(Rút từ facebook của Huy Đức)
Thường, Lê Minh Hà chỉ mất vài dòng để dựng lại một sự kiện, một nhân vật.
Chỉ cần nói “cửa giả thông thống” của “cửa hàng hợp tác xã” đủ đánh thức ký ức một thời bao cấp. Chỉ cần cho thấy cảnh “lổng chổng tre pheo, thúng mủng” đủ hình dung cảnh vỡ chợ khi máy bay Mỹ ném bom Thạch Bích.
Chỉ cần một câu chuyện hai vợ chồng trong nước lũ cố đi tìm trâu, nước xiết, vợ, do nhường cái đuôi trâu cho chồng nắm, bị nước cuốn mất… đủ thấy sự tang tóc của làng Ba Thá trong những ngày “phá đê để cứu Hà Nội” hồi năm 1971.
Có những nhân vật lý lịch có rất ít chi tiết (chỉ biết là “vợ liệt sỹ”) không một lần nhắc đến tên tuổi như “Bà” nhưng vẫn quanh quẩn rất lâu sau khi ta gấp sách.
Có những đứa trẻ chỉ cần một lần Lê Minh Hà cho ta nhìn thấy cậu “đứng bên đống tre ngâm” đủ ám ảnh ta vì thân phận của đứa con một “người lính bảo an” bị chế độ mới đưa đi “cải tạo”.
Bi kịch không ở bên thua cuộc.
Không đợi đến khi “ba Minh” ở chiến trường ra. Chỉ cần nghe Minh phát âm “Mưn ở Tê Sáu Tư” và quan sát cái ngày cậu xin trạm xá về lại Hàng Bồ, đứng trước ngôi nhà bỏ không kể từ khi mẹ mất, “lang thang không muốn hàng xóm nhận ra…,” đủ thấy cái côi cút của của những đứa trẻ trong chiến tranh có cha mẹ là “dân miền Nam tập kết”.
“Còn nhớ nhau không” là cuốn sách đầu tiên tôi được đọc của Lê Minh Hà. Tôi lại không phải là người am hiểu lý luận văn chương nên không rõ cách nhà xuất bản Trẻ gọi “Còn nhớ nhau không” là “tản văn” thì đúng hay sai. Chỉ thấy, cầm sách rồi thì thật khó buông; đọc kỹ 19 câu chuyện trong đó thì thay vì thấy “tản”, chúng lại gắn với nhau rất chặt.
Những câu chuyện vì thế, tuy chủ yếu quanh quẩn ở Ba Thá, đã không chỉ nói về một làng mà còn tái hiện cả một thời miền Bắc.