng ngổn ngang, lấy laptop ra gõ. Tôi vừa từ giã Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon ra về. Traị hè lần thứ 6 năm nay có nhiều sáng kiến mới. Hôm nay thực hiện cả ba chương trình mới: buổi sáng là thực hành khoa học theo mô hình STEM, buổi chiều đi mua sắm ở siêu thị và vừa xong đêm “Thắp sáng ước mơ”. Chị Hồng Tâm, chủ trì trại mà mọi người ở BSA [Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – chú thích của Văn Việt] gọi là “nghệ sĩ nhân dân” thực sự cũng là đạo diễn đã cùng nhà thiết kế Sỹ Hoàng, người dẫn chuyện chính, đã dựng một không gian lạ, mộc mà nhiều xúc cảm cho ước mơ của các bạn nhỏ. Chương trình chưa bắt đầu,”má” Hiền của bọn nhỏ đã kéo tôi lại một góc hội trường, khoe về “thuốc thần” của má. Mới hai ngày mà bốn cháu bị mệt rồi. Đều là các cháu nhỏ ốm nhom, chưa hề đi xa nhà của Sóc Trăng. Tôi giấu tiếng thở dài suýt bật ra, lại toàn là con nít Sóc Trăng, bộ dạng suy dinh dưỡng, đen nhẻm, rụt rè, vẻ xa cách với người lạ. “Có đứa say xe, có đứa hình như bội thực than muốn ói mà không ói được. Gói thuốc tây có sẵn nhưng mình đã “trữ” sẵn gừng đâm nhuyễn pha nước nóng cho các cháu uống. Theo dõi thấy các cháu khỏe lại mừng quá, món gừng thật là hiệu nghiệm. Sáng năm mình sẽ chuẩn bị sẵn món này”. Chị Hiền là tiểu thương bán quần áo chợ Hòa Hưng. Chị tham gia Câu lạc bộ “Người bán hàng số 1” và là cây văn nghệ nòng cốt mỗi khi có chương trình giao lưu văn nghệ với tiểu thương các tỉnh bạn. Năm nào đến trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon, chị cũng nghỉ bán, đóng sạp một tuần đi chăm sóc các cháu. Có bé gái trại sinh tìm mọi cách vô ngủ chung với má Hiền, quyến luyến mãi sau mới biết cháu mồ côi mẹ.

Ngồi nghe các cháu nói về ước mơ và về nỗi sợ mà thấy rưng rưng. Niềm ước mơ của các cháu tôi cũng lại quẩn quanh nỗi sợ của chúng. Chúng ước mơ: Con mong lớn lên đi làm đủ tiền nuôi mẹ cha khỏi đi làm mướn. Con muốn làm doanh nhân để kiếm được tiền cho kinh tế gia đình ổn định. Con mơ mai mốt làm giáo viên, con đem mấy học trò bị bỏ học về con nuôi dạy hết. Con mong gia đình đủ sống để cho hai chị em con tiếp tục đi học. Và những nỗi sợ: Con sợ mẹ con bệnh nhiều hơn. Con sợ ba con bịnh nhiều chắc ra đi.
Đồng bằng ruộng lúa cò bay thắng cánh, gạo trắng nước trong quê tôi giờ cứ nghe chuyện mấy đứa nhỏ kể là đủ biết, mà cũng hết biết cái sự nghèo rồi. Buổi chiều cho các cháu đi siêu thị, tặng mỗi cháu 100.000đ mua sắm. Nhiều đứa chưa bao giờ đi siêu thị, rất lúng túng. Tôi thấy một cháu mua hộp bánh ChocoPie 69 ngàn. Sao con “xài lớn” vậy. Con tặng mẹ. Các bạn trai thì lấy giấy viết ra cộng trừ, mặt mày nghiêm trọng. Cuối cùng, ban điều hành trại lặng lẽ tính, ngày cuối, sẽ tặng tiếp cho mỗi cháu 100 ngàn nữa để mua quà về nhà. Tất cả trẻ con trại sinh (10-14 tuổii) đều phải nghèo thiệt sự vì sau khi Sở Giáo dục và Hội Phụ nữ các tỉnh chọn những cháu có gia cảnh khó khăn nhất thì BSA đã đi phúc tra từng nhà. Cố gắng tỉ mỉ vậy chủ yếu để tìm ra những cháu nghèo nhất để trao cho các cháu món quà có ý nghĩa: được vui chơi một trại hè có hàng trăm bạn bè thương quý cùng cảnh ngộ, học hiểu và bồi đắp tình yêu thiên nhiên, yêu hàng Việt , yêu gia đình, thầy cô… từ các doanh nhân và nghệ sĩ Đạị sứ hàng Việt.
Mọi năm, con nít đồng bằng nhà nghèo thì cũng đều nhiều cảnh khổ nhưng cảm thấy năm nay là nghèo nhất, khó nhất, hình như cái nghèo đã đi gần đến tận cùng (tận cùng là bọn nhỏ phải nghỉ học đi bán vé số, làm mướn và ban tổ chức trại không tuyển được vì chủ yếu tuyển học sinh). Thấy cái nghèo của gia cảnh tụi nhỏ rối nghĩ tời những người lớn vụ lợi, tham lam, đạo đức giả mới càng thấy bọn đó thật là khốn nạn, mọi rợ.

Bắt đầu “Thắp sáng ước mơ”

Má Hiền nói về thần dược gừng

Nghệ sĩ Đại sứ hàng Việt Phương Dung và nhà thiết kế Sỹ Hoàng chụp ảnh cùng các bạn nhỏ

Ảnh của Kim Anh.

Comments are closed.